Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Bán tháo tài sản: Khi nào quan chức Việt theo chân Trung Quốc?

Phạm chí Dũng – Nguoiviet

Giữa hai quốc gia “môi răng” Trung Quốc và Việt Nam đang vừa lộ diện vừa âm thầm diễn ra những biến chuyển liên quan đến khái niệm “tài sản quan chức.”

Bán thật nhanh!
Khác hẳn với Việt Nam, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do ông Tập Cận Bình khởi xướng ở quốc gia đông dân nhất và cũng thuộc loại tham nhũng nhất thế giới đã tạo ra chất xúc tác phủ phê cho làn sóng bán tháo ngập ngụa trong thị trường nhà đất.


“Họ muốn bán nhà thật nhanh chóng và sẵn sàng giảm giá 5-10% so với thị trường,” ông Zhang Yan, giám đốc hãng tư vấn bất động sản Shanghai Centaline, diễn đạt.
Thậm chí một số quan chức Trung Quốc muốn tống tán tài sản phi pháp với 20% thấp hơn giá thị trường.
Theo thói thường, giới quan chức hoặc thân nhân của họ muốn bán trong hai tuần đến một tháng, nói chung là càng nhanh càng tốt. Sau đó tiền sẽ được chuyển mau lẹ đến mức có thể ra các ngân hàng nước ngoài.
Việt Nam, quốc gia mang trên mình ám ảnh tham nhũng hầu như tương đồng với Trung Quốc, dường như có độ trễ khoảng 2-3 năm sau cơn sợ hãi thất thần của quan chức Trung Hoa. Cách đây không lâu, một quan chức đương nhiệm là ông Ngô Văn Khánh, phó tổng thanh tra chính phủ, bất ngờ bị báo chí “lật ngửa” khi tung hê khối tài sản khổng lồ của ông.

Và có lẽ không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua nổ ra hàng loạt vụ tài sản “khủng” của nguyên Tổng Thanh Tra Chính Phủ Trần Văn Truyền và đương kim chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung.
Những cái tên Việt Nam khác cũng có thể sẽ lần lượt xuất hiện, theo cái cách mà ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn, mỉm cười, “Từ từ sẽ hiểu.”
Dư luận người Việt đã hoàn toàn có lý khi đặt câu hỏi: Vì sao những năm trước các vụ việc trên không “xì” ra, mà chỉ đến nay mới “lật bài”? Liệu có phải một cuộc chiến chống tham nhũng mới được đảng thầm lặng phát động, hay còn ẩn chứa nguyên cớ nào khác?

20% hay còn hơn thế?
Các hãng môi giới bất động sản tiết lộ, quan chức Trung Quốc chiếm khoảng 20% chủ sở hữu nhà xa xỉ. Trước đó, một nghiên cứu của Ðại Học Pennsylvania của Hoa Kỳ cho biết chỉ 7.1% người mua nhà tại Trung Quốc là quan chức.
Quan chức Trung Quốc thường mua nhà to và đắt tiền hơn người thường. Và dĩ nhiên, họ không chỉ đơn giản là thích mua nhiều nhà. “Cách phổ biến để hối lộ là đưa cho anh ta một căn nhà, coi như quà tặng. Chiến dịch này chính là lời cảnh cáo hoạt động đó nên chấm dứt,” ông Yan Jirong, giảng viên Ðại Học Bắc Kinh cho biết.
Rất nhiều người sử dụng thông tin của lái xe riêng, người thân, hoặc người đại diện để mua nhà. Một nhân viên môi giới bất động sản cho biết một khách hàng của anh đã bị bắt giữ năm ngoái khi đang cố bán nhà. “Tôi chẳng nhận ra ông ấy là quan chức cho đến khi thấy ảnh trên mạng,” anh nói.
Dù mới được khảo sát ở mức “khiêm tốn,” 20% tất nhiên cũng là một tỷ lệ rất đáng tham khảo cho “mặt bằng dân trí quan chức” ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới nay, điều lạ lùng là mặc dù bị xem là một quốc gia còn độc tài hơn cả Việt Nam, ở Trung Quốc vẫn xuất hiện một số kết quả khảo sát mang tính độc lập, chẳng hạn như số người giàu đã di cư hoặc có ý muốn di cư ra nước ngoài, hoặc độ chênh lệch khủng khiếp giữa giai cấp giàu nứt vách và người nghèo rớt mùng tơi.
Ruồi và hổ
Trong khi ở Việt Nam mới chỉ âm thầm diễn ra hiện tượng quan chức “tẩu tán tài sản” theo cách bán nhà cao cấp, thì ở Trung Quốc không khí này đã giống như một cơn sốt phát ban.
Năm ngoái, một quan chức Nội Mông tên Wu Zhizhong bị kết tội tham nhũng, nhận hối lộ và biển thủ công quỹ. Cơ quan điều tra cho biết ông Wu sở hữu tới 33 bất động sản tại Trung Quốc và một căn nhà ở Canada. Theo Xinhua, số chìa khóa nhà của “con sâu” này (nói theo từ ngữ của Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang) có thể đựng đầy một chiếc túi xách.
Sau đó, ông Cai Bin, một cựu quan chức Quảng Châu, cũng bị kết tội nhận hối lộ. Giới điều tra cho biết gia đình ông sở hữu hơn 20 căn nhà.
Những trường hợp này chính là hồi chuông cảnh báo với nhiều quan chức địa phương Trung Quốc. Các trung tâm môi giới bất động sản cho biết bây giờ giới chức rất sợ mua nhà xa xỉ. Một số thậm chí còn bán những căn nhà có thể khiến họ bị nghi ngờ.
Chiến dịch chống tham nhũng của nước này từng khiến ngành khách sạn lao đao với quy định hạn chế tiệc xa xỉ. Giờ đây, cả ngành bất động sản cũng bị ảnh hưởng khi giới chức đua nhau bán nhà.
Chiến dịch này được thực hiện đúng thời điểm thị trường địa ốc Trung Quốc đang suy giảm, theo Wall Street Journal. Ðây được coi là rủi ro lớn nhất với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Còn số liệu công bố gần đây cho thấy doanh số bán nhà ở Trung Quốc trong bảy tháng đầu năm giảm 10.5% so với năm ngoái.
Tại Hàng Châu, doanh số bán nhà cao cấp giảm 54% nửa đầu năm. Ông Gao Yuansheng, giám đốc nghiên cứu một hãng bất động sản, cho biết sự sụt giảm này chủ yếu do thị trường dự đoán giá tăng chậm, nhưng cũng một phần do các biện pháp chống tham nhũng của chính phủ.
Khi nào đến Việt Nam?
Những năm trước, một số lần dư luận và báo chí đã đủ can đảm phát hiện ra những quan chức Việt có nhà đất kếch xù. Tuy nhiên, theo thói quen của một nền báo chí bị đội vòng kim cô, bài viết điều tra và ngay cả những bài xã luận chung chung trên báo đều vấp phải bức tường ngăn chặn từ Ban Tuyên Giáo Trung Ương và cơ quan tuyên giáo địa phương. Không ít bài đã bị thẳng tay bóc gỡ. Công cuộc chống tham nhũng và sứ mệnh “kê khai tài sản cán bộ” cũng vì thế đã trở nên không tưởng, ít nhất từ khoảng năm 2003, khi bắt đầu chính sách kê khai tài sản, cho đến gần đây. Trì trệ này đã trở thành căn bệnh mãn tính, cho dù hàng năm Ban Tổ Chức Trung Ương và Bộ Nội Vụ đều nhắc đi nhắc lại chủ trương “trong sạch hóa cán bộ.”
Tại thời điểm này, còn một khía cạnh mà dư luận đang hoài nghi: Chỉ còn chưa đầy hai chục tháng nữa, theo lộ trình “kiện toàn nhân sự,” đại hội lần thứ 12 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra. Thời gian rõ ràng là không còn nhiều, hay nói cách khác là những ai muốn “tranh cử” đều đang nằm trong trạng thái “chạy nước rút.” Ở một góc cạnh khác, những nhân sự nào “dính chàm,” dù khởi phát từ công cuộc chống tham nhũng hay đấu đá bè phái, đều rơi vào nguy cơ bị “thanh trừng.” Ðó là một sự thật không thể chối bỏ, xét từ phép biện chứng lịch sử trong đảng từ nhiều năm qua.
Cần lưu ý, cả ba vị Ngô Văn Khánh, Trần Văn Truyền và Lê Thanh Cung đều là quan chức thuộc khối chính quyền, xếp theo thứ bậc hành chính từ cấp trung ương xuống địa phương.
Cả ba vị quan chức trên lại đều quá khó để giải trình về nguồn gốc khối tài sản cá nhân tích lũy được. Trong khi đó, hình dung đơn giản nhất của dư luận về tâm lý học quan chức hiện nay là bất kể đời con khát nước, đời cha vẫn rắp tâm ăn mặn. Vô số minh họa phất lên đột biến của giới quan chức hành chính Việt Nam đã quá đủ để mô tả về bộ mặt “của dân, do dân và vì dân” là như thế nào.
Thế nhưng, thực tế không thể phủ nhận là đã hơn 10 năm trôi qua, việc minh bạch hóa tài sản quan chức vẫn chỉ có ý nghĩa như bong bóng xà phòng. Không có bất kỳ một động tác thực chất nào khiến cho giới quan chức “ăn của dân không thiếu thứ gì” (lời bà Nguyễn Thị Doan, phó chủ tịch nước) đủ run rẩy.
Doanh số bán nhà cao cấp giảm thê thảm là hiện tượng rất tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong ít ra vài năm qua, đã có hiện tượng một số quan chức Việt Nam tìm cách bán rẻ căn hộ cao cấp hoặc đất đai của họ. Tuy nhiên, nguồn cơn của hiện tượng này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu cần tiền và nhằm “hạ cánh an toàn” chứ chưa có dấu hiệu chịu tác động mạnh mẽ bởi một chiến dịch chống tham nhũng nào từ cấp trung ương.
Chỉ đến giờ đây, khi bầu không khí của đại hội 12 đang nóng dần, và ngay trước mắt là một kỳ họp trung ương mà sẽ hứa hẹn không kém hấp dẫn so với thời điểm cách đây hai năm, câu chuyện về “tài sản khủng” mới một lần nữa được “minh bạch,” nhưng tất nhiên theo cách rất chuyên dụng của nó.
Câu hỏi còn lại là đến bao giờ ở Việt Nam mới hiện ra chiến dịch, nếu không “đả hổ” thì cũng “diệt ruồi,” như Tập Cận Bình đang làm? Nếu xảy ra chiến dịch này, chắc chắn dân tình ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội chứng kiến làn sóng bán đổ bán tháo nhà đất cao cấp của giới quan chức.
Hoặc sâu xa hơn, dư luận có thể lờ mờ nhận ra những quan chức dạng “thí điểm” như ông Ngô Văn Khánh, Trần Văn Truyền hay Lê Thanh Cung thuộc “ê kíp” chính trị nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét