Boxitvn
Cao Thị Xuân Phượng (vợ nhà báo Trương Duy Nhất)
Trước phiên tòa xét xử phúc thẩm chồng tôi – nhà báo
Trương Duy Nhất (26/6/2014), tôi đã có Đơn cứu xét gửi Tòa Phúc thẩm Tòa
án Nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng. Trong đơn, tôi trình bày ý kiến của cá
nhân về những bất hợp lý, những việc thực thi không đúng luật định tại
phiên tòa sơ thẩm.
Viện Kiểm sát không đủ căn cứ, cơ sở để buộc tội
chồng tôi, nhưng Hội đồng xét xử sơ thẩm cố tình suy diễn, qui chụp kết
tội chồng tôi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà
nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” qui định tại Điều
258 – Bộ luật Hình sự với bản án 2 năm tù giam. Bản án không thuyết
phục, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Khi tôi nói về ý định viết đơn này, nhiều bạn bè cho
rằng tôi thiếu thực tế, bởi chẳng có vị quan tòa nào quan tâm đến ý kiến
của những thường dân như tôi. Nhưng tôi vẫn viết bởi tôi vẫn còn tin
vào công lý, hy vọng những bất hợp lý tại phiên tòa sơ thẩm sẽ không lặp
lại ở phiên phúc thẩm, hy vọng các vị quan Tòa phúc thẩm sẽ thực thi
luật pháp bằng lương tâm và trách nhiệm, sáng suốt nhìn nhận vụ việc
chồng tôi, xét xử công minh, đem lại một bản án phúc thẩm thấu tình đạt
lý.
Thế nhưng tất cả không như tôi hy vọng.
1. Vào cổng:
Vẫn “bổn cũ soạn lại”, như phiên sơ thẩm chỉ có thay
đổi nhỏ là ngoài hai mẹ con tôi, có thêm năm người thân trong gia đình
chồng tôi được tham dự phiên tòa, còn lại bạn bè, đồng nghiệp, người
thân của gia đình tôi đều phải đứng bên ngoài với lý do không có chỗ
ngồi. Lý do không thuyết phục, bởi để Tòa không thể viện cớ hết chỗ ngồi
như phiên sơ thẩm, gia đình tôi đến rất sớm. Đúng 6g sáng, tại cổng
tòa, chưa có ai ngoài gia đình tôi. Bên trong cổng tòa, một số cán bộ
đang làm nhiệm vụ. 6g 20 phút, tôi hỏi một cán bộ: “Gia đình tôi được
vào phòng xét xử chưa?”. Anh ta trả lời: “Bộ phận phục vụ đang dọn dẹp
phòng nên chờ”. Tôi vẫn đứng tại cổng quan sát, lúc này một số phóng
viên có mặt, họ xuất trình giấy tờ, kiểm tra các thiết bị kỹ thuật khi
qua cổng kiểm tra an ninh. Ngoài các phóng viên, có nhiều người đi xe
máy vào thẳng cổng tòa, không qua kiểm soát giấy tờ, mà theo giải thích
của một người có trách nhiệm thì họ là cán bộ của Tòa. 6h 30 phút, tôi
hỏi anh cán bộ khi nãy: “Giờ thì gia đình tôi vào được chưa?” Vẫn câu
trả lời: “Phòng xét xử chưa dọn dẹp xong”. Tôi hỏi: “Nghĩa là chưa có ai
tham dự phiên tòa có mặt ở phòng xét xử?”. Anh ta xác nhận: “Chưa có”.
Thế nhưng, đến 7g kém 15, tôi đề nghị để gia đình tôi vào dự phiên tòa
thì anh ta bảo: “Không còn chỗ ngồi”, nên chỉ cho 7 người trong gia đình
tôi vào (trước khi vào xuất trình chứng minh nhân dân và gửi điện
thoại), còn lại đứng ngoài. Lạ thật, trong vòng 15 phút đó, tôi quan sát
rất kỹ ngoài các phóng viên, không có ai qua cổng kiểm tra an ninh.
Chẳng lẽ những người hiện đang có mặt tại phòng xét xử có phép biến hóa
giống Ngộ Không?
2. Tại phiên tòa:
Một phiên tòa mà chủ tọa sử dụng quá nhiều câu mệnh
lệnh: “Tòa yêu cầu luật sư dừng lại!”, “Tòa yêu cầu bị cáo dừng lại!”,
“Nếu không dừng, tòa mời luật sư ra ngoài!”… Một phiên tòa như cách nói
hình ảnh của chồng tôi là “Tòa bịt miệng luật sư và bị cáo”.
Trước khi bắt đầu phần xét hỏi, chồng tôi và luật sư
đề nghị Tòa giải thích tại sao không triệu tập đại diện của các tổ chức
Nhà nước mà Cáo trạng cho là những đối tượng bị hại đến phiên tòa để làm
sáng tỏ vụ án. Về việc này, chồng tôi và luật sư xác nhận là đã có kiến
nghị gửi Tòa. Theo luật sư, triệu tập các đối tượng này là cần thiết
bởi kết tội Trương Duy Nhất xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, thì
phải triệu tập đại diện của các tổ chức Nhà nước đến phiên tòa để họ chỉ
ra là Trương Duy Nhất đã xâm phạm đến lợi ích nào của Nhà nước, được
quy định tại điều khoản nào, của văn bản pháp luật nào, và hậu quả ra
sao? Luật sư cũng cho rằng cần thiết phải triệu tập các cá nhân ký trong
bản Kết luận Giám định (KLGĐ) của Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT)
bởi KLGĐ này không có giá trị pháp lý, trong khi đó Cơ quan An ninh điều
tra và Viện Kiểm sát (VKS) lại căn cứ vào đó để kết luận và buộc tội
Trương Duy Nhất.
Đề nghị xác đáng, phù hợp với luật định, song phần
trình bày của luật sư liên tục bị chủ tọa yêu cầu dừng lại và bị bác bỏ
với lý do: “Xét thấy không cần phải triệu tập các vị này”.
- Phần hỏi – đáp của luật sư và chồng tôi nhiều lần
cũng bị chủ tọa cắt ngang, mặc dù chồng tôi đã đề nghị Tòa phải thực
hiện đúng luật định, tạo điều kiện để bị cáo trình bày. Ngay cả những
câu hỏi trọng tâm nhất nhằm đi sâu phân tích, làm rõ nội dung, động cơ,
mục đích viết từng bài viết của chồng tôi cũng bị chủ tọa ngăn cản. Chủ
tọa yêu cầu luật sư gộp 12 bài viết trong một câu hỏi, mặc dù luật sư cố
gắng giải thích để chủ tọa hiểu mỗi bài có nội dung, tình tiết, động
cơ, mục đích viết khác nhau. Vả lại, bản KLGĐ cũng phân tích từng bài
thì phải để bị cáo trình bày từng bài nhưng vẫn không được chấp nhận và
luật sư còn bị cảnh cáo nếu không chuyển sang câu hỏi khác sẽ bị mời ra
khỏi phiên tòa. Cuộc hỏi – đáp của luật sư và chồng tôi tiếp tục, song
cứ đến những phần chồng tôi dừng lại phân tích những bài viết mà Cáo
trạng cáo buộc nhằm làm sáng rõ động cơ, mục đích, thiện chí của anh khi
viết đều bị Tòa cản ngăn, yêu cầu dừng lại với lý do “Tòa đã biết rồi”.
- Phần bào chữa của luật sư Trần Vũ Hải cũng không
liền mạch, nhiều lần chủ tọa dọa mời luật sư rời khỏi phòng xét xử và
yêu cầu cảnh sát can thiệp, buộc luật sư dừng lại. Tuy nhiên, luật sư
cũng đã cố gắng hoàn thành phần bào chữa của mình, đã đưa ra được những
luận cứ bác bỏ các cáo buộc của đại diện VKS và đặc biệt nhấn mạnh các
vấn đề sau:
* Sự không tin cậy của bản KLGĐ: Theo luật sư, những
thành viên ký trong bản KLGĐ không phải là những giám định viên hợp lệ
vì danh sách những giám định viên này không được đăng trên trang điện tử
của Bộ TT-TT như luật Giám định Tư pháp qui định. Chưa có cơ sở xác
định những người này có đủ năng lực xem xét nội dung những bài viết của
Trương Duy Nhất, có những giám định viên là chuyên viên công nghệ thông
tin thì làm sao thẩm định được các bài viết trên. Vì vậy, theo luật sư
bản KQGĐ không đủ độ tin cậy. Căn cứ vào bản KLGĐ không có cơ sở pháp lý
để kết tội Trương Duy Nhất nên Cáo trạng của VKS Tối cao cũng không có
cơ sở pháp lý.
* Nghiên cứu Hiến pháp 2013, luật sư xác định: lợi
ích Nhà nước là những lợi ích vì dân, vì dân giàu nước mạnh, dân chủ
công bằng, văn minh, vì một nền pháp quyền. Trên cơ sở quan niệm này,
luật sư khẳng định không có căn cứ xác định 12 bài viết, đăng của Trương
Duy Nhất xâm phạm đến lợi ích Nhà nước. Những bài viết này là ý kiến
của Trương Duy Nhất (và một bạn đọc khác) đánh giá tình hình đất nước,
nhận xét một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thực hiện quyền tự do ngôn
luận, quyền giám sát của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước
như pháp luật qui định.
* VKS truy tố Trương Duy Nhất theo khoản 2, điều 258
(phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng), nhưng không đưa ra được những
căn cứ xác định tình tiết nghiêm trọng. Bản án sơ thẩm cũng đã tùy tiện
kết tội bị cáo theo điều 258, khoản 2, BLHS mà không chứng minh được
hành vi xâm phạm lợi ích Nhà nước của bị cáo, cũng như tính chất nghiêm
trọng của hành vi.
- Phần tranh luận của đại diện VKS không thuyết phục.
Luật sư yêu cầu đối thoại sòng phẳng với đại diện VKS về các vấn đề
trên, đặc biệt yêu cầu đại diện VKS chứng minh 12 bài viết, đăng của
Trương Duy Nhất đã xâm phạm đến lợi ích nào của Nhà nước, qui định trong
văn bản pháp luật nào, gây hậu quả ra sao? Nhưng, vị Kiểm sát viên chỉ
diễn giải chung chung và cho rằng bản KLGĐ đã trình bày nên không cần
nêu cụ thể. Phần tranh tụng cho thấy VKS không đưa ra được căn cứ, cơ sở
để buộc tội chồng tôi. Vấn đề này, luật sư tiếp tục đề nghị VKS làm rõ,
song thay vì yêu cầu VKS tranh luận với luật sư để làm sáng rõ vụ việc
thì Tòa đột ngột quyết định phần tranh tụng dừng lại ở đây.
- Phần tự bào chữa của chồng tôi diễn ra đúng như
cách nói hình ảnh của anh “Tòa bịt miệng luật sư và bị cáo”. Là người
thực thi pháp luật nhưng chủ tọa phiên tòa lại cố tình làm sai luật.
Điều 218 Bộ Luật Tố tụng hình sự qui định: “Bị cáo, người bào chữa có
quyền trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên, và chủ tọa phiên
tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những
người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến”. Thế nhưng, khi chồng
tôi bắt đầu đề cập đến sự thiếu chính xác của Bản án sơ thẩm, ngay lập
tức, chủ tọa phiên tòa cắt ngang, tuyên bố kết thúc phần tranh luận,
chuyển sang phần bị cáo nói lời sau cùng. Nhưng, lời sau cùng chồng tôi
cũng không được nói, vừa bắt đầu đã bị chủ tọa lấy quyền điều khiển
phiên tòa yêu cầu dừng lại, rồi ông ta đứng lên ôm hồ sơ đi về phòng
nghị án.
Tôi thật sự bị sốc trước cách hành xử trịch thượng và
thị uy của chủ tọa phiên tòa. Tôi nhìn thấy trên gương mặt nhăn nheo
của mẹ chồng tôi những giọt nước mắt. Tôi hiểu nỗi niềm của bà, đó là
nỗi đau đắng khi chứng kiến cảnh con trai bị oan, nhưng lại bị chính
những người nhân danh luật pháp “bịt miệng” không cho giải oan. Con gái
tôi khóc vì thất vọng, vì mất lòng tin. Lạc quan, tin tưởng vào sự công
minh của pháp luật, hơn một năm qua, cháu sống trong hy vọng, hy vọng
những người có trách nhiệm sẽ hiểu tâm huyết, tấm lòng của ba. Thế
nhưng, sự thật lại quá phũ phàng.
Phần nghị án ngắn ngủi. Lại một bản án dày đặt những
lời luận tội vô căn cứ, suy diễn, qui chụp kết tội chồng tôi để dẫn dắt
đến kết luận: Y án. Chẳng có gì lạ. Một phiên tòa thiếu những pha tranh
tụng đúng nghĩa, một phiên tòa mà người giữ quyền phán quyết cố tình
không nghe luật sư và bị cáo bào chữa và tự bào chữa, một phiên tòa dựa
trên những chứng lý không đủ độ tin cậy thì làm sao có được bản án
thuyết phục. Một phiên tòa để lại nhiều câu hỏi Tại sao? Một phiên tòa
còn nhiều điều suy ngẫm và luận bàn!
Con gái tôi lặng đi trước sự phán quyết của Tòa. Trên
gương mặt non trẻ của nó hằn rõ nỗi bức xúc và tuyệt vọng. Và không kìm
nén được cơn bức xúc, nó hét rõ to: “Ba tôi vô tội. Ba tôi vô tội. Chả
lẽ yêu nước mà có tội à? Nói thẳng, nói thật mà có tội à?”. Không biết
tiếng kêu cứu của con tôi có đủ âm vang để đánh thức lương tri những
người có trách nhiệm?
Đà Nẵng ngày 27/6/2014
Cao Thị Xuân Phượng
Nguồn: bolapquechoa.blogspot.kr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét