Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Việt Nam không cần đồng minh?

Boxitvn

Tống Văn Công
Cuộc họp báo sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội do ông Nguyễn Hạnh Phúc Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì. Có phóng viên đặt câu hỏi:
- “Trong cuộc điện đàm mới đây với ngoại trưởng Mỹ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có nói, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Mỹ triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Mỹ theo tinh thần quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Quan điểm của ông thế nào?”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời:

- “Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là quan hệ với tất cả các nước trên thế giới. Vừa qua, với Mỹ hay Trung Quốc cũng thế. Sau 1975 thì quan hệ của chúng ta đã dần dần cải thiện và ngày càng tốt đẹp. Nhưng Việt Nam cũng là một nước độc lập, không liên minh, liên kết, đồng minh với nước nào, không dùng nước thứ ba, để chống lại nước khác. Quan điểm này đã được công khai nhiều lần”.

Đúng là quan điểm này đã được công khai nhiều lần, nhưng đó là ở thời đoạn mà Trung Quốc chưa đưa giàn khoan Hải Dương 981 cắm sâu vào trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, đưa hàng trăm tàu, có cả tàu chiến, máy bay có cả máy bay quân sự ngày đêm uy hiếp tàu cảnh sát biển và tàu cá ngư dân ta. Đó là thời đoạn chưa có chuyện Dương Khiết Trì sang Việt Nam mà theo Hoàn Cầu thời báo là nhằm răn dạy Việt Nam, “đứa con hoang đàng biết trở về”! Mới đây, Trung Quốc vừa công bố bản đồ mới “10 đoạn” bao gồm Hoàng Sa, toàn bộ Trường Sa và 80% Biển Đông. Vậy là họ chỉ còn chực chờ thời cơ để dùng vũ lực chiếm trọn những vùng biển đảo của Việt Nam. Đó là thủ đoạn ngàn đời của bọn bành trướng phương Bắc, từ Tàu Hoàng đế cho đến Tàu Tưởng, Tàu Mao. Hãy nhớ: Năm 1946 lợi dụng lúc chúng ta phải đối phó với Pháp, Tàu Tưởng chiếm đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đảo Ba Bình thuộc Trường Sa. Năm 1950 Tưởng thua chạy rút bỏ cả hai nơi. Năm 1956, lợi dụng quân Pháp rút đi, Tàu Tưởng chiếm lại Ba Bình, Tàu Mao chiếm lại Phú Lâm. Tháng 1-1974, lợi dụng Việt Nam Cộng hòa suy yếu, Tàu Mao chiếm toàn bộ phần còn lại của Hoàng Sa. Năm 1988 lợi dụng chúng ta giúp bạn Campuchia, chúng tấn công Trường Sa giết 64 hải quân ta, chiếm 7 đảo và bãi đá thuộc Trường Sa.
Sau thỏa hiệp Thành Đô 1990, chúng ta cứ tưởng đã cầm chắc “16 chữ vàng” và “4 tốt” sẽ đảm bảo “Sau kiếp nạn anh em còn đó. Trông nhau cười thù oán sạch không” (Thơ Giang Vĩnh đời Thanh. Giang Trạch Dân đọc tặng Nguyễn Văn Linh tại Thành Đô). Quá vui mừng, Nguyễn Văn Linh đáp lại cả bốn câu thơ tiếng Tàu, câu thứ tư là: “Thiên tải tình nghị hựu trùng kiến”. (Tình nghĩa ngàn năm xây dựng lại). Nào hay đã bị chúng cho một quả lừa! Năm 2007, Trung Quốc bắt đầu bắn giết, bắt ngư dân ta đòi tiền chuộc. Ngày 26-5-2011, một bước ngoặt mới, chúng cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam đang thăm dò trong vùng biển đặc quyền kinh tế của mình. Tân Hoa Xã còn lớn tiếng: “Việt Nam láo xược xâm phạm vùng biển của Trung Quốc”. Thời báo Hoàn Cầu dọa sẽ “lấy máu Việt Nam tế cờ cho cuộc Nam tiến”.
Phản ứng hành động láo xược của Bắc Kinh, ngày 10 tháng 7-2011, hàng ngàn người Việt Nam, gồm các lão thành cách mạng, trí thức, đảng viên và nhân dân trong, ngoài nước ký “Bản kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay.” Đề mục thứ nhất của Bản kiến nghị là “I- Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ đang bị đe dọa nghiêm trọng”. Câu kết của Đề mục là: “Việt Nam càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới!”.
Bản kiến nghị, đã mô tả rất rõ bộ mặt của kẻ thù. Tiếc thay, đám mây mù ý thức hệ vẫn che mắt nhiều người. Từ đó đến nay có thể kể không biết bao nhiêu lời hay ý đẹp của nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam ca tụng mối quan hệ Việt – Trung. Đáng lo nhất là từ năm 2009, mỗi năm Bộ Quốc phòng đều cử một đoàn sĩ quan cao cấp sang học tập ở Học viện chính trị Tây An của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Bởi đặt hết lòng tin vào “16 chữ vàng” và “4 tốt”, cho nên ngày 1-5-2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ đặt xuống vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn bất ngờ! Phải mất đến 5 ngày sau, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh mới có cuộc điện đàm với Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Mất 6 ngày sau, chiều ngày 7-5, mới có cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao. Từ đó đến nay, báo chí và các phương tiện truyền thông đã có những lời vạch rõ mưu đồ xâm lược của Trung Quốc, mà chỉ mấy tháng trước đây thôi, nếu nói như vậy đã bị coi là có tội. Tuy vậy, lòng dân vẫn chưa yên, bởi còn quá nhiều âu lo chưa được giải tỏa:
Phát ngôn của những người có trọng trách rất so le nhau. Trong khi Thủ tướng nói rõ ràng, mạnh mẽ về chủ quyền bị xâm phạm thì Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng “trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng huống chi là các nước láng giềng […] Việt Nam và nước bạn Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển đảo, nên đôi khi cũng có va chạm […]”. Người dân không khỏi đoán già đoán non: Liệu lãnh đạo nước ta có thống nhất với nhau, thực tâm kiện Trung Quốc, hay chỉ chống đỡ trước sự phẫn uất của nhân dân và bảo vệ tính chính danh của Đảng? Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học, Kỹ thuật và Kinh tế biển TP HCM, đặt câu hỏi với Chủ tịch nước: “Nhân dân, đặc biệt là trí thức, đặt vấn đề Đảng, Nhà nước ta nhìn nhận quan hệ thực chất với Trung Quốc như thế nào? Có còn là đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt nữa không? Hay đây là chiêu bài được nêu lên nhưng thực tế họ, Trung Quốc không có cái gì tốt đối với chúng ta cả?”. Chủ tịch nước có nhiều ý kiến tích cực khẳng định chủ quyền đất nước, nhưng cử tri chờ đợi và bị hẫng hụt bởi ông không trả lời câu hỏi rất quan trọng đó. Chủ tịch nước nhận định rất đúng rằng “tình hình sẽ còn gay gắt, phức tạp hơn chỉ trừ khi nào họ nói họ từ bỏ đường chín đoạn hoặc chúng ta từ bỏ chủ quyền – mà điều này chắc chắn không người dân Việt Nam nào chấp nhận”. Nhưng sau đó ông lại cho rằng: “Phải kiên trì đấu tranh, năm nay không xong thì năm tới, 10 năm này không xong thì 10 năm sau, đời ta không xong thì đến đời con cháu”. Thưa Chủ tịch, nói như vậy chỉ chứng tỏ được sự kiên trì, chứ không thực tế, do đó không đem lại hi vọng và niềm tin. Ông bà chúng ta có câu “Để lâu cứt trâu hóa bùn”. Và luật pháp quốc tế cũng thế, chúng ta chỉ còn 10 năm nữa là hết thời hiệu để kiện Trung Quốc đòi chủ quyền Hoàng Sa. Mọi người Việt Nam đang sống phải nhận lấy trách nhiệm của thế hệ mình đúng như lời dạy của Đức Trần NhânTôn: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, quyết không để lọt vào tay kẻ khác”! Chúng ta không được phép trao gánh nặng lại cho con cháu đời sau để chúng phải bó tay, không thể giải quyết! Mới đây giáo sư Thayer cảnh báo: “Việt Nam phải lên tiếng ngay bây giờ, nếu không sẽ mất cơ hội mãi mãi”.
Chúng ta quá chừng mực, thậm chí e dè khi lên án hành động gây hấn, xâm lược của Trung Quốc, trong khi đó lại muốn các nước ASEAN, Mỹ và phương Tây phải lớn tiếng lên án Trung Quốc bênh vực Việt Nam. Ngày 5-6, tạp chí Cộng sản đăng lại bài “Cần có sự can thiệp của Mỹ trong tranh chấp ở Biển Đông” (năm ngày sau rút xuống). Ngày 24-6 nguyên đại sứ Việt Nam tại EU Tôn Nữ Thị Ninh nói với hãng tin Đức DW: “EU phải hiện diện, cất tiếng nói rõ ràng hơn, to hơn và ít nhất cũng gọi đúng tên các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông”. Bị cướp vào nhà, lại bảo chúng như người trong gia đình cũng có lúc bất hòa, nhưng lại đòi hàng xóm phải gọi chúng đúng là kẻ cướp và đuổi chúng giùm! Không muốn làm đồng minh với bất cứ nước nào, nhưng lại muốn các nước phải bảo vệ mình như một đồng minh! Làm được điều đó còn khó hơn là hái sao trên trời!
Vì sao Trung Quốc chọn thời điểm 1-5-2014 đặt giàn khoan vào sâu trong vùng đặt quyền kinh tế của Việt Nam? Trước đó không lâu, Trung Quốc gây căng thẳng với Philippines, rồi với Nhật ở biển Hoa Đông, làm như chiến tranh sắp nổ ra ở đó. Dương Đông kích Tây và đánh vào chỗ bất ngờ, vốn là binh pháp Tôn Tử của Tàu. Từ lâu chúng đã xác định hướng bành trướng là phía Nam, mấu chốt là Việt Nam. Lúc này Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng, nguy hiểm nhất là khủng hoảng niềm tin, và về đối ngoại cũng là lúc cô đơn nhất. Mỹ đang bận rộn chuyện Ucraina. Mặc dù từ năm 2013, đã có lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhưng đến chuyến công du tháng 4-2014 tới bốn nước châu Á, Tổng thống Obama vẫn không đến Việt Nam và Mỹ vẫn chưa đồng ý bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Còn nước Nga mà Việt Nam coi như đồng minh cũ và đặt nhiều hi vọng được che chở thì đang khẩn trương chuẩn bị tập trận với Trung Quốc! Vậy thì Trung Quốc, đồng minh lớn nhất và duy nhất của Việt Nam, bất ngờ chĩa mũi giáo vào Việt Nam, đâu còn phải sợ ai!
Hai tháng qua, chúng ta trấn an mình bằng dư luận quốc tế, mà phần lớn người ta chỉ là yêu cầu hai bên giải quyết bằng biện pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế. Xưa nay bọn xâm lược không hề sợ dư luận, chúng chỉ sợ thua trận và thiệt hại kinh tế. Do đó, từ thượng cổ tới hiện đại, phương Đông cũng như phương Tây, trong tất cả các cuộc chiến tranh giành giật đất đai, người ta đều tìm kiếm đồng minh. Trung Quốc đã có những bậc thầy về tổ chức đồng minh với các chiêu “hợp tung”, “liên hoành”. Tôn Tử, tác giả bộ binh pháp lừng danh, là người giúp vua Ngô liên minh với hai nước nhỏ là Đường và Thái, nhờ đó chỉ với ba vạn quân, đã có thể đánh bại 25 vạn quân nước Sở. Ngày nay, dù xu thế của thế giới là hòa bình, hợp tác, nhưng ở các vùng nóng đều có thể thấy sự tìm kiếm đồng minh. Nước ta, ngay khi đang “một cổ hai tròng”, Việt Minh đã “gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít” nhờ đó mà có toán “Con nai” của Mỹ nhảy dù xuống Việt Bắc huấn luyện cho quân giải phóng của Võ Nguyên Giáp. Rồi cả hai cuộc kháng chiến, Việt Nam đều dựa vào đồng minh để giành được chiến thắng. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều bài học bổ ích trong việc chọn đồng minh của các nước láng giềng Nhật, Hàn, Philippines. Cuối thế kỷ trước, cả ba nước này đã từng muốn nới lỏng, hoặc thoát dần khỏi quan hệ đồng minh với Mỹ: Nhật đặt thời hạn cho Mỹ rút quân khỏi Okinawa. Hàn yêu cầu Mỹ có kế hoạch giảm số quân đang có mặt ở nước này. Phi đòi lại cảng Subic và các căn cứ quân sự. Nhưng khi Trung Quốc trỗi dậy, đe dọa với láng giềng thì lập tức cả ba nước nói trên đều nhanh chóng thay đổi quyết sách chiến lược, ráo riết mời Mỹ gấp rút trở lại. Do đó, Mỹ tuyên bố quần đảo Senkaku được che chở bằng thỏa thuận quân sự giữa Washington với Tokyo. Mới đây, Tổng thống Obama nói bất cứ nơi nào trên thế giới khi các đồng minh của chúng ta bị đe dọa thì quân đội Mỹ buộc phải can thiệp. Tháng 4-2014 Mỹ viện trợ cho Philippines 50 triệu USD, riêng hải quân được cho thêm 40 triệu USD và 3 tàu tuần tra lớn lớp Hamilton… Ba nước nói trên đâu có vì chọn đồng minh chiến lược mà họ bị mất độc lập dân tộc? Phải chăng đã đến lúc chúng ta không nên khư khư “Việt Nam không liên minh với một nước để chống nước thứ ba”? Tình thế đang đòi hỏi: “Việt Nam cần phải tìm mọi cách để liên minh được với các nước để chống lại kẻ nhất quyết sẽ xâm lược đất nước mình”.
Tuy nhiên chớ tưởng chỉ cần chúng ta muốn liên minh với nước nào đó thì ắt được người ta đón nhận. Từ ngàn xưa, các nhà chiến lược đều có tiêu chuẩn để chọn đồng minh. Tôn Tử cho rằng “chưa biết ý đồ chiến lược của một nước thì không thể tính đến chuyện kết giao. ” Ông cho rằng một quốc gia hùng mạnh không phải vì có một đội quân lớn mà là trước hết, phải là quốc gia biết lấy chữ “đạo” làm đầu, tức là có “Một nền chính trị hợp lòng dân, nhờ đó mà vua tôi đồng tâm, nhất trí”. Trần Hưng Đạo của ta nói “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rể, bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước vậy”. Một người biết lắng nghe và coi trọng ý kiến của những nông dân đan giỏ, mò tôm, thuần hóa voi như với Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng thì chữ “sức dân” của ông phải được hiểu là gồm cả tâm, trí và lực. Ngày nay, Mỹ và các nước phương Tây đặt tiêu chuẩn cao nhất để chọn đồng minh là dân chủ và nhân quyền. Lắm khi vì lợi ích trên bàn cờ chính trị, các nhà cầm quyền đã châm chước khi xét tiêu chuẩn đối với các quốc gia mà họ cần lôi kéo, nhằm cô lập đối thủ nặng ký và hung bạo. Tuy nhiên điều ấy có thể bị nghị viện và nhân dân nước họ phát hiện, phản đối. Quan hệ hợp tác Việt – Mỹ đã phát triển nhiều mặt, nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn chưa đồng ý bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, chưa công nhận Việt Nam thực sự có nền kinh tế thị trường. Vậy mà, Foreign Policy (Chính sách Ngoại giao), một tạp chí có tiếng của Mỹ, số ra ngày 1-2-2011 có bài: “Các đồng minh đáng xấu hổ của Hoa Kỳ”, chỉ trích chính phủ Mỹ quá dễ dãi đối với nhiều hành động vi phạm nhân quyền của Việt Nam! Tại sao vậy?
Bởi vì thật trớ trêu là chính sách đối nội và đối ngoại của nước ta giống hệt Trung Quốc, bệnh trạng tham nhũng của hai bên cũng hết sức giống nhau. Hai nước có chung một lập luận về “các thế lực thù địch từ Mỹ và phương Tây lợi dụng dân chủ và nhân quyền âm mưu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa”. Thật ra, không hề có cái gọi là dân chủ và nhân quyền của phương Đông, hoặc của riêng Trung Quốc và Việt Nam! Nước ta là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Nhà nước ta đã cam kết thực hiện Tuyên ngôn Nhân quyền và các Công ước của Liên Hiệp Quốc. Vấn đề là Việt Nam và Trung Quốc có cách hiểu các điều khoản của Tuyên ngôn và các Công ước của Liên Hiệp Quốc không giống cách hiểu của hơn 100 quốc gia khác trên thế giới. Rất dễ dàng để dẫn ra vô vàn ví dụ về các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, biểu tình, bầu cử và ứng cử… Nhưng chỉ xin nêu một ví dụ về quyền tự do ngôn luận mà theo Voltaire “[…] là nền tảng của tất cả các quyền tự do khác. Không có tự do ngôn luận sẽ không có các quốc gia tự do”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Nhà nước Việt Nam đã ký kết gia nhập ngày 24-9-1982. Nhà xuất bản TP HCM xuất bản năm 1997) ở Điều 19 với nội dung như sau:
1- Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.
2- Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ.
3- Việc thực hiện những quyền quy định tại Khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để:
a/ Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác;
b/ Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”.
Hơn 100 quốc gia đều hiểu nội dung của Điều 19 là: Mọi công dân đều có quyền phát biểu quan điểm của mình đối với mọi học thuyết, mọi vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục mà không bị quy chụp, đàn áp, buộc tội. Tức là mọi người có quyền không đồng ý đối với một hệ tư tưởng, nghị quyêt của đảng cầm quyền, chính sách của chính phủ, khi nhận thấy nó có hại cho nhân dân, đất nước. Trong ngày nhận chức nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Obama nói: “Một chính quyền không phải đối mặt với một giới truyền thông cương trực và mạnh mẽ, đó không phải lựa chọn của nước Mỹ!”. Mọi công dân đều có quyền tìm kiếm, nhận tin tức bao gồm những luận điểm mới, học thuyết mới và phổ biến cho mọi người bằng mọi hình thức. Mọi công dân đều có quyền xuất bản báo chí và báo chí chỉ trung thành với công chúng, với dân tộc, tôn trọng sự thật, không bị kiểm duyệt, không bị buộc phải viết theo định hướng, nghị quyết, không bị bưng bít thông tin vì lợi ích nhóm, vì lợi ích của đảng phái, kể cả Đảng cầm quyền. (Chỉ trừ hai điểm a và b nói trên).
Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc có cách hiểu Điều 19 giống nhau: Mọi công dân phát biểu ý kiến không được trái với quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng lãnh đạo. Báo chí là công cụ của Đảng phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng lên trên hết, phải lấy nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ và tổ chức phong trào cách mạng của quần chúng thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng làm thước đo hiệu quả của báo chí. Phó Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ nói trong cuộc hội thảo quốc gia về Đạo đức nghề báo: “Cần tăng cường giáo dục đạo đức cho sinh viên báo chí, cho phóng viên trẻ; nâng chất lượng đầu vào đối với sinh viên báo chí, thậm chí “phải xét cả yếu tố nhân thân tương tự như với sinh viên vào các trướng công an, quân đội””. (báo Tuổi Trẻ ngày 12-10-2012). Trong dịp kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 vừa qua, suốt một tuần, đài truyền hình HTV9 của TP HCM mở đầu bằng bài hát với điệp khúc: “Nhà báo, nhà báo Việt Nam, một lòng trung thành với Đảng!”. Tư nhân không được phép ra báo, vì e rằng sẽ làm rối dư luận xã hội. Ban Tuyên giáo của Đảng có trách nhiệm chỉ đạo báo chí thực hiện định hướng tuyên truyền từng thời kỳ, việc nào cần phải nói mạnh, nói kỹ, việc nào không nên nói, không được phép nói. Không chấp nhận có báo tư nhân.
Tình hình phát triển đất nước hiện nay, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Động lực mà những cải cách trước đây đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển” và “Nguồn động lực mới phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”. Đúng vậy, vấn đề là phải dám quyết tâm thực hiện, bởi không còn thì giờ để chần chừ nữa! Nhà nghiên cứu người Pháp Valérie Niquet cho rằng Trung Quốc đang bị suy yếu từ bên trong, cho nên cố thực hiện bành trướng để kích thích chủ nghĩa dân tộc, hòng tìm lại tính chính đáng của Đảng Cộng sản đã bị hao mòn. Trong khi đó, tạp chí tình báo nổi tiếng của Anh (Jane’s Intelligence Weekly ngày 27-6-2014) lại có nhận định: “Tranh chấp Biển Đông sẽ thách thức sự ổn định của chính phủ Việt Nam”; bởi vì: “Tính chính đáng của Đảng Cộng sản Việt Nam là dựa vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc”. Ngày nay, Đảng đang bị đứng trước một câu hỏi: “Phải chăng Đảng Cộng sản Việt Nam không có đủ khả năng đối phó với sự xâm lược của Trung Quốc?” Trong dân gian Việt Nam đang lan truyền hai câu có hàm ý như thế: “Đi với Tàu thì mất nước, nhưng còn Đảng. Đi với Mỹ thì còn nước, nhưng e sẽ mất Đảng”. Phải giải quyết dứt khoát vướng mắc tư tưởng này thì mới có thể yên lòng đổi mới thể chế, tìm được đồng minh vì sự nghiệp chống bành trướng Bắc Kinh, bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân bao giờ cũng rất tinh tường và công bằng, nếu một đảng dám đặt sự tồn vong của Tổ quốc lên trên vận mệnh của mình thì nhất định sẽ được nhân dân bảo vệ, tin yêu. Nhân đây xin nhắc lại, một chuyện rất đáng nhớ: Năm 2010, với cương vị Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới Myanmar, chuyển thông điệp ASEAN cho các tướng lĩnh quân phiệt cầm quyền: “Mong muốn các nhà lãnh đạo Myanmar triển khai có hiệu quả lộ trình dân chủ, vì hòa bình, hòa hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó sớm ổn định để phát triển đất nước”. Các tướng lĩnh cầm quyền Myamar đã nhanh chóng nhận thức, đó là con đường duy nhất để đưa đất nước thoát khỏi sự o ép của Trung Quốc. Họ không ngần ngại từ bỏ chế độ độc tài quân phiệt, đưa những tù nhân chính trị suốt hàng chục năm đối lập như bà Aung San Suu Ky lên địa vị đối tác, cùng ngồi với nhau bình đẳng bàn việc nước; quyết định xóa bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí, rồi cho xuất bản báo chí tư nhân; đặc biệt là quyết định hủy bỏ dự án đập thủy điện của Trung Quốc 3,6 tỉ USD. Sau cải cách vĩ đại nói trên, Myanmar được Tổng thống Obama và nhiều nguyên thủ quốc gia tới thăm, ký kết viện trợ.
Chẳng lẽ, một Đảng vốn “không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” mà ngày nay trước vận nước hiểm nguy lại không thể chọn một hành động cao cả ngang tầm với các tướng lĩnh độc tài quân phiệt Myanmar?
Ngày 30-6-2014
T. V. C.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét