Lê Diễn Đức -RFA
Bức thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng
viên Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) được loan tải trên Internet của 61
nhân sĩ, trí thức, đa phần là lão thành cách mạng, sĩ quan quân đội nhân
dân Việt Nam.
Tất cả đều là đảng viên ĐCSVN. Nguời vào Đảng sớm nhấ, năm 1939, là
thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Người có ít thâm niên trong đảng nhất,
từ năm 1991, là Đào Tiến Thi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học
Việt Nam, Hà Nội.
Thực ra viết thư “kiến nghị” một băng đảng cướp hãy nhân đạo, ngưng tay cuớp bóc thì thật là khó, nếu không nói là ảo tưởng.
Từ trước tới nay, ký “kiến nghị” kiểu này, đông đảo nhất là lần góp
ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong năm 2013, đều chẳng được nhà cầm
quyền lắng nghe, thậm chí còn bị xuyên tạc, chỉ trích. Những “kiến nghị”
tâm huyết bị quẳng vào thùng rác một cách không thương tiếc.
Tuy nhiên, kiến nghị lần này có một số điểm cần chú ý.
Thứ nhất kiến nghị xuất hiện trong lúc nhiều tổ chức dân sự được
thành lập và ra đời có vẻ trước sự làm ngơ của nhà cầm quyền. Mặc dù các
tổ chức này hoạt động còn manh mún, chưa có tổ chức sâu rộng, quy mô,
đa phần nằm ở các hoạt động giao lưu, hỗ trợ mang tính từ thiện, nhưng
dù sao cũng đã nảy nở manh nha một khuynh hướng dân sự. Khuynh hướng này
rất cần thiết, như là tiền đề cho một cuộc thay đổi thể chế chính trị
qua các phong trào xã hội bất bạo động.
Kiến nghị được ký kết bởi các đảng viên, bằng tên tuổi thật, những
người đã và đang gắn bó với bộ máy cầm quyền, có tác dụng củng cố thêm
niềm tin, giúp các tổ chức dân sự vượt qua sợ hãi, đối diện với chế độ,
để dám nói thật và nói thẳng.
Kiến nghị xuất hiện trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung có nhiều diễn
biến phức tạp. Khiêu khích, gây hấn, mang giàn khoan vào vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam là một buớc leo thang, tạo tiền lệ, thách thức vai
trò bá chủ biển Đông của Bắc Kinh. Sự kiện này cũng dẫn đến sự chia rẽ
trong nội bộ ĐCSVN, tuy nhiên, phe thân Trung Quốc vẫn chiếm thế thượng
phong và tương lai một Việt Nam bị Hán thuộc duờng như cầm chắc.
Khác với hàng loạt kiến nghị truớc đó, kiến nghị này thể hiện sự
can đảm, dám nói chính xác vào sự thật, đụng trực diện vào nền tảng cốt
lõi của chế độ.
Bản kiến nghị viết:
“Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi
theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình
xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới gần
ba nươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa
triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự
do, dân chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền
quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích
bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn
diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh“.
Nói ĐCSVN “đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin” là khẳng định sự sai lầm của toàn bộ cương lĩnh hoạt động và cầm quyền của ĐCSVN, kể từ khi thành lập.
Ra đời trong thời kỳ Pháp thuộc, lợi dụng lòng yêu nuớc và dân tộc
của dân chúng trong khi tiêu diệt các tổ chức, đảng phái yêu nước khác,
ĐCSVN đã cướp chính quyền và sau chiến thắng thực dân Pháp, áp đặt trên
miền Bắc một nhà nước chuyên chính vô sản mà thực chất là hệ thống độc
tài toàn trị. Hệ thống này tiếp tục được thực hiện trên cả nước sau cuộc
xâm chiếm miền Nam, sau ngày 30/0/1975. Xây dựng một mô hình xã hội chủ
nghĩa là lý tưởng xuyên suốt và nhất quán của ĐCSVN.
Mô hình xã hội chủ nghĩa về bản chất đã thực sự phá sản sau khi hệ
thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, thành trì của cách mạng, sụp đổ vào
đầu thập niên 90.
Để tự cứu mình và tồn tại, ĐCSVN đã phải “đổi mới”, “cởi trói”, đưa
nền kinh tế đi theo thị trường tự do, từ bỏ nền kinh tế kế hoạch của xã
hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, vì duy trì hệ thống chính trị một đảng cầm quyền, nên
cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” dành cho “thị trường” đã không
thể dung hoà. Kinh tế quốc doanh nắm vai trò chỉ đạo đã chứng minh sự
trì trệ, thua lỗ và là nguồn gốc của tệ nạn tham nhũng. Các nhóm lợi ích
tận dụng cơ chế độc quyền và đặc quyền đặc lợi móc ngoặc với các quan
chức làm giàu bằng mọi giá, đẩy đất nước vào nợ nần, suy kiệt sinh lực.
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư ĐCSVN, nói rằng, chủ nghĩa xã hội
hoàn thiện hết thế kỷ này chưa biết đã tới chưa. Điều này cho thấy một
niềm tin mong manh vào những giá trị mà chính ĐCSVN đưa ra. Con đường xã
hội chủ nghĩa là một bãi sình lầy bế tắc mà 21 năm ở miền Bắc và 40 năm
trên cả nước ĐCSVN đã nỗ lực trong cuồng vọng nhưng không bao giờ về
tới đích.
Cho dù thành thật hay mị dân, giả vờ, thì “xã hội chủ nghĩa” bằng
thực tế của lịch sử và bằng con đường mà ĐCSVN đang lãnh đạo, đã chứng
minh là không tưởng.
Từ bỏ chủ thuyết xây dựng xã hội chủ nghĩa có nghĩa là từ bỏ sự lừa
mị, dối trá, từ bỏ bản chất của chính mình. Từ bỏ nó là từ bỏ các cơ
hội vơ vét, tham nhũng, vinh thân phì gia, những vấn nạn đã trở thành
đại dịch, thành bệnh ung thư mãn tính của cả guồng máy cầm quyền.
Trong thực tế “xã hội chủ nghĩa” chỉ còn là tấm mặt nạ bao che cho chế độ độc quyền. ĐCSVN dư sức biết điều đó.
Những người tham gia ký kiến nghị đều là những đảng viên cộng sản,
họ đã một thời gắn bó, đi chung với những sai lầm của ĐCSVN. Tuy giờ đây
nhận ra nhưng họ vẫn ràng buộc bởi quyền lợi, chí ít là “sổ hưu”. Họ có
can đảm nhận ra sai lầm nhưng không đủ can đảm đồng loạt rời bỏ đảng,
rời bỏ một tổ chức đã gây ra bao nhiêu tội ác, làm đất nước tụt hậu,
nghèo đói.
Họ vẫn mong muốn ĐCSVN cầm quyền, nhưng “tự giác và chủ động
thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã
hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển
đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng
ôn hòa, (….) xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ“.
Làm sao ĐCSVN lại có thể “xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền
thật sự dân chủ”? Như thế tức là loại bỏ độc quyền lãnh đạo của họ ư? Họ
đang một mình một sân, vừa đá bóng vừa thổi còi, làm sao họ có thể tự
khép vào kỷ cương, luật lệ?
Điều này chỉ có thể xảy ra khi có sức ép lớn và mãnh liệt của toàn
xã hội. Trong khi đó người Việt trong nước đã bị thuần phục, liệt kháng
vì văn hoá sợ hãi và cam phận với miếng ăn. Đại đa số chỉ biết so sánh
đời sống khổ sở, thiếu thốn của thời chiến tranh với ngày hôm nay, nhiều
kẻ ngộ vẫn nhận có được như vậy là ơn huệ của ĐCSVN.
Sự chán ghét chế độ và nhìn nhận ra sự thật chỉ nằm trong số ít,
giới trí thức thì nửa vời, cơ hội. Cho nên, kiến nghị tuy về nội dung có
nhiều tích cực, nhưng thiếu sức mạnh và thực tế. Nó khó có thể tạo ra
ảnh hưởng lên một nhà cầm quyền độc đoán, tham lam, ích kỷ và bảo thủ.
© Lê Diễn Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét