Trong lúc gần đây những tù nhân lương tâm, bất đồng chính kiến đồng
loạt bị côn đồ cô lập, giam lỏng tại nhà hay theo đeo bám, theo dõi
ngoài đường với sự trợ lực ngấm ngầm của công an. Câu hỏi đặt ra tại sao
họ tiếp tục bị sách nhiễu như vậy mặc dù họ đã thi hành án và trở về
gia đình sinh hoạt như những người dân khác?
Tù nhân lương tâm và các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam sau khi thi
hành án không ai có thể yên thân sống đời bình thường như những công dân
khác. Họ sẽ thường xuyên bị theo dõi, hăm dọa thậm chí hành hung bởi
những khuôn mặt xã hội đen mà theo nhiều người cho rằng không ít trong
họ là công an giả dạng.
Gia đình thấy vậy là nguy hiểm thì
telephone lên cho công an ở đây. Anh cũng biết những người công an ở đây
không có khả năng dọn dẹp được nên họ không chịu xuống.
-Phạm Minh Hoàng
Gần đây nhất là việc xảy ra tại gia đình ông Phạm Minh Hoàng, hiện
đang bị quản chế và liên tục theo dõi bởi công an các loại. Gia đình ông
Hoàng có cho anh Nguyễn Bắc Truyển thuê nhà từ vài tháng nay nhưng
không yên thân bởi những người được phân công theo dõi anh.
Sáng hôm nay ngày 5 tháng 11 một nhóm người đã ngang nhiên bày tiệc
nhậu trước cửa nhà anh Nguyễn Bắc Truyển và tỏ thái độ coi thường pháp
luật đến nỗi khi chủ nhà ra nhắc nhở yêu cầu họ tránh ra, họ liền lấy
dao ra đe dọa gần như muốn hành hung khổ chủ. Bà Oanh vợ ông Phạm Minh
Hoàng cho biết vụ việc như sau: “Từ lúc anh Truyển về ở, không biết bằng cách nào họ thuyết
phục được cái nhà từ nhà mẹ chồng tôi nhìn xéo qua cho họ ngồi nhờ. Họ
ngồi ngay cửa nhà đó họ canh gần như là 24/24. Không biết ban đêm thì
sao chứ Truyển đi đâu thì họ đi theo đó. Bây giờ, lúc nào Truyển đi dâu
họ cũng đi theo. Sáng nay, nhóm đó vẫn ngồi bên nhà bên kia nhưng đây
lại là một nhóm khác nữa. Trong đó có một người là công an (do tôi nhìn
đôi giầy nên tôi biết là công an) nhưng mà họ giả như là dân côn đồ:
nghĩa là ở trần rồi đem đồ qua để mà nhậu ngay cửa nhà của tôi.”
Ông Phạm Minh Hoàng, một tù nhân lương tâm vừa thi hành án xong cho biết thêm chi tiết:
Ông Emmanuel Ly Batallan, Tổng lãnh sự Pháp
tại TPHCM chụp hình chung với GS Phạm Minh Hoàng và anh Nguyễn Bắc
Truyển hôm 5/11/2014. Courtesy VRNs.
“Nhà của mẹ tôi có cho anh Bắc Truyển, một tù nhân lương
tâm, ở. Đối với họ thì anh Nguyễn Bắc Truyển rất là nguy hiểm nên cứ
canh chừng hoài. Họ cho người đến ngồi ngay trước cửa đến nỗi anh không
đi ra đươc. Gia đình có đến nói với họ thì họ có thái độ, lời nói rất là
lỗ mãng. Đến lúc họ cầm dao ra đe dọa vợ tôi vì vợ tôi nói anh ngồi như
vậy là không được nhưng họ cứ cầm dao nhứ ra. Gia đình thấy vậy là nguy
hiểm thì telephone lên cho công an ở đây. Anh cũng biết những người
công an ở đây không có khả năng dọn dẹp được nên họ không chịu xuống.”
Bà Oanh cho biết ông Tổng lãnh sự Pháp tại TP/HCM là ông Ly-Batallan
đã được thông báo vụ việc nhằm lên tiếng bảo vệ cho ông Hoàng vốn là một
người mang quốc tịch Pháp, bà kể lại: “Với tình hình như vậy nên ông xã tôi mới làm phiền đến ông
Tổng Lãnh sự. Thực sự, lúc đầu cũng chưa muốn như vậy mà chỉ là kêu
công an khu vực xuống. Mình mời họ xuống để giải quyết nhưng họ kiếm cớ
là họ đang họp. Ông xã tôi nói mấy anh đang họp mà mấy anh biết là tính
mạng của người dân đang bị đe dọa thì cuộc họp có quan trọng không?
Mời các anh xuống để mà coi chứ nếu mà mẹ tôi có chuyện gì là các anh
chịu trách nhiệm. Sau đó, ông ta nói là để ông ta thu xếp. Ông ta họp
rồi xuống. Tuy nhiên, chờ hoài không thấy xuống nên chồng tôi gọi lại
thì tắt máy. Gọi 3, 4 cuộc sau đều tắt máy. Do mình không còn ai bảo vệ
nữa nên buộc lòng ông xã tôi mới gọi cho ông Tổng Lãnh sự. Chồng tôi là
công dân Pháp nên tất cả mọi sự bảo vệ đều dành cho chồng tôi. Việc ông
Tổng Lãnh sự xuống can thiệp là việc hoàn toàn đúng đắn.”
Những cuộc tra tấn tinh thần
Đại tá Phạm Đình Trọng một nhà văn quân đội cũng không ngoại lệ, ông
bị theo dõi và sách nhiễu liên tục từ tháng Tám tới nay, ông cho rằng
hành động gây khó khăn của nhân viên an ninh cho bản thân ông không khác
gì những cuộc tra tấn tinh thần đối với người bất đồng chính kiến, ông
kể: “Họ cứ dùng sức mạnh và quyền lực nhà nước mà ngăn cấm và
xâm phạm quyền tự do đi lại của tôi. Việc này kéo dài gây ra căng thẳng
và đảo lộn. Nhiều khi muốn đi cũng không thể đi được bởi vì tôi đi ra
thì họ sừng sộ, gây chấn động tâm lývà rất là căng thẳng. Đây là một thứ khủng bố tinh thần. Nó cũng tàn ác như thể là họ hành hung,đánh đập anh Trương Minh Đức. Đây là tra tấn đánh đập về tinh thần còn kia là về thể xác.”
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một tù nhân lương tâm nổi tiếng của Việt Nam
cũng không ngoại lệ, ông cho biết ông và nhiều người khác đã và đang bị
theo dõi, cô lập thậm chí hăm dọa từ những ngày qua. Ông nghi ngờ có một
chiến dịch rộng khắp đang bao vây những người hoạt động dân chủ nhân
quyền, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế thuật lại:
Nhiều khi muốn đi cũng không thể đi
được bởi vì tôi đi ra thì họ sừng sộ, gây chấn động tâm lý và rất là
căng thẳng. Đây là một thứ khủng bố tinh thần. Nó cũng tàn ác như thể là
họ hành hung, đánh đập anh Trương Minh Đức.
-Đại tá Phạm Đình Trọng
“Sáng nay, đầu tiên tôi nhận những tin báo từ chị Dương Thị
Tân, anh Điếu Cày và đứa con. Sau đó tôi nhận được tin báo của anh
Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Minh Hoàng. Ít phút sau, ngay tại
nhà tôi là họ thiết lập ngay một canh gác có hai người. Hai người này
mới khác với hai người trước và dáng điệu cho đến cử chỉ, hành động có
tính cách đe dọa. Đe dọa hẳn hoi. Họ không xông vào nhà, không kiểm soát
gì nhà tôi hết nhưng họ đi qua, đi lại. Nếu mà tôi đi ra thì họ theo
sát.”
Anh Nguyễn Bắc Truyển cho rằng sở dĩ chính quyền tập trung đối phó
một cách tiêu cực với những người tù nhân lương tâm do họ sợ sinh hoạt
của các tổ chức xã hội dân sự mà Hội tù nhân lương tâm là nơi đáng lo
ngại nhất, anh Truyển nói: “Thời gian gần đây, mỗi lần có các vụ hội họp
của các tổ chức xã hội dân sự thì họ luôn tăng cường công an mật vụ tới
với thái độ đe dọa và ngăn cản tôi ra khỏi nhà. Tôi bị họ theo dõi 4
năm nay. Sau khi tôi ra khỏi tù thì họ thường xuyên theo dõi 24/24.
Khoảng 2 tháng nay thì họ có giảm xuống chỉ theo dõi từ 5 giờ sáng đến
11 giờ đêm thôi. Còn khoảng thời gian kia thì họ rút quân. Tuy nhiên, họ
có thái độ rất là khiêu khích:khi tôi bước ra khỏi nhà
thì có những người ngăn cản tôi và buộc tôi phải quay vào nhà nếu không
thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Họ đe dọa trực tiếp như vậy.”
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng có cùng nhận xét khi nêu những lý do gần đây nhất sau khi blogger Điếu Cày ra đi, ông nói: “Có những lý do mình để ý sau vụ anh Điếu Cày ra đi, rồi những tuyên bố của chị Tân,những
hoạt động của anh em phía hội đồng Liên Tôn và đặc biệt họ đánh đầu
tiên là anh Phạm Bá Hải. Khi làm việc với họ ở Lâm Đồng hay ở Vinh thì
họ nói rõ là anh không được đi liên lạc với các anh em khác để kết nạp
những người tù nhân lương tâm. Họ nhất quyết bằng mọi giá không cho đi.
Họ nói công khai là họ không cho chúng tôi làm cái công việc đi gặp những anh em, cựu tù nhân lương tâm. Đó là những cái mình biết.”
Thật khó mà cô lập những nhà hoạt động tranh đấu vì tự do dân chủ một
cách thành công khi mạng lưới thông tin công cộng đã trải rộng khắp
nước cũng như thế giới. Càng đàn áp thì những con người ấy càng có thêm
động cơ để tin rằng họ vĩnh viễn là đối tượng sẽ bị theo dõi suốt đời và
vì thế không có con đường nào khác ngoại trừ con đường đấu tranh đến
cùng mà họ đã chọn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét