Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Vẫn là giọng lưỡi bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo quen thuộc

 Gần một tháng đã qua, Hội Nhà báo Việt nam (NBVN) dường như mới chợt phát hiện ra sự xuất hiện một đồng nghiệp tuy không đồng chí: Hội Nhà báo độc lập (NBĐL). Tờ Nhà báo & Công luận của Hội NBVN và tờ Peetro Times bắt đầu cất tiếng:
Giới báo chí Việt Nam chỉ có một tổ chức duy nhất là Hội Nhà báo Việt Nam, tác giả Hồng Sâm;
Ðộc lập hay đối lập đây? tác giả Minh Toàn.
Vâng, cái Hội này mới ra đời chưa đầy một tháng, tuổi đời quá non trẻ với vỏn vẹn vài chục hội viên và đương nhiên “bề dày thành tích” đối với báo chí cách mạng bằng 0 và mãi mãi bằng con số 0 tròn trĩnh. Vì sao? Vì Hội NBĐL không xác định cho mình phải bảo vệ cho đảng phái nào. So với đội ngũ làm báo xã hội chủ nghĩa với hơn 2 vạn hội viên mà họ khoe thì số hội viên của Hội NBĐL cũng chỉ bằng con châu chấu so với một con voi (tuy đã vào mức tuổi 69 – nghe đâu, voi có tuổi thọ phổ biến là 70)

Nhỏ bé như vậy, ấy thế mà Hội NBĐL đã được hai tờ báo quan tâm dành cho những lời lẽ gay gắt, làm như ảnh hưởng đến niêu cơm của họ đến nơi, dẫu rằng nó không hề và không nghĩ tới một xu ngân sách.
Vấn đề là ở chỗ khác. Họ là công cụ tuyên truyền của Đảng, có nhiệm vụ phải bảo vệ Đảng. Nào ai đã nói phải lật đổ Đảng của các người mà đã phải nhảy thách lên. Họ không tiếc lời rủa sả, coi Hội NBĐL như kẻ thù, là những phần tử này nọ, “đội lốt dân chủ, chống phá Nhà nước” “thực hiện các mưu đồ đen tối” “thu nạp những phần tử chống đối trong và ngoài nước” “nhóm người tiêu cực, bất mãn”. Qui chụp chán, cuối cùng họ lớn tiếng đòi “loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống xã hội”
Đọc những gì họ viết, không thấy một tư duy nào mới hơn so với những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Họ nhân danh ai? Nhân danh Hội Nhà báo Việt Nam? Nhân danh đảng CS và Nhà nước VN? Tôi dám chắc, cả những ông lãnh đạo bảo thủ, giáo điều nhất nước cũng không tới nỗi ăn nói bừa bãi như họ. Minh Toàn vừa đặt ra câu hỏi “Ðộc lập hay đối lập đây?” đã khẳng định luôn “Chắc chắn là âm mưu đối lập!”
Hồ đồ, qui chụp, vu khống mà không cần chứng cứ, diễn giải gì. Họ dựa vào hơi hám Nhà nước có đầy đủ công cụ trấn áp trong tay cho nên cứ việc nói vung mạng.
Ra đời được 1 tháng, Hội NHĐL chưa làm gì các người. Thế mà các người tỏ ra căm ghét, hằn học đến thế. Phải chăng, các người muốn chứng tỏ mình là tên lính xung kích trên mặt trận báo chí?
Xin đặt ra cho các người vài câu hỏi đơn giản:
- Căn cứ vào đâu các người bảo Hội NBĐL “đội lốt dân chủ, chống phá Nhà nước”?. Hội NBĐL chống phá Nhà nước như thế nào?
- Hội NBĐL đã làm gì chứng tỏ đang “thực hiện các mưu đồ đen tối”?
- Căn cứ nào để các người nói, Phạm Chí Dũng là chủ tịch tự phong? Các người cần phải biết rằng, trong cuộc họp thành lập Hội, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã được toàn bộ Hội viên có mặt tín nhiệm bầu làm Chủ tịch với số phiếu 100%. Hay là các người liên tưởng đến các cuộc bầu bán quốc hội, Hội đồng ND và các cuộc bẩu cử chính thống khác mà suy bừa ra như thế.
- Các người viết “phần đa trong số họ (tức Hội NBDL-NTT chú) thực chất chỉ là những blogger đội lốt dân chủ, chống phá Nhà nước mà chẳng bao giờ có một tác phẩm báo chí đúng nghĩa”.
Xin hỏi, theo quan niệm của các người thì thế nào là tác phẩm báo chí đúng nghĩa? Phải chăng, những bài báo viết một nửa sự thật, nửa kia lại bị xuyên tạc mới là tác phẩm báo chí đúng nghĩa? Phải chăng những bài báo ca ngợi 16 chữ vàng, tinh thần 4 tốt để nhân dân ta phải ê chề vì sự bạo ngược của Trung Cộng mới là tác phẩm báo chí đúng nghĩa? Phải chăng những tin cướp, hiếp, giết, loạn luân giăng đầy lên các trang báo của các người mới là tác phẩm báo chí đúng nghĩa? Phải chăng những bài báo né tránh chuyện dân đói khổ lầm than, bị cướp đất, cướp nhà mới là những tác phẩm báo chí đúng nghĩa? Phải chăng những bài báo không dám động đến các cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Cộng năm 1979 ở biên giới phía Bắc, năm 1974 ở Hoàng Sa, năm 1988 ở Trường Sa mới là những tác phẩm báo chí đúng nghĩa?
Họ còn chê Hội NBĐL “có những người chưa bao giờ làm báo“. Trong số Hội viên của Hội NBĐL, có ai chưa viết báo không thì tôi chưa rõ vì tôi không làm công việc tổ chức. Nếu có thì người ấy cũng chỉ là Hội viên thường. Nhưng “Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết, năm 2013 cả nước bổ nhiệm 169 lãnh đạo cơ quan báo chí. Trong số này có 43 người được điều từ ngành khác về, không có nghiệp vụ báo chí”.

Các người chưa biết thì hãy đọc ở đây: Nhiều tổng biên tập không phải là nhà báo – Vietnamnet
Thì ra, trong cơn tức tối, họ quên khuấy đi mất, không nhìn lại chính mình còn kinh khủng hơn. Rõ là “Lươn ngắn thì chê trạch dài/Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm”

Hội NBĐL thì họ nói thế, còn với Văn đoàn độc lập thì sao? Họ kẻ cả:
“Một số nhà văn đã từng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tác nhưng khi đã nhận tiền rồi, họ có cho ra đời được tác phẩm nào xứng đáng? Ăn lương Nhà nước, ăn tiền hỗ trợ sáng tác mà lại âm mưu thành lập hội mới để đối lập với tôn chỉ mục đích của hội chính thống hiện hành thì thử hỏi tư cách của những nhà văn ấy là gì?”
Ơ hay! Đảng nào, Nhà nước nào làm ra tiền? Là tiền thuế của dân, là tiền bán tài nguyên đất nước đấy chứ. Lối viết bút nô, nịnh bợ như thế mà vẫn coi là “tác phẩm báo chí đúng nghĩa” được. Với các nhà văn, nhất là các nhà văn có tài, có tâm mà bắt viết trong một cái khung định sẵn thì có hỗ trợ bao nhiêu chăng nữa cũng chẳng làm sao mà ra nổi tác phẩm hay. Ấy là chưa hỏi tới, tác phẩm xứng đáng theo họ là tác phẩm như thế nào?
Về các tổ chức XHDS, họ cho rằng “vẫn không đánh lừa được các quốc gia trên thế giới và trở nên lạc lõng”. Không biết sự lạc lõng của các tổ chức này trước con mắt thế giới như thế nào, chỉ biết rằng, họ ra nước ngoài thì được các tổ chức, chính giới chào đón, ở trong nước được cơ quan ngoại giao các nước chào đón và bảo vệ như đại sứ quán Hoa Kỳ, Pháp, Ôxtrâylia, Đức, Thuỵ Điển v.v… toàn những nước có tiếng nói uy tín trên thế giới cả.
Điêu toa là thế, họ còn khoe khoang, phủ dụ, bịp bợm về những điều trẻ con cũng khó có thể bị lừa.
Họ khoe “dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nhà báo Việt Nam luôn phấn đấu hoàn thành sứ mạng là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết đội ngũ người làm báo phấn đấu vì sự nghiệp báo chí cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Công lao của Hội NBVN đấy. Chẳng biết họ tuyên truyền giỏi giang thế nào mà bây giờ, đất nước be bét ra như thế này. Tụt hậu đến cả Căm Pu Chia nó cũng qua mặt được.
Họ dụ rằng “Hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay đã có đầy đủ các tổ chức, đoàn thể đại diện cho mọi thành phần, mọi giai tầng trong xã hội. Không những thế, các tổ chức chính trị xã hội và các hội, đoàn thể đều được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện hoạt động, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Lạ nhỉ, sao các người không tự hỏi, tốt đẹp thế, hoàn mỹ thế sao người ta lại không thích? Khác gì một anh thắc mắc tôi đẹp trai thông minh, giàu có, tại sao cô không yêu tôi? Cô không lấy tôi thì đừng hòng tôi để cô lấy thằng khác. Như thế có phải là vô duyên không?
Nếu ai cũng có người tổ chức đại diện xứng đáng và được chăm lo chu đáo, tạo điều kiện hoạt động thì làm gì có sự ra đời của các tổ chức xã hội dân sự để cho họ lên án, giảng giải.
Mở đầu bản tuyên bố thành lập,  Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam trăn trở:
“Làm thế nào để báo chí và các nhà báo cất được tiếng nói theo đúng nghĩa của hai từ “tự do”? Làm thế nào để báo chí được làm đúng thiên chức của mình, phản biện và xây dựng một xã hội công bằng, một đất nước thật sự độc lập tự chủ, không cúi đầu hoặc run sợ trước hiểm họa ngoại xâm đang quá cận kề? Đã đến lúc báo chí và các nhà báo Việt Nam cần có tư cách độc lập để trả lời những câu hỏi trên. Tuân theo kinh nghiệm của mọi xã hội dân sự tiến bộ nhất trên thế giới, một trong những giải pháp cần phải có là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.” 
Trong nhiều chục năm qua, báo chí VN chỉ là công cụ tuyên truyền, minh hoạ cho đường lối của Đảng CSVN, thậm chí nhằm phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó. Vì thế nên nội dung giao ban hàng tuần, hàng tháng được gọi là mục tiêu tuyên truyền: cần viết gì, không được viết gì. Vì thế, báo chí trở nên xơ cứng, mòn xáo, vừa thiếu thông tin, vừa thiếu độ tin cậy, tránh sao khỏi bị độc giả xa lánh.
Cho nên không có gì khó hiểu khi độc giả tìm đến các website, các blog và các trang facebook cá nhân để thoả mãn nhu cầu. Việc ra đời Hội NBĐL là tất yếu.
Hai bài báo ký tên Hồng Sâm và Minh Toàn chẳng khác gì những bản thu hoạch chính trị, khô cứng, giáo điều và nhạt hoét. Phần khoe khoang thì toàn thấy đúng, đẹp và vẹn toàn cả, điều này cả báo cáo trính trị của Đảng CSVN cũng chẳng đến nỗi trơ trẽn mà viết như thế. Chẳng lẽ, Hội NBVN hết người rồi sao?
Trong buổi làm việc ngày 29/7/2014 với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng nói:
“Chính phủ hết sức quan tâm, mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến tư vấn phản biện từ xã hội, các nhà khoa học, giới trí thức… Phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý”.
Thủ tướng thì nói thế, còn các người lấy tư cách gì mà giành cho mình cái quyền cao giọng, giảng giải, qui chụp, chẹn họng người khác – những điều mà tôi cho rằng chính các người cũng không tin.
Ca ngợi chán, Minh Toàn lại buông ra một lối so sánh “chết người” nhưng đúng, không hiểu tác giả có ý gì: gọi các tổ chức của đảng là cỏ còn các hội đoàn mới thành lập là lúa, theo đúng trình tự đặt câu:
“Dù ở một số tổ chức vẫn còn những mặt hạn chế nhưng so sánh với các hội, đoàn độc lập đang được rêu rao, vận động thành lập thì sẽ thấy chẳng khác gì so sánh cỏ với lúa vậy!”
Vâng, các đoàn thể do Đảng tổ chức ra là cỏ nhưng các hội, đoàn mới thành lập có được xem là lúa không thì cần phải có thời gian. Tin rằng dù được gieo trong môi trường khắc nghiệt nhưng nhờ hạt giống tốt chắc chắn cây lúa sẽ trổ đòng, kết hạt.
4/8/2014
NGUYỄN TƯỜNG THUỴ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét