Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Trà Giang – Cần phải có chính sách “níu giữ nhân tài”.

Trà Giang

hientai.jpg 
 
Đọc tin trên viet-studies.info tổng hợp từ VNExpress về việc 35 bác sĩ bỏ việc ở Quảng Ngãi để đi tìm miền đất hứa khác, thật bất ngờ; bất ngờ về tin, song không bất ngờ về hiện tượng. Bất ngờ vì có một trang mạng của một giáo sư Việt kiều về hưu ở tận Mỹ nhưng lại quan tâm đến chuyện nhân lực của một tỉnh nhỏ ở Việt Nam; lại cũng bất ngờ vì mình sống trong tỉnh mà không biết chuyện ấy.

Lâu nay, trong chiến lược con người nói chung, với phương châm con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của Đảng và Nhà nước, việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; thu hút, đãi ngộ nhân tài được tất cả các cấp quan tâm triển khai, thể hiện qua việc “nâng cao nhận thức” về tầm quan trọng của đối tượng này, như tấm gương ở nhiều nước tiên tiến, trước hết là các con rồng Châu Á mà hầu hết cán bộ lãnh đạo Việt Nam đều có cơ hội đi học tập và bằng một loạt các công cụ lãnh đạo (nghị quyết, chỉ thị…), công cụ thực thi (qui hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, huy động nguồn lực). Do vậy, cứ thế mà yên tâm; mọi việc sẽ êm ả theo đúng kịch bản lãnh đạo thống nhất và toàn diện của Đảng trong chiến lược con người và công tác cán bộ.Không yên tâm sao được khi đất nước bước vào đổi mới, người ta thi nhau chửi bới vào mô hình tập trung kế hoạch hóa phi thị trường của nền kinh tế cũ do chính mình tạo ra để hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự ra đời của kiểu tư bản hoang dã nhằm trục lợi tối đa ở những lĩnh vực thuận lợi và béo bở, thì chiến lược con người, công tác cán bộ và cùng với nó là giáo dục, văn hóa, tư tưởng…không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự chuyển hướng đổi mới ấy. Vì nhóm lĩnh vực này là chính trị, là an ninh chế độ; chúng bị điều chỉnh bởi nguyên tắc đổi mới kinh tế trước rồi đổi mới chính trị. Do vậy, cho đến thời điểm này, sự yên tâm là có lý bởi không đâu hoặc rất ít nơi trên thế giới này có nền giáo dục, văn hóa phát triển theo nghị quyết, với rất nhiều kiểu đồng phục từ chương trình, cách giảng dạy, thi cử, quần áo, giày dép, thắt lưng, cặp sách của học sinh (sắp đến có thể cả quần áo lót, nịt ngực nữa), đến lý luận văn học, rồi lý luận văn nghệ, cách biểu diễn nghệ thuật, chương trình nghệ thuật được cho phép, những bài hát trong chế độ cũ chỉ được tái biểu diễn bằng quyết định cho phép của nhà nước… Trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, không đâu trên thế giới này lại có việc qui hoạch lực lượng lao động như là một công cụ quản lý nhà nước trong điều kiện muốn có, muốn được công nhận là nền kinh tế thị trường, qui hoạch cán bộ, qui hoạch lãnh đạo, rồi trường chuyên lớp chọn, rồi bồi dưỡng nhân tài, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, bồi dưỡng các đội Olympic khu vực và quốc tế. Về chuyện này, như thực tế đã cho thấy và nhiều chuyên gia Việt Nam có tham gia công việc và am hiểu vấn đề cho biết, chẳng hạn ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, khi đi thi Olympic quốc tế, học sinh của họ hầu như tất cả đều “tự”; không có việc nhà nước đứng ra tập trung bồi dưỡng 2-3 năm rồi chi tiền cho việc đi thi. Hay như thành lập nội các chính phủ, họ cũng chẳng có qui hoạch gì, mà theo chi phối của các đảng chính trị, người đứng đầu chính phủ được bầu mời những người hợp lý hợp ý, phần lớn là các chuyên gia, nhân sĩ, giáo sư đại học, trình quốc hội phê duyệt là xong. Và do vậy, việc từ chức của những đương sự này cũng dễ như trở bàn tay; hết chức vụ là trở về phó thường dân, không xuất hiện ở những cuộc hội họp như những chiếc bình vôi quá date hay lâu lâu lại về các địa phương huấn thị về học thuyết vật nuôi cây trồng, đột phá học và mũi nhọn học như ở nước ta. Ngay như Chu Dung Cơ ở Trung Quốc, khi làm Thủ tướng, vẫn giữ lịch giảng ở Bắc Đại mỗi tuần 2 giờ; và khi về hưu thì không tái xuất giang hồ trong bất cứ sự kiện nào.
Đó là những chuyện nói rộng. Trở lại với chủ đề nhân lực nhân tài Việt Nam, từ đường lối chủ trương chính sách chung ấy, đã đẻ ra những biến tướng quái dị về các biện pháp thực hiện, được gọi tên là cơ chế chính sách, trong đó có việc thu hút, đãi ngộ nhân tài.
Khoảng vài chục năm trở lại, bắt đầu là những thành phố lớn, có tiềm lực kinh tế cao, để thể hiện nhận thức của mình về tầm quan trọng của nhân lực nhân tài trong quá trình phát triển (như đã được đi học tập ở nhiều nước), đã đề xuất ở cấp nghị quyết của Đảng và HĐND cùng cấp giải pháp thu hút, đãi ngộ nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ, trong đó có việc kêu gọi những người có chuyên môn, học hàm học vị ở những nới khác đến, và con em của địa phương đi học ở xa (dĩ nhiên là ở nước ngoài, đối với các thành phố này) trở về. Tất cả đáp ứng đều được mệnh giá bằng tiền và các điều kiện vật chất như nhà ở, xe cộ, điều kiện làm việc. Sau đó, hầu như tất cả các địa phương cấp tỉnh khác, không lẽ lại để bị xem là nhận thức kém, nên cũng có cơ chế chính sách và cách làm tương tự.
Từ đó, nảy sinh 2 chiều hướng bất hợp lý đến ngô nghê:
1/ Xét về tính chất đồng thời (hiện tại), không lẽ các tỉnh thành phố lại đấu giá các nhà khoa học, chuyên gia bằng các miếng mồi đãi ngộ như kiểu đấu giá nô lệ thời cổ đại và ở Mỹ ở nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước bởi tỉnh nào cũng nói ngon lành cả; và, không lẽ các nhà khoa học, chuyên gia có sĩ khí lại chọn về các tỉnh vì những miếng mồi ấy, trong khi nếu về, ngoài các mác danh nghĩa, chẳng có gì phù hợp về chuyên môn. Chẳng hạn, một ông tiến sĩ khoa học về biển, khi về Kon Tum thì sẽ bố trí nhiệm vụ nào, hay lại bầu/bổ nhiệm vào một vị trí quản lý, lãnh đạo mà cả đời ông không biết gì?
2/ Xét về lịch sử, những người đã làm việc tại địa phương đó, đặc biệt là những người có học hàm học vị trước khi về hoặc đi đào tạo trước khi có những chính sách ấy trong suốt thời gian qua thì chẳng được hưởng cái gì tương tự như đối tượng chiêu hiền đãi sĩ. Một công chức có học vị, chuyên môn cao, làm việc trong tỉnh 20 năm, không đủ tiết kiệm tích luỹ khoảng 300 triệu và có nhà ở đàng hoàng; trong khi một người tương tự làm việc ở nơi khác, có thể đã có nhà cửa, khi về tỉnh theo tiếng gọi chiêu hiền, bỗng dưng có 300 triệu, lại ưu tiên về nhà đất và những điều kiện làm việc khác với một nghĩa vụ cam kết chỉ làm việc tối thiểu 5 năm. Đó là một trong những lý do, cùng với những lý do rất Quảng Ngãi, rất y tế, 35 bác sĩ đã bỏ việc ở tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010 đến nay để chuyển đến một địa phương khác làm lại từ đầu cuộc đởi nghề nghiệp. Hay lại phải có sáng kiến về một chính sách kiềm giữ nhân tài, bao gồm tất cả mọi công viên chức chuyên môn? Nếu không, chiêu hiền đãi sĩ chỉ còn lại là chiêu đãi, dành cho những người tạo ra và thi hành chính sách ấy thôi.
Trà Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét