Biễu ngữ kêu gọi xuống đường phản đối Trung Quốc vào chủ nhật ngày 18 tháng 5 năm 2014. (Hình minh họa) -File photo
Bài toán phải giải
Trước nạn ngoại xâm, tinh thần và ý chí của mỗi cá nhân trong tập hợp
dân tộc bị xâm chiếm luôn là cái lõi quyết định sự thành bại, chiến
thắng hay là nô lệ của dân tộc đó. Hiện trạng Việt Nam đang bị Trung
Quốc đe dọa quân sự, xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải, thao túng chính trị
và đè bẹp kinh tế đang là bài toán đòi hỏi dân tộc Việt Nam phải giải
nó. Và mỗi đơn vị trong tập hợp dân tộc Việt Nam sẽ là một thành tố
quyết định Việt Nam thành nô lệ Trung Cộng hay là độc lập? Và bài toán
này, câu hỏi này cần phải xét trên ba phương diện: Nền tảng chính trị
xuyên suốt; Tinh thần nhân dân; Bệ phóng tương lai.
Ở phạm trù nền tảng chính trị xuyên suốt, ngoại trừ phía Nam vĩ tuyến 17
từng trải qua một giai đoạn dân chủ ngắn ngủi, hầu như toàn dân tộc
Việt Nam đi từ nền chính trị phong kiến chuyên quyền, đặt nhà vua làm
trung tâm và yếu tố dân chủ hoàn toàn không có cho đến nền chính trị
Cộng sản độc tài, mượn đại bộ phận nhân dân làm tấm bình phong che chắn
cho sự thống trị phe nhóm bên trong với danh nghĩa “sở hữu toàn dân”,
“nhà nước là đại diện của nhân dân”, mà trên thực chất là một triều đại
phong kiến kiểu mới với đầy đủ nhà vua theo nhiệm kỳ và thái tử đỏ theo
quyền lực.
Bởi chính quá trình chìm quá sâu trong hai dòng chảy chính trị này,
ngoại trừ một số rất nhỏ những người có ý thức dân chủ và chịu khó tìm
tòi những mô hình nhân quyền bên ngoài lãnh thổ, đã đấu tranh cho điều
này, số đông nhân dân còn lại hầu như chỉ có bản năng phản kháng nhưng
chưa bao giờ được trang bị cho một hệ thống tư tưởng hoặc quan niệm về
quyền con người cũng như những giá trị đích thực và ý nghĩa tồn tại của
một con người trước xã hội. Hay nói cách khác, một xã hội quân chủ rồi
sau đó là độc tài chỉ cho con người đạt được ý thức vâng phục và cam
chịu tốt nhất, không có ý nghĩa nào khác.
Và một khi nền tảng chính trị xuyên suốt là phong kiến, rồi sau đó
độc tài, hệ tư tưởng đi từ Nho giáo, Khổng Tử với tam cương, ngũ thường,
với thứ quan niệm vua bảo chết phải chết, vua còn hơn cả thầy và thầy
còn hơn cả cha (có thể nói đây là thứ tư tưởng điếm thúi nhất mà Khổng
Tử thông minh nghĩ ra, vì lúc đó, dưới vua chỉ có những ông quan, quân
sư, mà các ông này cũng là thầy trong thiên hạ, Khổng Tử cũng là thầy,
trong khi đó Khổng Tử phục vụ nhà vua, làm nô tài cho vua, như vậy, suy
cho cùng, mọi thứ quyền cũng dành cho vua, nếu không cho vua thì cho
Khổng Tử. Có lẽ chính vì thế mà khi không được vua ban cho miếng thịt
heo, Khổng Tử bỏ ngay triều đình tìm sang một nước khác). Xã hội bị mất
hoàn toàn khả năng tự vận động, ý nghĩa tồn tại của cá nhân bị xóa sạch.
Đến thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa, sau một quá trình dài xếp hàng
chầu chực miếng ăn, chầu chực từng ký gạo, lát sắn, hạt bắp, lạng thịt,
gam đường, tấc vải… đã làm cho con người quen dần với đời sống súc vật,
không còn dám suy tư và cũng không có thời gian để suy tư, cuống cuồng
trong vòng xoáy đói khổ để rồi sau đó, khi kinh tế mở cửa (1986) theo
“định hướng xã hội chủ nghĩa”, mọi âm mưu và toan tính trên cơ sở quyền
lực phe nhóm có cơ hội bùng nổ, vẫy vùng, một lần nữa, người dân bị lẩn
quẩn và chìm đắm trong thứ quyền lực kinh tế đỏ, quyền lực của đồng tiền
và sự phân cấp xã hội dựa trên giá trị vật dục. Có thể nói rằng, xét về
mặt chính trị và lịch sử dân tộc, người Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội
để đi đến văn minh nhân loại!
Bị cắt mạch Dân Khí?
Giai cấp công nhân biểu tình chống TQ ở Bình Dương hôm 14/5/2014
Cho đến thời điểm hiện tại, nếu xét trên tinh thần gọi là Dân Khí thì
người Việt hoàn toàn bị cắt mạch Dân Khí từ gốc gác chính trị suốt
chiều dài mấy trăm năm lịch sử. Dân Khí chỉ thật sự có ở những người
hiểu biết, những trí thức, những nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền và
đấu tranh chống bành trướng Trung Cộng. Ngay cả hệ thống chính trị khét
tiếng đàn áp và dùng vũ lực như nhà nước Cộng sản, yếu tố Dân Khí của họ
chỉ thoi thóp trong vài cá nhân đơn lẻ chưa kịp xuất hiện hoặc chưa
phải thời điểm xuất hiện, còn lại cũng chỉ là một đám quan lại hèn kém,
chịu nhục ăn xôi, đứa thấp thì quì mọp với đứa cao, đứa cao ăn trên ngồi
trốc của triều đình thì lại quì mọp trước những thằng láng giềng, đàn
anh như Trung Cộng, Nga Xô… Hệ quả của quá trình này là đất nước trở
thành một lũ quì mọp, van lơn và chịu nhục, thậm chí không còn biết
nhục.
Thử hỏi, một dân tộc mà đa phần chỉ chú tâm đến miếng ăn, quyền lợi
của bản thân, ra đường thấy người khác bị cướp, bị hại thì dửng dưng,
thấy công an thì sợ, thấy công an đánh chết người, biết sai trái vẫn
không dám lên tiếng, với giới quan chức thì quì mọp trước thế lực mạnh
hơn. Trong khi đó, kẻ lộng quyền, lộng sức như Trung Cộng thì tha hồ xâm
chiếm Việt Nam bằng mọi cách, bất chấp lẽ phải cũng như luật pháp quốc
tế. Thử hỏi, Việt Nam lấy gì để đánh, để giữ nước? Và mỗi khi người dân
lên tiếng, những kẻ cầm quyền luôn ra rả đưa ra luận điệu kiểu “dân tộc
Việt Nam là dân tộc anh hùng, từng hai lần đánh bại quân Mông Nguyên… Và
sẵn sàng làm một Điện Biên Phủ trên biển…”.
Xin thưa là thời nhà Trần, không có người dân nào biết chiến đấu,
biết đứng lên để đánh quân Mông Nguyên cả, chỉ có quân của triều đình
dưới sự chỉ huy tài tình của Trần Hưng Đạo, và mọi sự vận động, co giãn
của nhân dân thời đó cũng đều do sự điều động, chỉ huy của Trần Hưng
Đạo, chính vì sự điều động tài tình này cộng hưởng với sự thống nhất của
nhân dân ở hội nghị Diên Hồng mà trong đó các bô lão đóng vai trò đại
diện cho nhân dân, chỉ huy nhân dân ở cấp độ địa phương đã tạo ra một
mặt trận vững chãi, nhịp nhàng và ăn ý để đánh bại quân Mông Nguyên. Thử
hỏi, hiện tại, triều đình Việt Cộng đã làm ra được một hội nghị Diên
Hồng nào chưa ngoài mấy ông nghị gật và nghị gáy (toe toe lý thuyết Mác –
Lê)? Nhân dân có bao giờ đồng lòng với nhà cầm quyền chưa?
Một khi không trả lời được hai câu hỏi này thì mọi thứ tuyên truyền
hiện tại chỉ là những trò bịp bợm trượt dài và không còn cơ hội để gượng
chân khi đã đứng sát mép vực. Hơn bao giờ hết, các quan chức Cộng sản
cần phải biết suy nghĩ về danh dự và giá trị làm người, cũng hơn bao giờ
hết, người dân Việt Nam cần biết suy tư về thân phận cũng như ý nghĩa
tồn tại của một con người trong một xã hội có tự do. Chỉ có như thế, mới
hy vọng sức mạnh chống ngoại xâm một lần nữa được kích hoạt, phục hồi.
Nếu không, Việt Nam chỉ là một cơ thể sống thực vật trong cái ống xông
thức ăn của Trung Cộng, và đến một lúc nào đó, Trung Cộng rút cái ống
xông này, rút nốt ống dưỡng khí, cái xác kia ngừng thở và một tỉnh lị
mới của Trung Quốc hình thành trên dải đất hình chữ S này! *Nội dung bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét