Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Giới trẻ Việt Nam với tin biểu tình ở Hong Kong

RFA

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-10-08
05DD97C3-1EEA-4BB5-BCDA-C9C1137B6783_mw1024_s_n.jpg
Ba bạn trẻ Việt Nam bên cạnh những cây dù với thông điệp ủng hộ dân chủ ở Hong Kong. Photo by Nguyễn Hoàng Thanh Tâm
http://www.rfa.org/vietnamese/manuallyupload/audio-player/player.swf
Trong lúc các sinh viên Hồng Kông đồng loạt biểu tình yêu cầu người đứng đầu Hồng Kông Lưu Chấn Anh từ chức và yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc hãy để người Hồng Kông tự quyết định vận mệnh của họ, tự bầu giới thiệu, ứng cử và bầu chọn lãnh đạo của họ, có thể nói là một cuộc biểu tình hết sức gay cấn và làm thế giới thay đổi cách nhìn về Á Châu… Thì tại Việt Nam, ở thành phố Hà Nội, thủ đô của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, giới trẻ yêu nước đã bắt đầu thể hiện thái độ ủng hộ sinh viên Hồng Kông bằng nhiều hoạt động khác nhau, dường như cuộc biểu tình của giới trẻ Hồng Kông đã truyền lửa rất mạnh cho giới trẻ Hà Nội nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung.


Một bạn trẻ tên Hiền, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội, chia sẻ:
“Bản chất của người Hồng Kông thì nhiều năm dưới dân chủ nó khác, nó hoạt động bài bản hơn chứ không phải căm thù lật đổ. Về bản chất thì họ đang đấu tranh cho một nền dân chủ hơn, họ đang đấu tranh cho nền dân chủ Hồng Kông chứ không phải nền dân chủ Trung Hoa, quyền dân chủ, mức sống cao, truyền thống… nó đã khá hơn nhiều nên sự căm thù không nhiều. Ở Hà Nội thì chỉ có những người có nhận thức đấu tranh dân chủ họ mới để ý, xôn xao thôi!”
Theo Hiền, vấn đề giới trẻ Hồng Kông đấu tranh, biểu tình không phải là vấn đề bất ngờ vì trong thời gian lưu trú ở Hồng Kông để làm một số việc liên quan đến kỹ thuật điện ảnh, cô cũng đã loáng thoáng nhận ra vấn đề này. Tuy nhiên, điều làm cô bất ngờ nhất chính là thái độ của người biểu tình cũng như chiến thuật và sự chuẩn bị hết sức chu đáo của giới trẻ Hồng Kông. Điều này cho thấy họ đã tính toán rất kỹ lưỡng và chuẩn bị khá lâu trước đó.
Và sở dĩ Hiền không bất ngờ chuyện sinh viên, giới trẻ Hồng Kông biểu tình rầm rộ bởi vì theo cô dự đoán, lần biểu tình này của giới trẻ Hồng Kông chỉ là lần châm ngòi vào một sợi dây cháy chậm dẫn đến trái phá mang tên Dân Chủ Không Tồn Tại Với Độc Tài. Vì thế giới hiện tại là thế giới phẳng, thế giới của những luồng tri thức và văn hóa giao thoa trong từng đơn vị giây đồng hồ, mọi sự lạc hậu cũng như ấu trĩ sẽ sớm bị loại bỏ khỏi văn minh nhân loại.
Trong khi đó, thế giới của những kẻ độc tài bao giờ cũng là một thế giới khép kín, mọi hoạt động của các công dân trong các quốc gia độc tài luôn nằm ở dạng chỉ định và bị áp đặt. Chính sự chỉ định và áp đặt nhằm phục vụ lợi ích cho phe nhóm độc tài đã làm cho tầm quan sát cũng như mọi tri kiến của mọi cộng dân bị giới hạn trong lăng kính của kẻ độc tài. Và một khi con người hiểu được nhu cầu cần tiến bộ, cần văn minh của mình, nhất định người ta sẽ loại bỏ độc tài ra khỏi suy nghĩ và đời sống của họ.
Theo Hiền, giới trẻ Hồng Kông vốn dĩ được sống trong một xã hội văn minh và dân chủ dưới sự bảo trợ của Anh quốc, nhưng kể từ sau năm 1997, họ phải đối diện với một cuộc sống hoàn toàn xa lạ bởi sự quản lý của nhà cầm quyền Trung Cộng. Ngay từ đầu, chắc chắn họ chẳng ưa gì nhà cầm quyền Trung Cộng bởi tính độc tài cố hữu của nó. Nhưng sự chịu đựng cũng như hy vọng thay đổi đã kéo dài mười bảy năm nay đã quá đủ để bùng nổ khi giới trẻ nhận ra bàn tay sát của chủ nghĩa độc tài Trung Cộng đã chính thức đặt lên đôi vai thế hệ họ thông qua những qui định bầu cử hết sức vô lý vào năm 2017 sắp tới.
Nếu bây giờ sinh viên, giới trẻ Hồng Kông không đứng lên thì cơ hội đó sẽ chẳng bao giờ quay trở lại. Và Hiền cũng lấy làm buồn cười khi có nhiều nhà doanh nghiệp chưa phải là già cỗi của Hồng Kông lại tỏ thái độ phản đối biểu tình bởi họ cho rằng biểu tình lâu dài làm ảnh hưởng nền kinh tế Hồng Kông. Điều này, các bạn trẻ Hà Nội lại nhìn theo chiều hướng hoàn toàn khác.
image001-400.jpg
Bạn Thanh Tâm (trái) chia sẻ cùng Joshua Wong tại Hong Kong
Một bạn trẻ tên Phúc, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ thêm:
“Bây giờ thì cũng giống như trước năm 1975 vậy đó, họ đã làm biết bao cuộc đấu tranh. Giờ với sinh viên Hồng Kông tập hợp một vài ngàn người thì không khó, cục diện chung thì hiện tại chính quyền đã can thiệp vào quá sâu rồi nên sẽ là một cuộc đối đầu. Nhưng với tinh thần bây giờ thì sẽ kéo dài còn lâu đó, cụ thể thì mình không biết vì không có nhiều thông tin, thấy riêng về mặt tinh thần thì họ rất quyết tâm, rất sẵn sàng, sinh viên thì họ đã có truyền thống vậy mà…”
Theo Phúc, hiện tại, giới sinh viên Việt Nam đã bắt đầu nóng lên, nghĩa là thành phần ủng hộ sinh viên Hồng Kông đã tăng rất cao, theo cách này hoặc cách khác, giới sinh viên Việt Nam thể hiện sự đồng cảm của họ. Có nhóm tổ chức buổi thảo luận nhỏ về giá trị dân chủ cũng như tương lai đất nước khác nhau như thế nào giữa dân chủ và độc tài bằng một bữa tiệc sinh nhật ngụy trang hoặc bữa cà phê nhỏ chừng năm, bảy người.
Cũng theo chỗ tìm hiểu và chia sẻ thông tin của Phúc qua trang mạng xã hội Facebook thì hiện nay, ở các làng khu vực có nhiều trường đại học tại Hà Nội cũng như làng đại học Thủ Đức, Sài Gòn, hầu như hệ thống an ninh đã siết chặt một cách bất thường, các chốt chặn bất ngờ xuất hiện khắp các lối ra vào ở các làng đại học mà theo Phúc nhận xét thì đây là một dấu hiệu khá nhạy cảm.
Tiếp lời của Hiền, Phúc cho rằng cuộc cách mạng dân chủ của giới trẻ Hồng Kông cũng như nhiều cuộc cách mạng dân chủ khác ở các nước độc tài trên khắp thế giới là những cuộc cách mạng bắt buộc phải xãy ra, không thể tránh khỏi, điều này nằm trong qui luật bảo tồn nòi giống của thế giới con người. Và nhu cầu tiến bộ là nhu cầu quan trọng giống như máu phải luân lưu trong cơ thể.
Phúc lấy làm tiếc khi có những nhà doanh nghiệp Hồng Kông lại đứng ra phản đối biểu tình của lớp trẻ, vì như vậy chẳng khác nào tự chứng mình sự kém hiểu biết cũng như tính ích kỉ của họ là có thật. Bởi lẽ, để có được một nền dân chủ đích thực, không thể sợ mất vài năm làm ăn, mất vài khoản lợi tức mà đòi hỏi người làm kinh tế cũng như người hoạt động chiính trị phải biết nhìn ra bài toán của tự do, dân chủ lâu dài, vì chỉ có tư do, dân chủ mới đảm bảo mọi hoạt động trong xã hội phát huy hết công năng sáng tạo của nó bởi miếng vải đen chủ nghĩa che trên mắt đã được lấy đi. Nhưng rất tiếc, giữa xứ sở thương mại như Hồng Kông vẫn có những doanh nghiệp có cách nhìn rất ấu trĩ và ngô nghê như vậy!
Và cũng theo nhận định của Phúc, câu chuyện biểu tình ở Hồng Kông chỉ là câu chuyện khởi sự cho mùa xuân dân chủ khắp các châu lục. Nơi nào còn chìm trong nạn độc tài chuyên chế, nơi ấy sẽ có những mùa đấu tranh dân chủ chất ngất hào khí của tuổi trẻ.
(Nhóm phóng viên RFA tường trình từ Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét