(TNO) Nếu bạn là người lạ đến Sài
Gòn, bạn sẽ ngỡ ngàng khi chiều tối, giờ tan sở ra đường nhìn thấy rất
nhiều phụ nữ mặc áo khoác dày, đeo găng tay, quàng cả khăn nữa. Thật lạ,
trời đâu còn nắng mà họ phải ‘bọc’ kín mít thế? Trời cũng đâu lạnh mà
họ lại mặc ấm áp như thế?…
Nhiều du khách bị giật máy ảnh khi đang chụp ảnh ngoài đường – Ảnh: D.Đ.M
Giữa trưa một ngày tháng 7 vừa qua, người lưu thông trên đường Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM), đoạn đối diện siêu thị Hà Nội giật mình với tiếng hét thất thanh của một phụ nữ ngoại quốc. Cô gái đáng thương vừa bị giật giỏ xách.
Sau vài giây đứng trân trối nhìn theo hướng tên cướp bỏ chạy, cô chỉ biết chụm lòng bàn tay ôm mặt. Vẻ bàng hoàng của cô làm người ta không khỏi cảm thương. Cô gái không nói được tiếng Anh, tiếng Việt lại càng không nên chẳng ai có thể hỏi thăm cô mất gì. Trường hợp xấu nhất, trong túi cô có visa, hộ chiếu thì quả là phiền phức.
Người ta bỗng thấy “ngại” cho hình ảnh Sài Gòn. Tai họa đi du lịch bị cướp đồ này sẽ in hằn thành ấn tượng rất xấu về Sài Gòn trong lòng cô gái. Nếu một ngày kia cô về nước, kể lại chuyện bị cướp giật mất hết giấy tờ ở Sài Gòn cho bạn bè, người thân… không biết Sài Gòn trong suy nghĩ của những người nghe đó sẽ như thế nào?
Người dân sinh sống, buôn bán hai bên đường Cống Quỳnh chẳng còn xa lạ với những vụ cướp giật. Một ngày trước khi xảy ra vụ cô gái ngoại quốc bị cướp, một phụ nữ dừng xe chờ đón con ngay trước tòa nhà Vimedimex cũng bị giật phăng chiếc smartphone trị giá hơn chục triệu còn mới coóng. Con gái tan học ra thấy mẹ đang khóc nức nở, chỉ biết ngơ ngác nhìn mẹ, trông thật tội.
Chẳng ai muốn thử nếm mùi bị giật đồ nhưng nếu muốn biết chuyện giật đồ ở Sài Gòn đáng sợ như thế nào, bạn hãy thử ngồi uống ly cà phê bệt ở công viên 30.4 đối diện Dinh Độc Lập và nhà thờ Đức Bà. Những người bán nước, những người chạy xe ôm ở đây sẽ kể sinh động cho bạn nghe.
Khu vực này luôn tập trung một lượng đông đảo khách du lịch lạ đất, lạ nước Sài Gòn, vốn là những ‘con mồi’ ngon nhất cho cướp giật. Nếu như chủ quan đeo giỏ xách bên người, vô tư nghe điện thoại, lăm le chiếc máy ảnh, say sưa chụp ảnh mà lơ là quan sát, bạn rất có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả đau thương. Cướp ở đây táo bạo tới mức chúng không chỉ cướp bên đường mà sẵn sàng phóng xe lên vỉa hè hành sự.
Và nếu bạn là người lạ đến Sài Gòn, bạn sẽ ngỡ ngàng khi chiều tối, giờ tan sở ra đường nhìn thấy rất nhiều phụ nữ mặc áo khoác dày, đeo găng tay, quàng cả khăn nữa. Thật lạ, trời đâu còn nắng mà họ phải “bọc” kín mít thế? Trời cũng đâu lạnh mà họ lại mặc ấm áp như thế?
Thực ra, đó chỉ là một trong những ‘tuyệt chiêu’ che bông tai, vòng tay, đồng hồ, nhẫn, giỏ xách… trên người họ. Nếu bạn thắc mắc, họ sẽ nhắc nhở bạn rằng ở Sài Gòn ra đường là phải hết sức cẩn thận, đã nghe thấy chuyện “chặt tay lấy nhẫn, chặt tay lấy iPhone chưa?”. Nghe mà hoảng!
Thế nhưng vẫn có không ít trường hợp chẳng chủ quan mà vẫn dính “kiếp nạn”. Đầu tháng 7 vừa qua, một đôi nam nữ chở nhau trên đường Cộng Hòa. Cô gái ôm bạn trai và để chiếc túi vào giữa hai người. Vậy mà tên cướp “trình cao” vẫn len tay được vào để giật phăng chiếc túi của cô gái. Hành động nhanh và mạnh đến mức nạn nhân chỉ kịp hét thất thanh, cảm giác như thần chết lướt qua, mà chẳng kịp nhìn ra “thần chết” mặc áo màu gì, đi xe gì… Khi định thần lại được thì chỉ thấy trên tay mình còn chiếc quai túi.
Của đi thay người!
Ở Sài Gòn, câu đầu tiên người ta hay hỏi người vừa bị giật đồ là: “Có làm sao không?”. Bởi với những cô gái chân yếu, tay mềm, khi đang lái xe mà bị giật túi rất có thể không giữ vững được tay lái mà ngã xe. Thế nên câu an ủi phổ biến nhất sẽ là: “Thôi của đi thay người, không làm sao là tốt rồi!”.
Ừ thì tiền mất thì thôi, chứ mất giấy tờ thì phiền phức lắm. Hãy tưởng tượng một khi bạn bị mất chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe, giấy phép đăng ký lái xe, các loại thẻ tín dụng… bạn bỗng nhiên trở thành người “vô sản” ở Sài Gòn. Và để khắc phục hậu quả, có thể bạn sẽ phải trở về quê hương xa xôi của mình để làm lại một loạt giấy tờ. Nghĩ thôi cũng đã đủ oải rồi.
Bởi vậy, nhiều người ngay khi bị cướp giật, vẫn giữ được tỉnh táo, nhanh chóng hét to để tên cướp nghe thấy: “Xin trả lại giấy tờ!”. Rồi họ nuôi hy vọng tên cướp sau khi lấy được tiền mặt trong túi sẽ “nhân đạo” quẳng lại giấy tờ bên đường. Hoặc tên cướp đó cũng có thể tham lam theo kiểu… nhân đạo là liên lạc với họ đòi tiền chuộc rồi trả giấy tờ.
Chỉ một lần bị giật đồ, bạn sẽ dễ bị ám ảnh. Mỗi khi ra đường cứ nơm nớp, ngó trước, ngó sau xem có mối hiểm họa nào không. Thậm chí nhiều người còn áp dụng chiêu “mình không đi làm”. Không túi xách, không đồ trang sức, thậm chí không giấy tờ xe. Họ chấp nhận nộp phạt nếu bị cảnh sát giao thông tuýt còi để tránh họa bị mất sạch giấy tờ. Chỉ cần mang theo điện thoại và khoản tiền đủ xài trong ngày. Thôi thì hãy tự bảo vệ mình, chớ để mình thành con mồi ngon cho cướp giật chứ biết phải làm sao…
Trần Nhật Minh (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sống tại TP.HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét