Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Người Việt với thực đơn thân ái cho người vô gia cư

Thanh Trúc, phóng viên RFA

2014-11-27
Những thành viên trẻ trong Nhóm Tình Thương Virginia phục vụ bữa ăn cho người vô gia cư ngày Chủ Nhật 23 tháng 11, 2014
Những thành viên trẻ trong Nhóm Tình Thương Virginia phục vụ bữa ăn cho người vô gia cư ngày Chủ Nhật 23 tháng 11, 2014  -RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/manuallyupload/audio-player/player.swf


Đêm nay, ngày thứ Năm tuần lễ cuối tháng Mười Một, ngày Lễ Tạ Ơn ở Hoa kỳ. Mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, chia xẻ bữa cơm tối thịnh soạn, đầm ấm và hanh phúc.
Hội nhập nhanh chóng và thông cảm


Người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ đã hội nhập vào truyền thống tạ ơn cao đẹp mà không cần thắc mắc hay lý giải như lời ông Vũ Văn Lộc, giám đốc IRCC Cơ Quan Định Cư Và Văn Hóa Của Di Dân tại thành phố San Jose, miền Bắc California từ năm 1976 đến giờ:
Ý nghĩa của sự tạ ơn thuộc về văn hóa Mỹ mà bây giờ được thế giới hưởng ứng bởi con người ta thì ai cũng phải tạ ơn một điều gì có ý nghĩa nhất trong cuộc sống. Người Việt Nam mình thì nhập gia tùy tục, mình đã hòa nhập vào việc này một cách rất nhanh chóng và thông cảm.
Người Việt Nam của mình tạ ơn một cách cụ thể là hay mời những người bảo trợ cho những ngày đầu tiên định cư tại nước Mỹ.
Rồi với thời gian trôi qua, khi đã an cư lạc nghiệp, người Việt ở khắp nơi trên nước Mỹ bày tỏ lòng tri ân của mình một cách khác hơn. Họ đến với những người không nhà, những người vô gia cư trên đường phố:
Vô gia cư là vấn nạn đặc biệt của những quốc gia có những đô thị lớn. Nếu mà ở nhà quê hết thì không có ai là không có nhà cả. Đời sống đô thị bây giờ không giống như ở thôn quê, thêm nữa homeless có những hoàn cảnh đặc biệt cho nên không một đảng nào, chính phủ nào, tổng thống nào giải quyết dứt khoát được được tất cả cái vấn nạn vô gia cư tại nước Mỹ. Vì vậy cho nên mỗi năm đến kỳ Thanksgiving hay Giáng Sinh thì ông bà tổng thống đi dự ngày Lễ Tạ Ơn rồi đi phát cơm cho những người vô gía cư ở chỗ nào, có hai ba nơi để chọn. Đến tổng thống cũng làm như vậy thôi.
Ý nghĩa của sự tạ ơn thuộc về văn hóa Mỹ mà bây giờ được thế giới hưởng ứng bởi con người ta thì ai cũng phải tạ ơn một điều gì có ý nghĩa nhất trong cuộc sống. Người Việt Nam mình thì nhập gia tùy tục, mình đã hòa nhập vào việc này một cách rất nhanh chóng và thông cảm
ông Vũ Văn Lộc
Miền Đông Bắc Hoa Kỳ
Tại miền Đông Bắc, khi thu vừa dứt và đông tràn về, trời lạnh làm kẻ không nhà co ro buốt giá. Đây là lúc những buổi cơm với thức ăn Việt được mang tới cho những nhà tạm trú trong thành phố. Chúa Nhật ngày 23 vừa qua, một buổi ăn trưa do Nhóm Tình Thương Virginia đảm trách tại một nhà tạm trú cho người vô gia cư trong thành phố. Trường nhóm Tình Thương Virginia, bà Lê Tống Mộng Hoa:
Nhóm được thành lập năm 2005, nhưng đến 2006 chúng tôi bắt đầu đãi cơm trưa cho người vô gia cư tại Bailey Crossroad Homeless Shelter, một năm hai lần, trước Lễ Tạ Ơn và vào dịp Tết Nguyên Đán. Bữa cơm chúng tôi thết đãi họ nhân dịp Lễ Tạ Ơn gồm gà tây, thịt nguội, khoai nghiền ,mấy thứ đậu, bắp. Chúng tôi còn có những món ăn đặc biệt của Việt Nam như chả giò, mì xào, gà chiên…
Nhưng không phải chỉ ngày Lễ Tạ Ơn thì người Việt ở vùng thủ đô nói riêng mới nghĩ đến những kẻ sống lang thang lây lất ngoài đường. Trước giờ đã có nhiều tổ chức người Việt đều đặn lo lắng bữa ăn cho người không nhà mỗi tháng một lần:
Lúc trước thì có chùa Pháp Vương và bây giờ có Nhà Việt Nam. Chùa Pháp Vương thì họ cho ăn chay, còn Nhà Việt Nam thì mỗi tháng một lần vào ngày Chúa Nhật. Nhóm của tôi không có nhiều người để làm mỗi tháng một lần nên tôi chọn Lễ Tạ Ơn. Tết Việt Nam thì mình cho họ ăn những món cổ truyền của mình. Mỉnh chỉ muốn đưa ra cái giá trị tinh thần là chúng tôi cám ơn và muốn đem lại cho quí vị niềm vui.
Miền Tây Hoa Kỳ
Tại miền Tây nước Mỹ, thành phố San Jose Bắc California, mỗi tháng một lần và đôi khi hai lần, có nghĩa là quanh năm, chương trình Thực Đơn Thân Ái với những món ăn Việt Nam cho người vô gia cư, diễn ra mỗi chiều thứ Bảy tuần lễ thứ tư của tháng. Ông Vũ Văn Lộc, giám đốc IRCC Cơ Quan Định Cư Và Văn Hóa Của Di Dân, cho biết:
Thực ra chuyện đơn giản thế này, chúng tôi cùng nhiều đoàn thể Việt Nam khác đi họp với nhà thờ, với cộng đồng người Mỹ ở đây nói chung, thì nhiều khi cũng suy nghĩ nói là bây giờ chúng tôi là những người định cư cũng tạm ổn định và bây giờ muốn đóng góp vào xã hội Hoa Kỳ thì làm cái gì? Thì ai người ta cũng nói nên giúp người vô gia cư là cái vấn nạn chung.
Thấy chuyện này thực tế thì chúng tôi bắt đầu, cứ vào thứ Bảy tuần thứ tư là chúng tôi lên phiên. Ở chỗ chúng tôi làm thì ngày thường những người vô gia cư tới trung tâm này mà có đồ khô hay bất cứ gì thì họ cho mọi người ăn. Nhưng những ngày cuối tuần thì trung tâm kêu gọi nhà thờ, các nhà hảo tâm hay những đoàn thể có tính cách từ thiện nấu đồ ăn nóng cho họ vào chiều thứ Bảy và Chủ nhật. Chúng tôi nhận và từ đó trở đi trở thành một cái Thực Đơn Thân Ái gồm có những món ăn Việt Nam dành cho người vô gía cư vào chiều thứ Bảy tuần thứ tư của mỗi tháng.
Suốt năm 1992, IRCC một mình đảm trách các buổi ăn tại Invision Home, một trong hai trung tâm dành cho người vô gia cư do liên bang và tiểu bang tài trợ. Những người chẳng may vì lý do này hay lý do khác mà bị mất việc rồi mất nhà thì có thể ghi danh xin tạm trú trong Invision Home ít nhất sáu chục ngày, được một buổi ăn chính mỗi ngày và được hưởng dịch vụ y tế miễn phí cho đến khi xin được việc làm.
Nhóm được thành lập năm 2005, nhưng đến 2006 chúng tôi bắt đầu đãi cơm trưa cho người vô gia cư tại Bailey Crossroad Homeless Shelter, một năm hai lần, trước Lễ Tạ Ơn và vào dịp Tết Nguyên Đán
bà Lê Tống Mộng Hoa
Bước sang năm 1993, việc cung cấp Thực Đơn Thân Ái của IRCC nhẹ nhàng hơn khi mời gọi được sự tham gia từ các đoàn thể người Việt trong thành phố San Jose:
Người Việt ở San Jose chuẩn bị  Thực Đơn Thân Ái cho người vô gia cư
Người Việt ở San Jose chuẩn bị Thực Đơn Thân Ái cho người vô gia cư
Các đoàn thể tự động tới ghi tên nhiều hơn là nhu cầu mà chúng tôi kêu gọi. Như mùa này thì đôi khi lại phải xem có người nào người ta bỏ cuộc vào ngày khác. Thí dụ tuần trước thì đã lo rồi nhưng tuần này có người bỏ cuộc thì đoàn thể Việt Nam thu xếp để mà lên phiên.
Có tổ chức mỗi năm chỉ cần lên phiên phục vụ bữa ăn cho người vô gia cư một lần là đủ. Cứ thế và đều đặn thay phiên nhau, tính đến lúc này Thực Đơn Thân Ái đã đi trọn 23 năm với 265 buổi ăn và cả trăm ngàn phần ăn được dọn ra:
Thực ra thức ăn cho người vô gia cư là một nhu cầu quanh năm, thế nhưng đặc biệt mùa này thì những thức ăn nóng Việt Nam nó mang lại cái tình cảm, cái sự ấm cúng giữa lòng người yểm trợ lấy nhau nó nhiều hơn là những lúc khác.
Với lại tôi cũng muốn chia xẻ một điều như thế này, tôi không rõ ở vùng khác như thế nào, nhưng ở vùng chúng tôi thì các tiệm ăn Việt Nam không có bị những người vô gia cư lần quẩn ở đó nhiều. Có đôi khi quí vị thấy một người homeless đẩy một chiếc xe chợ với bao nhiêu “gia tài cồng kềnh “ trong đó, đứng trước một tiệm McDonald rồi vào đó ăn. Nhưng quí vị ít khi thấy một người không nhà vào một tiệm ăn Việt Nam mà ăn phở thí dụ như vậy. Cho nên cái Thực Đơn Thân Ái này không những giúp cho người vô gia cư ở vùng chúng tôi có được bữa ăn nóng mà đặc biệt lại đem đến cái hương vị Việt Nam cho những người có đôi khi cả đời chưa bao giờ ăn những món đơn giản như chả giò Việt Nam, cơm chiên kiểu Việt Nam hay bất cứ món ăn nào của Việt Nam.Đó là ý nghĩa của vấn đề trao đổi văn hóa qua cái tình cảm nhân đạo.
Hai mươi ba năm qua, rất nhiều hội đoàn của người Việt ở San Jose góp sức vào chương trình Thực Đơn Thân Ái, trong đó đáng kể nhất là những tổ chức đã phục vụ trên 10 lần như Ban Xã Hội Công Giáo, Gia Đình Phật Tử An Lạc, nhóm anh em Báo Mõ, Gia Đình Kiến Trúc Việt Nam, Hiệp Hội Kim Hoàn.
Chiều thứ Bảy 22 vừa qua, buổi ăn cho người vô gia cư San Jose với Thực Đơn Thân Ái do các cựu học sinh trường Petrus Ký đảm nhận. Bác sĩ Trần Văn Nam, hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Petrus Ký vùng Bắc California, cho Thanh Trúc biết đây là lần dọn ăn thứ tư của hội:
Vì chúng tôi nghĩ đây là Mùa Tạ Ơn, mình đã sống trên đất Mỹ rồi mình cũng phải phục vụ những người ở đây mà kém may mắn. Đó là một trung tâm tạm trú cho người vô gia cư, năm nay họ chỉ cho những người tạm cư tại chỗ do đó chỉ khoảng độ 100 thực khách tham dự. Mấy năm trước thì phải trên 200.
Điều Thu rất sung sướng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn hàng năm vẫn quyên góp áo quần cũng như những và vật dụng như dầu gội đầu kem đánh răng và có một cái bàn kế bên để những người không nhà vô ăn xong rồi họ chọn những đồ họ có thể dùng được
cô Hoàng Mộng Thu
Thức ăn đãi người vô gia cư do anh em Petrus Ký đóng góp. Chúng tôi mua ở những tiệm ăn rất ngon và rất thịnh soạn như chả giò, bánh mì, xà lách, gà, cơm chiên, nước uống, bánh ngọt. Năm nào chúng tôi cũng lấy trong quĩ của Petrus Ký để chi tiêu cho cái buổi đó. Mấy năm trước trong số những thực khách đến chúng tôi thấy có người Việt Nam. Chúng tôi vẫn tiếp tục dài dài để mà mỗi năm, nhất là vào mùa Thanksgiving với Giáng Sinh thì mình không quên những người kém may mắn.
Ngày mai, thứ Sáu 28, một ngày sau Lễ Tạ Ơn, Thực Đơn Thân Ái lại đến với người vô gia cư qua sự bảo trợ của chủ nhân một tiệm vàng trong thành phố. Phối hợp tổ chức buổi ăn sau lễ này là cô Hoàng Mộng Thu, một người chuyên hoạt động xã hội, thành viên của Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn vùng San Jose:
Năm nay người chủ nhân tiệm vàng có ngân khoản thành họ kêu một nhà hàng dọn thức ăn nóng cho khoảng 140 người. Tất cả những lần mà người Việt Nam mình vô dọn ăn trong những ngày đó thì những người không nhà họ rất là vui và ăn rất ngon miệng .
Chương trình này Thu đã thực hiện với bên IRCC của bác Vũ Văn Lộc cũng như rất nhiều cá nhân đã đóng góp vô. Điều Thu rất sung sướng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn hàng năm vẫn quyên góp áo quần cũng như những và vật dụng như dầu gội đầu kem đánh răng và có một cái bàn kế bên để những người không nhà vô ăn xong rồi họ chọn những đồ họ có thể dùng được.
Với cô Hoàng Mộng Thu, Thực Đơn Thân Ái quanh năm cho người vô gia cư ở San Jose là một thành công về mặt nhân đạo của người Việt nơi thành phố này:
Thu cảm thấy hãnh diện là người Việt Nam mình bao năm nay rồi, dù xa xứ xa quê nhưng vẫn thành công trong lãnh vực nào đó mà nhất là sự thành công của nhân đạo, mình vẫn yểm trợ cho người bản xứ những người không nhà trong thành phố mình đang ở.
Số liệu cho thấy toàn quốc Hoa Kỳ có chừng ba triệu người không nhà dù vô tình hay cố ý. Có người cực chẳng đã trở thành vô gia cư do thất nghiệp, bệnh hoạn. Cũng có người, cách nào đó, trở thành kẻ lang thang không nhà vì vướng vào rượu, ma túy, hoặc bệnh tâm thần.
Đáng chú ý hơn cả là trong số ba triệu người homeless vô gia cư ấy thì một triệu là trẻ em, những đứa bé từ khi lọt lòng mẹ đã chịu cảnh màn trời chiếu đất, những em nhỏ mà suốt thời thơ ấu không được tắm trong nhà, không được ngủ trong chăn êm nệm ấm với cửa buồng đóng lại. Tất cả những thiếu nhi không may đó đều là công dân Hoa Kỳ, cha mẹ là những thường nhân hợp pháp trên một xứ sở hùng mạnh và thịnh vượng mà nhiều người ao ước đặt chân đến. Vẫn lời ông Vũ Văn Lộc:
Những trung tâm của chúng tôi thì thường người lang thang ngoài đường tới để ăn, còn chỗ shelter thì nhiều khi mình phải đem thức ăn đến cho các em. Thường tôi thấy không có thực phẩm gì đặc biệt cho các em, ăn chung như vậy các em ăn được tí gì thì ăn. Riêng trẻ nhỏ thì người ta cung cấp sữa là chuyện đương nhiên ở đó có sẵn rồi.
Thành ra vấn để trẻ em tham dự chương trình của chúng tôi dưới hình thức như thế này là có đôi khi gia đình họ cũng có nhà nhưng họ không có tiền mua thực phẩm cho nên cả gia đình con cái tới ngồi ăn giống như một buổi cơm chiều. Mỗi một lần trong số một trăm thực khách cũng có ba bốn gia đình như vậy. Phải nói thêm họ cũng đi xe hơi và họ ở ngay trên cái xe hơi đậu ở một góc đường nào đó ngay ở đâu đó.
Chúng tôi nhìn những người vô gia cư đó như những người thường thôi, mà họ cũng có cái tự tin, họ không ngại rằng mình là homeless. Hai bên người trao thực phẩm và người nhận như là khach vậy thôi. Đó cũng là điểm mà mình thấy mình có thể bình tĩnh tham dự vào chương trình xã hội này được.
Tối nay, đúng ngày Lễ Tạ Ơn, Thanh Trúc xin được cùng quí vị hòa lời tri ân cuộc sống với bao may mắn đầy đủ mà chúng ta đang được hưởng, để thấy mình phải sống xứng đáng hơn và làm được nhiều điều ích lợi hơn nữa cho xã hội và cho tha nhân.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở phút này. Thanh Trúc kính chào. Hẹn gặp lại quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét