AlanPhan
Tố Hữu, Nhân Kỷ Niệm 30 Năm Ngày Thành Lập Quân Đội Trung Quốc(Đại thi hào Tố Hữu, Nguyên Phó Thủ Tướng VNDCCH, Uỷ Viên Trung Ương Đảng –
Trích Tập Thơ Gió Lộng – Xuất bản 1961 tại Hà Nội -)
(GNA: Tuần này, xin giới thiệu bài Thoát Á Luận của Yukichi đã thay đổi tư duy của cả một dân tộc để xây dựng một nước Nhật ngày nay. Khoảng 100 năm sau, nhà tư tưởng Tố Hữu cũng viết những bài thơ gây nhiều hiệu ứng tương tự. Đó là Việt Nam ngày nay.)
Đường Sang Nước Bạn
Đường sang nước bạn chiều xuân
Con tàu liên vận vui chân dặm trường
Đồng Đăng đây, nọ Bằng Tường
Song song đôi mặt như gương với hình
Bên ni biên giới là mình
Bên kia biên giới cũng tình quê hương…
Chào Trung-quốc, giang sơn hùng vĩ,Quê Hồng-quân Vạn Lý Trường Chinh!
Hồn các anh xưa, những người chiến sĩ,
Đầu đỏ ngôi sao, không sợ thác ghềnh.
Từ Giang Tây lên Thiểm-Cam-Ninh,
Ăn tuyết nằm sương, mặt đầy máu bụi,
Lòng mạnh hơn sông, gan to hơn núi,
Vai làm thang, lưng làm cầu.
Rừng thẳm sông sâu,
Không thể gì ngăn được!
Ôi tiếng sáo Ly Quê thuở trước,
Hồng-quân đi đến đâu
“Sông phải rẽ nước,
Núi phải cúi đầu”
Các anh đi, lay động địa cầu.
Từ thuở ấy, nước tôi còn nô lệ,
Máu Xô-viết mới đầm đià đất Nghệ.
Tôi lớn lên, nhưng chưa được làm người,
Thèm một quê hương, một mảnh đất, khoảng trời.
Vời vợi Diên An, mộng mười sáu tuổi!
Từ ấy, đã biết bao đèo suối,
Chúng tôi đi, theo lối các anh đi,
Mười lăm năm trường kỳ kháng chiến,
Như các anh đã đi, đã đến,
Như các anh, giành biển, giành trời,
Hai ngọn cờ đỏ máu thơm tươi,
Chiến thắng ôm nhau, biên cương mở hội.
Hôm nay tôi đi từ Hà Nội,
Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Con tàu đưa tôi đến Trung-hoa:
Bốn hướng mênh mông, bao la trời đất,
Ồ tất cả của ta đây, sướng thật !
Bánh xe quay trong gió, bánh xe quay
Cuốn hồn ta như tỉnh như say,
Như lịch sử chạy nhanh trên đường thép
Đưa ta đến một ngày mai tuyệt đẹp.
Ôi buổi bình minh dày dọc đường
Mướt xanh bờ liễu, vút hàng dương,
Trắng phau nội cỏ cừu phơi tuyết,
Ngạt ngào đồng xanh mịn phấn hương.
Vui nhỉ tiếng cười quanh giếng máy,
Hoa đào đôi bím nở trong sương.
Làng hay phố đó, tường vôi mới,
Băng đá tan trên dòng Trường-giang…
Mặt trời lên, nắng chói lưng đồi,
Hết khổ rồi em nhỉ, Hỉ Nhi ơi!
Em mặc áo hoa, cúi đi hài ấm,
Em nói em cười má em đỏ thắm;
Em đẹp em thơm như quả táo đầu cành,
Phơi phới đời em cao vút như dương xanh.
Trung-quốc đó: Sức thanh xuân bừng dậy,
Có phải chăng xưa nàng tiên nữ ấy
Mấy nghìn năm đày đọa tháp Lôi-phong
Vươn mình lên rực rỡ dưới cờ hồng!
Trung-quốc đó: Bàn tay nào huyền diệu
Đã nắn lại cả dung nhan dáng điệu,
Mặt đồng khô xóa sạch những bờ ngăn,
Như mặt người tươi dần những đường nhăn,
Gót chân bước trên đường xanh nhún nhảy,
Như nhịp trống ương ca, như biển ngời sóng chạy!
Văn Thiên Tường ơi!
Nếu anh sống lại
Đến bến bờ Bột-hải
Thăm Sơn-hải-quan
Anh sẽ không còn khóc mãi
Nàng Mạnh Khương xưa mùa đông
Bơ vơ đi mang áo rét cho chồng
Đắp Trường Thành Vạn Lý
Tôi đã gặp Mạnh Khương nhiều chị
Khắp công trường rộn rã như ong
Vui chồng vui vợ
Vai gánh vai gồng
Bạt núi khơi sông
Mùa đông không lạnh nữa
Tưng bừng đuốc lửa thâu đêm
Cướp thời gian thay búa thay liềm!
Ôi hai chữ Tự-do: Đôi hài vạn dặm,
Đôi cánh thần tiên bay lên xanh thẳm
Tôi đã trông, tôi đã thấy: Nơi đây
Hai mươi năm nhảy vọt một ngày
Sáu trăm triệu bàn tay: Một núi
Thép gang luyện từ bùn lầy, than bụi!
Quang vinh thay Đảng những con người
Cờ đỏ giương cao, đứng dậy làm trời
“Tia lửa nhỏ đốt cháy đồng cỏ rộng”
Mao Trạch Đông!
Tôi đã thấy: Dáng người cao lồng lộng
Đẹp như một ngọn cờ Hồng
Trên mặt người, mặt đất mênh mông.
Tôi đã thấy ngày xưa đâu đó
Một tia lửa nhỏ
Trong xóm nhỏ Tương-đàm (a)
Cháy lan dần, đỏ khắp Hồ Nam
Thành ngọn lửa hôm nay: Trung-quốc !
Soi sáng phương Đông, châu Phi, châu Úc,
Lửa dâng cao, lửa Cách Mạng Tháng Mười
Rát mặt loài lang nhung, ấm dạ loài người.
Sáng thêm nữa, đời đời, ngọn lửa
Của Trung-hoa, của chúng ta, tất cả!
Của chúng ta, muôn ngọn lửa lên cao
Cho cả địa cầu thành một ngôi sao!
******************************************
(a) Tương-đàm: Quê hương Mao chủ tịch.
(b) People’s Liberation Army của Trung Quốc khai sinh vào ngày 1 tháng 8 năm 1927
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét