Chiếc tàu mang tên Việt Nam Thương Tín chở hơn 600 người di tản vào
ngày 30/4/1975 và đã quay lại VN với số lượng người hơn gấp đôi so với
lúc ra đi 6 tháng sau đó. Số phận của những người trở về này ra sao sau
40 năm?
Trong số các chiếc tàu rời cảng Sài Gòn chở người di tản trong những
giây phút cuối cùng của cuộc chiến tranh VN thì tàu Việt Nam Thương Tín
luôn được nhắc đến trong suốt 40 năm qua bởi vì đây là chiếc tàu độc
nhất quay trở về.
Thương thuyền Việt Nam Thương Tín có trọng tải hơn 6 ngàn tấn với hơn
600 người bắt đầu cuộc hành trình vào ngày 30/4/1975. Khi tàu chạy được
7 hải lý trên sông Lòng Tảo đến khu vực rừng Sát thì bị trúng 3 viên
đạn pháo B40 gây thiệt mạng cho Nhà văn Chu Tử và 1 cháu bé. Mặc dù con
tàu bị hư hại nhưng cuối cùng vẫn cập bến Apra, đảo Guam an toàn.
Trong thời gian con tàu Thương Tín có mặt ở đảo Guam, một số những
người Việt tạm cư ở đây lên tiếng muốn trở về VN với lý do gia đình cùng
người thân còn ở VN và còn vì các nguyên nhân khác. Nhiều người tuyệt
thực biểu tình yêu cầu nguyện vọng của họ được chính phủ Hoa Kỳ đáp ứng.
Mặc dù có rất nhiều lời khuyên can ngăn không nên trở về vì sẽ gặp
nhiều rủi ro với chính phủ mới do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền nhưng
cuối cùng khoảng 1600 người, trong đó hơn 100 người đã định cư ở vùng
Bắc Mỹ đến Guam để hồi hương. Chính phủ Hoa Kỳ chọn chiếc tàu Việt Nam
Thương Tín và chỉ định Trung tá Hải quân Trần Đình Trụ lái chiếc tàu này
trở về VN.
Trao đổi qua điện thoại với Hòa Ái, ông Trần Đình Trụ chia sẻ đến đảo
Guam một mình vì khi rời VN trong chuyến công vụ trên chiến hạm hải
quân nên ông quyết định trở về dù đã tiên liệu được phải trả một cái giá
nào đó, có thể là tù đày vài ba năm do ông phục vụ trong Quân lực VNCH
nhưng vẫn có cơ hội cho một cuộc sống về sau cùng với những người thân.
Cựu Trung tá Hải quân Trần Đình Trụ cho biết con tàu Việt Nam Thương
Tín được trang bị đầy đủ xăng dầu, thực phẩm không những cho cuộc hải
trình trở về VN mà còn đủ cho thời gian con tàu quay đầu trở lại đảo
Guam nếu những người trên tàu thay đổi quyết định.
Không gặp trở ngại nào như lúc rời VN vào ngày 30/4, con tàu Việt Nam
Thương Tín sau 2 tuần đã về đến Vũng Tàu an toàn. Thế nhưng số phận của
khoảng 1600 người trên tàu, kể cả phụ nữ và trẻ em lại không được an
toàn như vậy. Tất cả họ bị đưa vào trại giam. Ông Trần Đình Trụ kể lại: “Tâm trạng con người ta khi mất tất cả, đất nước mất; gia đình, vợ
con, sự nghiệp, nhà cửa, tất cả mất hết thì tôi không tha thiết gì cuộc
sống bên Mỹ. Thành ra tôi quyết định về, dù chết cũng về. Về tới VN thì
đương nhiên công an đưa tôi vào trại giam liền. Thực ra tôi về vì gia
đình tôi còn ở VN nhưng những người Cộng sản nghi ngờ tôi từ bên Mỹ về
thì Mỹ giao cho tôi công tác nào đó. Họ nghi ngờ như vậy cho nên họ điều
tra về vấn đề này. Sau đó, họ điều tra rất nhiều, rất lâu, mấy tháng
liên tiếp ngày nào cũng gọi tôi lên. Sau cùng họ chẳng tìm ra được
nguyên nhân gì cả, chỉ vì lý do gia đình thôi. Sau đó họ đưa tôi vào
những trại giam ở miền Trung và miền Bắc. Tôi ở 13 năm. Lúc tôi được về
thì tương đối cũng không gặp trở ngại gì cả nhưng mọi hoạt động của tôi
vẫn có người theo dõi”.
Trường hợp tiếp mà chúng tôi ghi nhận được cũng từ trên chiếc tàu
Thương Tín trở về và bị nói làm việc cho CIA là của ông Trần Đẹt. Ông
này người gốc Khmer, hiện ở Sóc Trăng.
Là cận vệ của Chỉ huy huy trưởng Chi Cảnh sát Quận Mỹ Xuyên, Tỉnh Ba
Xuyên, Đại tá Lê Trường Xuân vào thời điểm 30/4/75, Trung sĩ Trần Đẹt
được lệnh đi theo người chỉ huy của mình xuống tàu Việt Nam Thương Tín
để chuyển vùng chứ không hề biết là đi di tản ra khỏi VN. Quyết định trở
về VN với hy vọng gặp lại vợ và 4 người con nhưng ông Trần Đẹt bị bắt
giam ngay sau khi con tàu cập cảng ở Nha Trang vào ngày 15/10/75. Ông
Trần Đẹt phải chịu gần 5 năm tù ở trại A20 Phú Khánh vì “Họ nói mấy anh chạy đi nước nào thì còn khoan hồng chứ đi Mỹ trở về thì toàn là CIA cài lại”.
Rồi số phận của nhiều người trong số 1600 người trên con tàu Việt Nam
Thương Tín cũng lần lượt được trở về đoàn tụ cùng gia đình, ông Trần
Đẹt thì khoảng gần 5 năm, ông Trần Đình Trụ mất 13 năm trường. Và một
lần nữa, nhiều người trong số họ lại rời VN ra đi đến Hoa Kỳ định cư
trong những năm đầu thập niên 90. Ông Trần Đình Trụ cùng gia đình đến Mỹ
năm 1991.
Tuy nhiên cũng vẫn có nhiều trường hợp không may mắn như gia đình ông
Trần Đình Trụ. Gia đình ông Trần Đẹt bị kẹt lại VN vì tờ khai hộ khẩu
có vấn đề. Ngày-tháng-năm ông Trần Đẹt trình diện công an địa phương hồi
cuối năm 1980 không được ghi trong tờ khai hộ khẩu của gia đình nên khi
đi phỏng vấn thì trong tờ khai hộ khẩu chỉ có năm 1977 khi gia đình của
ông được cấp hộ khẩu mới mà thôi nên đối chiếu với thời gian ghi trên
giấy ra trại cải tạo không phù hợp. Ông Trần Đẹt nhớ lại: “Bị trục trặc giấy cải tạo với tờ khai hộ khẩu. Hồi tôi nộp hồ sơ
thì tờ khai hộ khẩu là C4, không có ghi ngày tháng mình nhập khẩu. Tới
khi đổi tờ khai hộ khẩu mới thì tên tôi bị (công an địa phương) ghi nhập
khẩu năm 1977 nên khi đi phỏng vấn không kiểm tra được. Như thế này,
mời phỏng vấn là 10/10/1995. Giấy phỏng vấn ghi mùng 10 nhưng (bưu điện
chuyển) về tới tay tôi là mùng 9 thì thu sếp hồ sơ không kịp. Lên phỏng
vấn thì bị sai hồ sơ hộ khẩu với giấy cải tạo. Tôi khiếu nại thì họ kêu
bổ túc hồ sơ. Tôi lên Sài Gòn bổ túc hồ sơ mấy lần mà không được. Phái
đoàn Mỹ chất vấn giấy cải tạo với tờ khai hộ khẩu không khớp với nhau.
Họ căn cứ theo tờ khai hộ khẩu còn giấy cải tạo thì bị nghi là giấy cải
tạo giả.”
Gia đình ông Trần Đẹt nhờ 1 người quen cùng xóm biết tiếng Anh giúp
làm đơn khiếu nại gửi đến Lãnh Sự quán ở Thái Lan. Sau đó, gia đình nhận
được thông báo hồ sơ được lưu trong vòng 5 năm đến năm 2000 ở Lãnh Sự
quán TP.HCM cho việc khiếu nại nhưng vì nghèo khó nên gia đình đành phải
bỏ cuộc. Và công an địa phương lập biên bản thu hồi hết 6 hộ chiếu của
gia đình.
Hiện ông Trần Đẹt, 68 tuổi, với vóc dáng 44 kg, làm công việc bốc vác
gạo và chở gạo thuê ở chợ, kiếm được khoảng 50 đến 60 ngàn đồng, tương
đương gần 3 đô la cho cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Kể từ ngày đặt chân lên con tàu Việt Nam Thương Tín đến nay đã gần
tròn 40 năm, nay ông Trần Đình Trụ hài lòng với cuộc sống ở Hoa Kỳ nhưng
vẫn mong một ngày trở về khi VN thật sự có tự do-dân chủ.
Còn ông Trần Đẹt dù phải an phận với cuộc sống gian nan nơi quê nhà
nhưng luôn hy vọng có được một cuộc sống mới bên kia bờ Thái Bình Dương.
Ở tuổi gần đất xa trời, cả ông Trần Đình Trụ và ông Trần Đẹt đều mong
đợi ước vọng của họ thành sự trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét