Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Tăng quyền cho công an xã: Nhức nhối những vụ “nạn nhân tự giết mình” ở trụ sở công an


http://plo.vn/uploaded/phuongdung/2014_07_21/chet-bat-thuong_bcti.jpg?width=500   http://plo.vn/uploaded/phuongdung/2014_07_21/153_lqat.jpg?width=500
Gia đình ông N.H.T.                                                       Thi thể một nạn nhân bị đánh tại công an xã. Ảnh Tư liệu
http://plo.vn/phap-luat-chu-nhat/tang-quyen-cho-cong-an-xa-nhuc-nhoi-nhung-vu-nan-nhan-tu-giet-minh-o-tru-so-cong-an-483943.html
(PLO) – Trái với ý kiến của Bộ công an trong dự thảo mới, trao thêm quyền cho công an xã, phường… tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu, đa số đại biểu Quốc hội, chuyên gia pháp luật tỏ ra e ngại, còn người dân thì khá… hoảng sợ.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ông Trương Quốc Hưng (Vụ Pháp chế – Bộ Công an) cho biết: “Khi xảy ra tội phạm, công an xã, phường… là nơi gần dân nhất, sát dân nhất nên giao cho họ một số nhiệm vụ điều tra cơ bản trên là điều nên làm”.


Thế nhưng, trái với sự hồ hởi của cơ quan soạn thảo luật, nhiều chuyên gia cho rằng nếu đưa lực lượng công an xã vào điều tra ban đầu là rất nguy hiểm. Lý do là ngoài việc tìm ra tội phạm, việc bảo mật thông tin ban đầu là vô cùng quan trọng. Việc này công an xã khó đáp ứng được và sẽ có nhiều tiêu cực phát sinh như “tuồn” thông tin ra ngoài, bao che tội phạm… gây khó cho cơ quan CSĐT điều tra sau này.
Một sự thật là khi quyền lực của “quan xã” càng cao bao nhiêu thì việc quản lý càng gặp khó khăn bấy nhiêu. Nhưng, một nguyên nhân sâu xa khiến người dân “sợ hãi” dự thảo này là do thời gian gần đây, các trụ sở của công an xã, huyện liên tiếp xảy ra những vụ chết người mà nguyên nhân đều rất khó hiểu, khó tin và khó chấp nhận.
Những vụ “tự mình giết mình”
Ngày 15-2-2012, anh Nguyễn Công Nhựt, thủ kho tại công ty Kumho đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, bị nghi ngờ liên quan đến một vụ trộm tài sản công ty, đã treo cổ chết tại trụ sở công an huyện Bến Cát chỉ sau một ngày bị bắt giữ tại đây.
Ngày 20-12-2012, nghi can H. có dấu hiệu sử dụng ma túy, bị công an phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An bắt về trụ sở. Sáng hôm sau, cán bộ phát hiện anh H. treo cổ chết bằng dây thắt lưng.

 Trụ sở công an phường Tân Đông Hiệp, nơi anh H. tự tử
Một trong những cái chết ở trụ sở công an gây chấn động dư luận là trường hợp bà Bùi Thị Hương (42 tuổi, quê quán Hải Phòng) hồi tháng 3-2014.
Trước đó bà Hương bị công an phường Tân Đồng mời lên trụ sở làm việc vì nghi ngờ đến một vụ mua bán vàng bất chính. Trong lúc làm việc với công an, bà Hương xin đi vệ sinh. 20 phút sau không thấy bà Hương quay lại, công an phường ra ngoài kiểm tra thì phát hiện bà Hương đã chết trong tư thế treo cổ bằng áo gió trên cửa phòng tạm giữ.
Tuy nhiên, những cái chết này sau đó qua khám nghiệm tử thi người ta thấy rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy nạn nhân đã bị đánh đập trước khi chết. Người nhà bà Hương cho biết trên cơ thể bà có vết bầm tím bất thường.
Mới đây nhất, nạn nhân Đỗ Văn Bình (18 tuổi) cũng bị kết luận tự sát tại nhà tạm giam Công an Huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Thi thể nạn nhân ngoài vết bầm ở cổ còn nhiều vết khác trên cơ thể, các đầu ngón tay, ngón chân đều bầm tím hết và khô.
Trong các vụ tự tử này, câu hỏi mà người ta đặt ra là vì sao có thể chết dễ dàng ở trụ sở công an như vậy? Tuy nhiên, gần như chưa bao giờ gia đình nạn nhân cũng như dư luận nhận được câu trả lời thuyết phục. Bởi lẽ tất cả chứng cứ đều nằm trong tay công an!
Bị đánh, trả về và… chết
Vụ án ông Đặng Trung Trịnh (32 tuổi), chết ở trụ sở công an xã Tiên Động, huyện Tứ Kì, Hải Dương hôm 28-11-2009 là một trong những vụ điển hình của việc bị đánh đến tử vong ở đồn công an nhưng ban đầu không được xác nhận.
Trong vụ này, công an kết luận nạn nhân chết do… xơ gan nên chỉ trả người về mà không khởi tố vụ án. Thế nhưng, kết quả giám định pháp y huyện cho thấy anh Trịnh bị gãy rạn xương sườn, có dấu hiệu bị đánh. Văn phòng điều tra công an huyện ra quyết định khởi tố vụ án, nhưng với tội danh “bắt giữ người trái pháp luật,” chứ không phải tội “gây chết người”.

 Thi thể một nạn nhân bị đánh tại công an xã. Ảnh Tư liệu
Tương tự, ông Nguyễn Văn Long (50 tuổi) bị tố cáo tội cưỡng bức, bị bắt tại trụ sở công an xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Khi vợ ông Long đến thăm chồng thì thấy ông này mình mẩy đã bầm dập. Ông nói: “Bị đánh dữ quá, chắc không sống nổi”. Quả thật, hôm sau ông tử vong.
Công an trả lời ông Long tự sát, nhưng gia đình đã quyết tâm làm cho ra lẽ. Trước kết luận của phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Bình Phước: “Nạn nhân có bị ngoại lực tác động vào vùng đỉnh chẩm gây bầm tụ máu… tử vong do xuất huyết nội sọ”, VKS đã  khởi tố vụ án “giữ người trái pháp luật”.
Ngoài ra còn có vụ bốn công an xã Kim Nỗ trong quá trình lấy lời khai đã đánh nghi can Nguyễn Mậu Thuận (56 tuổi) tử vong, bị đưa ra xét xử về tội giết người nhưng phiên tòa sơ thẩm đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Gia đình ông N.H.T. 
Mới đây nhất, nghi can N.H.T. (43 tuổi) bị bắt quả tang trộm cắp tài sản và bị mời về trụ sở công an thôn Xuân Hòa, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk. Tại đây, ông T. bị công an viên Lê Viết Hùng tát nhiều cái vào mặt, gãy răng, ngã đập đầu vào thành ghế và nền nhà hai lần, bị khóa nhốt lại trong trụ sở và tử vong vào hôm sau khi đang trên đường đi cấp cứu.
Nếu trao quyền, ai sẽ quản lý?
Trên đây không phải là những vụ việc lẻ tẻ mà còn rất nhiều những nạn nhân khác đã bị bắt, bị đánh và chết như vậy ngay trong trụ sở của công an xã…
Đó là lý do mà bạn đọc Pháp luật TP.HCM thẳng thắn nêu ý kiến: “Nếu công an phường, xã được tham gia điều tra, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người bị đánh bầm dập lúc xét hỏi”.
Chính những người làm luật cũng nhận thấy sự bất hợp lý của dự thảo này. Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm, Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao, nêu ý kiến: “Hiện chưa có nước nào trên thế giới lại đưa công an xã, phường… vào lực lượng điều tra. Mục tiêu của dự luật là tinh gọn đầu mối song chia nhỏ như thế này đang làm phức tạp, tạo ra nhiều lỗ hổng hơn.”

Các cựu công an viên xã Kim Nỗ bị dẫn giải ra tòa 
Sự e ngại không chỉ đến vì những “thành tích” khá “rùng rợn” trên, mà căn bản là bởi trình độ của công an cấp xã từ trước đến nay vẫn luôn còn là một hạn chế chưa được khắc phục. Nhiều công an viên cấp xã, phường chưa tốt nghiệp phổ thông, thiếu đào tạo nghiệp vụ, thiếu hiểu biết pháp luật và không có nhận thức đúng đắn về chức năng, quyền hạn của mình.
Thêm một vấn đề đáng lo nữa là cơ chế để quản lý lực lượng này tác nghiệp sẽ thực hiện như thế nào khi mà chưa có sự chuẩn bị về nhân lực, phương pháp và các biện pháp giám sát cũng như các chế tài cần thiết.
Cho đến khi nào cơ quan soạn thảo dự luật trả lời được những câu hỏi trên thì mới có thể biến dự thảo này thành một quy định có lợi thực sự, không chỉ cho công tác điều tra tội phạm mà còn tạo được sự tin tưởng trong dư luận.
Nhân Chính (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét