Anh Son Tran Duc FB
Sáng ngày 20/6/2014, trong phiên thứ nhất của hội thảo quốc tế HOÀNG SA – TRƯỜNG SA: SỰ THẬT LỊCH SỬ, có đại biểu Việt Nam trách Mỹ “xoay trục nửa vời” nên Trung Quốc không sợ và tiếp tục làm càn, đem giàn khoan vào cắm trong vùng biển VN và thắc mắc là liệu khi nào thì chính sách xoay trục của Mỹ mới thực sự đây? Tôi ko hiểu hết ý của vị này lắm, nhưng đoán là có ý chờ đợi động thái của Mỹ. Vì thế, tôi đã có phát biểu, lấy ý từ nội dung một status mà tôi đã dán lên FB của mình từ đầu tháng 4/2014. Nội dung như sau:“Thưa quý vị!. Tôi là người nghiên cứu lịch sử, đã tiếp cận nhiều tư liệu lịch sử của Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây đã chứng minh người Việt đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa muộn nhất là từ thế kỷ XVII. Tuy nhiên, chủ quyền của Việt Nam chúng tôi trên hai quần đảo này cứ bị các nước lớn đem ra mặc cả và mua bán vì lợi ích của họ. Sau đây là những bằng chứng:
1. Năm 1909, Nhật Bản tuyên bố người Nhật đã khám phá ra các đảo thuộc quần đảo Pratas [Trung Quốc gọi là Dongsha qundao (Đông Sa quần đảo)] từ tháng 8.1907 và đòi chính quyền nhà Thanh phải thừa nhận những quyền lợi chính đáng của kiều dân Nhật Bản đang sinh sống trên các đảo thuộc Pratas. Đổi lại Nhật Bản sẽ không tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Nhà Thanh đồng ý, trả cho Nhật 160.000 quan tiền. Nhật Bản trích lại 30.000 quan tiền để bồi thường cho việc phá hủy một số chùa chiền trên quần đảo này khi họ đến chiếm đóng ở đây vào năm 1907. Lo sợ Nhật Bản sẽ áp dụng chiêu này với quần đảo Hoàng Sa, vốn là vùng đất thuộc về vương quốc An Nam nhưng do chính quyền An Nam bị tước đoạt quyền ngoại giao và quân sự từ sau khi ký Hiệp ước Giáp Thân (1884) với Pháp, trong khi Pháp lại “lơ là” việc thay mặt chính quyền An Nam thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, nên chính quyền Quảng Đông âm mưu chiếm đoạt Hoàng Sa. Tháng 3.1909, Phó vương Lưỡng Quảng là Trương Nhân Tuấn cử 3 thuộc hạ ra thám sát Hoàng Sa. Nhóm này đã thám sát 15 đảo, trở về báo cáo tình hình cho Phó vương. Ngày 21.5.1909, Trương Nhân Tuấn cử Đô đốc Lý Chuẩn đem 3 chiến thuyền đi thị sát Hoàng Sa lần 2. Họ đến đây cắm cờ, bắn 21 phát đại bác và tuyên bố chủ quyền. Beauvais, Tổng Lãnh sự Pháp ở Quảng Châu đã biết trước việc này và đã gửi một bức thư cho Bộ Ngoại giao Pháp vào ngày 4.5.1909, cho biết quần đảo Hoàng Sa có một tầm quan trọng đối với nước Pháp vì nằm trên tuyến đường biển Sài Gòn – Hong Kong. Ông ta cũng nói rõ: “nước Pháp có các quyền ngang với Trung Quốc đối với các đảo nói trên và chúng ta dễ tìm ra các lập luận hỗ trợ cho các đòi hỏi của chúng ta. Nhưng nếu việc đó không đáng thì tốt nhất là nhắm mắt làm ngơ trước các sự việc hiện nay vì một sự can thiệp của chúng ta có thể làm phát sinh trong lòng dân chúng một phong trào sô vanh mới có hại cho chúng ta hơn lợi ích mà việc chiếm hữu các đảo Hoàng Sa đem lại” (Hồ sơ số 18, ngày 10.6.1909 của Vụ Các vấn đề Chính trị và Thương mại của Bộ Ngoại giao Pháp). Bộ Ngoại giao Pháp cho biết “Bộ tôi đã đồng ý với ý kiến của ông Beauvais và chúng tôi đã để cho người Trung Quốc hành động” (Ghi chú của Bộ Ngoại giao Pháp ngày 14.1.1921 về vấn đề quốc tịch của quần đảo Đông Sa và quần đảo Hoàng Sa). Nước Pháp “bán đứng” Hoàng Sa cho Trung Quốc lần thứ nhất. Người “đứng bán” là Bộ Ngoại giao Pháp.
2. Ngày 20.9.1920, Công ty Mitsui Bussan Kaisha của Nhật Bản gửi thư cho đại tá hải quân Pháp Remy thuộc hải quân Sài Gòn để hỏi xem các đảo Hoàng Sa có phải là sở hữu của Pháp hay không, và rằng công ty này muốn khai thác quặng phốt phát trên đảo Hoàng Sa. Do không tìm thấy tư liệu nào liên quan đến câu hỏi của công ty Nhật Bản trong kho tư liệu của hải quân ở Sài Gòn, nên ngày 24.9.1920, đại tá Remy đã trả lời cho công ty Nhật Bản là “quần đảo Hoàng Sa không phải sở hữu của Pháp” nhưng cho biết đó chỉ là ý kiến cá nhân của ông ta mà thôi. Khi thông tin này được công bố, Thống đốc Nam Kỳ đã yêu cầu Phủ Toàn quyền Đông Dương đặt vấn đề với Bộ Hải quân ở Paris, mở một cuộc điều tra nhằm có câu trả lời chính thức cho công ty Nhật. Tuy nhiên, khi cuộc điều tra vừa mới bắt đầu thì ngày 8.4.1921, Tổng Lãnh sự Pháp ở Quảng Châu là Beauvais đã báo tin cho Toàn quyền Đông Dương là vào ngày 30.3.1921, Thống đốc dân sự tỉnh Quảng Đông đã công bố Lệnh số 831 cho biết “trong phiên họp ngày 11.3.1921, Ban Đốc chính chính quyền quân sự phương Nam đã quyết định sáp nhập về mặt hành chính các đảo Hoàng Sa vào huyện Nhai, đảo Hải Nam”. Cuộc điều tra bị đình chỉ và Phủ Toàn quyền Đông Dương chưa có cơ hội trả lời cho công ty Nhật Bản về việc vương quốc An Nam đã thụ đắc quần đảo Hoàng Sa này từ lâu đời. Thế nên, Phủ Toàn quyền Đông Dương đã trách cứ đại tá Remy trong việc vội vàng trả lời công ty Nhật Bản, rằng: “tuy với tính chất cá nhân cho một công ty hàng hải nước ngoài, về những vấn đề mà chỉ riêng tính chất cũng đủ biện minh việc khước từ hay ít nhất, những sự dè dặt thận trọng nhất, và ông ta đã làm điều đó mà không có sự liên hệ trước với Phủ Toàn quyền”. Đồng thời, cũng trách cứ Bộ Hải quân Pháp khi được tham khảo về một vụ tranh chấp liên quan đến lợi ích của nước Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa, đã tự động xử lý mà “không cho rằng mình (Bộ Hải quân) phải báo cáo cho bộ có thẩm quyền về ngoại giao và Bộ Thuộc địa, vì đó (quần đảo Hoàng Sa) là về một vùng đất phụ thuộc vào một trong các thuộc địa lớn của chúng ta (tức An Nam)” (Ghi chú của Vụ Các vấn đề Chính trị và Bản xứ, Phủ Toàn quyền Đông Dương ngày 6.5.1921). Nước Pháp “bán đứng” Hoàng Sa cho Trung Quốc lần thứ 2. Lần này người “đứng bán” là Bộ Hải quân Pháp.
3. Mùa hè năm 1951, các bên tham chiến trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ II bắt đầu hình thành bản dự thảo Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản. Điều 2 của dự thảo Hiệp ước này có nêu: “Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Tháng 9.1951, Hội nghị hòa bình với Nhật Bản khai mạc tại San Francisco (Hoa Kỳ), Trung Quốc và Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) đều không có đại diện tham dự do Hoa Kỳ và Liên Xô không thống nhất được việc ai sẽ là đại diện của Trung Quốc trong hội nghị này (Đài Loan hay Trung Quốc). Trong phiên họp toàn thể vào ngày 5.9.1951, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô là Andrei Gromyko đưa ra 13 điều khoản bổ sung cho bản dự thảo Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, trong đó có điều khoản Nhật Bản “công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và các đảo khác quá về phía nam”. Hoàng Sa (và Trường Sa) bị “bán đứng” lần thứ 3. Người “đứng bán” lần này là Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Andrei Gromyko, Tuy nhiên, hội nghị đã bác bỏ điều khoản bổ sung này của Liên Xô, thương vụ “bán đứng” Hoàng Sa của Liên Xô bất thành.
4. Ngày 19.1.1974, Trung Quốc mở cuộc tấn công tổng lực nhằm xâm lược quần đảo Hoàng Sa. Hải quân Việt Nam Cộng hòa anh dũng chống trả nhưng do lực lượng yếu hơn nên đã để mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa gửi điện khẩn đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ can thiệp để giúp Việt Nam Cộng hòa giành lại Hoàng Sa nhưng Hoa Kỳ quyết định đứng ngoài cuộc xung đột. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ là Arthur Hummel cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa biết là Mỹ không quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa. Hoàng Sa bị bán lần thứ 4. Lần này người “đứng bán” là Tổng thống Hoa Kỳ R. Nixon trong một “thương vụ” được thực hiện tại Bắc Kinh năm 1972 khi ông ta qua thăm Trung Quốc
5. Ngày 14.3.1988, Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma, các đá Colin và Lendao thuộc quần đảo Trường Sa. Hải quân Việt Nam gồng mình chống đỡ. Anh cả trong phe XHCN là Liên Xô, quốc gia đã ký Hiệp ước hữu nghị Xô – Việt, mang tính chất của một hiệp ước đồng minh chiến lược giữa Liên Xô và Việt Nam (ký năm 1978, thời điểm 1988 vẫn còn giá trị), có hạm đội đóng ở Cam Ranh, rất gần Trường Sa, nhưng không hề nhúc nhích. Gần 70 chiến sĩ hải quân Việt Nam tử trận trong trận chiến này. Lần thứ 2 Liên Xô “bán đứng” Trường Sa cho Trung Quốc.
6. Ngày 1.5.2014, Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào hạ đặt sâu trong EEZ của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam chỉ hơn 120 hải lý. Thế giới lên tiếng phản đối nhưng “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam là Liên bang Nga (quan hệ được nâng cấp từ năm 2012), nước đã và đang bán 4 tàu ngầm cho Việt Nam với giá 2 tỉ USD, đã không hề phản ứng gì trước hành động hung hăng của TQ ở trong EEZ của Việt Nam. Trong khi đó Tổng thống Liên bang Nga là Putin sang Trung Quốc, “dung dăng dung dẻ” cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi dự khai mạc tập trận chung Trung – Nga ở vùng biển Hoa Đông, để mặc “chú em” Việt Nam là “đối tác chiến lược toàn diện” của Nga mặc sức chống đỡ với máy bay, pháo hạm, tàu vũ trang đủ loại của Trung Quốc.
Vậy tôi xin thưa với quý vị rằng, lợi ích từ mối quan hệ giữa các nước lớn với TQ là rất lớn, vậy họ có dám hy sinh lợi ích đó vì VN hay không, trong khi giữa họ và VN chưa có những cam kết liên minh đúng nghĩa? Và xin quý vị hãy bày tỏ quan điểm về vấn đề này?.
Tôi phát biểu xong thì một học giả Nga lên tiếng nói: “Liên Xô trước đây và Nga bây giờ chưa bao giờ “bán đứng Việt Nam” mà còn giúp vũ khí, khí tài để VN đánh Tàu năm 1979 và bây giờ vẫn bán tàu ngầm cho VN”.
Nhưng sau đó có một học giả Ý đến gặp riêng tôi để hỏi thêm về Hiệp ước hữu nghị Xô – Việt ký năm 1978 nhằm tìm hiểu xem việc Liên Xô không phản ứng trước sự kiện TQ đánh chiếm Gạc Ma năm 1988 là có phù hợp với tinh thần của Hiệp ước này ko?. Tôi đã cung cấp cho ông ấy đường link dẫn tới Hiệp ước này. Hy vọng vài ngày nữa ông ấy sẽ có phản hồi. Nhưng trước khi chia tay tôi ông ấy nói: “Ý kiến của anh rất đáng chú ý, nhất là trong lúc mối quan hệ Nga – Trung đang rất nồng ấm sau hợp đồng mua bán khí đốt vừa ký giữa ông Tập và ông Putin vừa qua”. Có lẽ học giả người Ý này đã tán đồng ý kiến của tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét