Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Báo Quân đội ND chống “xâm lăng văn hóa” kiểu xỏ lá: bêu gương Bác Hồ toàn tụng niệm “Cụ Khổng Tử nói”, “Cụ Mạnh Tử nói” …

Chepsuviet

“Cụ Khổng Tử nói: “Người mà không liêm, không bằng súc vật”. Cụ Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996, tập 5, tr 641). “Cụ Khổng Tử nói: Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ” (Sđd, tập 5, tr 644).

Quân đội nhân dân
QĐND – Chủ nhật, 09/03/2014 | 18:32 GMT+7

Tăng cường sức đề kháng văn hóa để chống xâm lăng văn hóa

QĐND - Triết học văn hóa lấy con người là nội dung cơ bản của văn hóa, con người vừa là chủ thể sáng tạo vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa. Con người trong xã hội hiện đại chủ yếu thể hiện năng lực của mình qua tư  cách văn hóa, đồng thời con người cũng là thước đo văn hóa của đất nước, dân tộc, thời đại. Do vậy, nhiều người đã rất đúng khi cho rằng, nói đến văn hóa là nói đến con người, phát triển văn hóa là phát triển con người, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người.
Vấn đề không mới nhưng chúng tôi xin nói lại như vậy để làm điểm tựa cho bài viết của mình: Tăng cường sức đề kháng văn hóa để chống xâm lăng văn hóa. Rõ hơn là xem xét các giải pháp tăng cường sức đề kháng văn hóa cho con người.
1. Trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt là sự phát triển vũ bão của internet, của các phương tiện truyền thông, thì cả thế giới như trở thành một… cái làng. Chỉ ngồi một chỗ và qua một cú nhấp “chuột”, người ta cũng có thể biết được tin tức mới mẻ nhất ở mọi nơi trên hành tinh. Chưa bao giờ cầu nối giữa con người với con người, quốc gia với quốc gia, và dĩ nhiên cả cầu nối giữa các nền văn hóa bị rút ngắn đến mức thấp nhất như vậy. Điều ấy cũng là sự minh chứng cho môi sinh văn hóa của con người đang ngày càng bị thu hẹp. Một môi sinh chật chội cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Chỉ vài chục năm về trước muốn giao tiếp với ai, muốn đi đến một nơi nào đó, với phương tiện nhanh nhất cũng phải đi cả ngày, có khi cả tuần. Ngày nay, chỉ cần cầm lấy điện thoại di động, muốn biết gì chỉ cần vào mạng… Con người ngày một đông lên, xu hướng đô thị hóa ngày một tăng cao, rồi bị hít thở khói bụi công nghiệp, phải nghe bao tiếng ồn, phải chứng kiến bao tai họa của nhân tai và thiên tai… Cả thế giới này như dồn lại, co lại, chồng lấn, chèn ép nhau. Thế là cả không gian vật lý và không gian tâm lý đều tạo ra cảm giác chật chội. Mà chật chội thì thường gây khó chịu, căng thẳng. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến con người dễ bị bức xúc trước một vấn đề có khi chỉ là nhỏ nhặt. Từ bức xúc dẫn đến manh động là khoảng cách không xa. Tình hình sẽ ngày càng phức tạp hơn nếu con người không có cách giải quyết phù hợp.
Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Ảnh minh họa/yeutretho.com.
Quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Ảnh minh họa/yeutretho.com.
2. Tiếp biến văn hóa là một khuynh hướng không thể cưỡng lại. Tiếp biến bao giờ cũng có hai mặt. Con người luôn được tiếp nhận cả mặt tích cực lẫn tiêu cực từ khắp nơi trên thế giới. Điều quan trọng nhất là phải bồi dưỡng một bản lĩnh văn hóa cần thiết để chế ngự cái xấu mà tiếp thu cái tốt. Ví dụ, rất khó để ngăn cấm trẻ em vào các trang mạng xấu trên internet, do vậy chỉ có cách giáo dục cho các em phân biệt ở tuổi ấy thì nên đọc, nên xem những khu vực kiến thức này, ở các địa chỉ kia… Vì thế giải pháp cơ bản, quan trọng nhất là giáo dục nhân cách văn hóa. Nhất là ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học thì điều trước tiên là quan tâm đến việc dạy người trước rồi mới dạy chữ. Cách dạy nhồi nhét kiến thức ở cấp tiểu học (và cả trung học cơ sở) hiện nay vừa phản khoa học vừa phản văn hóa, vì nó bắt các em làm người lớn quá sớm, vất vả quá sớm, khôn quá sớm so với độ tuổi cần được chơi nhiều hơn học. Trong việc dạy người thì phải coi trọng hàng đầu cách ứng xử văn hóa. Câu chuyện thầy đánh trò rồi trò đánh lại thầy vừa qua chính là sự minh chứng cho người thầy đã không coi trò như một nhân cách văn hóa mà đối xử với trò quá thô bạo. Còn trò đánh lại thầy thì quả là sự không thể chấp nhận vì nó vi phạm nghiêm trọng một mẫu mực trong ứng xử văn hóa truyền thống giữa người với người. Lại có những người trẻ muốn thể hiện cái tôi lớn thì viết tên mình (có khi còn làm thơ) lên di sản thiên nhiên hay di sản văn hóa. Đó là lối ứng xử rất đáng chê, vì họ không hiểu giá trị nhân văn của thiên nhiên, của quá khứ lịch sử. Điều này cho thấy chúng ta chưa quan tâm đúng mức tới việc giáo dục tư cách văn hóa cho trẻ em. Có một thực tế dễ thấy: Trong nhà trường phổ thông hôm nay môn giáo dục công dân chưa được đánh giá đúng, bị coi là môn phụ, thậm chí giáo viên nào dạy cũng được.
3. Hiện nay trẻ em mê chơi game trên mạng (mà là những trò độc hại xa lạ với văn hóa Việt) hơn mê học bài; biết tên các danh thủ bóng đá, các tài tử nghệ thuật thế giới hơn là biết các danh nhân văn hóa ViệtNam… Cũng dễ hiểu, vì chúng không có chỗ chơi, không có trò chơi hấp dẫn. Các trò chơi có trong truyền thống hàng ngàn năm như đi kheo, đánh khăng, nhảy dây, chơi đu… phù hợp với thể chất, tính cách người Việt thì hầu như bị quên lãng. Do vậy, cần một giải pháp quan trọng là phục hưng văn hóa, tức là làm sống lại những giá trị văn hóa cổ truyền. Nhưng lại xảy ra tình trạng có nơi quá chú ý tới hình thức hơn là chú ý tới nội dung của văn hóa. Ví dụ việc tổ chức lễ hội tràn lan, thiếu chọn lọc nên hội đông mà không vui, tiền thu được thì có thể nhiều nhưng lợi ích văn hóa thì ít thấy. Nhiều người đi hội chỉ chăm chăm cúng lễ, khấn vái…, thậm chí cướp lộc “thánh” chứ không mấy quan tâm tới lịch sử lễ hội, ý nghĩa ngày tưởng nhớ tôn vinh các vị thánh thần có công với hậu thế, như thế thì tấm lòng không thanh tịnh (vì không nhận được bài học giáo dục), không thư thái vui vẻ (vì không được tiếp nhận ý thức thẩm mỹ) vốn là những yêu cầu đặc trưng về mặt tinh thần của lễ hội truyền thống.
Việt Nam có một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh minh họa/thethaovietnam.vn.
Việt Nam có một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh minh họa/thethaovietnam.vn.
4. Những hiện trạng trên dẫn tới phải có những giải pháp quản lý văn hóa một cách chặt chẽ về mặt nhà nước. Tại sao có quy định hẳn hoi mà vẫn có nhiều sinh viên (là trí thức) khi đến Văn Miếu vẫn sờ, thậm chí còn ngồi cả lên đầu rùa? Tại sao tình trạng “chặt chém” khách du lịch diễn ra thường xuyên? Tại sao lại có thịt thú rừng bày bán la liệt ở khu vực lễ hội lẽ ra phải là một không gian trong lành, chay tịnh, hòa hợp với thiên nhiên…? Vì ý thức kém của con người, và rõ ràng có nguyên nhân từ phía cơ quan chủ quản chưa có một điểm tựa pháp luật để răn đe, xử phạt. Nghĩa là chúng ta phải sớm luật hóa lễ hội, phải có những văn bản pháp quy dưới luật làm căn cứ để quản lý. Không chỉ lễ hội mà còn bao phương diện khác của văn hóa đời sống cần được luật hóa, như chuyện đánh cãi nhau, chuyện đổ rác sai quy định… Những điều này trong Bộ luật Hồng Đức cách nay trên dưới sáu trăm năm lại được ghi rất cụ thể. Ở nông thôn nên phục hồi các hương ước, tất nhiên chỉ giữ lại những điều gì tiến bộ và phù hợp với thời đại mới. Bởi hương ước chính là văn hóa, là pháp luật thành văn đã tồn tại, được thử thách, được chấp nhận trong lịch sử. Hương ước cùng với pháp luật hiện đại sẽ cùng nhau quy định những ứng xử văn hóa, giữ cho con người hài hòa giữa văn hóa truyền thống và nếp sống văn minh công nghiệp.
5. Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, thời mà ai cũng có thể phát ngôn, ai cũng có quyền bày tỏ chính kiến qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Ai cũng có thể nghe, tìm hiểu bất kỳ một quan điểm nào đó có thể là cực đoan, có thể là sai trái. Đây chính là con đường xâm lăng văn hóa cần phải cảnh giác nhất và cũng khó ngăn chặn nhất. Có một quy luật tiếp nhận thông tin là người đọc hay quan tâm đến những phát ngôn ngược với quan điểm chính thống, vì nó lạ, gây tò mò. Lợi dụng điều này, nhiều blog cá nhân, nhiều trang mạng nước ngoài, để thu hút lượng người đọc bèn cố tình đưa ra những thông tin sai lạc, thậm chí phản động. Chống lại những ý đồ này thì giải pháp lâu dài và cơ bản vẫn là sự tuyên truyền giáo dục phân biệt đúng sai cho mọi người dân, mọi lứa tuổi. Trước hết là tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào bản chất tốt đẹp nhân văn, vì con người của chế độ. Nhưng niềm tin của người dân chỉ có thể được củng cố khi họ tin tưởng vào sự liêm khiết, trong sạch, bản lĩnh của những người lãnh đạo họ. “Con sâu làm rầu nồi canh”, từ một số hiện tượng cán bộ suy thoái đạo đức, lối sống, sống xa cách dân, quan liêu, tham nhũng… người dân sẽ nghi ngờ tính trong sạch của cả một bộ máy. Kẻ thù sẽ lợi dụng khoét sâu, tung hỏa mù, đánh lạc hướng… Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ phải “Cần, kiệm, liêm, chính”, cũng là bốn nội dung chủ yếu của đạo đức cách mạng, với người cán bộ thời nay càng phải lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, tu dưỡng. Bác Hồ từng mượn lời các bậc đại Nho, cũng là những nhà văn hóa lớn của phương Đông và nhân loại để nhắc nhở về tư cách văn hóa người lãnh đạo: “Cụ Khổng Tử nói: “Người mà không liêm, không bằng súc vật”. Cụ Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996, tập 5, tr 641). “Cụ Khổng Tử nói: Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ” (Sđd, tập 5, tr 644).
Cơ thể con người càng khỏe mạnh thì càng có sức đề kháng trước các yếu tố bất lợi của thiên nhiên, thời tiết. Chống xâm lăng văn hóa thì điều trước tiên là tăng cường cho cơ thể con người những phẩm chất cao về văn hóa, nhất là đối với những người là cán bộ, đảng viên.
NGUYỄN THANH TÚ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét