Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Toàn cầu dị biệt

Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

063_456912140(1).jpg
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde cầm một bản sao về Chính sách toàn cầu trong một cuộc họp báo thường niên hôm 09/10/2014   AFP photo

(Có audio)
Tiếp tục loạt tổng kết về kinh tế toàn cầu trong năm 2014 đang kết thúc và cho năm 2015 sắp tới, Diễn đàn Kinh tế nhấn mạnh đến nhiều hoàn cảnh khác biệt của từng khối kinh tế trên thế giới. Xin quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây về đề tài này.


Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, qua chương trình tuần trước của tiết mục chuyên đề này, ông có nói đến những chuyển động lớn của kinh tế thế giới trong năm tới và nhấn mạnh tới việc Mỹ kim lên giá, dầu thô xuống giá và những biến động trái chiều của các nhóm kinh tế, với viễn ảnh đáng ngại là trận chiến về ngoại hối. Kỳ này, chúng tôi xin đề nghị ông phân tích thêm về hoàn cảnh của các nhóm kinh tế đó, dĩ nhiên là bên trong có cả kinh tế của Việt Nam.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ đã lâu rồi và cụ thể là suốt năm nay, ai theo dõi tình hình kinh tế thế giới đều có thể thấy ra một số chuyển động lớn sau đây. Thứ nhất là nền kinh tế Hoa Kỳ đã hồi phục mạnh nhất trong nhóm quốc gia đã công nghiệp hóa là Âu-Mỹ-Nhật. Thứ hai là nền kinh tế hạng nhì thế giới về sản lượng là Trung Quốc đang bước qua giai đoạn tăng trưởng thấp hơn với khá nhiều bất trắc ở bên trong vì nhu cầu cải cách để chuyển hướng hầu tránh khỏi khủng hoảng. Thứ ba là kinh tế Nhật Bản chưa ra khỏi nạn suy trầm và còn gặp nhiều rủi ro hơn khi cần cải tổ theo chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe. Thứ tư là kinh tế Âu Châu và riêng khối Euro còn bị nguy cơ khủng hoảng nữa sau khi đã lại bị suy trầm. Và cuối cùng là các nền kinh tế mà chúng ta gọi là “đang lên” với số phận khác biệt khi là quốc gia bán hay mua nguyên nhiên vật liệu và giữ vị trí gì trong luồng trao đổi của thế giới.
Trong nhóm này, tôi nghĩ rằng cũng có cả Liên bang Nga là quốc gia cung cấp năng lượng và nay đang bị suy trầm khi dầu thô sụt giá. Đấy là về đại thể ngày càng rõ nét hơn khi chúng ta bóc những tờ lịch cuối năm.
Việt Long: Nói về đại thể cho rõ nét, thưa ông ngay từ chiều Thứ Hai mùng tám, giờ miền Đông Hoa Kỳ, người ta đã có một số thông tin mới từ Trung Quốc khiến thị trường chứng khoán của xứ này sụt giá mạnh. Qua hôm sau thì thị trường cổ phiếu Mỹ cũng tuột giá khi thông tin ấy cho thấy kinh tế Trung Quốc có quá nhiều vấn đề và Chính quyền Bắc Kinh đang cố ngăn chặn và chấp nhận một đà tăng trưởng chậm hơn trong những năm tới. Ông nghĩ sao về biến động này?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng lại xác nhận rằng theo cách tính sản lượng kinh tế bằng tỷ giá sức mua của đồng bạc gọi là PPP thì kinh tế Trung Quốc vừa vượt Hoa Kỳ để đứng đầu thế giới.
– Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ đấy là vài cái chấm nhỏ trong đường tuyến biểu hiện nhiều chuyển động lớn lao hơn nên thật sự không mấy quan tâm đến biến cố này. Một thí dụ là tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng lại xác nhận rằng theo cách tính sản lượng kinh tế bằng tỷ giá sức mua của đồng bạc gọi là PPP thì kinh tế Trung Quốc vừa vượt Hoa Kỳ để đứng đầu thế giới. Chẳng mấy ai để ý đến cái tin vớ vẩn ấy cho tới khi cơ quan thông tin của Bắc Kinh có bài xã luận rằng việc đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ giảm phải được coi như tự nhiên. Những biện pháp chấn chỉnh về tài chính mà họ mới công bố hôm Thứ Hai như cùng lúc với bài xã luận của tờ Nhân Dân đã làm các thị trường chứng khoán trên thế giới tuột giá, nhưng với tôi thì đấy mới là tin vui vì Bắc Kinh biết là họ không thể trì hoãn cải cách được nữa!
Việt Long: Trở về hoàn cảnh riêng của các nhóm kinh tế trong năm tới, ông khởi sự với viễn ảnh sáng sủa hơn của kinh tế Hoa Kỳ. Vì sao như vậy và hậu quả sẽ là thế nào cho các nước khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta không quên rằng nhiều người đã cho Hoa Kỳ là thủ phạm hay nguyên nhân của khủng hoảng tài chính rồi Tổng suy trầm trong các năm 2008-2009. Đến năm 2011, nước Mỹ còn bị tai tiếng vì mâu thuẫn chính trị bên trong về ngân sách, thậm chí còn bị hạ điểm tín nhiệm của các công ty lượng giá trái phiếu. Điều ít ai ngờ là cũng từ năm 2011 trở đi, Mỹ kim lặng lẽ lên giá so với các ngoại tệ mạnh khác và ngày nay các nước mới phải đối phó với hiện tượng này. Nghịch lý ít ai nhìn ra là thị trường và xã hội Hoa Kỳ có khả năng tự cải tiến linh động hơn là những lời tường thuật hay nhận định của thiên hạ.
Ngoài việc Mỹ kim lên giá, chuyện thứ hai đang làm thiên hạ vui hay sợ là giá dầu đã và sẽ sụt mạnh. Một trong những nguyên nhân của chuyển động ấy cũng lại xuất phát từ Hoa Kỳ nhờ thị trường đã khai triển công nghệ mới để gạn đá phiến ra dầu. Nguyên nhân kia là số cầu về dầu khí của các khối kinh tế lớn như Âu Châu và Trung Quốc đều sút giảm. Mà Mỹ kim càng lên giá thì dầu thô lại càng hạ vì chủ yếu giao dịch mua bán cũng bằng đô la Mỹ. Hậu quả chung là các nước bán dầu mua xăng và thanh toán bằng đô la, như trường hợp Việt Nam, đều sẽ khốn đốn.
Sau cùng, phải nói thêm rằng trong bảy năm qua, những biến động kinh tế tài chính đã dẫn tới việc sung dụng tài nguyên rất lệch lạc ngay trong thị trường Mỹ, với hậu quả là dị biệt về lợi tức bị đào sâu trong xã hội, cho nên qua mấy năm tới, khi thiên hạ ngợi ca Hoa Kỳ thì cũng là lúc thị trường Mỹ bị giao động mạnh khi tái phân phối tài nguyên cho hợp lý hơn. Có chi tiết lý thú mà đáng ngại là khi chỉ số Công nghiệp Dow Jones chờn vờn với đỉnh cao là 18 ngàn điểm thì cũng là lúc số nợ của nước Mỹ cũng lên tới đỉnh kỷ lục là 18 ngàn tỷ đô la! Người Mỹ thì biết rõ về thông tin đáng sợ này, chứ người Tầu lại chẳng rõ là núi nợ của nhà nước đã lên tới đâu.
Việt Long: Bây giờ, nói về kinh tế Trung Quốc và yêu cầu cải cách để chuyển hướng, thưa ông liệu rằng lãnh đạo xứ này đã lấy quyết định cải cách hay chưa sau khi các giới chức kinh tế và tờ Nhân Dân đều cùng xác nhận rằng đà tăng trưởng của kinh tế sẽ giảm trong thời gian tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là về kinh tế Trung Quốc thì ta có vài vấn đề trong bối cảnh mình chẳng nên quên. Thứ nhất, trong cả chục năm, lãnh đạo xứ này đã quảng bá sự mô tả lạc quan của thế giới về kinh tế Trung Quốc vì họ muốn quốc dân coi đây là một thành tích của đảng. Thứ hai là về thực tế thì họ biết rõ những thất quân bình bên trong và muốn sửa sai mà không nổi vì sự cản trở của các nhóm lợi ích, chủ yếu là các tập đoàn kinh tế nhà nước. Thứ ba, khi thế hệ thứ năm lên lãnh đạo từ Đại hội 18 vào cuối năm kia thì họ phải tập trung quyền lực rồi mới có thể xoay, điển hình là việc thanh trừng một nhân vật đầy thế lực như Chu Vĩnh Khang hay các tướng lãnh đã từng ngồi trong Bộ Chính trị của khóa trước.
Bây giờ, may lắm thì họ có thể bước qua việc cải cách và chuẩn bị trước dư luận ở bên trong là từ nay đà tăng trưởng sẽ không còn như xưa. Ta nên chú ý đến việc đó vì mới Tháng Chín vừa qua thôi, Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Lý Khắc Cường còn tuyên bố tại một hội nghị quốc tề ở Thiên Tân là cố duy trì chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra là khoảng 7,4 đến 7,5%. Chúng ta thật chưa biết rằng lãnh đạo xứ này đã có đủ thế lực để chuyển hướng hay không.
Việt Long: Trong giả thuyết là họ muốn và có thực lực xoay chuyển thì kết quả hay hậu quả sẽ ra sao cho các nước khác trong năm nay?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thành thật nghĩ rằng câu hỏi này khó có giải đáp chính xác vì tùy vào nhiều kịch bản hay giả thuyết khác nhau.
… với đà tăng trưởng chậm hơn của kinh tế Trung Quốc đi cùng những nỗ lực cải cách của họ ở bên trong là một cơ hội cho Việt Nam vì giới đầu tư quốc tế sẽ tìm vào thị trường này. Nhưng rủi ro lại to gấp bội vì khả năng quản lý quá thấp khi thế giới có rất nhiều biến động trái chiều.
– Nguyễn-Xuân Nghĩa
Trước hết, nếu cải cách thì họ sẽ phải tái phân phối tài nguyên từ đầu tư đầy tốn kém và ít hiệu năng qua tiêu thụ, giả dụ như một năm lại trút 3-4% của Tổng sản lượng cho thị trường nội địa, và phải tái phối trí cơ cấu kinh tế với luật lệ minh bạch hơn cho khu vực tư nhân có thêm quyền hạn. Đây là việc khó vì hạ tầng cơ sở nội địa còn lạc hậu và chưa yểm trợ được việc phân phối hàng hóa ở bên trong. Với bên ngoài thì dễ gây ra biến động nhưng nếu thành công thì số tiết kiệm rất cao của dân chúng được chuyển qua tiêu thụ sẽ là yếu tố tích cực cho các nền kinh tế khác vì có thêm thị trường xuất khẩu vào Hoa lục.
Nhưng lãnh đạo Bắc Kinh cũng có tham vọng là vừa chuyển hướng kinh tế vừa trút tài nguyên ra ngoài, là đầu tư các các thị trường khác, để gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước. Đấy là kịch bản mà giới kinh tế gọi là “xuất khẩu tiết kiệm” với kết quả lạc quan là nâng số cung và sản lượng tại các thị trường khác.
Việt Long: Xin đề nghị ông giải thích thêm cho thính giả của về hiện tượng xuất khẩu tiết kiệm này qua vài thí dụ cụ thể cho dễ hiểu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta có thể mường tượng ra tiền lệ như vậy khi Hoa Kỳ dồn tiền tái thiết Âu Châu sau Thế chiến II, hoặc khi Nhật Bản tung tiền cho vay và đầu tư tại khắp nơi, nhất là Hoa Kỳ này, khoảng 30 năm về trước. Trung Quốc ngày nay cũng trút tiền vào bất động sản tại Mỹ và ráo riết đầu tư vào hạ tầng cơ sở như cầu đường, hải cảng, hay vào các doanh nghiệp và nông trại của nhiều nước Á Phi để bảo đảm nguồn cung cấp nguyên vật liệu và để bành trướng thế lực kinh tế lẫn ngoại giao của họ.
Việt Long: Ông nói như vậy thì thính giả của chúng ta tất nhiên nghĩ đến các dự án của Trung Quốc tại Việt Nam với ít nhiều lo ngại. Ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tất nhiên các nước khác cũng lo ngại như vậy về ý đồ của Bắc Kinh và nói chung thì lãnh đạo của họ có ý thức và khả năng đối phó khá hơn những người cầm quyền tại Hà Nội! Tuy nhiên, trong kịch bản gọi là lạc quan này của Bắc Kinh, người ta còn cần xét tới khả năng thực tế đã. Dù muốn như vậy, nhưng lãnh đạo Trung Quốc có làm được hay không?
Một thí dụ thực tế và cụ thể là để thi hành chiến lược xuất khẩu tiết kiệm và gia tăng ảnh hưởng thì Bắc Kinh phải sử dụng đồng Nguyên của họ như một ngoại tệ phổ biến, tức là phải chấp nhận chế độ tự do ngoại hối, là thả nổi đồng bạc theo tình hình cung cầu. Đây là điều không dễ và gây rủi ro lớn ngay trong nội địa Trung Quốc khi ta nhớ đến viễn ảnh trước mắt là những trận chiến về ngoại hối sau khi Mỹ kim lên giá.
Ta không quên rằng sau khi là chủ nợ và chủ đầu tư của thế giới vào đầu thập niên 80, Nhật Bản đã phải cải cách và để đồng Yen lên giá theo quy luật thị trường. Hậu quả là thổi lên bong bóng và khi bóng bể cùng với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 90 thì Nhật bị khủng hoảng, ngày nay vẫn chưa ra khỏi hố sâu! Trung Quốc mơ tưởng tung tiền thao túng thiên hạ, có khi lại trôi vào cái hố của Nhật mà lại còn sâu hơn nữa.
Việt Long: Câu hói cuối của một chương trình hấp dẫn này là viễn ảnh của Việt Nam. Thưa ông, giữa các chuyển động lớn của kinh tế thế giới vào năm tới, Việt Nam là một thị trường đang lên thì sẽ xoay trở ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta sẽ tiến dần đến thị trường Việt Nam trong các chương trình tới. Kỳ này có lẽ mình chỉ có thể nói rằng với đà tăng trưởng chậm hơn của kinh tế Trung Quốc đi cùng những nỗ lực cải cách của họ ở bên trong là một cơ hội cho Việt Nam vì giới đầu tư quốc tế sẽ tìm vào thị trường này. Nhưng rủi ro lại to gấp bội vì khả năng quản lý quá thấp khi thế giới có rất nhiều biến động trái chiều.
Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài tổng kết kỳ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét