Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

VN đối mặt không khí nhiễm thủy ngân

Thanh Trúc, phóng viên RFA

2014-09-19
072_K76599.jpg
Người dân Sài Gòn đeo khẩu trang tránh khói bụi, ô nhiễm không khí. AFP photo
http://www.rfa.org/vietnamese/manuallyupload/audio-player/player.swf
Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề tồn tại thủy ngân trong không khí, là cảnh báo từ buổi hội thảo có tên Mạng Lưới Quan Trắc Thủy Ngân Khu Vực Châu Á Thái Bình Dương. Cuộc hội thảo do Tổng Cục Môi Trường Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ, Chương Trình Lắng Đọng Khí Quyển Quốc Gia Mỹ và Cục Bảo Vệ Môi Trường Đài Loan hôm 10/9 vừa qua.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, chuyên gia môi trường từng nghiên cứu về khí độc thủy ngân, giải thích và góp ý về vấn đề tồn tại thủy ngân trong không khí ở Việt Nam như sau:


Năm 1981, khi nhận làm luận án tiến sĩ tại học viện quân sự Warsaw thì tôi bắt đầu nghiên cứu thủy ngân, một kim loại có ánh bạc, chữ thủy ngân có nghĩa là như vậy. Thế thì kim loại ánh bạc này ứng dụng của nó rất nhiều, đặc biệt ở những nước Châu Âu và Mỹ, và nhiễm độc của nó thì cũng rất nhiều. Trước hết nó có trong các mỏ, đi sâu thì phát hiện ra là có nhiễm độc thủy ngân.
Năm 1982 tôi đã tham gia nghiên cứu và tìm hiểu thêm rằng trong cà rốt ở một vùng mỏ của Ba Lan có rất nhiều thủy ngân, hoặc như cách đây vài năm tôi đo nước ở khu Định Công, Hoàng Mai là nơi tôi ở, thì không chỉ có thạch tín, không chỉ có ammoni mà còn có rất nhiều thủy ngân.
Xa hơn nữa ở phía Nam, mạn Thanh Trì phía dưới, một số cây rau và một số cây dược liệu trồng ở đây cũng có thủy ngân.
Thanh Trúc: Câu hỏi tiếp ở đây là  thủy ngân được coi như một dạng kim loại đặc thì bằng cách nào lại có vấn đề tồn tại thủy ngân trong không khí như nhận định của Tổng Cục Môi Trường Việt Nam?
TS Nguyễn Văn Khải: Khi mà tôi nghe nói về nhiễm độc thủy ngân này thì tôi lại nghĩ hơi khác. Thường  người ta chỉ nhìn thấy thủy ngân trong các nhiệt kế, thí dụ nhiệt kế y tế chẳng hạn hay một số nhiệt kế cho đến 100 độ thì có thủy ngân. Xa hơn tí nữa thì người ta nhìn thấy thủy ngân trong các lò, các cặp nhiệt điện để điều khiển độ của lò cũng điều khiển trong đó bằng giọt thủy ngân. Nhưng người ta không thấy một điều thủy ngân là chất lưỡng tính, nếu ở nhiệt độ phòng này thì nó ở dạng lỏng, nó lăn, thậm chí đánh rơi xuống thì nó vỡ thành cục rất nhỏ và nó tản ra.
Kết quả là dưới tác động của ánh nắng mặt trời, dưới tác dụng của oxy, dưới tác dụng của nhiều vấn đề khác khiến hơi thủy ngân lan ra, gây ô nhiễm trong không gian.
– TS Nguyễn Văn Khải
Không ai nghĩ rằng áp suất của nó rất cao, cho nên là trong quá trình nuôi cấy tinh thể thì áp suất thủy ngân bay hơi rất nhanh. Đấy chính là yếu tố  mà tôi đang muốn nói, tức là áp suất thủy ngân rất cao cho nên tốc độ bay hơi rất nhanh, nó lan truyền trong không khí.
Nếu ở Việt Nam hiện nay có chín mươi triệu (90.000.000) cái bóng đèn ống huỳnh quang, trong mỗi bóng đén dù chỉ có 3 miligram , nhưng 3 miligram đó mà nhân với 90 triệu cái thì tức là lượng thủy ngân rất nhiều. Khi dùng xong người ta vất cái ống đó đi , khi vất ra nó vỡ hoặc người ta đập hai cái đầu để lấy kim loại thì thủy ngân đó bắn ra trong không gian và bay hơi.
Ấy là chưa kể tại các mỏ, khi người ta khai khoáng thì có H2S là dễ thấy nhất, nhưng người ta không ngờ rằng còn có H2HOD tức là Hydro thủy ngân là chất rất độc hại. Và rồi trong các chất khác nó bị oxy hóa nó trở thành Etyl  thủy ngân, Metyl thủy ngân. Và hơn hết trong một số thuốc chữa bệnh, dược liệu, thì người ta  pha thủy ngân vào. Thí dụ ngày xưa chữa răng hoặc là một số bệnh về da liễu thì người ta dùng một số chất có thủy ngân. Chính tất cả những cái này đều bay hơi trong không khí. Ngày xưa thì không nhiều nhưng đến giờ không khí của chúng ta bị ô nhiễm bởi nhiều chất như xăng dầu, mùi  hôi thối, khí thải công nghiệp…
Tất cả những cái này tích tụ lại, trở thành những hợp chất thủy ngân nhưng lại dưới dạng hơi. Đấy là cái nguy hiểm nhất. Cần  nói kỹ hơn  là chúng ta và đang dùng thủy ngân  ngày càng nhiều trong công nghiệp, trong y tế, trong cuộc sống chung. Sau khi dùng thì những cái phế thải có thủy ngân không được chọn lọc cất đi hoặc là bảo quản hoặc làm sạch lại mà lại để nó vương vãi trên đất, vương vãi trong không gian.
Kết quả là dưới tác động của ánh nắng mặt trời, dưới tác dụng của oxy, dưới tác dụng của nhiều vấn đề khác khiến hơi thủy ngân lan ra, gây ô nhiễm trong không gian. Tôi rất đồng ý với ý kiến cho là cần phải báo động bởi đến rác còn không thu gom cẩn thận  nói chi đến chuyện thu gom thủy ngân.
Xử lý ra sao
Thanh Trúc: Ông nói đó là thủy ngân bẩn chứ không phải thủy ngân sạch, vậy tác hại của thủy ngân bẩn trong  không khí đối với sức khỏe con người như thế nào?
TS Nguyễn Văn Khải: Đầu tiên nó tác dụng vào đường hô hấp để thấm vào trong phổi và trong các cơ quan nội tạng. Thủy ngân có thể tan biến thành những hạt rất nhỏ, nó có thể thấm vào lỗ chân lông, qua  lớp biểu bì vào thịt vào da và theo máu. Lúc đó là nguy hiểm vô cùng bởi vì nó bị oxy hóa cao.
Khi nhiệt kế vỡ thì không ai nghĩ rằng những hạt thủy ngân có thể thấm vào da qua lỗ chân lông, tác động vào đường hô hấp và rồi ức chế vào máu, bị gan, bị thận, bị rụng tóc. Chuyện này thì người ta đã nói rất nhiều.
Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, theo thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường, ông Bùi Cách Tuyến, để tham gia vào mạng lưới thử nghiệm quan trắc thủy ngân khu vực Châu Á Thái Bình Dương thì trong tương lai Việt Nam sẽ trang bị thêm công cụ thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm thủy ngân trong không khí. Ông nghĩ sao về lời khẳng định này?
Người ta chỉ nói đến xử lý chất thải rắn, xử lý nước, nhưng không ai động đến xử lý khí thủy ngân là một trong rất nhiều loại khí độc.
– TS Nguyễn Văn Khải
TS Nguyễn Văn Khải: Để xử lý thủy ngân chắc Việt Nam sẽ còn rất lâu, bởi ngay xử lý rác, xử lý khói ở các lò đốt rác còn chưa cẩn thận, xử lý khói bụi của các lò sinh hoạt các lò công nghiệp còn chưa thể hiện tốt thì làm sao mà nói đến chuyện xử lý được hơi thủy ngân. Đầu tiên phải ứng dụng khoa học vào công nghệ xử lý rác thải rồi sau đó xử lý các loại khí thải. Người ta chỉ nói đến xử lý chất thải rắn, xử lý nước, nhưng không ai động đến xử lý khí thủy ngân là một trong rất nhiều loại khí độc.
Việt Nam chưa hề công bố, thí dụ ở vùng A vùng B, là khí thải có những chất độc gì. Hãy  thử đến các vùng mà người ta  khai khoáng, bụi mù trời như thế, hơi  độc mù lên như thế, nắng độc như thế, xe ô tô chạy cuốn bụi mù trời như thế …Có thể một hai năm nữa Việt Nam có dụng cụ đo, nhưng tôi nghĩ chỉ cần một câu cuối cùng: làm thế nào để thu gom được thủy ngân trong không khí, trong đất và trong nước?
Thứ hai là cách bảo quản, cách sử dụng, tái sử dụng hay gom giữ lại thủy ngân sau khi sử dụng còn chưa nói đến thì  chuyện đo trong không khí lọc trong không khí vẫn còn là chuyện rất lâu.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Văn Khải về bài góp ý của ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét