Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Nghĩ gì, làm gì khi Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông?

Vanhoanghean

Trần Ngọc Vương & Đinh Hoàng Thắng
 
Trước các âm mưu và hành động không ngơi nghỉ của Trung Quốc nhằm hợp thức hóa việc cai quản các quần đảo cưỡng chiếm và tiến dần đến việc chế ngự toàn bộ những gì gọi là các đảo và bãi cạn trên Biển Đông, cần phải làm gì để bảo vệ chủ quyền mà vẫn duy trì được môi trường hòa bình? Các chuyên gia về Biển Đông đề xuất năm cụm biện pháp dưới đây để tránh “cái chết êm ái” do Trung Quốc gây ra theo kiểu quấn chết người của một con trăn.



Giàn khoan đến, giàn khoan đi và nhiều khả năng… giàn khoan HD981 hay một loại giàn khoan khác sẽ lại đến. Lần tới, Trung Quốc có thể sẽ cắm sâu hơn vào vùng Biển Đông của ta nhưng dưới các vỏ bọc pháp lý khác, và ở vào những vị trí ta sẽ khó xoay trở hơn. Họ sẽ cắm nó trong vùng biển của Gạc Ma hay của một một trong những đảo mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm trước đây mà nay vừa “bồi đắp” xong trong mấy tháng qua, một cách nhẹ nhàng, theo luật “cái chết êm ái” của Hà Lan. Nhớ tới lời đức thánh Trần thuở xưa trăng trối lại cho Phật hoàng Trần Nhân Tông, “nếu phương Bắc ồ ạt tràn xuống biên cương thì ‘dễ’, chứ nếu họ gặm nhấm theo kiểu ‘tằm ăn dâu’ thì khó đấy”. Giờ đây, quả là chúng ta đang gặp phải cái khó “xuyên thế kỷ” này. Trên đất liền, trong nội địa… các cuộc “tằm ăn dâu” ấy, những động thái “xắt xúc xích” ấy hay nói theo ngôn ngữ của giới nghiên cứu, chiến lược “cái gậy nhỏ” ấy đang được giới hoạch định chính sách Bắc Kinh, từ cấp cao nhất, cho tiến hành một cách từ từ, công khai, nhưng không ồn ào.
Phía trước không trải hoa hồng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây nhất cũng đã kịp vạch rõ hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông trước khi kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII của Việt Nam kết thúc: “Ở đảo Chữ Thập, Trung Quốc đã bồi lấp thành đảo lớn nhất Trường Sa, rộng tới 49ha, lớn hơn cả đảo Ba Bình vốn là đảo lớn nhất trước đây”. Ngày 20/11 trước đó, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vừa thông qua một nghị quyết tái khẳng định sự cần thiết phải tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nghị quyết H.Res-714 lên án mọi hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực gây cản trở các quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế. Nghị quyết nhắc nhở Trung Quốc kiềm chế thực thi quyết định Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, coi đây là một hành động đi ngược quyền tự do bay qua không phận quốc tế. Nghị quyết cũng hối thúc Bắc Kinh không có các hành động tương tự tại các vùng biển khác của châu Á-Thái Bình Dương. Nghị quyết kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đồng minh, bạn bè của Mỹ và các nước có tranh chấp hãy cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đầu tháng này, nhà báo Llewellyn King vừa viết trên tờ Huffington Post (Mỹ), Trung Quốc đã/đang âm thầm và công khai về chiến lược mới của mình. Một mặt, Trung Quốc gia tăng giao dịch thương mại với các bên tranh chấp và trong một số trường hợp họ đã khá “hào phóng” để phát triển cơ sở hạ tầng của những nước tranh chấp, nhưng không phải trên Biển Đông. Mặt khác, khi bành trướng trên biển, Trung Quốc chú trọng sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển (hải giám), chứ không dùng hải quân. Trung Quốc không ngơi nghỉ trong việc mở rộng việc chiếm đoạt trên các quần đảo và tiến dần từng bước để thống trị toàn bộ những gì gọi là đảo trên Biển Đông. Theo tác giả bài báo, “chúng ta đang chứng kiến một loại chủ nghĩa đế quốc mới từ Trung Quốc, một sự sáp nhập dần dần bất cứ điều gì nó muốn; sự xâm chiếm yên tĩnh, một cuộc chiến từng đợt ngắn ngủi nhưng không ngưng nghỉ. Đây là cách làm của Trung Quốc không chỉ ở khu vực Đông Nam Á, Châu Phi mà cả ở những nơi khác. Ban đầu nó siết nhẹ nhàng, sau đó với sức mạnh ngày càng lớn hơn, giống như kiểu quấn chết người của một con trăn”.
Vậy là dư luận hàng ngày vẫn đang “nóng lên” về Biển Đông. Vẫn biết, từ sau vụ Giàn khoan HD981 thì không chỉ riêng Việt Nam, mà ngay cả một số nước ASEAN khác cũng đã may mắn thoát ra khỏi “cơn ngủ đông” kéo dài hơi bị lâu. Giờ đây có lẽ khó có một chính khách nào ở Việt Nam dám tuyên bố như vài năm trước đây, rằng tình hình Biển Đông vẫn yên tĩnh, hay Biển Đông không có gì mới. Bởi vì, sau những tháng Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau đều khẳng định, Trung Quốc đã/đang đẩy mạnh các hoạt động cải tạo đất và xây đảo nổi trái phép ở bãi đá ngầm Gạc Ma. Ai cũng biết, Trung Quốc chơi trò “giương Đông kích Tây”. Một mặt, họ đã đưa (và có thể còn đưa tiếp) giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam, mặt khác, họ âm thầm thực hiện việc biến đảo Gạc Ma và một số bãi đá khác thành các cứ điểm chiến lược về mặt quân sự. Trung Quốc đã không ngần ngại tuyên bố qua Tân Hoa Xã rằng “Trung Quốc xây dựng mở rộng Gạc Ma nhằm thay đổi thế yếu của quân đội Trung Quốc”. Trung Quốc cũng không dấu diếm rằng, việc mở rộng Gạc Ma là một bước đệm để máy bay chiến đấu của họ có thể xâm nhập toàn bộ khu vực Trường Sa. Đây chính là ý đồ xây dựng một sân bay án ngự trên Biển Đông. Một khi hình thành được các cứ điểm quân sự ở đây, Trung Quốc không chỉ có thể khống chế quần đảo Trường Sa mà còn tạo thành bàn đạp để “cai quản” toàn bộ Biển Đông.
Các chuyên gia quốc tế đều nhất trí cho rằng những hành vi hiện nay trên các đảo mà Trung Quốc cưỡng chiếm từ Việt Nam là nhằm để thay đổi hiện trạng và hợp thức hóa cho sự cưỡng đoạt chủ quyền bằng vũ lực đối với các bãi đá ngầm ấy. Cần khẳng định rõ, các bãi đá ngầm ấy thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đã đánh chiếm trái phép bằng vũ lực, điều mà luật pháp quốc tế nghiêm cấm. Vì sự chiếm đóng bất hợp pháp như thế, nên đã hơn 40 năm qua, không một quốc gia nào công nhận Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc. Đảo bị chiếm quyết không thể là đảo bị mất. Mọi hoạt động của Trung Quốc tại Hoàng Sa và trên các bãi đá ngầm thuộc Trường Sa là hoàn toàn phi pháp. Tuy nhiên, đấy lại là “các neo” rất quan trọng để Trung Quốc thực hiện những tham vọng chưa bao giờ từ bỏ đối với việc biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Đặc biệt là đối với việc hiện thực hóa đường lưỡi bò đầy tham vọng của mình. Vì một khi chuyển Gạc Ma thành đảo thì nó sẽ kết nối các điểm chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc thành một chuỗi điểm đảo trên Biển Đông. Đó chính là cơ sở để Bắc Kinh đòi hỏi các yêu sách của mình về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Trên căn bản ấy, Trung Quốc khống chế Biển Đông và tạo ra sức mạnh để có thể dằn mặt các nước khác, không ngừng lấn tới trên lộ trình hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp thâutóm 80% diện tích toàn Biển Đông.
Để người dân an tâm và tin tưởng
Trước các âm mưu, thủ đoạn và những hành động nói trên của Trung Quốc, chúng ta có thể làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo mà vẫn duy trì được môi trường hòa bình, làm tốt công việc bảo vệ và xây dựng đất nước, bờ cõi? Trước hết là phải đổi mới tư duy. Từ thế kỷ 15, Blaise Pascal đã nói: “Con người là cây sậy biết suy nghĩ”. Thật vậy, thay đổi tư duy sẽ cho chúng ta nguồn sức mạnh vô biên. Trong đó, tư duy hàng đầu cần thay đổi hiện nay, đó chính là nhận thức lại mối quan hệ biện chứng giữa các nhân tố đảng – dân tộc – chủ quyền biển đảo. Liên quan đến mối tương tác này, ngay từ 15/10/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định tại Hội nghị TW6: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia”. Vậy là, chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc từng có một vị trí ưu tiên trong chiến lược lãnh đạo. Điều này cần được duy trì và xiển dương nhất quán hơn nữa. Bởi vì, các giá trị thiêng liêng ấy gắn bó máu thịt với con dân đất Việt từ khắp mọi góc bể chân trời. Và chính vì vậy, quan niệm cho rằng, lựa chọn thế này thì mất chủ quyền, nhưng còn đảng, còn chế độ, lựa chọn thế kia thì mất đảng, mất chế độ nhưng còn chủ quyền, chỉ là một lối tư duy “nhị nguyên”, không giúp ích gì cho việc tìm lối ra từ thế bế tắc. Bởi lẽ, trong hệ thống chính trị hiện nay, đảng là một trong những nhân tố dẫn dắt, nhân tố lãnh đạo. Tuy nhiên, nếu để mất chủ quyền một cách vĩnh viễn thì lấy đâu ra dân tộc, và lúc ấy, lấy ai cho đảng lãnh đạo? Tóm lại, loại bỏ tư duy “nhị nguyên” chính là tiền đề để xây dựng “thế trận lòng dân” trong thời chiến cũng như thời bình. Hãy cùng nhau tái khằng định một lần và mãi mãi, độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia là những nhân tố không thể và không bao giờ được đưa ra để đánh đổi!
Thứ hai là tiếp tục mạch suy nghĩ nói trên, phải “tích hợp” các mối liên hệ giữa đối tượng và đối tác, giữa nội lực và ngoại lực của quốc gia để nhân lên bội số sức mạnh dân tộc. Phải “tư duy lại” vấn đề liên minh trong thời đại “phẳng hóa” và “số hóa” hiện nay, mà thực chất vấn đề là tập hợp lực lượng trong hoàn cảnh mới. Trước các đối tượng và đối tác đều phức tạp như nhau, chúng ta phải tìm cho ra “mẫu số chung về lợi ích” trong từng mỗi giai đoạn, gắn với từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Bời vì, nếu thiếu điều này, thì ngay đến “anh em ruột” cũng “kiến giả nhất phận”, chứ đừng nói gì tới các quốc gia-dân tộc. Thật ra đây là một nguyên lý “xưa như trái đất” trong bang giao quốc tế, nhưng lại tương đối khó khăn trong lựa chọn của giới hoạch định chính sách, nhất là một khi lợi ích quốc gia bị đánh đồng hay thậm chí bị đánh đổi, để ở vị trí thấp hơn “các lợi ích nhóm” khác nhau. Lấy “lợi ích quốc gia-dân tộc” là nền tảng, chúng ta sẽ “ngộ ra” nhiều cách lựa chọn liên minh, tiến tới tư duy “minh triết bảo quốc” rộng mở và sáng rõ, thay cho “minh triết bảo thân” hẹp hòi và bế tắc.
Thứ ba là cần nhận thức lại và phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của luật pháp quốc tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng ta đang có những “nỏ thần Kim Quy” thứ thiệt, đừng để bị đánh tráo trước khi đưa ra sử dụng. Đó là các bộ hồ sơ được các chuyên gia luật pháp quốc tế dày công chuẩn bị bao năm nay về các cơ sở khoa học để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của ta. Đó là các bộ hồ sơ về những lập luận có thể bác bỏ những đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa của Việt Nam. Và nỏ thần thứ ba, đó chính là những căn cứ của công pháp quốc tế có thể vô hiệu hóa các luận điệu sai trái của Trung Quốc về các đường đứt đoạn (hay còn gọi là đường chữ U, đường lưỡi bò). Chúng ta đã liên hệ với Liên hiệp quốc và các Tòa án Trọng tài quốc tế để chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý về Biển Đông (Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 11/12 vừa qua). Điều này không có gì bí mật, nhất là khi cần phải biểu dương ý chí chính trị mạnh mẽ của một “dáng đứng Việt Nam” trên Biển Đông từ bao thế kỷ nay. Chúng ta có quyền hy vọng, các cơ quan chức năng đang “cân, đong, đo, đếm” cẩn trọng về thời điểm, cách thức cũng như các bước đi cho một cuộc chiến pháp lý trong tương lai. Ngoài ý nghĩa nêu cao lập trường chính nghĩa, cuộc chiến pháp lý của chúng ta không chỉ tôn vinh vị thế của một Việt Nam năng động và độc lập trên trường quốc tế, mà còn gióng lên lời cảnh báo về nguy cơ đối với an toàn và an ninh hàng hải trong khu vực và trên thế giới nếu như “vạc dầu sôi” Biển Đông không được chế ngự.
Thứ tư là phải chuẩn bị tốt các kịch bản đối phó với những biện pháp trả đũa của Trung Quốc.Kịch bản này, chúng ta không mong nó xẩy ra, vì từ bản chất của văn hóa chính trị Việt Nam, chúng ta tha thiết có được hòa hiếu thực sự với nhân nhân dân Trung Hoa. Nhưng đúng như Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Đỗ Bá Tỵ từng tuyên bố mới đây: “Nếu không muốn chiến tranh thì chúng ta phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh. Công tác chuẩn bị sẽ là một yếu tố để người ta tính đến khi muốn tấn công mình”. Trên địa hạt kinh tế, thật khó lường trước được những gì nhà cầm quyền Trung Quốc chủ trương và hành động đối với Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần dự báo quan hệ các mặt giữa hai nước có thể diễn ra theo các kịch bản: xấu nhất, trung bình và giữ nguyên trạng, như các nghiên cứu do Công ty cổ phần “Báo cáo đánh giá Việt Nam – Vietnam Report” phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ kinh tế Việt-Trung thực hiện. Kịch bản nào sẽ xảy ra trong quan hệ kinh tế giữa nước ta với Trung Quốc sẽ tùy thuộc vào cả hai phía: ý đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc và phương thức hành động của Việt Nam để đối phó với ý đồ đó, cũng như hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong việc làm cho dư luận quốc tế ngày càng lên án hành động sai trái của Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao và luật pháp quốc tế.
Thứ năm là một số việc CẦN LÀM NGAY TRƯỚC MẮT. Thứ tự ưu tiên cần được thiết kế một cách linh hoạt, tùy theo thời cơ chiến lược hay các đe dọa địa-chính trị. Nhưng ưu tiên của mọi ưu tiên hiện nay là quân dân ta nhất thiết phải gia cố năng lực phòng thủ tích cực ở các đảo, đá mà chúng ta đang duy trì chủ quyền ổn định, kể cả nếu cần thiết phải tìm kiếm sự ủng hộ hay tán trợ từ cộng đồng quốc tế. Phải cấp bách hành động theo hướng này là để tránh trạng huống như Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an đã phát biểu trong Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội tháng 10/2014 vừa qua, rằng rất có thể sẽ có khả năng xẩy ra “những cuộc chiến mi-ni” kết thúc trong khoảng thời gian “chưa kịp hút xong điếu thuốc lá”. Để tránh cả tình thế bị “nội công ngoại kích”, cần gấp rút xây dựng một Việt Nam đoàn kết và thống nhất, cả chiều kích trong-ngoài lẫn chiều kích trên-dưới. Phải nêu cao ý chí thực thi chủ quyền trong vòng 200 hải lý, chuẩn bị các phương án tác chiến chống các giàn khoan; phối-kết hợp chặt chẽ giữa các mặt trận, đặc biệt là giữa ngoại giao – pháp lý – truyền thông (trong nước và quốc tế). Điều cuối cùng, nhưng cũng hết sức cấp bách và thời sự là chuẩn bị các phương án đấu tranh để chống lại luận điệu “khai thác chung” theo kiểu Trung Quốc. Gác tranh chấp cùng khai thác trên biển đảo vốn là một thông lệ quốc tế. Nhưng cái gọi là “khai thác chung” theo kiểu Trung Quốc là một sự “đánh lận con đen” về vấn đề chủ quyền. Nói cách khác, Trung Quốc muốn nhảy vào sân nhà riêng của chúng ta, rồi bảo đó là sân của Trung Quốc và đề nghị “khai thác” chung. Nếu lơ là mất cảnh giác, chúng ta có thể vĩnh viễn mất chủ quyền đối với vùng biển đảo của mình. Nguy hiểm hơn, chúng ta tự gây ra sự ngờ vực giữa ta với các đối tác là ta “đi đêm” và như thế là sẽ tự tước mất khả năng kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế trong những thời khắc nguy kịch như hồi khủng hoảng giàn khoan 981.
*
Những ngày cả nước sục sôi xuống đường phản đối cái giàn khoan “bất hòa” 981 mùa hè vừa qua, người dân có phần an tâm trước các tuyên bố của nhiều đối tác lớn của Việt Nam cũng như của chính lãnh đạo đất nước. Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Eu đều ra tuyên bố chính thức. Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ cũng tỏ rõ thái độ. Sắc thái tuyên bố của cả thế giới lẫn lãnh đạo Việt Nam có thể khác nhau, nhưng tất cả đều đã góp phần khiến cho đối phương buộc phải tính lại kịch bản ban đầu của họ. Tuy nhiên, để lòng dân an tâm hơn, tiếp tục tin tưởng hơn, đặc biệt là để không ngừng cũng cố bức trường thành của “thế trận lòng dân” trong bối cảnh các âm mưu và những hành động của Trung Quốc không phải lúc nào cũng theo một logic duy lý, chúng ta nên kết hợp thực thi năm khối nhiệm vụ kể trên một cách nhuẫn nhuyễn, liên tục. Các chuyên gia địa-chính trị đang ngày đêm giải mã “giấc mơ Trung Hoa” xem nó sẽ đem lại họa gì cho khu vực và thế giới. Trong con mắt của nhiều chiến lược gia Trung Quốc, thì một Việt Nam độc lập, tự cường, hội nhập vào ASEAN sang 2015 như một cộng đồng cố kết và sẻ chia, là sự cản trở trên con đường hiện thực hóa giấc mơ của họ. Dù sao mặc lòng, chúng ta mong rằng, nhờ các hiệu ứng tích cực từ lập trường của cộng đồng quốc tế lẫn chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc, bộ phận tỉnh táo trong ban lãnh đạo Bắc Kinh sẽ nhận ra một tất yếu lịch sử, rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ cùng được thụ hưởng nhiều thành tựu nếu hai nước duy trì được bang giao hòa hiếu để cả hai dân tộc cùng thắng trong hòa bình và hữu hảo./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét