Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Những Ngã Rẽ (2)

Vietstudies

Hồi ký Dương Văn Ba
Chương 2
ĐẢO CHÁNH HAY CÁCH MẠNG
Tháng 9-1963, tôi được tiếp nhận vào dạy môn Quốc văn ở bậc Trung học Đệ nhất cấp tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt
Nhớ một hôm trong tháng 8 năm ấy, tôi đột nhiên được Cha Viện trưởng Đại học Đà Lạt gọi lên văn phòng. Ngài trao cho tôi quyết định của Nha Đại diện Giáo dục Trung phần do ông Tôn Thất Chước ký quyết định bổ nhiệm làm giáo sư dạy giờ tại trường Trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt.


Cha Lập, Viện trưởng có hỏi tôi do đâu, trong lúc còn đi học năm cuối cùng của trường Đại học Sư phạm, lại được thu dụng dạy giờ. Tôi thành thật báo với Cha Viện trưởng, do lấy vợ sớm cần tiền để sống, tôi có nhờ gia đình bên vợ xin với ông Quách Tòng Đức, Đổng Lý Văn Phòng Phủ Tổng thống can thiệp với Bộ Giáo Dục.

Đời là một vở kịch
Bước vào đời tìm sự sống, tôi đã được một “ông lớn” giúp đỡ. Dù vậy, trong đầu óc chàng thanh niên mới lớn, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn vẫn là thể hiện sinh động của chế độ gia đình trị. Đối với nhiều thanh niên trí thức thời bấy giờ, chế độ Ngô Đình Diệm là chế độ độc tài phong kiến bị bà Trần Lệ Xuân thao túng ở trong Nam, còn ở ngoài Huế, ông Cố “Trầu “ làm vương một cõi.
Đảng Cần Lao Nhân Vị là một Đảng cầm quyền dựa trên thuyết “nhân vị”, một lý thuyết vừa triết học, vừa chính trị theo kiểu đầu đụng trời mà chân không đạp đất. Thuyết nhân vị dựa trên tôn giáo là Công giáo nhưng nhấn mạnh con người có bản thể riêng. Chế độ Ngô Đình Diệm hô hào phát huy vị trí của con người nhưng là con người hữu thần theo Kitô giáo. Nếu không phải là người Kitô giáo thì đáng nghi. Do đó phải kềm kẹp, nếu không sẽ bị vô thần cộng sản tha hóa .
Chính dựa trên nền tảng giáo điều nầy mới phát sinh chiến dịch đàn áp Phật giáo ở miền Trung, ngòi nổ làm sụp đổ chế độ nhà Ngô. Thuyết nhân vị vấp phải sai lầm lớn trong một đất nước đa số dân theo đạo Phật. Chủ nghĩa nhân vị đã tự đào hố chôn mình khi đối đầu với thực tế đa nguyên, đa giáo tại Việt Nam.
Tôi nhận được tin Sài Gòn có đảo chánh, Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ chiều ngày 1-11-1963 khi đang dạy Việt văn cho lớp đệ thất ở trường Trần Hưng Đạo. Cả thầy lẫn trò lúc đó nhốn nháo, lớp học được cho tan sớm. Ngoài chợ Đà Lạt chung quanh công trường Hoà Bình, từng đoàn Phật tử mặc áo nâu sòng, áo già lam, tuần hành miệng hô khẩu hiệu “đả đảo chế độ độc tài Ngô Đình Diệm”. Sáng hôm sau, tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt, ông hiệu trưởng Kỳ Quan Lập cho tập họp toàn thể học sinh trước sân trường để nghe chính quyền mới phổ biến tin tức cách mạng.
Trung tá Đinh Văn Đệ (tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức) và Đại uý Lâm Thành Gia (trưởng ty cảnh sát) đại diện cho Hội Đồng Cách Mạng xuất hiện trước hàng ngàn học sinh và cô thầy giáo, công bố “Hội Đồng tướng lĩnh cách mạng đứng đầu là đại tướng Dương Văn Minh đã lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Việt Nam Cộng Hoà bắt đầu sống trong chế độ tự do, tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, không phân biệt tôn giáo. Mọi người đều bình đẳng tự do trước pháp luật. Đất nước bước vào một thời kỳ mới, an ninh trật tự đã được vãn hồi, mọi sinh hoạt vẫn tiếp tục bình thường, trường học tiếp tục mở cửa, các em học sinh tiếp tục tới lớp học như thường”.
Cả sân trường vang dậy tiếng vỗ tay, mọi người thầy trò đều hoan hỷ.
Lúc đó nhìn gương mặt Trung Tá Đinh Văn Đệ vô cùng hớn hở. Sau này khi gặp lại ông cựu Tỉnh Trưởng Tuyên Đức, tại Hạ Nghị Viện Sài Gòn, tôi nhận thấy gương mặt ông vẫn không có gì thay đổi. Khi phát biểu những ý kiến căng thẳng, gương mặt đó vẫn đỏ bừng lên như hồi còn thanh niên trong cương vị “Ông Sếp” quyền lực ở xứ hoa đào .
Ông Đệ cuối năm 1963 đóng lon Trung Tá tỉnh trưởng Tuyên Đức, người đứng về phe Dương Văn Minh. Năm 1967, ông Đệ ứng cử dân biểu Đà Lạt, đắc cử vào Hạ Nghị Viện. Ông Dân biểu Đệ theo phe thân chính phủ, ủng hộ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Cũng như bao dân biểu thân chánh khác, mỗi lần bỏ phiếu ủng hộ các quyết định của chánh quyền hoặc mỗi lần bỏ phiếu ủng hộ các dự án luật do Hành Pháp đề xuất, các dân biểu thân chánh đều được ông Phụ tá Tổng thống Nguyễn Cao Thăng, nhà tỷ phú thuốc tây OPV, gởi bao thư quà cáp.
Giá trị lá phiếu thân chính quyền được tính bằng tiền. Một lá phiếu 300.000 đồng (2.000 đô la Mỹ). Một năm thông qua khoảng 10 dự luật, mỗi dân biểu thân chính quyền được bỏ “bao thư” chu cấp khoảng 4.000.000 đồng tương đương 35.000 đô la Mỹ. Lương dân biểu hồi đó 1.400 đô la Mỹ/tháng. Tổng cộng các dân biểu thân chính quyền mỗi năm thu được lợi nhuận trên 50.000 đô la Mỹ. Món tiền béo bỡ đó, ông Đinh Văn Đệ đương nhiên được hưởng.
Nhưng có ai ngờ, sau giải phóng, người theo dõi thời cuộc mới vỡ lẽ ra Trung Tá Đinh Văn Đệ, cựu Tỉnh Trưởng Tuyên Đức, cựu Dân biểu Hạ Nghị Viện, cựu Chủ tịch Uy ban Quốc phòng Hạ Nghị Viện, từng là trưởng phái đoàn Quốc Hội Việt Nam Cộng Hoà được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cử sang Mỹ giải độc (1972), lại là một nhân vật Việt Cộng nằm vùng. Một số hồ sơ và tài liệu mật của Quốc Hội thời đó, liên quan đến Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng Hoà, ông Đinh Văn Đệ đã gởi báo cáo cho  bên trong. Sau năm 1975, ông Đệ có lúc làm chánh văn phòng của ông Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Kiệt. Ông Đệ hoạt động đàng sau hậu trường. Giờ đây ông đã về hưu, đi tu theo đạo Cao Đài Tây Ninh. Gia đình yên ấm, con cái đàng hoàng, người nào cũng có tài sản riêng. Cô Đinh Thanh Tùng, con Trung tá Đệ là chủ khách sạn Trúc Mai. Với nhiều chi nhánh tại Quận Phú Nhuận, Quận Gò Vấp và cũng có hoạt động karaoke .
Hồi chinh chiến làm “Việt Cộng” nằm vùng, đồng thời làm quan lớn trong chế độ cũ, làm nhà hoạt động chính trị có uy thế, ông đi đêm âm thầm phục vụ cho cách mạng. Thời bình đi tu và an dưỡng tuổi già, trong khung cảnh con cái đều có sản nghiệp do ông để lại.  Đời là vở kịch, ông Đệ đã đóng vai của ông rất giỏi, chế độ cũ đã không phát hiện được. Công trạng của ông đối với cách mạng chắc không phải là nhỏ.

Ai giết Ngô Đình Diệm
Có một vấn đề trong cuộc đảo chính 1-11-1963 mà cho tới nay nhiều người vẫn còn thắc mắc, chưa có một tài liệu nào kết luận rõ ràng, đó là: Ai đã giết Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Nhìn hiện tựơng bề ngoài, dư luận có thể cho rằng quân đảo chính đã bắn chết Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Nhưng quân đảo chính là ai, ai đã ra lệnh giết, và ai đã giết? Tại sao phải giết mà không để cho sống hầu đưa ra công luận xét xử công tội?
Có cơ hội sống cùng với Bộ tham mưu của tướng Dương Văn Minh từ cuối năm 1971 đến sau năm 1975 tôi có các ghi nhận sau đây :
–  Tướng Dương Văn Minh có tình cảm quý trọng Ngô Đình Diệm và không có ân oán gì riêng với Ngô Đình Nhu. Cho nên khi làm đảo chính, tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh bắt Tổng thống Diệm và Ngô Đình Nhu để sau này xét xử. Dương Văn Minh quý trọng Ngô Đình Diệm vì hiểu rằng Ngô Đình Diệm là một quan lại yêu nước. Diệm sống không có gì riêng cho bản thân, thậm chí chẳng có vợ con.
– Cá nhân Tổng thống Diệm đối xử với Dương văn Minh bằng sự nể vì sau khi tướng Dương Văn Minh đánh thắng chiến dịch Hoàng Diệu, dẹp yên Hoà Hảo ở miền Tây và dẹp yên Bình Xuyên ở mạn Nhà Bè Chợ Lớn (các con hùm xám Chợ Lớn và Miền tây như Bảy Viễn, Năm Lửa, Ba Cụt đều bị xoá sổ), Ngô Đình Diệm thưởng công cho Duơng Văn Minh bằng cách ban tặng cho vị tướng cao to da ngâm đen này căn biệt thự với khuôn viên 2500 m2 tại số 3 đường Trần Quý Cáp Q.3 Sài Gòn (căn biệt thự này có mặt tiền ở số 98 đường Hồng Thập Tự). Tướng Dương Văn Minh từ chối không nhận ban tặng chỉ xin Tổng thống Ngô Đình Diệm được mua nhà để ở. Diệm rất khôn ngoan, đồng ý bán căn nhà lịch sự đó cho tướng Dương Văn Minh với giá 1 đồng bạc danh dự. Dương Văn Minh trở thành chủ căn biệt thự có giấy tờ mua bán hợp pháp. Ông đã biến nơi này thành Biệt thự Hoa Lan. Sau 1975 chính quyền mới vẫn không tịch thu nhà của Dương Văn Minh, ông tiếp tục sống ở đó đến khi được chính phủ mới chấp nhận cho đi Pháp.
Có sách ngoại quốc nói rõ người điều khiển việc bắt giết Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu là Trung tướng Mai Hữu Xuân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tướng Xuân là người thân tín với Dương Văn Minh. Rất có thể tướng Xuân đã ra lệnh bắn chết Diệm, Nhu để tuyệt trừ hậu hoạ. Người thi hành lệnh bắn là Thiếu tá Nhung, một trong những cận vệ của tướng Minh. Tướng Mai Hữu Xuân trực tiếp chỉ huy việc tiến chiếm Dinh Gia Long, ông chịu trách nhiệm về cái chết của Diệm, Nhu với tư cách người chỉ huy trực tiếp trận đánh. Nhưng một vấn đề chưa sáng tỏ là ông Xuân thi hành lệnh của Dương Văn Minh hay tự ý quyết định tại mặt trận. Giết Diệm, Nhu để tránh hậu họa, một giả thuyết hợp lý đối với một con người mưu lược như ông Mai Hữu Xuân.
Thiếu tá Nhung, trong cuộc chỉnh lý của Nguyễn Khánh, bị phe chỉnh lý bắt về Bộ Tổng tham mưu, ông ta bị thắt cổ chết trong toilet.  Nhiều người cho rằng đó là sự trả thù của nhóm sĩ quan thân cận Diệm, Nhu nắm thế lực trong cuộc chỉnh lý.
Trên đây là những ghi chép theo tường thuật và phỏng đoán của báo chí, của các ký giả nước ngoài có mặt tại Sài Gòn thời đó.
Về phần Dương Văn Minh ông chưa lần nào lên tiếng nói rõ vấn đề này. Dù có ra lệnh giết hay không, tướng Minh vẫn chịu trách nhiệm trước lịch sử về cái chết của Diệm, Nhu.

Công hay tội?
Đối với đa số nhân dân miền Nam, Diệm Nhu chết làm cho mọi người hả hê. Nhưng đối với một bộ phận công giáo, đó là một mối oan cừu.
Cách mạng hay đảo chính đương nhiên phải có chết chóc, phá vỡ, đạp đổ. Cuộc phá vỡ đó có lợi cho đa số.
Tác phong hiền hoà từ tốn của Dương Văn Minh trước mắt quần chúng gây được nhiều cảm tình nhưng chính quyền của tướng Dương Văn Minh chỉ tồn tại trong khoảng 8 tháng,  sau đó bị Nguyễn Khánh lật đổ. Sự kiện Dương Văn Minh bị lật đổ, có nhiều giả thuyết và nhiều giải thích khác nhau.
Một là:
– Dương Văn Minh là một nhà quân sự, không có tài làm chính trị. Chính quyền của ông không được sự ủng hộ của nhiều thế lực.
– Thế lực chống đối ngấm ngầm nhưng mãnh liệt là các nhóm công giáo đã từng được Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu sủng ái. Cụ thể nhóm công giáo ở Đồng Nai (Hố Nai – Bùi Chu, Phát Diệm).
– Ngay trong các thế lực Phật giáo, tướng Dương Văn Minh cũng không được sự ủng hộ hoàn toàn. Đối với các Thượng toạ miền Bắc, như Thượng toạ Thích Tâm Châu, Thượng toạ Hộ Giác, Thượng toạ Thiện Minh, Thượng tọa Thích Tâm Giác, tình cảm đối với chính quyền của tướng Minh không được mặn nồng nếu không muốn nói có sự ngấm ngầm chống đối
– Tướng Dương Văn Minh đã sai lầm lớn khi bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Thơ làm Thủ tướng đầu tiên sau cách mạng.
– Nguyễn Ngọc Thơ trước mắt quần chúng là người của Tổng thống Diệm. Chính quyền Cách mạng không thể thối thân từ cái cũ. Sử dụng ông Thơ, ông Minh đã tạt gáo nước lạnh vào ngọn lửa đang bùng cháy trong quần chúng. Ông Thơ và ông Minh là bạn thân. Dù ông Đốc Phủ Thơ của xứ Long Xuyên là nhà hành chính tài giỏi lại uyên thâm về kinh tế, nhưng tên của ông đã cháy nhiều năm khi ông phò tá Ngô Đình Diệm.
– Làm cách mạng mà dùng cái cũ để thay thế cái cũ, ông Minh đã tự đốt hình ảnh thần tượng của mình, đặc biệt trước mắt quần chúng thanh niên.
Hai là:
– Tướng Dương Văn Minh có người em ruột là Thiếu tá Dương Văn Nhựt (sau giải phóng, đeo lon Thượng tá) sĩ quan tình báo quân đội Miền Bắc. Hà Nội có nhiều lần sử dụng ông Nhựt làm cầu nối với ông Minh, tình báo Mỹ biết điều này: Tướng Minh không phải là người được CIA Mỹ tin cậy (Dương Văn Minh và Dương Văn Nhựt tuy là hai anh em ruột nhưng cá tinh khác nhau, thực tế họ không thuận thảo với nhau lắm. Mặc dù, lúc ông Nhựt đi tập kết, Tướng Dương Văn Minh nuôi nấng hầu hết ba đứa con gái của ông Nhựt; những người này đều ăn học thành tài).
– Tướng Minh không ủng hộ việc đưa quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Tướng Minh cũng không ủng hộ việc dội bom Bắc Việt, không ủng hộ giải pháp đưa quân đội miền Nam cùng với quân đội Mỹ trực tiếp tấn công ra Bắc.
Vì những điểm khác biệt then chốt, chinh quyền Mỹ trực tiếp là CIA lúc đó không thể để cho Dương Văn Minh tồn tại lâu dài.
Cuộc chỉnh lý do Nguyễn Khánh thực hiện không thể tách khỏi sự dàn dựng của CIA. Dương Văn Minh bị lật đổ cùng với các tướng lĩnh như Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính.
– Nguyễn Khánh cầm đầu cuộc chỉnh lý Dương Văn Minh nhưng Nguyễn Khánh không tồn tại lâu, vì sau đó Mỹ đã sữ dụng ngay lá bài Thiệu – Kỳ, những tướng lãnh trẻ được Mỹ trực tiếp nhào nặn sau thời kỳ 1954.
– Lật đổ Dương Văn Minh do Mỹ dàn dựng.  Lật đổ Ngô Đình Diệm cũng có sự dàn xếp giữa Dương Văn Minh và Trung tướng Times, tướng CIA làm việc thường xuyên bên cạnh ông Minh.
Nếu Dương Văn Minh không ngoan cố, mà chịu nghe theo lời của Đại sứ Mỹ Cabot Lodge, có lẽ đã không có cuộc chỉnh lý của phe Nguyễn Khánh.
– Dương Văn Minh không hoàn toàn đồng ý với sách lược chiến tranh của Washington nhưng việc Dương Văn Minh lưu vong sang Bangkok tị nạn chính trị có bàn tay sắp xếp của chính quyền Mỹ với Chính phủ Thái Lan.
Dương Văn Minh là một lá bài còn sáng trong canh bạc của Mỹ ở Đông Dương nên ông vẫn tồn tại và sống ở Bangkok trong sự bao che, kính trọng của Chính phủ Thái Lan.
Một phần chi phí của Tướng Minh và Đoàn tuỳ tùng trong thời gian lưu vong vẫn do Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng Hòa đài thọ. Các sĩ quan cấp Tá bên cạnh Tướng Minh vẫn lãnh lương và lên lon theo niên hạn.
Ở Bangkok Dương Văn Minh sống trong một biệt thự sang trọng. Quân đội Thái Lan dành cho Tướng Minh những sự ưu đãi. Hàng tháng đều có gặp gỡ giữa Tướng Minh và các tướng lãnh cao cấp của Thái. Tướng Minh là hội viên danh dự của Câu lạc bộ Thể thao Hoàng gia Thái Lan. Tướng Mỹ Times đếnThái Lan thường xuyên và chơi tennis cùng Tướng Minh để giải trí.
Một “con cọp” được chăm sóc kỹ lưỡng trong cái chuồng sang trọng chờ thời. Thời cơ lại đến với Tướng Minh sau biến cố Tết Mậu thân 1968.
Sự kiện 1-11-1963 nên gọi là đảo chính hay cách mạng?
Về tầm vóc đó chỉ là một cuộc đảo chính. Phe quân sự, cầm đầu là Tướng Minh với sự ủng hộ ngấm ngầm của Mỹ đã lật đổ chế độ độc tài nhà Ngô.
Nhà Ngô chấm dứt rất hợp với lòng đa số nhân dân miền Nam thời bấy giờ. Sụp đổ cùng Ngô Đình Diệm, có sự sụp đổ của phe Công giáo thống trị. Nhờ đó, các tôn giáo khác như Phật giáo, Cao Đài mới có điều kiện thuận lợi để phát triển và tham gia chính trị. Dưới góc độ này, sự kiện 1-11-1963 có thể gọi được là một cuộc cách mạng: dẹp bỏ bè nhóm thống trị cũ, tạo điều kiện cho một thời kỳ mới, cho sự vươn lên của nhiều lực lượng mới.
Nhưng cách mạng 1963 đã chết non, những người tạo nên nó cũng thuộc về giai cấp thống trị đương thời và lâu đời. Họ cũng là sản phẩm của công cuộc đô hộ miền Nam Việt Nam từ thời Pháp thuộc bước qua thời Mỹ can thiệp. Họ không nắm được các tổ chức quần chúng, không có được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tôn giáo, họ chỉ là những quân cờ trong canh bạc chính trị của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Vẫn còn vai trò tương lai
Giữa năm 1968, trong kỳ nghỉ hè của Quốc hội, một đoàn dân biểu trẻ của Việt Nam Cộng Hòa, trên đường đi thăm xã giao các nước Đông Nam Á có ghé qua Bangkok -Thái Lan 5 ngày. Đoàn này gồm các Dân biểu Dương Văn Ba (Bạc Liêu), Trương Vĩ Trí (Chợ Lớn), Trần Minh Nhựt (Biên Hoà), Nguyễn Văn Quí (Hậu Nghĩa), Nguyễn Văn Tiết (Long An). Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Bangkok lúc đó là luật sư Đinh Trình Chính, người thân cận với Nguyễn Cao Kỳ.
Thủ tướng Thái Lan Thanom Kittikachorn tiếp đoàn dân biểu đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa thăm Thái Lan. Cuộc tiếp kiến kéo dài 25 phút. Thủ tướng Thái bày tỏ sự băn khoăn về những bất đồng chia rẽ trong nội bộ miền Nam Việt Nam bấy giờ, và cũng bày tỏ ý kiến ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa chống Cộng, nhưng mong muốn phía Việt Nam Cộng Hòa phải đoàn kết hơn nữa mới có thể đối đầu với cộng sản ở Miền Bắc.
Đoàn dân biểu này có yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam Cộng Hòa sắp xếp để được thăm xã giao Tướng Dương Văn Minh. Đại sứ Đinh Trình Chính đồng ý tổ chức cuộc gặp gỡ. Tướng Dương Văn Minh đã gặp Đoàn dân biểu miền Nam tại Câu lạc bộ Thể thao Hòang Gia Thái Lan trong hơn 60 phút, vào một buổi chiều nắng đẹp .
Trong cuộc gặp gỡ Tướng Minh bày tỏ ý muốn về Sài Gòn, chấm dứt thời kỳ lưu vong. Ý kiến này được các dân biểu trẻ trong đoàn sốt sắng ủng hộ. Tướng Minh nói “sống ở đây thấy đất nướcThái Lan hòa bình và phát triển, họ tiến bộ hơn Việt Nam nhiều mặt. Tôi cảm thấy buồn vì quê nhà đang tiếp tục chịu đựng chiến tranh. Vấn đề của người Việt chúng ta hiện nay là phải làm sao cho sớm có hòa bình. Tôi rất mong các vị dân biểu trẻ đại diện cho xu hướng tiến bộ trong nước, tích cực góp sức tìm kiếm hòa bình cho quê hương. Hòa bình tôi muốn nói đây là hòa bình dân tộc, giữa người Việt Nam với nhau”.
Ý tưởng hoà bình dân tộc, Tướng Minh đã mớm vào đầu các thanh niên trí thức miền Nam trong cuộc gặp gỡ đó, tại Bangkok vào tháng 6 năm 1968.
Sau khi về nước những dân biểu này đã tích cực vận động phong trào đòi đưa Tướng Dương Văn Minh về Sài Gòn, trên các nhật báo lớn. Đầu tiên là tờ Trắng Đen của Việt Định Phương, với ý kiến hô hào của dân biểu Ngô Công Đức đòi thành lập tổ chức nhân dân vận động Dương Văn Minh về nước. Tiếp theo là các tờ báo khác như tờ Tiếng Nói Dân Tộc của Lý Quý Chung, tờ Thời Đại Mới của Nguyễn Kiên Giang.
Dư luận báo chí chín muồi, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu –Nguyễn Cao Kỳ buộc phải cho Tướng Minh trở lại Sài Gòn vào đầu 1969. Ngày Dương Văn Minh về nước, báo chí Sài Gòn rầm rộ hô hào ủng hộ, sân bay Tân Sơn Nhất đầy nghẹt người ra đón chào sự trở về của người anh hùng cách mạng 1963.
Những Ngã Rẽ : Chương 1 – CHUYỆN THUỞ MỚI LỚN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét