Nguoiviet / Boxitvn
Phạm Chí Dũng
Gian bếp Liên Trì
Gian
bếp ám khói, có đến bốn cửa thông thống với không gian bên ngoài. Ngay
phía sau gian bếp cô quạnh ấy là cả vùng đất Thủ Thiêm trơ trọi không
một bóng nhà. Trừ chùa Liên Trì của Hòa Thượng Thích Không Tánh trung
kiên “chống cưỡng chế,” còn tất cả cư dân ở khu vực này đã bị chính
quyền TP. HCM buộc phải di dời để lấy đất sạch phục vụ cho “khu đô thị
có tầm cỡ lớn của Ðông Nam Á.”
Rất ít người biết
được khung cảnh ra đời của bản tuyên bố ủng hộ Công Ðoàn Ðộc Lập. Hoàn
toàn không phải trong phòng hội nghị máy lạnh tại những khách sạn đài
các ở Sài Gòn, cũng chẳng được trang điểm bởi những bộ complê đúng điệu
của các quan khách, gian bếp mái tôn nóng rẫy - chỗ duy nhất của chùa
Liên Trì có thể kê được nhiều bàn ghế - đã trở nên một địa danh lịch sử
của 16 tổ chức xã hội dân sự độc lập không cà vạt. Lần đầu tiên từ năm
1975, các hội nhóm dân sự mới họp mặt đông đủ và đồng nguyên đến thế,
tạo nên bầu không khí mà ai đó phải ví là “Hội Nghị Diên Hồng thu nhỏ.”
Câu
chuyện góp mặt chưa có tiền lệ trên diễn ra vào ngày 5 tháng 6, 2014,
tức 3 tuần trước thời điểm nữ tù nhân lương tâm - nhà hoạt động công
đoàn Ðỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do vô điều kiện từ chốn lao tù 4 năm 4
tháng.
Quay về dĩ vãng năm 2010, Minh Hạnh
cùng hai người bạn là Ðoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã ghi
dấu ấn chưa từng có trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt
Nam từ thời điểm năm 1975: xúc tác cho một cuộc đình công lên đến hàng
chục ngàn người tại công ty giày Mỹ Phong. Toàn bộ chính quyền sở tại đã
bị bất ngờ và do đó mang một nỗi thâm thù xấu bụng tệ hại đối với ba
bạn trẻ này.
Hậu quả cay nghiệt sau đó thì ai
cũng biết: những nhà hoạt động công đoàn độc lập đầu tiên ở Việt Nam bị
xử tù giam từ 7 đến 9 năm.
Trong “Hội nghị Diên
Hồng thu nhỏ” ở chùa Liên Trì vào đầu tháng 6, 2014, một nét rất mới và
lạ là các hội đoàn dân sự đã tổ chức bàn luận chuyên đề về làm thế nào
để xây dựng tổ chức công đoàn độc lập ở Việt Nam. Lẽ đương nhiên, những
cái tên như Chương, Hùng, Hạnh được mọi người nhắc đến với tình cảm khâm
phục không che giấu.
Một tuần sau cuộc họp ở
chùa Liên Trì, bắt đầu có tin tức không chính thức về chuyện Minh Hạnh
có thể được ra tù sớm. Tuy nhiên vào lúc đó, chẳng mấy người tin vào khả
năng này, đơn giản là bởi quá nhiều người đã mất mát quá nhiều niềm tin
vào một sự thành tâm dù chỉ tối thiểu của chế độ cầm quyền.
Chỉ
đến những ngày cuối tháng 6, 2014, không khí mới òa vỡ. Chỉ kém sôi
động đôi chút so với trường hợp Phương Uyên được trả tự do bất ngờ tại
tòa Long An vào tháng 8, 2013, giới dân chủ và bất đồng chính kiến trúc
mừng Minh Hạnh và chúc tụng nhau bằng những lời lẽ nhiệt thành nhất.
Người ta bất ngờ cảm nhận bóng dáng của mô hình công đoàn độc lập đang
hiện ra ở một góc khuất nào đó của cung đường đấu tranh dân chủ. Cánh
chim báo bão Ðỗ Thị Minh Hạnh đã bay được một phần của chặng đường xa
xôi.
Nhưng còn những năm tháng sắp đến, mọi chuyện sẽ diễn tiến như thế nào?
Công đoàn độc lập
Câu
chuyện Nhà Nước Việt Nam bắt buộc phải thả Minh Hạnh mà chẳng thể đính
kèm được một điều kiện nào, cũng như việc Minh Hạnh đã tự do toàn vẹn mà
không bị cơ chế quản chế giằng kéo, đã bật ra một hàm ý có tính chứng
nghiệm rất sắc sảo: thì ra cuộc đấu tranh kéo dài đằng đẵng nhiều năm
qua của những nhà tranh đấu chuyên về quốc tế vận như tổ chức Lao Ðộng
Việt đã không phải vô nghĩa... Thì ra cuối cùng giới dân chủ trong và
ngoài Việt Nam cũng đã cách nào đó làm lay động được giới chính khách
Hoa Kỳ. Bằng chứng gần gũi và sống động nhất là có đến hai phần ba nghị
sĩ Ðảng Dân Chủ ở Mỹ yêu cầu chính phủ Việt Nam phải thỏa mãn nhu cầu về
thành lập công đoàn độc lập và trả tự do vô điều kiện cho Ðỗ Thị Minh
Hạnh nếu muốn được chấp nhận tham gia vào Hiệp Ðịnh TPP.
Lần
thứ hai, sau lần thứ nhất vào tháng 8, 2013, nhiều người trong giới đấu
tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam cảm thức về một bước ngoặt nào
đó, dù chưa định hình, nhưng đang lộ dần triển vọng của xã hội dân sự ở
đất nước này.
Cũng vào những ngày này, một cuộc
thảo luận đang diễn ra giữa các tổ chức hội đoàn. Mọi người bàn thảo về
khả năng cần thành lập ngay một tổ chức công đoàn độc lập để giúp cho
yêu sách tăng lương và hỗ trợ các cuộc đình công của công nhân.
Không
khó nhớ lại rằng vào tết năm 2014, lần đầu tiên từ thời “giải phóng,”
có đến 15 tỉnh phải đồng loạt xin cứu đói. Tình hình này lại đặc biệt
nghiêm trọng ở những nơi được mệnh danh là “quê hương cách mạng” như Hà
Tĩnh, Quảng Bình và Thanh Hóa. Trong khi đó, có đến hàng chục ngàn doanh
nghiệp ở miền Tây Nam Bộ không có tiền trả lương cho công nhân. Không
chỉ bị nợ lương, ở nhiều nơi công nhân còn bị ép phải làm việc hàng chục
tiếng đồng hồ mỗi ngày với mức lương rẻ mạt. Vậy là diễn ra một khung
cảnh thảm thiết chưa từng có: hàng trăm ngàn công nhân phải nằm lì ăn
Tết trong nhà trọ vì không có đủ tiền mua vé tàu xe về quê. Ðây đó đã
hiện ra cảnh công nhân ngất xỉu vì đói.
Nền
kinh tế Việt Nam, bị lũng đoạn kinh khủng bởi các nhóm lợi ích và giới
chính khách, đang tiến như vũ bão đến thời điểm Minsky - một thuật ngữ
chỉ báo thực trạng các doanh nghiệp con nợ không còn khả năng thanh toán
cho ngân hàng những món vay. Khi đó, ai dám bảo đảm là sẽ không nổ ra
một cuộc khủng hoảng và làm cho vài triệu công nhân phải ra đường?
Ðã
đến lúc không còn có thể trông chờ vào một tình cảm hồi tâm của các cơ
quan quản lý lao động Việt Nam. Một khi Bộ Lao Ðộng, Thương Binh và Xã
Hội vẫn không hề muốn thay đổi tỷ lệ báo cáo chỉ có 2% người thất nghiệp
trên toàn quốc, sẽ vô cùng khó để làm cơ quan này ngộ ra rằng tỷ lệ
thất nghiệp thực tế đang gấp đến hàng chục lần như thế. Thậm chí nếu nền
kinh tế Việt Nam sa chân vào khủng hoảng, hầu như chắc chắn tỷ lệ thất
nghiệp ở đất nước này còn có thể vượt quá con số 26% và 27% hiện thời ở
Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Ðiều được coi là “triển
vọng” như trên đang khiến cho trách nhiệm của nền xã hội dân sự sơ khai ở
Việt Nam thêm nặng gánh. Thế nhưng ra tuyên bố thì dễ, nhưng phải bắt
đầu từ đâu và như thế nào để tuyên bố không chỉ là lời nói?
Một
thực tế phũ phàng của xã hội dân sự là do bị đàn áp ngay từ trong trứng
nước từ những năm trước, cho tới nay hệ thống chân rết để xây dựng một
tổ chức công đoàn độc lập đã hầu như tan rã. Thiếu chuyên môn đã đành,
lại càng thiếu lực lượng và đặc biệt là thiếu những nhân tố dám dấn
thân. Chưa kể thiếu cả những phương tiện làm việc và kinh phí sinh hoạt
tối thiểu...
Giấc mơ của cánh chim báo bão
“Trở
về ngoài đời mới thấy mọi chuyện như một giấc mơ. Thật đúng như một
giấc mơ! Em cứ tự hỏi làm sao mà các anh lại hy sinh và làm được nhiều
như thế trong những năm qua?” - Minh Hạnh thốt lên với tôi, giọng rổn
rảng đầy âm sắc. Còn tôi lại thật sự xấu hổ: “Làm sao có được giấc mơ
này, nếu không có những người đi đầu hy sinh như Hạnh?”
Cánh
chim báo bão Ðỗ Thị Minh Hạnh đã hoàn tất phần đầu của giấc mơ ấy.
Nhưng không có nghĩa là giấc mơ đã trọn vẹn. Những gì mà những người con
của xã hội dân sự Việt Nam sẽ cần làm là đừng khiến sự hy sinh của
Chương, Hùng, Hạnh bị vô nghĩa.
Trong hoàn cảnh
vẫn hầu như nguyên vẹn khó khăn thuộc về nội lực như hiện thời, khả
năng có thể khả thi nhất mà các hội đoàn dân sự có thể đáp ứng ngay
trước mắt là xây dựng một tổ chức như “Ủy Ban Hỗ Trợ Công Ðoàn Ðộc Lập.”
Tổ chức này sẽ chỉ mang chức năng tư vấn và sẽ giúp cho công nhân một
số kiến thức về pháp lý nhằm xây dựng yêu sách và phương pháp đấu tranh
để tổ chức đình công. Nhưng tổ chức này cũng là tiền đề để hình thành
loại hình công đoàn độc lập của công nhân sau này.
Xã
hội dân sự đang mở ra, dân chủ lao động cũng bắt buộc phải khoáng đạt
hơn, người công nhân sẽ cần đến sự chia sẽ không chỉ bằng lời nói của
các tổ chức dân sự độc lập. Ngay trước mắt, một tổ chức phi chính phủ tư
vấn cho công nhân sẽ là điểm nhấn của giấc mơ tiếp theo về công đoàn
độc lập. Sau đó, giấc mơ sẽ đi tiếp chặng đường còn lại của nó, để những
cánh chim báo bão như Minh Hạnh sẽ trở lại tư thế sải cánh tự do.
P. C. D.
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét