Vương trí Nhàn
Dưới đây là một bài thơ tôi chép lại từ trên mạng. Vốn có tên là Khốn khổ nước tôi – nguyên tác Pity the Nation, tác giả là nhà thơ Kahlil Gibran, Từ Linh phỏng dịch.Không rõ bài thơ đúng với nước Liban đến đâu nhưng tôi thấy nó gần đúng với tình cảnh nước Việt ta hôm nay:
Khốn khổ nước tôi
Mê tín thì vô hạn
Tôn giáo thì nông cạn
Khốn khổ nước tôi
Mặc áo mình không dệt
Ăn gạo mình không trồng
Uống rượu mình không làm
Khốn khổ nước tôi
Ca ngợi côn đồ là anh hùng
Gọi kẻ xâm lăng là bạn vàng
Khốn khổ nước tôi
Trong mơ thì ghét cay ghét đắng
Tỉnh dậy lại đầu hàng
Khốn khổ nước tôi
Chỉ dám nói năng khi đưa tang
Chỉ dám khoe khoang di sản hoang tàn
Chỉ dám phản kháng khi đầu sắp lìa khỏi cổ
Khốn khổ nước tôi
Chính khách xảo quyệt như chó sói
Triết gia tung hứng chữ làm xiếc
Nghệ thuật bắt chước chắp và vá
Khốn khổ nước tôi
Kèn loa tưng bừng rước kẻ cai trị mới
Rồi tống cổ chúng bằng la hét phản đối
Rồi lại tưng bừng kèn loa đón kẻ cai trị khác
Khốn khổ nước tôi
Vĩ nhân càng nhiều tuổi càng lú
Thánh nhân chờ mãi chưa ra đời
Khốn khổ nước tôi
Cứ chia năm xẻ bảy chơi
Phe nào cũng xưng mình là nước
Thử cắt nghĩa sự tương đồng
nói ở trên
1/
Ở thời điểm nửa cuối của năm 2014, điều gợi ra sự chú ý của nhiều người Việt với bài thơ hẳn là mấy đoạn nói về mối quan hệ của một xứ sở thuộc loại nhược tiểu với các quốc gia khác. Số phận cái nước tôi của K.Gibran với số phận nước Việt như do cùng một bàn tay nhào nặn.
Giá có thể đứng ngoài mà nhìn, ta sẽ thấy ta đang sống như mơ ngủ.
Ta không có hiểu biết đúng đắn về các nước lân bang và nói chung là không hiểu mọi đối tác khác mà chúng ta có quan hệ.
Sai lầm bắt đầu từ nhận thức. Từ chỗ lẫn lộn các tiêu chuẩn Ca ngợi côn đồ là anh hùng Gọi kẻ xâm lăng là bạn vàng, nay là lúc quốc gia này không tìm ra được một cách ứng xử hợp lý với các quốc gia khác.
Không phải nhiều lúc ta không biết ghê sợ cho tâm địa giảo quyệt của bọn người tự xưng là các bạn vàng. Trước kẻ xâm lăng, lại cũng nhiều lần ta đã biết vùng dậy. Nhưng trái đắng bắt đầu cảm thấy rõ nhất là khi xét hiệu quả của sự hy sinh ấy. Phải chăng chúng ta hăng hái quyết liệt hy sinh cho danh nghĩa hão bao nhiêu thì lại dễ dãi phù phiếm trong việc xem xét nền độc lập giành được bấy nhiêu?
Lý do, xét thật đơn giản, là ở tình trạng miệng khôn trôn dại, như các cụ xưa nói. Mà lý do sâu xa hơn, chúng ta thiếu một tầm vóc trí tuệ để hiểu về phương thức tồn tại của một quốc gia, cũng như thực chất các mối quan hệ quốc tế trong lịch sử hiện đại.
2/
Sau hai câu nói về đời sống tinh thần của cộng đồng, mê tín thì vô hạn / tôn giáo thì nông cạn – sẽ còn trở lại về sau – tôi đặc biệt thích thú mấy câu tiếp khắc họa mấy nét sinh hoạt vật chất.
Khốn khổ nước tôi
Mặc áo mình không dệt
Ăn gạo mình không trồng
Uống rượu mình không làm
Trong một ngôn ngữ thơ mà người sành thơ thế kỷ XX hẳn nhớ tới những dòng thơ chính trị của B. Brecht, — tác giả vẽ ra cho ta thấy hình ảnh một cộng đồng hết sức thiếu tự trọng. Bước ra thế giới, miệng hò hét rõ to, ra cái điều mình chẳng kém ai, nhưng trong bụng thì không biết vị trí mình là ở chỗ nào. Sống ở đất này nhưng ta luôn luôn mơ tới con người và sản vật ở các nước khác.
Xưa nay ai cũng bảo dân ta có thói quen bằng lòng với cuộc sống của mình. Ở Liban thế nào không rõ chứ ở Việt Nam, nét tâm lý cái gì đang có cũng chán, cái gì không có cũng thèm nói trên thật ra chỉ mới nảy sinh vài chục năm nay. Một quá trình lạ lùng đã xảy ra, tạm phác họa như sau:
– Trong những năm tháng chiến tranh, người dân sống trong sự tách rời với thế giới bên ngoài.
– Thuở ấy, được bộ máy tuyên truyền phù phép, ai cũng nghĩ dân ta là thông minh sáng láng nhất trần đời, đánh Mỹ được thì làm gì cũng được.
Cái niềm tin kỳ lạ mang tính ảo tưởng có giải phóng ở chúng ta một sức mạnh thật —trước tiên là năng lực thích ứng chịu đựng.
– Thế rồi sau chiến tranh ngẩng lên nhìn ra thiên hạ, trong mỗi một con người không ai bảo ai âm thầm bùng lên một sự hoảng loạn.
Nhìn ra thấy các dân tộc khác làm được bao nhiêu việc, quay lại thấy mình thân tàn ma dại, lùi mãi sau người và nếu cứ kéo mãi thế này thì chắc chắn là không bao giờ bằng người.
Tâm lý đầu hàng bất lực buông trôi… ngày một nẩy nở.
Nay là lúc dân ta nhiều người chỉ thèm thuồng mong được ăn ngon mặc đẹp, đi những cái xe rất sang, tận hưởng những tiện nghi cuộc sống hiện đại mà người dân các nước được hưởng. Tinh thần yêu nước, niềm tự hào vì quốc gia xứ sở xét cho kỹ chỉ còn là những lời nói suông. Những ám ảnh về sự sung sướng hạnh phúc của các dân tộc khác thường trực trong đầu mọi người. Tinh thần vọng ngoại hèn hạ đã thế chỗ cho tinh thần bài ngoại man rợ.
3/
Ở nhiều quốc gia, trong những giai đoạn lịch sử khó khăn, thường thấy xuất hiện những bài thơ ái quốc, trong đó nhân vật trung tâm là nhân dân.
Công cụ chủ yếu được dùng để tuyên truyền là cái lối mị dân, ca ngợi nhân dân là tốt đẹp và kêu gọi họ đứng lên đánh đổ giai cấp thống trị đương thời, trong thực tế là mở đường cho một giai cấp thống trị mới.
Bài thơ của Gibran có hai nét khác:
— một là miêu tả sự tầm thường hèn mọn ẩn kín trong đời sống tinh thần của đa số dân chúng. Nó là cái ý được đề cập ngay từ đầu Mê tín thì vô hạn / tôn giáo thì nông cạn.Vâng, bề sâu là vậy, bản sắc văn hóa là vậy, cái đã kéo dài trong lịch sử là vậy. Mọi sự thiếu ý chí, thiếu nghị lực của con người cũng bắt đầu từ đây.
– Hai, cũng quan trọng không kém, là sự hư hỏng của tầng lớp tinh hoa
Triết gia tung hứng chữ làm xiếc
Nghệ thuật bắt chước chắp và vá.
Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì khái niệm tinh hoa của một xã hội không chỉ là gồm các triết gia, các nghệ sĩ mà trước tiên còn bao hàm cả các chính khách, tức là các nhà hoạt động chính trị.
Sau khi xác định bọn này xảo quyệt như chó sói, tác giả nói rõ hơn về cái đám tinh hoa cao cấp
Vĩ nhân càng nhiều tuổi càng lú
Thánh nhân chờ mãi chưa ra đời.
Nhưng quan trọng hơn là phản ứng của nhân dân trước bọn chính khách nghiệp dư:
Khốn khổ nước tôi
Kèn loa tưng bừng rước kẻ cai trị mới
Rồi tống cổ chúng bằng la hét phản đối
Rồi lại tưng bừng kèn loa đón kẻ cai trị khác
Rõ ra một nhân dân nông nổi nhẹ dạ, dễ bị lừa bịp.
“Nhân dân như thế nào thì sẽ có một giai cấp thống trị tương xứng”. Tôi nhớ đã đọc được đâu đó một nhận xét như vậy, nay lại thấy toát ra ở bài Khốn khổ nước tôi.
Điều khiến chúng ta khâm phục là cái ý cuối của Gibran.
Quốc gia này còn là khốn khổ vì không tìm được những người quản lý xứng đáng.. Trong khi đánh lộn lẫn nhau, phe chính trị nào cũng tự xưng mình là đại diện chân chính của quốc gia.
Khốn khổ nước tôi
Cứ chia năm xẻ bảy chơi
Phe nào cũng xưng mình là nước
Nhân dân Tổ quốc luôn luôn được nêu lên như một thứ bung xung.
Bài thơ kết thúc ở đây. Xét kết cấu bề ngoài, nó ở dạng không hoàn thành. Để một chỗ khá rộng cho ta suy nghĩ tiếp.
Nhưng một đất nước mà các phe phái bên trên tiếp tục chia năm xẻ bẩy thì làm sao có thể nghĩ đến ngày khá hơn? Cả nước tiếp tục mê muội. Bạn vàng ngoại quốc tiếp tục lộng hành. Người dân thường tiếp tục lừa lọc nhau ăn cướp ăn cắp của nhau để thỏa mãn giấc mơ được sống như bên Tây bên Tầu. Ý tưởng mà nhà thơ theo đuổi từ đầu đã được thực hiện trọn vẹn. Trong sự dang dở của nó, bài thơ đã được hoàn thành.
Phụ lục
* Tôi biết tới bài thơ này lần đầu qua bài Li-băng – Trận chiến của những mảng màu Mosaic của Nguyễn Thị Phương Mai, in Tia sáng 13/12/2013. Đoạn thơ được trích ở dạng nguyên văn trước rồi mới kèm theo bản dịch
“Nhiều lúc cứ phải quên đi mà sống thôi!”
Pity the nation that is full of beliefs and empty of religion.
Pity the nation that welcomes its new ruler with trumpetings, and farewells him with hootings,only to welcome another with trumpetings again.Pity the nation whose sages are dumb with years and whose strong men are yet in the cradle.
Pity the nation divided into fragments, each fragment deeming itself a nation.
[Tôi thương đất nước tôi, đầy tín ngưỡng mà chẳng có niềm tin,
Chào đón cả kẻ thù, chán chê mải mê, chỉ để rồi lại tung hô một bầy xâm lấn khác.
Vị cứu tinh vẫn còn trong nôi, mà những kẻ cầm đầu thì rặt một bầy phụ bạc,
Đất nước tả tơi, mỗi mảnh vụn hả hê tự xưng vương ở một góc trời.]
Nguyễn Thị Phương Mai cũng đưa vào bài của mình cái ghi chú - Khalil [Kahlil] Gibran là nhà thơ tài năng của Li-băng (1883-1931), người có số lượng tác phẩm thơ xuất bản đứng thứ ba trên thế giới, sau Shakespeare và Lão Tử.
*Đoạn thơ trên sau còn được một số mạng đưa lại và bình luận.
Trên mạng Tễu thấy có kèm bản dịch của Nam Long
Buồn cho đất nước, tràn đầy mê muội trống rỗng niềm tin
Buồn cho đất nước, kẻ cầm quyền được hân hoan chào đón rồi lại bị la ó đuổi đi; kẻ khác đến quy trình lặp lại
Buồn cho đất nước, sự thông thái bị chôn vùi và anh hùng mãi ở trong nôi
Buồn cho đất nước chia rẽ rã rời, mỗi mảnh ghép tưởng mình là tất cả
* Tiếp theo là nguyên bản tiếng Anh, tôi nghĩ có thể một số bạn cần, nên sao chép lại và dán vào đây.
“Pity the nation that is full of beliefs and empty of religion.
Pity the nation that wears a cloth it does not weave,
eats a bread it does not harvest,
and drinks a wine that flows not from its own wine-press.
Pity the nation that acclaims the bully as hero,
and that deems the glittering conqueror bountiful.
Pity a nation that despises a passion in its dream,
yet submits in its awakening.
Pity the nation that raises not its voice
save when it walks in a funeral,
boasts not except among its ruins,
and will rebel not save when its neck is laid
between the sword and the block.
Pity the nation whose statesman is a fox,
whose philosopher is a juggler,
and whose art is the art of patching and mimicking.
Pity the nation that welcomes its new ruler with trumpeting,
and farewells him with hooting,
only to welcome another with trumpeting again.
Pity the nation whose sages are dumb with years
and whose strong men are yet in the cradle.
Pity the nation divided into fragments,
each fragment deeming itself a nation.”
[img]http://domain.com/image.png[/img]
Trả lờiXóa