Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Kỳ 75: Mao Trạch Đông – ‘Hoàng đế đỏ’ của Trung Hoa cộng sản!

Motthegioi

Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 75: Mao Trạch Đông – ‘Hoàng đế đỏ’ của Trung Hoa cộng sản!

Mao Trạch Đông – ‘Hoàng đế đỏ’ của Trung Hoa cộng sản!
Mao Trạch Đông – ‘Hoàng đế đỏ’ của Trung Hoa cộng sản!
   Ngay những năm còn lận đận với cuộc kháng chiến chống Nhật, Mao Trạch Đông đã để mắt đến viễn cảnh của một “thiên triều” mới do Mao thiết lập và làm “Hoàng đế đỏ”…

Thật vậy, qua tài liệu do tự tay Mao viết, với tựa “Cách mạng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc” phổ biến năm 1939 (lúc Trung Quốc bước vào năm thứ hai của cuộc kháng chiến 8 năm chống “đế quốc mặt trời đỏ Nhật Bản”) – đã sớm bộc lộ tâm tưởng đó – Mao viết:- “Sau ngày đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc : Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận – Anh chiếm Miến Điện, Butan, Hương Cảng – Pháp chiếm An Nam…”. Dùng cụm từ “các nước phụ thuộc của Trung Quốc” trong đó có An Nam (Việt Nam) rõ ràng Mao muốn “xóa” và “ghép” chủ quyền của một số quốc gia khác vào nước Trung Hoa của Mao. Mười năm sau (tháng 6.1949), một lần nữa “các nước phụ thuộc” theo ý Mao lại được nhắc đến qua lần tái bản (sách trên) bởi cơ sở Tân Hoa thư điếm – Dực Nam.
Đến 1954, Trung Quốc ấn hành “Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại” tại Bắc Kinh kèm tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc bao gồm nhiều nước Đông nam châu Á và vùng biển Đông một cách trắng trợn.  
Đẩy xa hơn, chủ tịch Mao Trạch Đông không cần giấu giếm, nói thẳng với các đại biểu Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay) tại hội đàm Vũ Hán năm 1963 về chủ trương bành trướng của giới cầm quyền Trung Nam Hải:
- Tôi sẽ làm chủ tịch của 500 triệu bần nông tràn xuống Đông nam châu Á.
Minh họa chủ trương đó, Mao đưa ra một số đối chiếu cụ thể đầy ẩn ý về trường hợp Thái Lan. Mao nói, diện tích cả nước Thái Lan so với một tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc tương đương nhau – nhưng về dân số Tứ Xuyên đông gấp đôi Thái Lan – cần đưa bớt người Trung Quốc xuống Thái Lan cư trú. Mao cũng nói, nước Lào dân cư thưa thớt, Trung Quốc phải đưa người xuống Lào lập nghiệp…
Sau ngày Trung Quốc thử nghiệm thành công bom nguyên tử lần đầu tiên năm 1964, Mao càng quyết liệt và công khai khẳng định chủ trương bành trướng của mình trong Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 8.1965:
- Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore…
Riêng với Việt Nam ?
Mao Trạch Đông muốn duy trì tình trạng bị chia cắt, không thống nhất và trực tiếp nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam (11.1956):
- “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường  kỳ… Nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm!”.
Mao đặc biệt muốn nắm Việt Nam làm bàn đạp mở đường xuống các nước khác ở phương nam. Tại hội đàm giữa lãnh đạo của bốn đảng cộng sản: Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Lào (Quảng Đông – 9.1963) – thủ tướng Chu Ân Lai đánh tiếng:
- Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông nam châu Á.
Xâu chuỗi các phát biểu trên cũng đủ để nhận ra phần nào “giấc mộng thiên triều đỏ” được Mao và các đại thần Trung Nam Hải ấp ủ. Để rõ hơn – và để các bạn tham khảo thêm, chúng tôi trích nguyên văn dưới đây một đoạn trong văn kiện quan trọng “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” của Bộ Ngoại giao nước CHXHCN VN công bố ngày 4.10.1979:
“Những người cầm quyền Bắc Kinh rêu rao cái gọi là “chủ quyền” của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đầu năm 1974, với sự đồng tình của Mỹ, họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, bộ phận lãnh thổ của Việt Nam để từng bước kiểm soát biển Đông, khống chế Việt Nam và toàn bộ Đông nam châu Á, đồng thời khai thác tài nguyên phong phú ở vùng biển Đông (…) Những người lãnh đạo Trung Quốc coi Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu đối với chiến lược của họ, luôn luôn tìm cách nắm Việt Nam. Muốn như vậy, nước Việt Nam phải là một nước không mạnh, bị chia cắt, không độc lập và lệ thuộc Trung Quốc. Trái lại, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và giàu mạnh, có đường lối độc lập tự chủ và đường lối quốc tế đúng đắn là một cản trở lớn cho chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, trước hết là cho chính sách bành trướng của họ ở Đông nam châu Á.
“Đó là nguyên nhân vì sao trước đây họ vừa giúp, vừa kiềm chế cách mạng Việt nam, mỗi khi Việt Nam đánh thắng đế quốc thì họ lại buôn bán, thoả hiệp với đế quốc trên lưng nhân dân Việt Nam. Vì sao từ chỗ giấu mặt chống Việt Nam họ đã chuyển sang công khai thù địch với Việt Nam và đi tới trắng trợn tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam?.
“Chính sách của những người lãnh đạo Trung Quốc muốn thôn tính Việt Nam nằm trong chính sách chung của họ đối với các nước Đông nam châu Á cũng như đối với các nước láng giềng khác. Họ đã muốn chiếm đất đai của Ấn Độ và thực tế đã chiếm một bộ phận đất đai của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh năm 1962; Họ không muốn có một nước Ấn Độ mạnh mà họ cho rằng có thể tranh giành với họ “vai trò lãnh đạo” các nước Á-Phi. Họ vẫn mưu toan chiếm Mông Cổ, mặc dù họ đã công nhận nước Cộng hoà nhân dân Mông Cổ là một quốc gia độc lập (…) Họ tập trung mọi cố gắng để dấy lên một cuộc “thập tự chinh quốc tế” của các lực lượng đế quốc và phản động chống Liên Xô dưới chiêu bài “chống bá quyền” theo công thức của chủ tịch Mao Trạch Đông “Ngồi trên núi xem hổ đánh nhau”. Như nhiều nhà chính trị và báo chí Tây Âu nhận định, Trung Quốc quyết tâm “đánh Liên Xô đến người Tây Âu cuối cùng” – cũng như Trung Quốc trước đây đã quyết tâm “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”.
Lúc còn sống, Mao không thực hiện trọn giấc mộng “hoàng đế đỏ” với các chư hầu bao quanh. Nhưng lớp hậu duệ của Mao đã và đang tiếp tục ảo vọng kia, đã và đang làm biển Đông dậy sóng. Mấy ngày qua (từ 20.10.2014), các nhà quan sát thời cuộc và giới truyền thông quốc tế cảnh báo về những hoạt động mới nhất của Trung Quốc trên vùng đá Chữ Thập và các bãi đá khác ở Trường Sa (mở rộng mặt bằng, xây sân bay và tiền đồn chiến lược). Trường Sa (với đá Chữ Thập) thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng đoạt theo trình tự và thủ đoạn ra sao ? Tài liệu sẽ trưng dẫn ở kỳ sau…  (còn nữa).
Giao Hưởng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét