Phạm Hồng Sơn
Trong bộ phận báo chí công dân, báo chí phi nhà nước của Việt Nam hiện nay, vẫn gần tuyệt đối trên không gian ảo, Dân luận đã chứng tỏ là một trong những trang có tính khai phóng nhất với sự cập nhật thông tin khá đa nguyên và nhanh chóng, tức thuộc những trang hữu ích nhất hiện nay cho công cuộc mở rộng quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận cùng các tự do liên đới khác cho dân chúng Việt Nam.Nhưng thông báo mới đây của Dân luận về việc Tìm kiếm cộng tác viên với mức nhuận bút hấp dẫn nhằm “xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn” cho thấy Dân luận đang có một bước đi ngược ánh sáng tự do.
Như tự bày tỏ, có lẽ vì đặt vấn đề an ninh (vật lý) của người viết (cộng tác viên) lên hàng đầu, Dân luận đã thẳng thắn khuyến cáo người cộng tác cần “Chọn một bút danh để tham gia Dân luận. Dân luận khuyến cáo sử dụng bút danh không liên quan đến danh tính của bạn để đảm bảo an toàn cá nhân…”
Về mặt kỹ thuật, khuyến cáo giấu danh tính vừa kể là một biện pháp an ninh không hữu hiệu, nếu không muốn nói là hoàn toàn vô nghĩa và đồng thời tạo ra một sự ngộ nhận nguy hiểm cho công chúng, một khi tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Interner (ISP) và các cổng ra-vào của Internet tại Việt Nam vẫn hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát 24/24h, 7/7 ngày của lực lượng an ninh chuyên chế.
Và, quan trọng hơn, biện pháp mà Dân luận đề xuất, như có tính nguyên tắc, vô hình chung đã hướng người viết về phía thiếu đàng hoàng trong tư cách của một người cầm bút phản biện xã hội và mặc định khuyến khích tính thiếu trách nhiệm công dân với những điều người viết bày tỏ trước công luận.
Điều không thể phủ nhận Internet đã mang cho con người, cả kẻ cai trị lẫn người bị trị, rất nhiều tiện ích. Nhưng Internet cũng làm cho các trao đổi, quan hệ, giá trị của con người trở nên ảo hơn, giả hơn, hời hợt hơn. Theo tôi, đó là một trong những lý do căn bản khiến tuyệt đại đa số các “mùa xuân Ả Rập” rất rầm rộ nhưng không thể xua đi được các bóng đêm độc tài.
Giới đạo đức học hiện đại cũng đã đề xuất nhiều phép thử giúp con người kiểm soát, duy trì, gia tăng tính chính trực, trách nhiệm trong suy nghĩ, hành động của bản thân, trong đó có một phép thử phổ biến gọi là Test bộc lộ công khai (test of public exposure) với câu tự vấn: Ta sẽ cảm giác ra sao nếu những hành động (chia sẻ, bày tỏ, suy nghĩ, việc làm…) của ta được thể hiện đàng hoàng trước công luận?
Đề xuất phép thử này của các nhà đạo đức học cho thấy vai trò tối quan trọng của tính minh bạch, công khai (danh tính) trong việc gìn giữ, tôn tạo phẩm tính chính trực, trách nhiệm cho con người cá nhân và xã hội.
Dù đạo đức học (ethics) có nhiều quan điểm, nhiều trường phái khác nhau nhưng con người vẫn có những giá trị cùng chia sẻ không thay đổi theo thời gian, không gian. Không phải ngẫu nhiên, hai nhà tư tưởng thuộc hạng có thẩm quyền lớn nhất tại phương Đông và phương Tây, sống cách nhau hơn 2000 năm, Khổng Tử (551-479 tr. CN) và Immanuel Kant (1724-1804), đã cùng chia sẻ một quan điểm: Nếu chúng ta muốn xã hội trở nên chính trực, minh bạch trước tiên chúng ta cần phải hành động chính trực, minh bạch.[i]
Sự phát triển của loài người từ xưa tới nay cũng cho thấy không một hệ thống nào của con người có thể cho ra được những sản phẩm khả tín, chính trực với nguyên liệu đầu vào là sự thiếu đàng hoàng, ít tự tin, thiếu trách nhiệm.* Cũng chưa bao giờ thấy một giáo lý hay một giáo chủ nào khuyên răn người ta hãy nâng tâm hồn lên bằng sự ngập ngừng, kém minh bạch.
Khi Wikipedia đã được so sánh với Britannica và Internet đã tràn cả vào túi áo quần thì vấn đề quan yếu hàng đầu cho việc xác quyết và đòi hỏi quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam không còn là việc “biết-không biết”, “viết-không viết” như cách đây 20 năm nữa mà phải là cách bày tỏ như thế nào: minh danh hay ẩn danh, lý tính hay cảm tính, triệt để hay cải lương, dân chủ hay độc tài, nghiêm túc hay chơi bời,…
Chọn cho bản thân lối bày tỏ nào trong một hoàn cảnh nào về một vấn đề nào là quyền tự do của mỗi cá nhân. Nhưng sự lựa chọn đó sẽ đặt chúng ta chắc chắn vào một trong hai vị trí, có hoặc thiếu/vô trách nhiệm đạo đức xã hội: Kéo xã hội về phía chính trực, minh bạch hay đẩy xã hội về phía mập mờ, sợ hãi.
Đương nhiên, lựa chọn đạo đức luôn kèm theo thách thức và rủi ro. Nhưng chính vì thế đạo đức mới có giá và là cái chỉ Con Người mới có.
Song, dù minh bạch, công khai luôn được gần hết mọi lý thuyết, giáo lý cao siêu ủng hộ, ẩn danh, thậm chí mạo danh, vẫn là một hiện thực muôn thuở của con người kể cả trong một xã hội tự do tuyệt đối – vì đó là quyền riêng tư (privacy) và bản thể con người không bao giờ toàn hảo. Nhưng lợi ích công sẽ bị thương tổn trầm trọng, tương lai xã hội sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu ẩn danh trở thành một tập quán phổ biến, một qui chuẩn thông thường của báo chí. Đặc biệt, khi xã hội vẫn hoàn toàn bị trói buộc vào dối trá, không thể nào lại khuyến dụ con người cứ ôm lấy bóng tối để đòi ánh sáng sự thật. Bởi bóng tối, dù là bóng tối của cái Thiện, không bao giờ có thể làm cho một bóng tối khác sáng lên được.○
*Cập nhật: Trong bài có một nhận định thiếu chặt chẽ: “Sự phát triển của loài người từ xưa tới nay cũng cho thấy không một hệ thống nào của con người có thể cho ra được những sản phẩm khả tín, chính trực với nguyên liệu đầu vào là sự thiếu đàng hoàng, ít tự tin, thiếu trách nhiệm.” Thực tế vẫn có hệ thống làm được như thế, như cơ sở giáo dưỡng hoặc các nơi tu hành. Thành thật xin lỗi quí vị. (18:40PM GMT+7 ngày 10/06/2015)
[i] Câu của Khổng tử (trong Luận ngữ, thiên XV.23) đã trở thành thành ngữ: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (việc gì mình không muốn chớ làm cho người). Kant cho rằng: “Mỗi người nên sống theo cách sao cho bản thân sẵn sàng khuyến khích mọi người khác sống theo cách sống đó.” (We should act in ways that we would be prepared to recommend to everyone else; we should only make moral decisions we could conceivably encourage everyone else to make in the same circumstances.), dẫn theo Hugh Mackay, Right and Wrong – how to decide for yourself, Hodder, 2004, trang 15.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét