Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Tinh thần Bùi Thị Minh Hằng – Kỳ 4: Thằng kia xuống thì tao mới lên

Nguyễn tường Thụy RFA

Sáng 26/9/2014, để lại tất cả tư trang tại khách sạn, mọi người đến khu vực tòa án bằng nhiều tốp. Đến gần tòa án thì chúng tôi bị chặn lại bởi một đám đông vừa sắc phục công an, vừa dân phòng vừa thường phục, nam nữ đủ cả, có người mang thêm băng đỏ. Họ bố trí người chặn từ khá xa. Thấy chúng tôi đến, rất nhiều cặp mắt lập tức dồn về phía chúng tôi. Ngoài chúng tôi, còn một số dân oan. Đứng một lúc thì họ bắt đầu xua chúng tôi đi.

-Tại sao chúng tôi không được đứng ở đây?

-Đây là khu vực bảo vệ.
-Cái gì chứng tỏ là khu vực bảo vệ? Bảo vệ cái gì? Biểm cấm không. Ba-ri-e cũng không. Tại sao xe cộ vẫn cứ đi mà lại cấm người đứng trên vỉa hè?
-Nhưng đây là lệnh trên.
-Lệnh gì tôi không biết. Không phải bất cứ ai cũng có thể dùng lệnh miệng bắt bất cứ ai làm theo ý của mình được. Đất nước phải có luật pháp.
Tôi chỉ vào đám không sắc phục, cả nam cả nữ:
-Sao các anh không đuổi những người kia trước đi. Họ đứng gần tòa hơn chúng tôi.
-Rồi chúng tôi sẽ bảo họ đi.
Đại khái cứ đôi co như thế. Chúng tôi vẫn đứng ỳ ra đấy. Biết rằng không thể dễ dàng đuổi chúng tôi vì vô lý, họ quay sang xua ba bà dân oan. Các bà thi nhau tố khổ. Có bà còn hát kể nỗi khổ mất nhà mất đất, lời dựa theo làn điệu cải lương, vừa hát vừa diễn đạt có vẻ rất nghề. Bị đuổi riết, các bà ngồi phệt xuống vỉa hè mang cơm ra ăn.
Tôi hỏi chuyện các bà, rằng các bác ở đâu, biết cô Hằng như thế nào. Mới được mấy câu, một bà mắng tôi xối xả:
-Các ông đè đầu cưỡi cổ, cướp bóc của dân, tay sai cho Tàu. Các ông ác vừa vừa thôi…
Bà xổ ra một tràng. Chưa bao giờ tôi bị mắng mà lại cảm thấy vui như thế. Hạnh giải thích, bác này không phải cán bộ của đảng đâu, bác chuyên bệnh vực và giúp dân oan đấy. Rồi cô quay sang tôi trêu: “Tại hôm nay anh diện quần áo đẹp để đón Minh Hằng nên các bác mới nhầm”.
Lúc sau thì công an mang xe đến, bắt tuốt ba bà đi. Tôi chạy theo kéo được một bà lại. Tôi bảo hai đứa con gái đang xốc nách bà:
-Bà này bằng tuổi mẹ tuổi bà các cháu, chác cháu làm gì phải biết lẽ phải, không được phép thô bạo như thế. Mà bà này từ nãy đến giờ có nói gì đâu.
Chúng nó nhả bác ấy ra. Rồi sau bắt lại hay không tôi không biết nữa.
Cánh bảo vệ phiên tòa lại đến yêu cầu chúng tôi ra khỏi khu vực mà chúng bảo là khu vực cấm. Hai bên lại nhì nhằng đôi co như trước. Chúng lại bỏ đi.
Tới khoảng 9 giờ 30 thì chúng tổ chức thành một đội quân nhằm hướng chúng tôi xông tới. Tôi biết chúng sẽ cưỡng chế về đồn.
-Chúng tôi mời các bác về đồn để cấp trên của chúng tôi nói chuyện.
-Yêu cầu cho biết lý do? Cấp trên của các anh muốn gặp thì bảo ra đây gặp chúng tôi.
Anh em chúng tôi lớn tiếng phản đối. Lời qua tiếng lại ầm ỹ.
Tôi nói:
-Thế này nhé, các anh bảo mời chúng tôi nhưng chúng tôi không có nhu cầu gặp cấp trên của các anh. Chúng tôi không chấp nhận lời mời ấy.
Chúng cứ xông vào chúng tôi để “mời”. Tôi nói to cho tất cả nghe thấy:
-Bây giờ phải xác định như thế này, nếu các anh mời, chúng tôi đã trả lời dứt khoát là không chấp nhận lời mời. Còn nếu các anh muốn bắt thì đưa lệnh đây, chúng tôi sẵn sàng cho các anh còng tay. Còn các anh mời không được, lệnh bắt không có mà cưỡng bức chúng tôi về đồn là hành vi vi phạm pháp luật. Các anh đủ cơ bắp phương tiện, vũ khí làm việc đó nhưng chúng tôi kịch liệt phản đối.
Trước những tiếng phản đối dồn dập, chúng không biết trả lời sao, cứ xông vào lôi chúng tôi đi. Bài của chúng là như thế. Việc bắt bớ là vô pháp nhưng chúng thích làm như thế. Mà vô lý thì phải dùng bạo lực Một tay tầm 65 tuổi xô đẩy chúng tôi hăng hái nhất. Tôi bảo hắn: Ông với tôi đều già rồi, làm gì cũng phải nghĩ đến để lại phúc đức cho con cháu.
Tôi trèo lên thùng xe đứng nhìn ra các phía nói lớn:
-Đây là hành vi bạo ngược của Công An Cao Lãnh. Là cái tát vào mặt chế độ. Một chế độ vô pháp. Nhân dân căm thù các anh.
Lê Dũng một tay cầm tờ báo công an cuộn lại, măng sét quay ra ngoài, đầu húi cua cũng đứng lên xe sắp xếp. Hắn chỉ vào một đứa:
-Thằng này xuống.
Hẳn là nó tưởng Lê Dũng là sếp ngoài Bộ vào, nhanh nhẹn chấp hành. Dũng lại chỉ tiếp:
-Thằng kia xuống.
Rồi chỉ vào Nguyễn Ngọc Lụa:
-Con kia lên.
Lụa đang đứng dưới đường, chỉ tay vào Lê Dũng:
-Thằng kia xuống thì tao mới lên.
Hạnh vội nói nhỏ với Lụa:
-Không phải quân nó đâu. Anh Lê Dũng đấy.
-Thế à chị. Em nghe nói đến anh Lê Dũng nhiều nhưng giờ mới biết. Không nghĩ gặp anh ấy trong hoàn cảnh thế này.
Nói rồi, cô trèo lên xe.
Sắp đặt xong, Lê Dũng cũng tự chọn cho mình một chỗ ngồi, chấp nhận để chúng bắt về đồn.
Tôi nhìn quanh, thấy quân ta còn lố nhố dưới lòng đường, liền bảo:
-Khoan, còn nhiều người lắm, điều thêm xe mới chở hết.
Rồi bảo mấy cậu thanh niên:
-Gọi hết mọi người về đây. Xa thì thì gọi điện.
Chắc chẳng phải vì tôi giục, bọn chúng điều thêm một chiếc xe nữa.
Chúng tôi ngồi ngất ngưởng trên hai xe ngắm phố, tiếng cười tiếng nói ríu rít.
Chúng đưa chúng tôi về đồn công an Phường Mỹ Phú, nhét vào một phòng. Kiểm quân được 11 người tất cả: tôi, Trần Bang, Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Ngọc Lụa, Lê Dũng, Mai Xuân Dũng, Lai Tiến Sơn, Khởi Hoàng, Phạm Nam Hải, Dương Đại Triều Lâm, Trịnh Bá Phương.
Rồi thỉnh thoảng, chúng lại đổ về một đợt, chẳng biết bắt ở đâu, trong trường hợp nào. Quân chúng tôi bị bắt vào đồn dần đông lên. Vừa đổ thêm Nguyễn Thị Nhung (mẹ bé Uyên), Lê Hoàng, TimSim Tran, được một lúc thì đã thấy Hồ Nguyễn Nhật Thành, rồi Nguyễn Hoàng Vi. Hoàng Vi lặc lè cái bụng sắp sang tháng thứ 9 bước vào.
Gặp Nhung, tôi mới nhớ ra khi ở Hà Nội, bé Uyên bảo mẹ con đi, quên không mang theo laptop, bố liên lạc với mẹ con qua điện thoại nhé. Ý con là muốn tôi sắp xếp để cùng đi với mẹ cháu đến Cao Lãnh. Thế rồi cái vụ cấm điện thoại, chỉ được dùng sim rác làm tôi quên khuấy đi mất, cuối cùng vào đến đây anh em chúng tôi mới gặp nhau. Nhưng thế cũng vui. Lần đâu hai anh em tôi cùng bị bắt về đồn.
Thêm 2 đợt nữa đổ “tù binh xuống”. Hai đợt này gồm Lương Dân Lý, Phạm Nhật Thúy Phương, Trần Thị Ty (Hạnh Phúc Là Gì), Ngủ Chưa Say và 4 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là Bùi Thị Xuân (chị vợ tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Minh), Nguyễn Văn Mạnh, Lê Văn Phi, Trần Thị Thu.
Tổng cộng chúng đưa về đồn Phú Mỹ 24 người. Bốn người khác là Lã Việt Dũng, Minh Khang, Hoàng Bùi, Lâm Bùi, chúng bắt về rồi nhưng lại mang đi chỗ khác, không hiểu do đồn Mỹ Phú chật hay chúng phân loại đối tượng.
Gặp nhau trong đồn công an bao giờ cũng vui. Chẳng ai quan tâm đến chúng sẽ làm gì, thẩm vấn, đe dọa hay đánh đập, trông thấy nhau chỉ thấy cười rinh rich, chào hỏi nhau ríu rít.
Tôi mở máy bảng ra, lướt qua các trang mạng thấy số người bị bắt có tên lúc này đã lên tới 56. Số dân oan chắc còn nhiều hơn thế nữa.
Như vậy, số người đến Cao Lãnh với mục đích tham gia phiên tòa công khai đã bị công an Cao Lãnh bố ráp bắt gọn, nếu có sót ai thì cũng chỉ đếm trên một bàn tay.
Công an Việt Nam đã đàn áp, giải tán biểu tình, đám đông rất nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên, họ quyết tâm bắt gọn. Hoặc là xuất phát từ đầu óc cát cứ, Công an Cao Lãnh muốn chứng tỏ cho chúng tôi biết đây là Cao Lãnh chứ không phải Hà Nội hay Sài Gòn. Nhưng đâu chỉ Cao Lãnh hay những tỉnh lẻ mới làm càn làm bậy. Ngay thủ đô đầy rẫy những việc làm quái đản như bắt người đến thăm tù nhân mãn hạn đang bị quản chế vào đồn tra vấn như ở xã Chương Dương, huyện Thường Tín, hay đánh vỡ đầu người biểu tình rồi vứt ra đường trước cổng trại Lộc Hà
Dù giải thích cách nào thì ai cũng phải thừa nhận: Luật pháp Việt Nam hiện nay là do Đảng CSVN sinh ra.
Tuy vậy, đảng CSVN vẫn không có đủ bản lĩnh để thi hành luật pháp do chính mình đặt ra. Họ có thể đổ cho tại cấp dưới hành xử bừa bãi. Nhưng họ “trăm tay nghìn mắt cơ mà”. Phải chăng, luật pháp không thể đặt ra khắt khe hơn, để dưới con mắt toàn nhân loại, họ cũng có một Hiến pháp ghi nhận quyền con người. Nhưng loài người ngày càng cảnh giác. Họ nhìn vào việc làm chứ không nhìn vào lời nói.
20/10/2014
NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét