Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Bắc Kinh nỗ lực bịt miệng giới truyền thông tranh đấu


Trung Quốc cấm nhà báo lập trang web cá nhân. Trong ảnh là hình nhà báo Cao Du, người bị bắt hồi tháng 4/2014. REUTERS
Trung Quốc cấm nhà báo lập trang web cá nhân. Trong ảnh là hình nhà báo Cao Du, người bị bắt hồi tháng 4/2014. REUTERS

Trọng Thành  -RFI

Về thời sự Châu Á, Libération hôm nay có bài « Trung Quốc, ‘‘bức trường thành câm lặng’’ », ghi nhận tình trạng nhân quyền tiếp tục xấu đi trầm trọng tại nước này, với việc Bắc Kinh có một loạt biện pháp và hành động nhằm gia tăng đàn áp các luật sư, nhà báo, nhà tranh đấu… từ nhiều tuần nay.
Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo số một Trung Quốc, là người trực tiếp đưa ra chủ trương này, ông ta đang « nỗ lực dựng lên một bức trường thành để bịt miệng tất cả », như ghi nhận của một phóng viên Trung Quốc xin ẩn danh.


Hồi tuần trước, cơ quan Nhà nước quản lý truyền thông, xuất bản, thuộc Ban Tuyên huấn của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã ra chỉ thị cấm các nhà báo thực hiện hay công bố « các nội dung mang tính phê phán » mà không được sự đồng ý của người phụ trách. Nhưng thế nào là « phê phán » thì tài liệu này không cho biết. Bên cạnh đó, người làm truyền thông cũng bị cấm lập trang web cá nhân, phương tiện cho phép họ né tránh kiểm duyệt. Các phóng viên bị đe dọa tước thẻ nhà báo, thậm chí bị « đưa ra tòa, nếu phạm luật ».
Gần đây, Bắc Kinh sử dụng trường hợp các phóng viên ăn hối lộ của một số doanh nghiệp, để mô tả các phóng viên như « kẻ cắp », nhằm bôi xấu báo giới nói chung. Tiếp theo đó, cơ quan tuyên huấn của đảng Cộng sản nhắm thẳng vào một nhà báo nổi tiếng và rất có uy tín, bà Cao Du (Gao Yu), 70 tuổi (nguyên Phó Tổng biên tập Tuần báo Kinh tế học/Economics Weekly). Nhà báo kỳ cựu này đã bị bí mật bắt giữ và hai tuần sau đó, đầu tháng 5, hình ảnh nhà báo Cao Du « tự thú » về tội « phổ biến bí mật quốc gia », được đưa lên truyền hình.
Hồi tháng 5, blogger Zhang Jialong (Trương Cổ Long) bị trang mạng Tencent (Đằng Tấn) sa thải, vì tham gia vào nhóm bốn blogger gặp Ngoại trưởng Mỹ. Trong buổi gặp này, ông Trương Cổ Long đã yêu cầu Hoa Kỳ giúp người Trung Quốc « hạ bỏ bức trường thành kiểm duyệt ».
Theo ghi nhận của Libération, nhiều nhà báo Trung Quốc đã phải từ bỏ công việc trong bối cảnh đàn áp này. « Tương lai của Đảng và của đất nước phụ thuộc một phần lớn vào cuộc chiến chống lại sự thâm nhập của tư tưởng Tây phương », đó là một nhận định trên « Nhân dân nhật báo », tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, số ra cuối tháng 5. Thực tế này cho thấy Trung Quốc – vốn xếp thứ 175, bên cạnh các nước như Erythée và Syria, theo bảng xếp hạng tự do báo chí của Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) – có thể sẽ tiếp tục bị tụt hạng.
Cùng với các nhà báo là giới luật sư. Hồi tuần trước, luật sư người Quảng Đông Đường Kinh Lăng (Tang Jingling), nổi tiếng về các hoạt động bảo vệ nhân quyền, bị cáo buộc « âm mưu lật đổ nhà nước ». Báo Libération cũng nhắc đến luật sư Phổ Chí Cường, thành viên phong trào Công dân mới, bị kết án 4 năm tù.
Để khống chế thông tin từ nguồn, hồi tuần trước, đảng Cộng sản Trung Quốc lưu hành một dự thảo chỉ thị cấm các luật sư thu hút sự chú ý của công luận đến các vụ án mà họ tham gia bào chữa, qua việc sử dụng internet hay truyền thông. Cụ thể là các luật sư bị cấm công bố thư ngỏ, « đưa ra các bình luận sai », hay « khuyến khích biểu tình », « gây áp lực lên các thẩm phán »… Dự thảo này hiện còn chưa được Tổ chức các luật sư chấp thuận, và bị nhiều phê phán quyết liệt ngay trong nội bộ tổ chức này.
Nhà nước Thánh chiến Hồi giáo Cận Đông : Phương Tây có phản ứng chậm trễ ?
Về Cận đông, nguy cơ sụp đổ của nhà nước Irak đang đến gần, nhưng không chỉ có vậy. Xã luận Libération mô tả đà tấn công của tổ chức « Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông », không chỉ nhắm vào Bagdad, mà cả Syria và Jordani.
Theo Libération, không còn có thể coi đây là nội chiến, hay đụng độ giữa các quốc gia, mà là một chiến dịch tấn công vào cộng đồng những người theo hệ phái Hồi giáo Shia, cuộc chiến cũng làm đảo lộn các đường biên giới tại khu vực Trung Đông. Càng để chậm ngày nào, sẽ càng khó ngăn chặn đà tiến của lực lượng này. Các chiến thắng của « Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông » khiến các tân binh của lực lượng này hết sức phấn khích, thêm vào đó, nhiều vũ khí, khí tài hiện đại và hàng trăm triệu đô la đã lọt vào tay quân nổi dậy. Libération chê trách phản ứng chậm trễ của Phương Tây. « Các nước Phương Tây đã bị mất tin cậy tại khu vực này, đến mức người ta khó tin rằng còn một cơ hội để hành động », Libération tỏ ra rất bi quan.
Bài « Cuộc tiến công của lực lượng thánh chiến tại miền Tây Irak đặt Jordani dưới áp lực » của Le Monde mô tả « tài nghệ » của « Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông » trong cuộc chiến tâm lý. Một đoạn video được đưa lên mạng hồi cuối tháng 4/2014, cho thấy hình ảnh của một chiến binh Hồi giáo trẻ, mang thắt lưng thuốc nổ, vừa xé một hộ chiếu Jordani vứt vào lửa, vừa đe dọa tấn công Jordani. Trong những ngày gần đây đoạn video này lại làm nóng mạng internet, khi quân nổi dậy đã chiếm được một số địa điểm, chỉ còn cách Jordani chừng 60 km.
Le Monde với bài « Tại Bagdad, John Kerry tìm cách áp đặt một chính phủ liên hiệp », mô tả những nỗ lực ngoại giao quyết liệt của Hoa Kỳ để tìm giải pháp cho tình trạng hỗn loạn này.
Bầu cử Libya trong hỗn loạn : Hy vọng đặt vào tướng Haftar
Còn tại Bắc Phi, báo La Croix chú ý đến cuộc bầu cử Quốc hội ngày hôm nay, cuộc bầu cử được coi là « mang tính quyết định » này diễn ra trong bối cảnh bất ổn khắp nơi, đặc biệt là ở khu vực miền Đông. « Libya : Giữa bùng nổ và chống cách mạng » là tựa đề bài viết chính trong hồ sơ của La Croix.
Đăng ký tham gia vào cuộc bầu chọn 200 nghị sĩ cho Quốc hội mới, chỉ có 1,5 triệu cử tri (trên tổng số 6 triệu dân), thấp hơn nhiều so với con số 2,8 triệu cử tri trong cuộc bầu cử 2012. Theo một nhà chính trị học đại học Lyon 3, việc tổ chức cuộc bầu cử vào thời điểm này là không hợp lý, vì tình trạng an ninh không được bảo đảm, nhiều phòng phiếu bị đóng cửa. Một thành viên của ECFR, Hội đồng Châu Âu về quan hệ quốc tế, dự đoán, số cử tri tham gia tối đa sẽ chỉ ở mức 500.000 người.
Quyết định mới đây chuyển nhà Quốc hội từ thủ đô Tripoli sang Benghazi, thủ phủ miền Đông, có thể coi là một động thái làm dịu bớt những đòi hỏi tự trị của miền Đông.
Hy vọng hiện tại được đặt nhiều vào tướng Khalifa Haftar, người đang tiến hành một chiến dịch tấn công lực lượng Hồi giáo ở miền Nam. Nguyên là tổng tham mưu trưởng quân đội Libya trong những năm 1970-1980, bị Kadfafi không ưa, tướng Haftar sống lưu vong 20 năm tại Mỹ, trước khi trở về nước năm 2011. Viên tướng, xuất thân từ bộ tộc Al-Farjani, được coi là chiếc cầu nối kết hai miền Đông và miền Tây Libya.
Miền Đông Ukraina bị ảnh hưởng chủ nghĩa dân tộc Nga như thế nào ?
Liên quan đến khủng hoảng Ukraina, trong bối cảnh nhiều nỗ lực ngoại giao đang được xúc tiến để hỗ trợ kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraina, Le Monde có bài đáng chú ý, mô tả sự hình thành của chủ nghĩa dân tộc tại miền đông Ukraina, nơi đang các đụng độ giữa lực lượng ly khai và quân đội chính phủ diễn ra từ hơn 2 tháng nay, qua bài « ‘‘Rousski Mir’’, ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa Kremlin thành hình tại miền đông Ukraina ».
Từ « Rousski Mir » (có nghĩa là « thế giới Nga ») đang thịnh hành, vốn là tên gọi của một quỹ văn hóa Nga thành lập năm 2007. Sau đó, từ ngữ này đã trở thành khái niệm thông dụng, tiêu biểu trong ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa mới, mà Tổng thống Nga đang muốn dựng nên, đặc biệt vào thời điểm tình cảm dân tộc được kích phát cực điểm với việc bán đảo Crimée của Ukraina, bị sáp nhập vào Nga hồi tháng 4/2014. Linh hồn của ý thức hệ mới này là sự phù trợ của đạo Chính thống cho một lợi ích chung của nước Nga, việc tôn trọng « các giá trị truyền thống » (thời kỳ Liên Xô cũng như trước đó) và tôn vinh sự hy sinh quên mình.
Le Monde ghi nhận, chưa bao giờ các thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan lại được các phương tiện truyền thông Nga chào mời nhiều đến như vậy, qua các cuộc thảo luận truyền hình, chương trình thời sự… Một giảng viên đại học miền Đông Ukrain gần gũi với lãnh đạo tự phong của nước Cộng hòa Donetsk tuyên bố « xấu hổ với một chút máu Ukraina trong huyết mạch, tôi cảm thấy sẽ được thanh tẩy, khi máu của tập đoàn quân sự Kiev rớt xuống ». Người này hy vọng xe tăng Nga tràn qua biên giới, và giải pháp duy nhất cho xung đột hiện nay là tiêu diệt toàn bộ thế lực cầm quyền Ukraina.
Tiết lộ mới của Wikileaks : Đàm phán bí mật giữa 50 quốc gia về một thỏa thuận thương mại mới
Báo l’Humanité dành trang nhất, cùng bài xã luận và hai trang cho hồ sơ những cuộc đàm phán bí mật đe dọa các dịch vụ công trên thế giới. « Thỏa thuận siêu bí mật đe dọa các dịch vụ công thế giới » là tựa đề bài phân tích. Thỏa thuận viết tắt tiếng Anh là TISA (Trade in services agreement), là mục tiêu các đàm phán giữa khoảng 50 quốc gia, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và khoảng 20 nước khác. 50 quốc gia tham gia đàm phán chiếm 70% tổng lượng giá trị thương mại dịch vụ toàn cầu.
Mặc dù sự tồn tại của các đàm phán này không phải là điều bí mật. Trang web của bộ Ngoại thương Hoa Kỳ có nhiều thông điệp nói về tiến triển của các đàm phán, diễn ra từ hai năm nay tại đại sứ Úc ở Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ngày 19/06 vừa qua, Wikileak, trang mạng của Julian Assange, vừa công bố một « tài liệu mật », tức phần phụ lục của hiệp ước, liên quan đến các dịch vụ tài chính.
Tài liệu này được các nước tham gia cam kết giữ bí mật trong vòng 5 năm, sau khi thỏa thuận đạt được, hoặc sau khi đàm phán về thỏa thuận thất bại.
Mục tiêu của tài liệu này, theo bản dịch mà l’Humanité cho biết, là giải phóng các dịch vụ tài chính khỏi các quy định pháp lý, gây khó khăn cho chính quyền các quốc gia tham gia hiệp định muốn thông qua các điều luật cản trở lĩnh vực này. Tài liệu này cũng chủ trương phá hủy sự độc quyền của các quốc gia về phương diện quỹ hưu trí…, tư nhân hóa một loạt các dịch vụ khác như nước, năng lượng, y tế, giao thông…
Tóm lại theo l’Humanité, đối tượng của thỏa thuận này là tấn công vào các hệ thống dịch vụ công, như « hệ thống bảo hiểm xã hội ». Cho đến nay, rất ít báo đưa lại thông tin này.
Trang nhất báo Pháp
Thời sự Cận đông và Bắc Phi chiếm nhiều chú ý của báo Pháp hôm nay. « Syria-Irak : Sự ra đời của ‘‘Jihadistan’’, một nhà nước Hồi giáo » là hàng tựa trang nhất Libération. Báo La Croix chú ý đến « Bầu cử tại nước Libya hỗn loạn ». « Vén màn bí mật : Trái bom làm nổ tung các dịch vụ công trên thế giới » là hàng tít đầu của L’Humanité, liên quan đến các cuộc thương thuyết bí mật về một hiệp định mới về dịch vụ toàn cầu, với sự tham gia của hơn 50 quốc gia.
Le Monde quan tâm đến thời sự Châu Âu với hồ sơ lớn « Hollande-Renzi : cuộc phản công nhắm vào Merkel ». Tòa án Châu Âu hoãn khẩn cấp quyết định của Hội đồng Bảo hiến Pháp, buộc phải duy trì sự sống đối với ông Vincent Lambert, là tựa trang nhất Le Figaro. Cũng liên quan đến nước Pháp, tờ báo kinh tế Les Echos lưu ý « Đà phục hồi chững lại ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét