DL: Báo cáo Nghiên cứu “Đánh dấu không gian xã hội dân sự Việt Nam” của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế & Môi trường ISEE là báo cáo nghiên cứu sâu ĐẦU TIÊN với một bức tranh khá chân thực về quy mô/tầm mức của Không gian Xã hội Dân sự Vn hiện nay. Nghiên cứu cũng chỉ ra những thách thức và tiềm năng phát triển của nó trong thời gian tới. Dân Luận xin được trích đăng 1 phần trong bản báo cáo dài 172 trang để giới thiệu tới bạn đọc, toàn bộ Báo cáo Nghiên Cứu bạn đọc có thể tải về từ File đính kèm có trong bài viết này.........................
4.4.1.2. Mức độ chấp nhận của người dân với phản biện xã hội độc lập (2,63 điểm) và khác biệt tư tưởng (2,64 điểm)
Trong phần này, chúng tôi thảo luận chung quan điểm của người tham gia nghiên cứu về mức độ ủng hộ của người dân với phản biện xã hội và khác biệt tư tưởng vì có những nét tương đồng và liên quan.
Khi được hỏi, nhiều người nhắc đến hệ thống chính trị Việt Nam được xây dựng trên một nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin, và toàn bộ xã hội được đào tạo theo một hệ thống tư tưởng từ nhà trường đến các tổ chức chính trị xã hội. Các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân... phổ biến đến toàn bộ hệ thống chân rết của họ, hoặc qua họp hành, hoặc qua hệ thống loa công cộng. “Hàng ngày chính quyền hoạt động như một cỗ máy với sự chỉ đạo của Đảng luôn được quán triệt nên cái gì khác là bị triệt tiêu ngay, chứ đừng nói khác về tư tưởng” (nữ, miền trung). “Điều này nhà nước làm rất tài tình thông qua bộ máy tuyên truyền hướng đến cả trẻ em lẫn người lớn về công lao của Đảng cộng sản. Tất cả mọi sự phát triển là nhờ có Đảng, có điện là nhờ có Đảng, được xem tivi là nhờ có Đảng… và họ nghĩ đến cái chuyện gì ngược là phản động, và phải lập tức được tuyên truyền ngay” (Nam, Hà Nội).
Trong thời đại thông tin nhiều, người dân biết về các hệ thống tư tưởng khác, các chế độ chính trị khác, các hình thái xã hội khác trên thế giới nhưng “họ lại không chấp nhận là ở Việt Nam có cách suy nghĩ như vậy. Họ nói cái đó cũng được nhưng mà trên thế giới thôi chứ ở Việt Nam không như vậy được, hoặc là người Việt Nam không như thế, hoặc người Hà Nội không như thế, người nhà quê không như thế. Tức là mọi người rất yên tâm với lựa chọn của mình. Xã hội Việt Nam là những người bị nhét vào trong các cái ngăn, mọi người rất hạnh phúc ở trong cái ngăn đấy mà mọi người không nghĩ mình có thể đi sang một cái ngăn khác, thậm chí còn không chấp nhận có một người ở ngăn khác” (nữ, Hà Nội).
Chính do việc chấp nhận sự khác biệt về tư tưởng còn khó khăn nên mức độ ủng hộ của người dân đối với phản biện xã hội độc lập tương đối thấp. Đây cũng là một vấn đề do lịch sử để lại khi nhà nước đóng vai trò “toàn diện” trong phát triển kinh tế xã hội. Diễn ngôn về sự “thống nhất”, “đoàn kết”, “ổn định” trở thành giá trị cũng như chân lý. Chính vì vậy, người dân cũng chưa chấp nhận những tổ chức độc lập vì “anh phải của nhà nước chứ, của Đảng chứ làm sao lại có anh đứng ra độc lập như thế này” (Nam, miền trung). Và người ta sợ những “cái gì có chữ độc lập như Văn đoàn độc lập, Hội nhà báo độc lập…. Bởi vì cái tâm lí nhà nước còn rất là nặng, từ thời bao cấp trở đi, thời chiến tranh thì nhà nước luôn luôn đúng rồi vì nhà nước là đơn vị huy động nguồn lực, thời bao cấp cũng vậy, nhà nước là người nghĩ kế hoạch cho cả đất nước cho nên người ta có một tâm lý nặng nề là nhà nước luôn đúng” (Nữ, Hà Nội).
Chính tâm thức ngầm định ở Việt Nam chỉ có một chân lý làm cho người dân dù bất bình, biết là sai nhưng sợ phản kháng, “họ thấy bấtcông hàng ngày nhưng họ chưa hiểu được cái nguyên nhân chính trị đằng sau những bất công đó để mà hành động” (Nam, Miền trung). Có người ví “xã hội Việt Nam như một gia đình gia trưởng, ông bố độc tài chuyên chế nên gây ra sự sợ hãi, dù biết ông sai nhưng ai cũng sợ đối mặt với ông ấy” (Nam, TP.HCM). Ngay như việc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, dù ai cũng bất bình, ai cũng căm giận, nhưng không phải ai cũng dám xuống đường. “Có thể vì sợ hãi, có thể sợ rắc rối. Nói vậy chứ, bộ máy cầm quyền của Việt Nam vẫn là một trong những bộ máy mà đối với người dân vẫn là một bộ máy chặt chẽ…Nó cứ như bóng đè vậy ấy” (Nam, TP.HCM). Ngay trong vụ Hà Nội chặt cây, “dù không liên quan đến chính trị và người dân nhìn thấy chính quyền sai mười mươi, tuy nhiên, nhiều người không dám ủng hộ những người phản đối chặt cây. Họ sợ bị liên lụy, vì chính quyền đã thông báo cho các gia đình quản lý con cháu không để chúng nó xuống đường gây mất trật tự” (Nam, Hà Nội). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng có thêm tiếng nói phản biện độc lập cất lên, từ vấn đề lớn như boxit Tây Nguyên, biển Đông, Hiến pháp, Đất đai…đến các vấn đề cụ thể hơn như cây xanh Hà Nội, giáo dục, y tế, quyền LGBT, minh bạch ngân sách. Tuy nhiên, những người đi tiên phong chưa hẳn đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của dân chúng vì những lý do khác nhau. Những chia sẻ và phân tích của những người tham gia nghiên cứu có thể được tổng hợp thành ba nhóm nguyên nhân chính yếu dưới đây.
Thứ nhất, “nhiều người dân không tin tưởng những người phản biện xã hội, không biết họ là ai, động cơ phía sau của họ là gì” (Nam, Hà Nội). Thông tin càng nhiễu loạn vì nhiều người phản biện bị chụp mũ có động cơ chính trị, gây rối, hoặc phản động nên càng làm cho người dân né tránh. Những người phản biện độc lập bị gây rắc rối bởi an ninh, chính quyền thì càng khiến cho người dân e ngại, xa lánh. Họ còn bị chính gia đình, bạn bè ngăn cản để không phải chịu những rắc rối vì thực hành phản biện độc lập mà ra. Trong một số trường hợp, người dân ngầm ủng hộ nhưng họ không dám lên tiếng mà chỉ xì xầm nói chuyện với nhau. Để bước ra khỏi bóng tối nói thẳng tiếng nói ủng hộ cho những người phản biện độc lập còn là một bước đi dài mà nhiều người còn chưa nghĩ tới.
Thứ hai, những phản biện độc lập chưa phải lúc nào cũng có nhiều chất lượng do thiếu sự tham gia, hợp tác của đội ngũ trí thức. Trong những cuộc “ném đá” rầm rầm về các vấn đề kinh tế, xã hội, hoặc văn hóa, các tiếng nói lẻ loi của trí thức thường không tạo được ảnh hưởng mang tính khai sáng hoặc làm giàu cho các cuộc thảo luận. Có nhiều rào cản để trí thức có thể tham gia vào phản biện độc lập như sự ngăn cản của chính quyền (đa số các nhà nghiên cứu vẫn đang làm cho các viện/trung tâm nghiên cứu nhà nước), sự thiếu hụt các think-tanks độc lập về các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa có khả năng dẫn dắt dư luận bằng lý lẽ, và cuối cùng là kiểm duyệt báo chí khi sự phản biện đụng chạm đến những vấn đề hoặc đối tượng nhạy cảm, có quyền lực. Vụ chặt cây của Hà Nội có thể là một ngoại lệ khi các trí thức như Ngô Bảo Châu, Trần Đăng Tuấn, hay ba Luật sư Trần Vũ Hải, Nguyễn Hà Luân và Lê Luân lên tiếng kiến nghị UBND Thành Phố xử lý vụ việc từ góc nhìn của công dân. Các kiến trúc sư lên tiếng về quy hoạch đô thị liên quan đến cây xanh. Các chuyên gia sinh học, thực vật học lên tiếng về loại cây phù hợp hay không phù hợp trồng ở Hà Nội, các nhà hoạt động trong xã hội dân sự lên tiếng về minh bạch giải trình, tiếp cận thông tin, và sự tham gia của người dân vào quản trị nhà nước. Chính sự tham gia rộng rãi của trí thức trong vụ việc cây xanh đã tạo ra thay đổi rất lớn, làm người dân hiểu vấn đề rõ hơn, và chính quyền phải xử lý vụ việc nghiêm túc hơn. Trong vụ việc này không có một nơi đứng ra điều phối mà chỉ có mục đích chung là bảo vệ cây làm các trí thức gắn lại với nhau.
Thứ ba, cách tiến hành phản biện độc lập còn “bát nháo” dẫn đến phản cảm, thậm chí hiệu ứng ngược. Theo phân tích của một thành viên hoạt động ở Hà Nội, phản biện xã hội hiện tại có thể tạm chia thành ba dạng. Dạng một là các nhóm đối tượng “chống cộng hoàn toàn” chuyên tập trung vào mặt tiêu cực của sự việc, chính sách hoặc vai trò của Đảng cộng sản gây phản cảm cho người nghe. Nhóm hai là nhóm “phản ứng theo cảm xúc”, họ tham gia không phải để thảo luận tìm ra sự thật, mà “ùa lên để phản đối, ùa lên để ném đá”, hoặc “họ nhảy vào để xả sự tức giận hay là sự chán chường chứ không mang tính xây dựng hoặc có độ sâu trong ý kiến của họ”. Nhóm này đông nhất và thường hoạt động trên mạng xã hội hoặc trên báo mạng ở phần phản hồi của bạn đọc. Nhóm thứ ba đang manh nha hình thành nhưng còn ít, đó là nhóm “phản biện có lý lẽ”, họ “phản biện rất thẳng thắn, đưa ra các phân tích chạm được vào cái người dân đang nghi ngờ. Họ phản biện thẳng thắn nhưng lối nói vẫn rành mạnh, khoa học nên thuyết phục được người dân” (Nữ, Hà Nội). Có thể nói phản biện độc lập đã manh nha phát triển trong xã hội Việt Nam. Sự xuất hiện của mạng xã hội, các nhóm độc lập, và sự hội nhập của Việt Nam đã tạo nền tảng cho văn hóa phản biện độc lập hình thành. Khủng hoảng kinh tế xã hội với các thất bại chính sách như Vinashin, Vinalines, Boxit Tây Nguyên, cải cách giáo dục, y tế…đã giúp kích thích nhu cầu phản biện độc lập trong xã hội. Tuy nhiên, do đa phần dân chúng chưa thoát ra khỏi lối suy nghĩ độc nguyên, chưa nhìn thấy giá trị của phản biện độc lập, và đặc biệt sự ngăn cản, thậm chí trấn áp của chính quyền với các tiếng nói độc lập, nên có thể nói phản biện độc lập mới manh nha, chưa trở thành nhu cầu cũng như nền tảng phát triển xã hội.
4.4.1.3. Mức độ quan tâm của người dân đến sự bất công trong xã hội (3,65 điểm)
Tất cả người tham gia phỏng vấn đều cho rằng càng ngày người dân càng quan tâm đến các bất công xảy ra trong xã hội. Một phần vì họ chứng kiến các bất công diễn ra ngay trước mắt, hàng ngày; một phần vì họ có nhiều thông tin hơn về các bất công xảy ra ở nơi khác nhờ truyền thông báo chí, đặc biệt các ý kiến đa chiều, mổ xẻ các vụ việc đưa trên mạng xã hội. Một người hoạt động trong mảng truyền thông cho biết “những cái kiểu như ăn tiền của dân, rồi đàn dê cho người nghèo vào nhà chủ tịch xã rồi này kia, mọi người thể hiện sự quan tâm rất lớn với cái vấn đề đấy... cái bài như ‘Ngọc Trinh hở vú’ thì được chia sẻ và đọc rất nhiều nhưng mà comment không có nhiều, còn cái kia comment rất là nhiều... so ra tôi thấy là họ thích thú vấn đề này để bình luận nhiều hơn” (Nam, TP.HCM). Tương tự như vậy, “các hình ảnh không đẹp của cảnh sát giao thông như nhận hối lộ, đi đường không đội mũ bảo hiểm, sáng nay còncó ảnh hai ông cảnh sát ngồi trên xe lao qua dải phân cách để sang bên kia đường... rồi những chuyện người dân bị đánh đập... những người like và share nội dung đấy, thông tin đấy khá đông, thì đấy cho thấy người dân quan tâm đến những cái bất công rất cụ thể” (Nam, Hà Nội).
Người dân “nhìn cái nhà ổ chuột của họ và cái biệt thự mà các quan chức có được, cái đó làm sao giấu mặt trong khu phố. Họ điểm mặt từng người một, nhà này nhà ông A, nhà kia nhà ông B, rồi thì nhà mẹ ông chứ không phải ông B đâu, họ biết, mà cái đó thì nó rõ” (Nam, TP. HCM). “Ngoài đường thì có những chiếc xe ô tô đắt tiền bóng lộn đậu cạnh những người phụ nữ lam lũ bới rác tìm kế sinh nhai, nam thanh nữ tú thì ôm điện thoại đắt tiền, xài đồ hiệu, cái gì thế giới có đây có. Chính những hình ảnh đó nó thể hiện cái sự phân hóa, cái sự bất bình đẳng, và cái xã hội cung phụng cho những người giàu, còn những người nghèo không phát triển được” (Nam, TP. HCM).
Đối với xã hội dân sự, các bất công thường được nhắc đến nhiều nhất liên quan đến đất đai, cụ thể là nông dân bị “cướp” đất vì nó thể hiện sự đối kháng rất lớn về nguồn lực. Một nhóm lớn là nông dân yếu thế trong quá trình cạnh tranh, còn một nhóm nhỏ doanh nhân và quan chức thu lợi từ quá trình chuyển dịch kinh tế và quyền lực. Ngoài ra, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công cũng thể hiện rõ sự bất công mà “người nghèo nếu ốm nặng gia đình không có tiền thì coi như gửi thẳng ra nghĩa trang”, “còn người giàu có tiền được dắt xoẹt cái lên khám trước”. Nhưng vấn đề được khá nhiều người nhấn mạnh đó là sự thiếu độc lập, khách quan của hệ thống tư pháp. Đối với người nghèo thì “ôi giời, cái hệ thống luật pháp chẳng hề bảo vệ mình” còn người giàu, có quyền lực thì “tao sẵn sàng bẻ cong hệ thống luật pháp nếu nó phục vụ tao” (Nữ, Miền trung).
Khi phân tích nguyên nhân tại sao người dân bức xúc nhưng chưa lên tiếng mạnh mẽ, nhiều người tham gia nghiên cứu cho rằng do họ vẫncòn sợ. “Họ cảm thấy an toàn hơn khi lên tiếng về một chuyện bất công ở Cà Mau, nhưng một chuyện xảy ra trước mắt họ, họ lại im lặng” (Nữ, Hà Nội). “Nhiều người có thể chửi vả cảnh sát ăn hối lộ thậm tệ, nhưng khi bị tuýt còi dừng xe thì họ lại sẵn sàng dúi tiền cho cảnh sát để mình xong chuyện” (Nam, TP. HCM). Chính cấu trúc cộng đồng, văn hóa hiệp hội, tinh thần tập thể đã bị vỡ vụn nên người dân chỉ còn lo được cho bản thân mình, còn những thứ thuộc về môi trường xã hội đang nằm ngoài tầm kiểm soát với họ, ít nhất là như họ đang nghĩ.
Mấy năm gần đây, các điều kiện kinh tế văn hóa cũng như truyền thông xã hội cực lớn giúp người dân phá vỡ bức tường thông tin, họ được tiếp cận thông tin nhiều chiều khác nhau nên cái nhận thức của họ được thay đổi rất nhanh và họ dần dần hiểu ra những cái bất công mà họ đang phải chịu đựng. Tuy chưa nhiều người có khả năng phân tích khía cạnh chính trị, cấu trúc, thể chế của nguyên nhân bất công họ phải chịu đựng, nhưng họ đã nhận ra sự mâu thuẫn giữa những khẩu hiệu bình đẳng, công bằng với các bất công bản thân họ trải nghiệm hoặc biết đến. Nhận thức ban đầu này làm họ bức xúc, bất mãn, và tích tụ nhưng chưa có cơ hội chuyển hóa thành hành động để tham gia giải quyết vấn đề.
4.4.1.4. Mức độ quan tâm đến hoạt động chính trị của người dân(2,61 điểm)
Mức độ quan tâm đến hoạt động chính trị của người dân không được đánh giá cao. Các nguyên nhân từ góc nhìn của những người hoạt động trong xã hội dân sự có thể gom thành ba nhóm chính.
Thứ nhất, “chính trị” hay “hoạt động chính trị” là một khái niệm tiêu cực, được gắn với thâu tóm chính quyền, thậm chí là phản động, lật đổ. Bất cứ điều gì đó trái với quan điểm của Đảng cộng sản và nhà nước, đều được dán nhãn “nhạy cảm chính trị” để né tránh bàn luận. Điều này càng được củng cố trong bối cảnh độc quyền chính trị, khi nhiều nhà hoạt động trong lĩnh vực chính trị của xã hội dân sự phải trả giá, thậm chí tù đày. Người dân có thể “làu bàu” về các bất công, họ có thể gửi kiến nghị thư nhưng nếu họ xuống đường, họ cầm biển phản đối thì ngay lập tực họ bị dán nhãn thành lực lượng quấy rối, phản động, hoặc bị kích động bởi thế lực thù địch làm những người khác rất sợ tham gia cùng.
Thứ hai, dân chúng nghĩ “họ không có quyền lực gì trong cái gọi là hoạt động chính trị”. Người dân nghĩ “họ không có cái khả năng gì để tác động tới hoạt động chính trị, nó gần như là đặc quyền của một số lãnh đạo nên bây giờ họ muốn tác động cũng chẳng tác động được gì. Ngay cả cái việc gần nhất là bầu cử tại địa phương thì họ cũng không được biết, tới khi bầu cử họ mới biết, họ mới đọc những bản tóm tắt lý lịch nên chắc là họ cũng bầu đại chứ họ chả biết là tại sao lại bầu những người này, chẳng có cơ sở gì để lựa chọn cả” (Nam, Miền trung). Nhiều người đi bầu cử “cho vui” chứ không hiểu những vấn đề cốt lõi của nó “tại vì khi sinh ra, ví dụ trong chuyện bầu cử, những người mà hiện giờ là cử tri, là những người mà họ sinh ra trong hệ thống bầu cử như thế này, họ chưa từng có những trải nghiệm khác, không có gì để so sánh cả” (Nữ, Hà Nội). Chính vì vậy họ chấp nhận hiện trạng như một thói quen, như một quán tính vì họ không tin họ có thể thay đổi cái cỗ máy khổng lồ đang chạy.
Thứ ba, cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, đó là sự hiểu biết hạn chế của người dân về khía cạnh chính trị của những bất công, vấn đề kinh tế, xã hội, quyền tự do mà họ đang phải gánh chịu. Điều này được miêu tả hoàn chỉnh bởi một nhà hoạt động dân sự “tức là tâm lý người dân người ta bức xúc về những cái bất công cụ thể, cho nên phải nói là bây giờ cái dân oan ở đâu cũng có và người ta thấy bất công, người ta phản ứng lại những cái bất công. Nhưng mà cái đó nó thành một cái ý thức chính trị thì mức độ là thấp hơn … Khi họ bất bình là họ bất bình với cái anh cụ thể trong làng, ở trong phường, ở trong phố gì đấy phải không? Thế nhưng cái đó nó biến thành ý thức chính trị với cái tập người này thì lại thấp hơn. Cho nên từ cái đó mà chuyển thành hành động chính trị thì lại thấp chứ không phải là cao, tất nhiên nó có phát triển….” (Nam, Miền Trung).
Nó có phát triển, đây cũng là nhận định của nhiều thành viên xã hội dân sự, một phần vì không gian xã hội dân sự có mở rộng trong thời gian gần đây. Ngoài các không gian của nhà nước, của các tổ chức như Mặt trận tổ quốc, đoàn thể, thì trong xã hội Việt Nam đang dần dần hình thành các nhóm chung sở thích, các câu lạc bộ thanh niên, sinh viên ngoài trường đại học, hoặc các diễn đàn độc lập. Đây chính là môi trường để người dân thực hành các hoạt động chính trị của mình, thông qua thảo luận dân chủ, phản biện và lắng nghe, xây dựng nội quy và điều lệ, bầu và lựa chọn lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, các
không gian này còn bé, hoạt động ở mức cộng đồng vì Việt Nam chưa có Luật về hội, thực ra là tự do hiệp hội, để cho các Hội, Đoàn độc lập ra đời, hoạt động ở mức quốc gia, chính sách, ngành, nghề. Thiếu không gian này thì sự hiểu biết, mối quan tâm, và thực hành hoạt động chính trị của người dân còn thiếu, và méo mó.
.........................
4.4.2.1. Mức độ phong phú về thành phần (3,97 điểm) và mức độ đa dạng hoạt động (3,77) của XHDS
Mức độ phong phú và đa dạng về thành phần và hoạt động của XHDS được đánh giá khá cao, có lẽ do cảm giác tươi mới vì gần đây có nhiềuloại hình tổ chức và hoạt động ra đời. Về thành phần xã hội dân sự, tính theo dải từ các cá nhân hoạt động độc lập, các tổ chức cộng đồng, các nhóm sinh viên, đến các tổ chức phi chính phủ, Hội đoàn độc lập đều có và đang trên đà phát triển. Rất nhiều người nhấn mạnh đến các sáng kiến nội sinh từ cuộc sống như “cơm có thịt”, “quán cơm 2000” hay “mạng lưới ung thư vú”. Đây chính là hoạt động dân sự được khởi phát từ cá nhân sau lan tỏa và có sự tham gia rộng rãi từ cộng đồng.
Bên cạnh đó, các mạng lưới như otofun, webtretho hoặc rất nhiều các nhóm tự phát trên internet, facebook đã làm cho không gian dân sự được mở rộng và đa dạng hơn nhiều. Những không gian này không sinh ra từ tài trợ nước ngoài, và cũng không hoạt động dựa vào dự án. Họ hoạt động tự chủ, độc lập, và sinh ra để phục vụ một nhu cầu cụ thểcủa thành viên, của cuộc sống.
Một trong những thành phần mới trong xã hội dân sự Việt Nam, cũng được phân nửa người tham gia nghiên cứu nhắc đến, là các nhóm thanh niên hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau. Ngoài hàng chục, hàng trăm nhóm làm các hoạt động truyền thống như xóa đói giảm nghèo, quyên quần áo ấm cho trẻ em vùng cao, có nhiều nhóm có những hoạt động mới như Nghệ thuật và bảo vệ môi trường (Đi và Mở), giáo dục trẻ em (Giấc Mơ Việt Nam), âm nhạc cho trẻ mồ côi (Miracle Choir), kết nối các giá trị tốt đẹp trong thanh niên (Tử Tế Là). Ngoài ra, còn có những nhóm thanh niên hoạt động trong lĩnh vực học thuật như Book Hunter, Reading Circle ở Hà Nội, Vừng Ơi ở Đà Nẵng hay Lan Tỏa ở TP. Hồ Chí Minh. Đây thực sự là một lực lượng mới, năng động, sáng tạo mà sự tham gia của họ đã tiếp sức cho xã hội dân sự Việt Nam.
Một trong những “nhân vật mới” của xã hội dân sự Việt Nam là các nhóm hoạt động độc lập mang tính phản biện xã hội như Văn đoàn độc lập, Hội nhà báo độc lập, hay Diễn đàn xã hội dân sự cũng được những người tham gia nghiên cứu nhắc đến. Đây là những tổ chức xã hội dân sự không đăng ký với nhà nước, hoạt động theo Hiến pháp để thực thi quyền đương nhiên của mình. Các tổ chức này phát triển từ phong trào phản biện xã hội của các trí thức về vấn đề boxit Tây Nguyên, Hiến pháp, hay các chủ trương lớn của Đảng và chính phủ. Họ là những người có uy tín xã hội (nhóm 72) đảng viên lâu năm (nhóm 61), có quan hệ với các lãnh đạo cao cấp, và có kinh nghiệm hoạt động chính trị. Hoạt động chủ yếu của họ là gửi kiến nghị cho Lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các vấn đề trọng yếu liên quan đến sự phát triển của đất nước; Đăng tải và chia sẻ các phân tích, bài viết nhằm cung cấp cho công chúng những lý luận phát triển qua những sự kiện cụ thể. Tuy không nhiều về số lượng nhưng chính hoạt động của họ đã đẩy rộng biên giới phản biện xã hội, mở rộng không gian cho các tổ chức phi chính phủ, các nhóm thanh niên, và các nhà hoạt động xã hội.
Song song với các Hội đoàn độc lập kể trên, một phần xã hội dân sựkhông thể không nhắc tới đó là các nhóm hoạt động không đăng ký, chọn phương pháp “đối diện” với chính quyền, và sẵn sàng tổ chức các hoạt động tập thể nơi công cộng như biểu tình chống Trung Quốc, ủng hộ những người dân bị oan sai, hoặc các hoạt động bảo vệ nhân quyền. Một ví dụ điển hình là nhóm NO U được miêu tả “là nhóm bắt đầu từ những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc từ 2011, đấy là những người đã qua lửa đạn, đó là một nhóm rất có kinh nghiệm, hoạt động công khai, ngang nhiên, bất chấp sự đàn áp của công an” (Nam, Hà Nội). Ngoài ra còn có một số nhóm khác như Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội bầu bí tương thân hay Hội phụ nữ Nhân quyền Việt Nam...hoạt động theo hướng đối đầu, lên án vi phạm quyền con người của chính quyền, và thường bị chính quyền liệt vào các nhóm “phản động”. Để dễ phân tích, báo cáo này sẽ gọi nhóm này là nhóm XHDS không đăng ký và hoạt động độc lập với nhà nước (viết tắt là U&I từ tiếng Anh là Unregisterd and Independent).
Hầu như tất cả người được hỏi đều cho rằng một trong những nguyên nhân làm cho các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam hình thành và hoạt động sôi nổi trong thời gian gần đây là nhờ có internet. Có thể nói mạng xã hội như một dung môi làm cho không gian dân sự được hình thành nhanh hơn, mở rộng nhanh hơn. Các phong trào dân sự nổi trội trong thời gian gần đây đều nương nhờ mạng xã hội để hình thành và phát triển như trang “6700 người vì 6700 cây” trong việc Hà Nội chặt cây xanh; “Save Son Doong” trong việc phản đối cáp treo ở Quảng Bình, hay “Tôi Đồng Ý” trong việc ủng hộ hôn nhân cùng giới. Mạng xã hội cũng là nơi kết nối xã hội dân sự với báo chí nhà nước và từ đó đến với xã hội và chính phủ. Chính sự tương tác này làm cho ảnh hưởng của xã hội dân sự lên đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội sâu sắc hơn.
Có thể nói, xã hội dân sự Việt Nam ngày càng tăng về số lượng và đa dạng về thành phần. Tuy nhiên, một số vị trí đang còn yếu hoặc thiếu. Như miêu tả của một người hoạt động tự do ở Hà Nội, “Nếu không gian xã hội dân sự sống động thì nó như là đội bóng có đủ các vị trí. Có một người bị chấn thương thì người ta có người khác để thay. Thế nhưng đội bóng của mình hiện giờ thì nó không có đủ 11 người đâu, nó chỉ có 4, 5 vị trí, nó chơi linh tinh, lăng nhăng vậy thôi. Ví dụ như các nhóm sở thích khá phong phú, khá là đông. Mà những nhóm sở thích thì nó như kiểu lớp cỏ dưới thấp trong chuỗi thức ăn ấy, xong rồi trên cỏ thì mới đến động vật ăn thịt chẳng hạn. Thế nhưng mình mới ở mức đấy thôi, còn các nhóm mà chuyên sâu hơn để giải quyết những vấn đề của xã hội thì chưa có” (Nữ, Hà Nội).
Đây là một miêu tả khá điển hình về sự thiếu hụt hoặc chưa cân bằng về thành phần và hoạt động của xã hội dân sự Việt Nam. Trong những năm gần đây, hoạt động khá sôi nổi, tuy nhiên đang còn lệch, theo miêu tả của một số người là “số lượng đông đảo ở các nhóm làm về những phần không gai góc lắm, còn những vấn đề gai góc thì rất ít các nhóm làm” (Nam, Hà Nội). Có người theo chủ nghĩa hoài nghi thì cho rằng “xã hội dân sự tốt về những mảng mà lâu nay nguồn tài trợ dồi dào, ít bị kiểm soát như môi trường, xóa đói giảm nghèo, y tế, HIV, bảo vệ các nhóm yếu thế, còn những lĩnh vực nhạy cảm như chống tham nhũng, truyền thông, pháp lý thì hết sức mới, chỉ những người có tâm huyết và thuộc dạng có tài mới trụ được” (Nam, Hà Nội).
Đối tượng thiếu đầu tiên được nhiều người nhắc đến là các tổ chức thiện nguyện tôn giáo. Điều này được nhắc tới bởi những người tham gia nghiên cứu ở miền Trung và miền Nam. Họ cho rằng các hoạt động thiện nguyện cần dựa trên giá trị, niềm tin, và các tổ chức tôn giáo có vai trò vô cùng quan trọng. “Tôi thấy ở nước ngoài có nhiều nhóm tôn giáo. Tôi luôn nghĩ là xã hội dân sự tạo niềm tin…người ta đến với nhau không chỉ là lý nữa…nó phải có yếu tố tinh thần, đạo đức…là xây dựng sự tin tưởng cá nhân từ bên trong” (Nữ, Miền Trung). Song song với các hoạt động từ thiện, các tổ chức tôn giáo còn có hệ thống trường học, cơ sở cưu mang người bệnh, người yếu thế, người nghèo. “Cái chùa đó có ông thầy tu ông sống trọn đời với người ma túy, hay dòng nữ tu kia làm việc với người cùi, người phong, mại dâm hay người có HIV. Kinh nghiệm chế độ cũ cho thấy với những người yếu thế đó thường thường phải có những tổ chức thuần là những người sống trọn vì đạo thì những người đó mới nương tựa được, đến khi trục trặc gì thì có cha, có chúa giúp đỡ anh. Bên cạnh cái chùa, cái nhà thờ là cái trường Bồ đề, cái trường Ta be nổi tiếng có nhiều người tài đến học” (Nam, TP. HCM).
Nhóm đối tượng thứ hai được nhắc đến như một mắt xích thiếu trong xã hội dân sự Việt Nam là các tổ chức think-tanks chuyên nghiệp và độc lập, ví dụ như Viện nghiên cứu phát triển (IDS) đã bị giải thể. Hiện tại, các viện nghiên cứu nhà nước không đóng được vai trò think-tanks vì họ phụ thuộc vào ý chí chính trị của nhà nước, minh họa cho chính sách của chính phủ. Còn các chuyên gia độc lập lại nằm rải rác ở một số tổ chức phi chính phủ, một số Hội nghề nghiệp hoặc chuyên gia độc lập (đa phần là cán bộ nhà nước nghỉ hưu). Tuy nhiên, các chuyên gia này chỉ mới đóng vai trò “trả lời phỏng vấn báo chí” khi được hỏi hoặc viết blog hoặc chia sẻ trên facebook. Nhiều chuyên gia nhưng họ không phối kết hợp được với nhau nên không có khả năng dẫn dắt dư luận, xây dựng nghị trình, khai sáng công chúng hoặc ảnh hưởng đến các nhà ra chính sách. Như chia sẻ của một người hoạt động xã hội “rõ ràng think-tanks là một loại hình quan trọng, không có think-tanks là một lỗ hổng rất lớn của xã hội dân sự…đấy là vai trò phản biện xã hội” (Nam, Hà Nội).
Song song với sự vắng mặt của các think-tanks là vai trò mờ nhạt của các trường đại học. Không giống nhiều nước như Thái Lan hay Malaysia, các trường đại học ở Việt Nam đóng vai trò mờ nhạt trong các hoạt động dân sự. Các giáo viên được coi là “công chức” nhiều hơn là những người hoạt động độc lập, bảo vệ cho quyền con người hay tự do học thuật. “Hoạt động của sinh viên trong trường bị quản lý chặt chẽ, và các thông báo liên tục được gửi cho sinh viên cấm tham gia các hoạt động dân sự như biểu tình chống trung quốc, hay tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội” (Nữ, Hà Nội). “Sự tham gia của sinh viên vào các hoạt động của xã hội dân sự, đặc biệt các chủ đề nhạy cảm như phòng chống tham nhũng, bảo vệ quyền con người cũng bị hạn chế. Chính vì vậy nhiều nhóm sinh viên phải hoạt động ở ngoài giảng đường và khó gắn việc học, nghiên cứu với các hoạt động dân sự ngoài xã hội” (Nữ, Hà Nội).
Trong liệt kê các hoạt động dân sự chưa có ở Việt Nam gần đây, “bãi khóa thường được nêu ra như biểu hiện của sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền đối với các trường đại học và sự thụ động thiếu tính dân sự của sinh viên cho dù chất lượng giáo dục là một trong những chủ đề gây bức xúc nhất Việt Nam” (Nam, Miền Trung). So sánh với công nhân nơi thường xuyên có các cuộc đình công phản đối môi trường làm việc khắc nghiệt, lương thấp, hay chính sách bảo hiểm xã hội không tốt, thì lực lượng sinh viên tỏ ra thiếu tính chiến đấu hơn nhiều trong việc bảo vệ quyền của mình.
Từ trước đến nay, khi nhắc đến xã hội dân sự nhóm các tổ chức phi chính phủ thường chiếm vị thế trung tâm, chủ yếu do họ đã được hình thành từ đầu những năm 1990s, có đăng ký tư cách pháp nhân với chính phủ, là nơi tiếp nhận tài trợ từ các tổ chức nước ngoài để triển khai các hoạt động dự án từ xóa đói giảm nghèo đến bảo vệ môi trường, từ bình đẳng giới đến tài chính vi mô, từ cung cấp nước sạch đến phòng chống HIV, từ giáo dục đến trợ giúp người khuyết tật. Do môi trường chính trị cũng như lịch sử để lại, đa số các tổ chức phi chính phủ được thành lập và có trụ sở ở Hà Nội, rất ít tổ chức được thành lập ở TP. Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ chủ yếu diễn ra ở một làng, một xã cụ thể ở các tỉnh miền núi, nông thôn. Chính vì hoạt động của họ thường tập trung giải quyết một vấn đề cụ thể ở địa phương, không liên quan đến các vấn đề nóng quốc gia, là tâm điểm của truyền thông báo chí hay thảo luận nghị trường, nên hoạt động của họ không được biết đến nhiều bởi đại đa số dân chúng, cũng như các lãnh đạo nhà nước. Đây cũng là lý do “phần này không hiện hữu rõ ràng, khiến phần “phản biện xã hội” phần “đối đầu” được biết nhiều hơn nên gây lo ngại cho chính quyền và thái độ tiêu cực của công chúng khi nhắc đến xã hội dân sự” (Nam, TP. HCM).
Gần đây, theo chia sẻ của nhiều người trả lời phỏng vấn là thành viên của NGO, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ cũng đang có những bước chuyển từ thuần túy cung cấp dịch vụ cho người nghèo,phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số... sang các hoạt động nghiên cứu, vận động chính sách, phản biện xã hội, và vận động quần chúng. Tuy còn nhiều thách thức, nhưng các tổ chức phi chính phủ đang dần dần mở ra các kênh đối thoại với chính phủ, quốc hội về các vấn đề xã hội như phòng chống HIV, xóa bỏ bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới, người khuyết tật. Một số các tổ chức bắt đầu tham gia vào góp ý cho Hiến pháp, các dự án luật về các quyền dân sự và chính trị như Luật về hội, Luật tiếp cận thông tin, và các cơ chế bảo vệ nhân quyền của Liên Hợp Quốc như UPR và CEDAW. Các hoạt động này của NGO góp phần đa dạng hóa hoạt động của xã hội dân sự, đồng thời góp phần mở rộng không gian dân sự qua các lãnh địa quyền lực khác mà nhà nước đang độc quyền nắm giữ.
Như vậy, thành phần xã hội dân sự Việt Nam đã tương đối đa dạng hơn trong những năm gần đây, đặc biệt với việc xuất hiện của các Nhóm sinh viên, Hội đoàn độc lập, các nhóm “đối kháng”. Một số đối tượng quan trọng như các tổ chức từ thiện tôn giáo, think-tanks và tính dân sự của các trường đại học chưa có khiến thành phần của XHDS vẫn còn khuyết. Nhưng trên hết, nhờ có môi trường truyền thông xã hội, sự đa dạng của các tổ chức cộng đồng, sự hình thành của các nhóm thanh niên đã giúp cho xã hội dân sự Việt Nam xuất hiện với khuôn dạng mới. Tuy nhiên, cho dù xã hội dân sự Việt Nam đa dạng nhưng chưa có sự kết dính để tạo thành sức mạnh tập thể. Chính vì vậy, tuy đang đóng góp tích cực nhưng chưa tạo ra các phong trào xã hội có tác động sâu rộng đến toàn bộ xã hội như “phong trào nữ quyền bắt đầu đi xe đạp, cắt tóc ngắn, rồi phong trào hiện đại hóa người ta bắt đầu đi giầy tây...hoặc thời cộng sản sau này cũng có những phong trào xã hội kiểu như công nhân được hiện đại hóa, nông dân được đi học, những cái chuyển dịch xã hội tầm cỡ ấy” (Nam, Hà Nội).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét