Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Đề xuất mới của Trung Quốc tại Việt Nam: Cần xem xét thận trọng

http://soha.vn/kinh-doanh/de-xuat-moi-cua-trung-quoc-tai-viet-nam-can-xem-xet-than-trong-2015010305014779.htm


“Với bản chất quan hệ thương mại bất bình đẳng như hiện nay, VN sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nếu chấp nhận giao dịch trực tiếp bằng đồng NDT”.

Những kiến nghị của phía TQ

Hiệp hội DN Trung Quốc tại Việt Nam (VN), Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (TQ) vừa có kiến nghị gửi một số cơ quan chức năng ở Việt Nam đề nghị cho phép mở rộng phạm vi giao dịch đồng Nhân dân tệ (NDT).


Theo hai đơn vị này, nhu cầu giao dịch thanh toán bằng NDT tại VN khá lớn và đang tăng lên rõ rệt.
Tuy phương thức lưu thông NDT chưa được pháp luật VN quy định, nhưng đa số giao dịch thanh toán bằng đồng tiền TQ vẫn đang được thực hiện ở VN thông qua con đường không chính ngạch.
“Tại thị trường biên mậu Việt – Trung cuối năm 2013, ước tính kim ngạch thanh toán bằng NDT đã đạt khoảng 15 tỷ USD” – nội dung kiến nghị cho biết.
Phía DN TQ cũng cho rằng: Nếu thị trường thanh toán NDT từ biên giới được mở rộng đưa vào nội địa VN và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch, Ngân hàng Nhà nước VN có thể quản lý giám sát nguồn vốn này một cách có hiệu quả.
Đồng thời, có thể tăng cường đóng góp trong việc thu thuế cũng như công tác phòng, chống rửa tiền.
“Hiện tại đã có ngân hàng của VN thực hiện nghiệp vụ đổi Nhân dân tệ CNY – VNĐ nhưng chưa có ngân hàng TQ được thực hiện nghiệp vụ này.
Nếu đồng tiền thanh toán thương mại từ đồng USD… được thay thế bằng NDT thì đây chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán mà không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất siêu hay nhập siêu” – phía TQ đưa thêm lí lẽ.
Kiến nghị cũng mong muốn Chính phủ VN đồng ý cho Ngân hàng Công Thương TQ thực hiện hợp tác về nghiệp vụ NDT với ngân hàng thương mại VN (như BIDV).

Được biết, các nội dung kiến nghị trên của Hiệp hội DN TQ tại VN và Ngân hàng Công thương TQ đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tập hợp trong bản tổng hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp trong tháng 11.
Nội dung này đã được gửi lên Chính phủ từ giữa tháng 12/2014.
Xác nhận thông tin, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay, ông không bình luận gì về việc này.
“Hàng tháng, VCCI đều có nhiệm vụ phải tập hợp các đề xuất kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp gửi lên Thủ tướng và các cơ quan chức năng.
Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động hợp pháp tại VN đều có quyền nêu kiến nghị. Đề xuất nội dung kiến nghị như thế nào là quyền của doanh nghiệp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có trách nhiệm là đơn vị đầu mối tập hợp và chuyển tải thông tin trung thực thông tin.
Việc xem xét xử lý và trả lời các đề xuất đó ra sao phụ thuộc vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành”.
Chỉ có thiệt trở lên!
Đề xuất của Hiệp đội doanh nghiệp TQ là dễ hiểu trong tham vọng nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền của họ.
Quốc gia này đã ký kết khoảng 28 hiệp ước hoán đổi tiền tệ (SWAP).
Như đưa đồng USD của Mỹ, đồng Yên của Nhật, đồng AUD của Australia, đồng NZD của New Zealand và đồng Ringgit của Malaysia vào giao dịch tiền tệ trực tiếp bình thường.
Ngoài ra còn có một số SWAP khẩn cấp với các nước như Argentina, Belarus, Kazakhstan, Iceland… (Tuy nhiên hiện cũng chỉ mới có một số nước chính thức thực hiện).
Tháng 6/2014, TQ cũng đã bắt đầu giao dịch trực tiếp giữa đồng NDT và đồng bảng Anh.
Gần đây nhất, ngày 28/10/2014, Singapore cũng bắt đầu chấp nhận áp dụng việc hoạt động hoán đổi tiền tệ trực tiếp giữa đồng NDT của nước này với đồng dollar của mình.
“Hệ thống hoán đổi tiền tệ trực tiếp này sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư giữa TQ và những nước này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đồng tiền của hai bên trong các hoạt động thương mại và đầu tư song phương.
Đồng thời, thúc đẩy các nước đối tác mua hàng xuất khẩu của TQ và nhận tín dụng bằng NDT. Ngoài ra cũng không loại trừ yếu tố chính trị.
Và cũng bởi những yếu tố nói trên mà kiến nghị giao dịch trực tiếp đồng NDT với Việt Nam của DN TQ phải được xem xét hết sức thận trọng”- nguyên Thống đốc Ngân hàng NN – TS Cao Sỹ Kiêm bình luận.
Theo ông Kiêm, việc sử dụng đồng NDT trong quan hệ thanh toán song phương VN – TQ cần được xem xét dưới nhiều góc độ, một là độ tin cậy và sức mạnh của đồng NDT và hai là sức đề kháng của kinh tế VN.
“Chỉ có thể chấp nhận thanh toán bằng đồng NDT nếu nó an toàn hơn so với dùng đồng USD và nó đã được coi là ngoại tệ được tự do chuyển đổi”- ông Kiêm lưu ý.
Người Singapore vui vẻ giao dịch trực tiếp bằng NDT với Trung Quốc vì họ xuất siêu sang TQ
Người Singapore vui vẻ giao dịch trực tiếp bằng NDT với Trung Quốc vì họ xuất siêu sang TQ
Nói về độ an toàn, từ tháng 7/2013, NDT đã cải thiện mạnh mẽ thứ hạng trong đồng tiền thanh toán quốc tế, tăng lên vị trí thứ 9 so với vị trí thứ 21 năm 2010.
Vị trí đồng NDT có tăng lên trong những năm qua nhưng chưa đủ mạnh, NDT chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi.
“Bao giờ đồng NDT có thể chuyển đổi được ra vàng hay USD, hay EURO thì đó lại là chuyện khác. Bối cảnh hiện nay, NDT chưa làm được điều đó nên chúng ta sẽ phải chờ thêm” – ông Kiêm nhấn mạnh.
Nhưng điều mà các chuyên gia kinh tế lo lắng hơn, là tương quan nền kinh tế giữa VN và TQ đang diễn ra bất bình đẳng, nếu chấp nhận cho đồng NDT được giao dịch trực tiếp, chúng ta sẽ nhận hết phần thiệt về mình.
TS Nguyễn Quang A phân tích: “TQ là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, trong khi đảo quốc sư tử này là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của TQ.
Người Singapore hân hoan khi họ không phải đi đổi tiền mà có thể mang tiền thẳng sang TQ để tiêu. Kinh tế TQ không thể đè bẹp kinh tế Singapore. Còn VN, chúng ta nhập siêu cực lớn từ TQ.
Nó đồng nghĩa với việc nếu đồng NDT được cho phép giao dịch trực tiếp, thì hàng hóa TQ vốn đã tràn ngập ở đây sẽ lại tràn ngập thêm hàng chục lần.
DN trong nước đa số sức cạnh tranh kém hơn, chỉ có nước chết như rạ”.

Cán cân thương mại giữa VN -TQ với tỷ lệ nhập siêu luôn trong tình trạng lo ngại
Cán cân thương mại giữa VN -TQ với tỷ lệ nhập siêu luôn trong tình trạng lo ngại
Thực tế, số liệu của Bộ Công Thương thống kê đến tháng 11/2014 cho thấy, TQ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN với hơn 30% tổng kim ngạch XNK. Nhập khẩu từ TQ cao hơn 3 lần so với xuất khẩu từ VN.
Nhập siêu từ TQ 11 tháng đạt 26,4 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Từ ngày 1/1/2015, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – TQ sẽ còn khiến cho tình trạng nhập siêu trầm trọng hơn.
Sẽ có tới 3.691 dòng thuế nhập khẩu từ TQ cắt giảm về 0%, nâng số dòng thuế bằng 0% lên mức 84,11% tổng biểu thuế.
“TQ thường khuyến khích dùng bản tệ để thanh toán thương mại song phương: hàng xuất khẩu của VN được trả bằng NDT, còn hàng TQ nhập vào VN được trả bằng tiền đồng.
Ở vị thế yếu hơn trong cán cân thương mại, chắc chắn VN sẽ không có đủ NDT để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu, từ đó buộc phải vay của doanh nghiệp TQ.
Gánh nặng nợ nần từ đó sẽ tăng lên, và cùng với đà tăng giá của NDT, sẽ đẩy doanh nghiệp VN vào thế lệ thuộc vào TQ cả về hàng hóa lẫn tín dụng” – TS Cao Sỹ Kiêm nhận định.
“Việc Hiệp hội DN TQ tại VN và Ngân hàng Công thương TQ đưa ra lập luận rằng: Nếu đồng tiền thanh toán thương mại từ đồng USD được thay thế bằng NDT thì chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán.
Nó không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất siêu hay nhập siêu, đây chỉ tô vẽ cho đẹp để đánh lừa thiên hạ, bởi vì bản chất xuất siêu hay nhập siêu không bị ảnh hưởng bởi đồng tiền.
Nước nào cũng mong muốn cầm đồng tiền của mình mang đi tiêu được ở khắp thế giới, nên đề xuất của TQ là dễ hiểu. Nhưng hoàn cảnh của mình có chấp nhận được hay không? Nếu mình chấp nhận được thì sẽ có lợi gì? Hại gì?
Nên để quốc tế chấp nhận NDT như một đồng tiền có giá trị chuyển đổi rồi chúng ta sẽ chấp nhận theo, chứ không phải chấp nhận từ bây giờ khi rủi ro còn quá lớn” – TS Nguyễn Quang A bày tỏ quan điểm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét