Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Thư gửi Đoan Trang (P.3): “Dân chủ chụp mũ” hay làm gì cho dân chủ?

VNTB

Thư gửi Đoan Trang (P.1): Đừng vội trách tuổi trẻ
Thư gửi Đoan Trang (P.2): Có nên “bài cộng sản”?
Lê Trân Ký
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
“Dư luận viên” Nguyễn Văn Minh. Ảnh: Facebook Nguyễn Văn Minh
Hiện tượng dân chủ chụp mũ
Ngoài việc chụp mũ một cá nhân, tổ chức là tay sai cộng sản thì một hiện tượng phổ biến khác diễn ra trên các mạng xã hội là chụp mũ dư luận viên và xỉ nhục chức danh này.


Đó là thói quen thường thấy, chúng ta đang trên đường đấu tranh cho một nền xã hội dân chủ, nơi sự bất đồng chính kiến được tôn trọng. Nhưng một số người chưa hiểu hết được điều đó. Bất cứ ai, bất cứ điều gì trái ý họ liền bị chụp mũ là dư luận viên và xỉ nhục nó dưới cái tên “dư lợn viên”, “dân ba củ”.
Chúng ta nhân danh tự do ngôn luận, mong muốn thiết lập các giá trị phổ quát nhân loại tại Việt Nam. Nhưng rõ ràng, chúng ta cần phải học cách ứng xử/ thái độ dân chủ. Mặc dầu, không ngớt nói đến vấn đề tự do, dân chủ.
Vậy nên, trừ khi có bằng chứng chắc chắn, còn không, thì không ám chỉ, không áp đặt danh xưng “dư luận viên” lên bất cứ người nào. Vì hành vi đó tương đương với hành vi “bịt miệng đối phương”. Đối với một số người đã rõ ràng là “dư luận viên” thì cũng tránh xúc phạm nhân phẩm, danh dự của họ, nghề nghiệp của họ như: “dư lợn viên”.
Ông Trần Nhật Quang hay cô sinh viên Hoàng Thị Nhật Lệ, kể cả tác giả Nguyễn Văn Minh (hay viết bài đả kích người hoạt động dân chủ trên báo Quân đội nhân dân)… chưa phải là người nói điều hay lẽ phải. Nhưng rõ ràng, họ có quyền được nói lên suy nghĩ, chính kiến của mình mà không phải đối mặt với sự sỉ nhục dưới các ám ngữ khác nhau.
“Dư luận viên” Trần Nhật Quang.
Dân chủ, đến từ đối thoại, tranh luận dựa trên sự tôn trọng, chứ dân chủ không đến từ việc chụp mũ nhau bằng mọi giá. Dân chủ không phải là sự kêu gào hay quan điểm ngoài môi, mà dân chủ là sự thực hành liên tục tinh thần cũng như đạo đức dân chủ. Trong đó bao hàm tự do và tôn trọng sự tự do (về mặt ngôn luận, học thuật…).
Khi chúng ta xác định đường lối đấu tranh bất tuân dân sự và đấu tranh cho dân chủ, thì từ hành động cho tới lời nói phải ôn hòa và dân chủ (dân chủ từ cơ sở). Tránh mọi khiêu khích có thể xảy ra và bản thân phải biết chấp nhận cả bất đồng chính kiến.
Xin đừng nhìn vào Joshua Wong và những bạn trẻ Hồng Kông mà chỉ thấy mỗi ngưỡng mộ, hãy nhìn vào đó để học hỏi cách ứng xử của các bạn ấy: văn minh, lịch sự, ý thức rất cao về tự do dân chủ. Nhìn để giảm bớt thái độ cho đến lời nói mang phong thái “chợ búa”, đôi co, chửi rủa, thách thức các lực lượng chức năng, vì những điều đó chỉ tạo cớ cho họ (chính quyền) hành xử một cách bạo lực.
Tôi hiểu những người đang dấn thân đấu tranh cho dân chủ, tự do ở Việt Nam hiện nay không phải là Đức Phật hay Chúa Jesus về mặt quyền năng, nhưng bản năng của một người đi đầu trong đấu tranh dân chủ là sự cảm hóa, tránh mọi lời nói thóa mạ, mạ lị những đối tượng đứng bên kia. Tôi hiểu rằng, Việt Nam không được hưởng cơ sở dân chủ như Hồng Kông, nhưng không vì thế mà chúng ta làm biến chất dân chủ được.
Bởi muốn hình thành nên một xã hội dân chủ bền vững, chứ không phải là một xã hội vô chính phủ về sau, thì những người trong phong trào dân chủ cần nhận thức đúng về dân chủ thông qua thái độ của mình. Và sự cốt yếu, tính hữu dụng của cách hành xử dân chủ trong từng chặng đường đấu tranh mới là điểm cần đến, chứ nó không được tính bằng một vài cuộc họp báo, hay được phỏng vấn bởi báo chí nước ngoài.
Có như vậy, thì xã hội dân chủ ở phía trước sẽ là một xã hội dân chủ thực sự với một nhà nước pháp quyền thực chất. Nếu hiện tượng “chụp mũ” dân chủ đi sâu vào thành bản chất thì nền dân chủ về sau sẽ không khác gì nền dân chủ nửa mùa sau “cách mạng” như Ukraina, Nga….
Xã hội dân sự, suy cho cùng cũng chỉ là tập hợp nhiều nhóm người, đa tiếng nói, nhưng lại cùng một mục tiêu. Nơi tạo ra lớp người để phần lớn dân tộc này đủ tin mà đi theo.
Do đó, để tránh hiện tượng dân chủ chụp mũ phá hoại phong trào từ bên trong. Những cá nhân, tổ chức đấu tranh dân chủ nên học tập cách hành xử dân chủ của nhóm Thái Độ vào cuối thập niên 60, đầu 70 ở Sài Gòn. Nhóm từng có lập trường chống cộng sản vì không chấp nhận phương thức làm cách mạng, chứ không phải chống lại việc làm cách mạng của họ. Chống lại chính sách Hoa Kỳ tại Việt Nam chứ không chống Hoa Kỳ. Và chủ trương thực hiện cách mạng xã hội (không cộng sản).
Hay mới đây, có một nhóm bạn trẻ công khai tự xưng là dư luận viên (Sài Gòn), tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ tập dượt về cách hành xử dân chủ qua cách đối luận với nhóm bạn này trong nhiều vấn đề liên quan đến đất nước.
Chế độ dù có bất công đến mấy, nhưng chừng nào chưa xây dựng được lớp người có đủ trình độ nhận thức về “dân chủ, bất tuân dân sự, ôn hòa” thì tiến hành lật đổi hay thay đổi thể chế là điều không nên. Đó là lý do vì sao, đã có ý kiến rằng, phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay nên bắt đầu quay trở lại con đường của cụ Phan Châu Trinh.
Bảo vệ và ghi nhớ
Đoan Trang thấy mừng không khi thấy Hội Bầu bí tương thân ra đời vào cuối năm 2013 và Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam ra đời vào ngày 18/02/2014? Đối với tôi, nó là sự phấn khởi đến tột cùng, vì đến giờ này, chúng ta cũng có một tổ chức để nhắc nhở nhau không quên những nhà đấu tranh dân chủ đang bị giam cầm.
Có một thời điểm, mà người đấu tranh rơi vào trạng thái cô đơn, khi họ dấn thân mở đường cho một nền tảng tương lai dân chủ Việt Nam, nhưng bị bỏ rơi ngay khi bước vào tù, bị bơ vơ khi ra tòa, và bị lãng quên sau khi được tha.
Trong bài “Chân dung một người tù bị lãng quên” của tác giả Huỳnh Trọng Hiếu trên Dân Luận, đã cho thấy điều đó, khi bác Nguyễn Tuấn Nam, một tù nhân chính trị vừa mới thi hành xong 18 năm tù trong tổng số 19 năm mà Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên phạt đối với cá nhân ông. Khi “Trên thực tế, chúng tôi không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ đảng Nhân Dân Hành Động hay cá nhân ông Nguyễn Sỹ Bình. Tôi là người tiếp xúc và trao đổi thường xuyên với ông Bình cũng như nhiều nhân vật lãnh đạo khác ở Hoa Kỳ và Âu châu trước khi tôi bị bắt. Tuy nhiên, tôi không nhận được sự hỗ trợ nào, trong suốt quãng thời gian bị giam cầm trong lao tù, tất cả anh em trong tổ chức cũng không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào. Có vài người đã chết vì không được viện trợ”.
Đó là cách thức vắt chanh bỏ vỏ mà những “nhà đấu tranh dân chủ” Việt Nam trước đó đã làm. Cách hành xử ấy vắt kiệt nguồn nhân lực dám dấn thân, và bằng cách đó, nó triệt tiêu gần như hoàn toàn sự phản kháng tại Việt Nam. Và xin đừng đổ tội này cho cộng sản, tay sai cộng sản.
Thứ hai là, hiện nay, phong trào dân chủ ở giai đoạn đầu, đang còn rối về mặt tổ chức lẫn hướng đi. Và tôi thấy, chúng ta đang tiến hành một nền dân chủ diễn thuyết bằng cách vận dụng mạng xã hội.
21 tổ chức ra đời, mỗi một tổ chức đều mang những cái tên khác nhau. Nhưng đúng như Đoan Trang nhận định, vấn đề trùng lắp nhiệm vụ hoặc khái quát mục tiêu của từng tổ chức Hội vẫn là vấn đề đang gặp phải.
Đấu tranh cho dân chủ là mục tiêu chung, là cách nói khái quát. Nhưng cụ thể nó là gì?
Hội nhà báo Độc lập là nơi truyền tin tức, phản biện xã hội thì tổ chức Lao Động Việt phải là nơi tiếp xúc và đấu tranh lợi quyền cho người lao động.
Một số Hội như Bầu bí tương thân và Hội Cựu tù nhân lương tâm; Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo có trùng lắp nhiệm vụ không? Hội đồng Liên Tôn và Hội Cao Đài là về mặt tôn giáo, bảo vệ tự do tôn giáo, vậy thì Hội Bảo vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo có trùng lắp không?…
Sự ra đời của một hội đoàn bất kỳ là điều đáng mừng, nhưng nếu cứ tiếp tục ra đời, mà không đi sâu – đi sát về mặt nhiệm vụ thì dẫn đến hiện tượng “lạm phát tổ chức”.
Nhiệm vụ chung chung là đấu tranh dân chủ luôn được nhắc đến, nhưng đấu tranh thực chất, theo từng tiêu chí Hội thì lại ít được chú trọng. Do đó, trùng lắp, lặp lại, chồng chéo nhiệm vụ là điều khó tránh khỏi.
Mục đích ra đời của các tổ chức Hội là tập hợp các cá thể rải rác, trở thành một cộng đồng với nhiệm vụ chung nhất. Nhưng trong tình hình hiện nay, mỗi hội đoàn dù nhiều, nhưng số thành viên (thậm chí là lãnh đạo/ điều hành) lại rải rác, một người nhiều Hội, Đoàn. Thì đó cũng là sự tái rải rác dưới một hình thức khác mà thôi.
Dân chủ là gì? Đơn giản chỉ là cách thức để hiện thực hóa những điều cơ bản ở người dân.
Vì vậy, nếu một hội đoàn bất kỳ tồn tại chỉ góp phần làm dài thêm danh sách thì Đoan Trang có nghĩ nên tự giải tán hoặc là tiến tới sáp nhập hội lại với nhau nhằm tăng thêm nguồn lực, nhân lực hay không?
Vì chỉ có làm như thế, thì mới có chuyển biến từ lượng sang chất, tính chặt chẽ tăng lên, tính lỏng lẻo, tự phát giảm xuống. Khắc chế được trường hợp mạnh ai nấy làm như hiện nay.
Bên cạnh đó, việc duy trì nền tài chính độc lập và minh bạch, từ đóng góp của thành viên lẫn đóng góp bên ngoài, các hội đoàn cũng cần chú ý tiến hành các hoạt động kinh doanh bên lề để gia tăng quỹ hội.
***
Không ai biết được tương lai, nền chính trị – xã hội Việt Nam sẽ trải qua những biến cố nào. Nhưng ở vị trí là những người quan tâm đến vấn đề thịnh vượng quốc gia thông qua việc từng bước đấu tranh và giành lấy quyền tự do, dân chủ căn bản ở hiện tại và tương lai cho mỗi người Việt. Tôi tin, chúng ta sẽ quyết định được việc chúng ta là ai, chúng ta hành xử như thế nào, chúng ta đấu tranh ra sao, và xã hội mà chúng ta gây dựng dân chủ, tự do đến mức nào?
Do đó, dù tôi không mong mỏi hay kỳ vọng quá lớn vào các tổ chức, cá nhân đấu tranh dân chủ hiện nay, nhưng thông qua các hoạt động trong thời gian qua, tôi biết, đó là tia hy vọng duy nhất mà mình có thể tin vào.
Và tôi biết, chúng ta còn một quãng đường đi dài hơi, nhưng tôi và bạn bằng sự học hỏi không định kiến và thái độ ôn hòa, bằng tinh thần dân chủ lẫn trách nhiệm dân chủ, bằng việc hành xử đúng như một chủ thể/ tổ chức dân chủ thực sự, rũ bỏ đi sự cực đoan, mạo danh vốn gây nhiễu thông tin bấy lâu nay… Sẽ xây dựng được một nội lực dân chủ đủ mạnh, cùng với ngoại lực, dốc sức đưa hai tiếng Việt Nam vươn mình lớn dậy một lần nữa. Và khi đó, hai tiếng Việt Nam là hai tiếng tự hào ở một xã hội tự do dân chủ thực sự, chứ không còn là hai tiếng tủi nhục, cay đắng và bĩ cực như ở xã hội hiện tại.
Và đấy, đấy sẽ là cách hành xử dân chủ, hướng đi dân chủ và là nền dân chủ mà chúng ta tìm đến! Đoan Trang ạ!
Thư gửi Đoan Trang (P.1): Đừng vội trách tuổi trẻ
Thư gửi Đoan Trang (P.2): Có nên “bài cộng sản”?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét