Trả lời BBC, một chuyên gia
Trung Quốc lạc quan thận trọng về quan hệ song phương, còn nhà quan sát
Việt Nam nói cần ‘cảnh giác’.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 7/4.Việt Nam và Trung Quốc cần xử lý tốt bất đồng trên Biển Đông để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được dẫn lời nói như thế với người tương nhiệm phía Việt Nam, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
“Chúng ta phải nghiêm túc tuân thủ những thỏa thuận quan trọng mà lãnh đạo của hai đảng đã đạt được, cùng nhau xử lý thỏa đáng và kiểm soát các bất đồng trên biển, duy trì mối quan hệ tổng thể, hòa bình và ổn định trên Biển Đông,” ông Tập được hãng tin China News Service dẫn lời nói với ông Trọng tại cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh hôm 7/4.
Trong khi đó, Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết hai nhà lãnh đạo thừa nhận “trở ngại lớn nhất chính là sự tin cậy chính trị chưa cao, chủ yếu là do bất đồng trong cách ứng xử, giải quyết vấn đề trên Biển Đông”.
Hai bên cam kết sẽ đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện “phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững và ngày càng đi vào chiều sâu”.
Trả lời BBC, Giáo sư về Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Chiến lược, Shi Yinhong, từ Đại học Nhân dân Trung Quốc, bày tỏ vui mừng khi hai nước muốn giảm căng thẳng và quan tâm hơn về trao đổi kinh tế và các hình thức hợp tác khác.
Điều này “quan trọng cho Hà Nội về kinh tế và cho Bắc Kinh về ngoại giao,” ông nói.
Nhưng ông thừa nhận tranh chấp biển đảo vẫn tồn tại, và “không bên nào chấp nhận nhượng bộ lớn”.
“Chính sách ngoại giao của Việt Nam vẫn sẽ nhằm từ từ xây dựng đối tác chiến lược, hay một điều gì gần như thế, với Washington.
“Chính sách của Trung Quốc thì vẫn sẽ định hình bởi sự cạnh tranh chiến lược với Mỹ tại tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á.”
Giáo sư Shi Yinhong kết luận: “Thật mừng khi chứng kiến quan hệ nồng ấm hơn, và chúng ta cũng đừng ngạc nhiên nếu nhỡ xảy ra chuyển biến lạnh lẽo hơn trong tương lai.”
Nhiệt tình có tính toán?
Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nhà quan sát chính trị, kinh tế từ Hà Nội, nhận định: “Sự nhiệt tình, những ngôn từ hữu nghị và thiện chí của Trung Quốc nên được xem xét trong bối cảnh họ muốn kéo Việt Nam về phía mình và ngăn cản Việt Nam xích về phía Mỹ.”Ông Doanh cho biết Trung Quốc đã ‘vội vã mời ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm’ trong bối cảnh ông Trọng chuẩn bị đi thăm Mỹ.
“Sau đó Trung Quốc cũng ngừng cho báo chí công kích, phỉ báng Việt Nam với những ngôn ngữ hết sức tàn tệ,” ông cho biết.
“Điều này đòi hỏi Việt Nam phải luôn cảnh giác, phải đặt lợi ích, độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ lên cao nhất và nhanh chóng trở nên phát triển hùng mạnh,” ông Doanh nói.
“Nhân dân Việt Nam luôn luôn muốn cho Việt Nam hùng mạnh lên và muốn cho Việt Nam có thêm càng nhiều bạn bè càng tốt để có thể tự bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước bất kỳ sự xâm lấn nào,” ông nói thêm.
Báo chí Trung Quốc
Trang mạng của Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Tề Kiến Quốc, cựu Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam, nói rằng chuyến thăm của ông Trọng có ‘ý nghĩa rất to lớn’ trong quan hệ giữa hai nước do trong phái đoàn của ông Trọng có đến bốn ủy viên Bộ Chính trị khiến đây là một trong những phái đoàn cấp cao nhất của phía Việt Nam đến thăm Trung Quốc.Ông Tề cũng cho biết Việt Nam ‘luôn ưu tiên mối quan hệ với Trung Quốc’. “Vì là láng giềng và cùng là nước xã hội chủ nghĩa, cả hai nước đều có cơ hội trong sự phát triển của nhau,” ông Tề được dẫn lời nói.
Về sự phát triển mối quan hệ Mỹ-Việt, ông Tề cho rằng liên minh giữa Washington và Hà Nội là ‘rất không có khả năng xảy ra’ do hai nước thù địch nhau về ý thức hệ.
Tờ Minh báo của Hong Kong bình luận rằng ông Trọng đã cho thấy ‘ông rất coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc và ông muốn duy trì mối quan hệ hòa bình và hữu nghị với Bắc Kinh với việc thăm Trung Quốc trước khi đi Mỹ’.
Cũng theo tờ báo này thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là ‘nhà lãnh đạo Việt Nam ủng hộ Trung Quốc nhất’ nhưng ‘lại không có được nhiều ảnh hưởng ở trong nước’.
‘Học chống tham nhũng’
Về đề xuất Con đường Tơ lụa thế kỷ 21, ông Tập nói Trung Quốc hoan nghênh sự tham gia của Việt Nam còn ông Trọng nói ông ‘đang nghiên cứu’, theo Hoàn cầu Thời báo.
Ông Trọng cũng bày tỏ hy vọng hợp tác giữa hai nước sẽ được tăng cường thông qua con đường xây dựng Đảng, đào tạo các cán bộ cho Đảng Cộng sản Việt Nam và cải tiến hệ thống pháp luật Việt Nam dựa trên kinh nghiệm của Trung Quốc.
Trang mạng của tờ Oriental Daily ở Hong Kong cho biết công cuộc chống tham nhũng mà ông Tập Cận Bình đang tiến hành ở Trung Quốc ‘đã gây ấn tượng cho Đảng Cộng sản Việt Nam’ và ông Nguyễn Phú Trọng đã nói là ông ‘sẽ dành nhiều công sức hơn nữa để chống tham nhũng’.
Tờ báo này cũng cho biết một trong những nội dung chính trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng là trao đổi kinh nghiệm với Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm về chống tham nhũng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét