VNTB
Phạm Tuân
Chôn địa chủ, phú nông xuống đất rồi cho trâu kéo cày qua…
(VNTB) – Tôi sinh ra khi cải cách ruộng đất đã lùi xa, những bài học lịch sử đã dạy tôi rằng đó là cuộc cách mạng long trời lở đất đem lại ruộng đất cho dân nghèo, thực hiện giấc mơ người cày có ruộng ngàn đời của nông dân VN.
Nhưng câu chuyện kể về cải cách ruộng đất của Mẹ tôi thì thật kinh hoàng, gia đình nhà ông ngoại tôi là một trong những gia đình bị quy vào địa chủ, ông tôi được các bác, các cậu đưa đi trốn bà tôi kẹt lại quê cùng mẹ tôi và dì út, những ông đội, những bà cốt cán khi xưa được ông bà tôi cưu mang trả ơn bằng cách tố khổ tên địa chủ đã dám thuê họ cày cấy để bóc lột họ. Trong số ấy có một người con nuôi của ông bà tôi, ông này là trẻ bị bỏ rơi ông tôi mang về nuôi, ngày đấu tố, bà tôi quỳ xuống giữa sân đình, từng ông bà xỉa xói xong đến lượt ông con nuôi ông này đứng trước mắt bà tôi nước mắt lưng tròng nói: “bà biết bà có tội gì không? Ông bà có tội đã dám mang tôi một đứa trẻ không cha không mẹ, không có nơi nương tựa về nuôi, ông bà đã bắt tôi gọi là con, cho tôi được sống làm người, nếu không có ông bà tôi đã chết từ ngày bé vì đói khát…”. Bất ngờ đội cải cách bắt ông ta xuống không được nói nữa và sau đó ông ấy bị đưa ra khỏi đội.
Bà tôi sau ngày đấu tố như một cái xác không hồn, bị giam lỏng trong nhà bếp của gia đình. Sau này bà tôi mất trong tức tưởi, các ông bà nông dân mới đến nhà tôi mang đi mọi thứ có thể, họ gọi đó là chia quả thực. Ông con nuôi của ông bà tôi rình lúc vắng mang cho bà tôi ít cơm quỳ xuống lạy bà rồi trốn đi biệt, sau này không ai trong làng biết ông ấy đi đâu.
Cuộc cải cách ấy làm cho bên ngoại tan tác, sau 1954 gần như toàn bộ họ ngoại đi Nam, 1975 lại phiêu bạt sang Mỹ, Pháp, Canada… Hết cả. Mẹ tôi kể, dù là con địa chủ mẹ và các bác các cậu các dì vẫn phải làm lụng như người làm công, ông bà tằn tiện bán thóc dành tiền mua ruộng để rồi một ngày tan tác xác xơ.
Bố tôi ngày ấy cũng khốn đốn lao đao vì chống lệnh không tham gia đi chỉnh huấn chuẩn bị cho cải cách, cũng không nghe đoàn thể bỏ mẹ tôi con địa chủ.
Nhiều năm sau khi dẫn chúng tôi về quê thắp hương trên mộ bà ngoại, Mẹ tôi hay chỉ cho chúng tôi những gia đình có người đấu tố bà, và được chia quả thực từ tài sản của ông bà tôi. Mẹ bảo: “các con xem họ lại không còn ruộng vườn, lại cúi mặt làm thuê như ngày trước, lười biếng chẳng bao giờ đổi đời được”. Mẹ tôi vẫn cho họ tiền và họ vẫn run run lí nhí khúm núm gọi Mẹ tôi là Mợ Châu như ngày trước cải cách.
Tôi về thăm Mẹ, kể chuyện họ triển lãm về cải cách ruộng đất ở Hà Nội. Mẹ im lặng rồi bảo tôi: “thôi con đừng để ý việc ấy nữa, hãy tha thứ cho họ, tất cả đã qua rồi…”. Nhưng rồi Mẹ lại thở dài: “giá địa chủ ngày xưa mà như mấy ông đầy tớ bây giờ thì đem đấu tố cũng không oan, nhưng mà…”.
Vâng, bây giờ người cày lại không có ruộng, và họ sẽ ra sân nhặt gôn thay Xuân Tóc Đỏ, hay đi bán vé số hoặc theo kiện mỏi mòn nơi vườn hoa góc chợ ngày này qua tháng khác, họ cũng đang chờ một cuộc đổi thay Long Trời Lở Đất nữa để đổi thay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét