Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Trung Quốc đẩy mạnh chiến thuật “tằm ăn dâu” trên Biển Đông

Lê anh Hùng

Bãi cạn Second Thomas là tâm điểm mới nhất trong chính sách lấn chiếm của Trung Quốc; ASEAN tiếp tục chia rẽ giữa lúc biển đảo cứ tiếp tục mất dần

Darshana M Baruah | The Nation | 26.3.2014 Người dịch: Lê Anh Hùng 


Trường Sa, quần đảo với trên 750 bãi cạn và hòn đảo lớn nhỏ là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei  ===>>>
Căng thẳng mới đây trên Biển Đông về bãi cạn Second Thomas cho thấy một Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong yêu sách biển đảo. Sự kiện này cũng có thể khiến Washington đóng vai trò tích cực hơn nhằm kiềm chế lối hành xử của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp.
Ngày 9.3, cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn hai chiếc tàu của Philippines đang trên đường tiếp tế cho lực lượng quân đội đồn trú tại bãi cạn (vốn đã có mặt ở đây từ năm 1999). Bắc Kinh cho rằng Manila đang tìm cách dựng lên các kết cấu trên bãi cạn hòng củng cố yêu sách chủ quyền.


Bãi cạn Second Thomas là nơi đứng chân của BRP Sierra Madre – một chiếc tàu chuyên chở xe tăng đổ bộ trước kia của Mỹ và đã đóng tại bãi cạn từ 15 năm trước như một tàu hải quân của Philippines. Manila đã bố trí một nhúm thuỷ quân lục chiến trên con tàu han rỉ đó. Đây là một phần chiến lược của Philippines trong bối cảnh địa chính trị Biển Đông. Bãi cạn Second Thomas, vốn thuộc quần đảo Trường Sa mà nhiều nước đang tranh chấp, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, nhưng lại đang bị Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ.
Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn Biển Đông qua đường “lưỡi bò” mà 5 quốc gia khác phản đối: Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan. Philippines, quốc gia đang được Washington ủng hộ, đã lên án hành động chặn tàu của Trung Quốc.
Manila tuyên bố: “Bãi cạn Ayungin là một phần thuộc thềm lục địa của Philippines và do đó Philippines có quyền thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán ở khu vực này mà không cần đến sự cho phép của bất kỳ quốc gia nào khác.” Manila cũng khẳng định là họ chỉ đơn thuần luân chuyển nhân sự và tiến hành tiếp tế cho bãi cạn Second Thomas, tất cả đều do tàu thuyền dân sự thực hiện.
Hành động của cảnh sát biển Trung Quốc thể hiện “sự đe doạ nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Philippines theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”, chính phủ Philippines tuyên bố.
Giải thích cho hành động của mình, Bắc Kinh lại nói rằng các tàu thuộc lực lượng cảnh sát biển của họ đang đi tuần như thường lệ ở vùng biển ngoài khơi bãi cạn Second Thomas vào ngày 9.3 thì phát hiện ra hai chiếc tàu cắm cờ Philippines. “Hai chiếc tàu… chứa đầy vât liệu xây dựng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, trước khi tái khẳng định “chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa [Trường Sa] và vùng biển phụ cận”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo Philippines đã neo đậu con tàu một cách phi pháp kể từ năm 1999 với cái cớ là do một “sự cố kỹ thuật”. Ngoài việc từ chối kéo chiếc tàu này đi, ông ta nói, Manila còn tìm cách tiến hành xây dựng trên bãi cạn Second Thomas, điều này đã “vi phạm trắng trợn Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết”.
Trước đó, ngày 27.1, Philippines đã cáo buộc Trung Quốc bắn vòi rồng vào các ngư dân nhằm ngăn họ tiến vào vùng biển tranh chấp ở bãi cạn Scarborough. Điều này diễn ra sau sự cố đóng băng ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc năm 2012 liên quan đến bãi cạn Scarborogh. Sự cố đó đã khiến dư luận chú ý nhiều đến các vụ tranh chấp trong khu vực, và tiếp theo đó là bài phát biểu ở Singapore của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta về chiến lược “tái cân bằng” sang Châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Mặc dù Manila đã rút hết lực lượng của mình khỏi bãi cạn Scarborough song Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì tàu thuyền vũ trang ở khu vực và coi đây như lãnh thổ của mình.
Chiến thuật “tằm ăn dâu”

Hành vi khiêu khích của Bắc Kinh dường như nằm trong chiến lược Biển Đông của họ: sử dụng lực lượng vừa đủ để đe doạ các quốc gia tranh chấp nhỏ hơn hòng buộc họ phải quy thuận mà không dẫn đến những vụ trả đũa. Điều mà Robert Haddick gọi là “chiến thuật tằm ăn dâu” của Trung Quốc chính là “quá trình tích tụ dần dần những hành vi nhỏ lẻ, không một hành vi nào là ‘giọt nước tràn ly, nhưng theo thời gian lại tích tụ thành một sự đổi thay chiến lược trọng đại”.
Trung Quốc đang từng bước kiểm soát các bãi cạn và đảo nhỏ ở Biển Đông, qua đó tăng cường sự hiện diện và củng cố yêu sách của mình. Bắc Kinh đã từ chối tuân thủ UNCLOS và gạt bỏ nỗ lực của Manila nhằm đưa vụ việc ra toà án quốc tế. Bất chấp thực tế Washington đang ngày càng bày tỏ quan ngại về khu vực, Hoa Kỳ thực sự không làm được gì nhiều về việc Bắc Kinh khước từ tuân thủ luật quốc tế trong bối cảnh bản thân Hoa Kỳ cũng chưa phê chuẩn UNCLOS mà lại thường bị coi là vi phạm luật lệ và chuẩn mực quốc tế khi điều đó phù hợp với lợi ích quốc gia của họ.
Vì thế, trừ khi xẩy ra một cuộc đụng độ quân sự thực sự giữa Trung Quốc và một trong số đồng minh của Washington, không một ai có thể ngăn chặn được việc Trung Quốc gặm nhấm các bãi và đảo tranh chấp trên Biển Đông. Quả thực, Trung Quốc đang bắt đầu hành xử như một cường quốc.
Sự cần thiết đối với một ASEAN đoàn kết

Sau khi bị cảnh sát biển Trung Quốc ngăn chặn, Philippines đã thả dù tiếp tế xuống bãi cạn, song họ sẽ phải điều tàu thuyền trở lại để cung cấp vòng tiếp tế tiếp theo cho số thuỷ quân lục chiến đang ở trên tàu Sierra Madre. Washington đã phản ứng mạnh mẽ trước hành động của Trung Quốc, gọi đó là “một động thái khiêu khích, gây căng thẳng”, đồng thời kêu gọi tất cả các bên duy trì hiện trạng.
Các thành viên ASEAN bị chia rẽ về các vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, bởi nhiều nước đang có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ giữa họ với các nước như Việt Nam và ASEAN, song lại loại trừ các đồng minh của Washington – Philippines và Nhật Bản – trong chiến dịch tấn công thiện cảm của mình.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến thuật “tằm ăn dâu”, hơn lúc nào hết, ASEAN cần bày tỏ tình đoàn kết và sẵn sàng đối mặt với người láng giềng khổng lồ của mình. Vì các tranh chấp không thể giải quyết được trong tương lai gần nên giờ đây tất cả các nước cần mạnh mẽ thúc đẩy Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông hầu tránh bất kỳ một tính toán sai lầm hay cuộc đối đầu quân sự nào.
Darshana M Baruah là một thành viên trẻ tuổi tại Observer Research Foundation (ORF), New Delhi, và là phó biên tập tạp chí South China Sea Monitor của ORF.
Nguồn: The Nation

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét