Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình đã thất bại như thế nào?

Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Minxin Pei, Project-Syndicate
Trung Quốc gần đây đã tổ chức một loạt các nghi lễ cao cấp và trang trọng nhằm vinh danh kỷ niệm 110 năm ngày sinh cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình mà hầu như thế giới bên ngoài ít ai chú ý đến. Tuy nhiên, tương tự như hầu hết các lễ hội chính trị ở Trung Quốc những ngày này, rất ít người bỏ thời gian để suy nghĩ về những gì đang diễn ra – và đặc biệt sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình thực sự có ý nghĩa như thế nào. Trong khi Đặng Tiểu Bình xứng đáng được đánh giá cao vì đã đưa Trung Quốc trở về từ vực thẳm sau khi chìm đắm trong chủ nghĩa Mao, cách tiếp cận của ông – tức “chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình” hay chủ nghĩa phát triển độc tài – hiện đang cản trở triển vọng của Trung Quốc.
deng_xiaoping

Để phân biệt nhà cải cách Đặng Tiểu Bình và triết lý cai trị chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình không phải là một chủ đề học thuật đơn giản. Đặng Tiểu Bình, người đã đánh đổi thẩm quyền của ông cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để phá vỡ chủ thuyết Maoist và khởi động cuộc cách mạng kinh tế của Trung Quốc, đã qua đời vào năm 1997. Chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh mục tiêu hiện đại hóa đất nước dưới sự kiểm soát của một nhà nước độc đảng mạnh mẽ, và cho đến ngày nay thì chủ nghĩa này tiếp tục ăn sâu vào hệ thống cai trị ở Trung Quốc.
Đặng Tiểu Bình, người nổi tiếng với câu nói: “Mèo trằng mèo đen không quan trọng miễn là nó bắt được chuột”. Câu nói này thường được biết đến như một ý niệm mang tính thực dụng nao núng ở Trung Quốc. Nhưng ngay cả ý niệm thực dụng này cũng bị các nguyên tắc cốt lõi giới hạn hành động của chúng, và Đặng Tiểu Bình cũng không ngoại lệ. Hai ý tưởng này không thể chối cãi: ĐCSTQ chỉ có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực chính trị bằng cách phát triển kinh tế, và Trung Quốc chỉ có thể hiện đại hóa nếu nằm dưới sự lãnh đạo của hệ thống độc đảng mạnh mẽ.
Như vậy, quan điểm của Đặng Tiểu Bình là khước từ tất cả ý niệm về dân chủ dưới mọi hình thức. Mặc dù ông chủ trương cải cách hệ thống pháp luật như một công cụ để hiện đại hóa Trung Quốc nhưng Đặng Tiểu Bình đã kiên quyết rằng pháp quyền [thượng tôn pháp luật] không được phép hạn chế quyền lực của ĐCSTQ.
Để chắc chắn, Đặng Tiểu Bình đã nhận ra một số bệnh lý trong một nhà nước độc đảng. Với các vị trí lãnh đạo cấp cao vốn thường được bổ nhiệm thông qua các mối quan hệ cá nhân chứ không phải là phẩm chất, ông hiểu rằng hệ thống độc đảng hoạt động không hiệu quả, mang lại nhiều sự rủi ro và thiếu các chuyên môn kỹ thuật.
Nhưng Đặng Tiểu Bình đã bị thuyết phục rằng cải cách hành chính có thể giải quyết những vấn đề này. Ông cũng không thể nào lường trước được những khó khăn và sự khán cự đến từ bên trong nội bộ ĐCSTQ vì họ không muốn mất hoặc giảm bất kỳ quyền hạn nào mà họ đang nắm giữ.
Tốc độ cải cách diễn ra qua chậm chạp đã khiến Đặng Tiểu Bình thất vọng rất nhiều, và trong những năm cuối thập niên 1980, ông đã yêu cầu thủ tướng Triệu Tử Dương – người có tư tưởng cải cách – lãnh đạo một lực lượng đặc nhiệm cấp cao bí mật xem xét lựa chọn các phương án thay đổi căn bản – nhưng lần này lại trực tiếp nhắm vào hệ thống chính trị. Nhưng khi nhóm của Triệu Tử Dương đã khẳng định rằng để tiến tới hiện đại hóa thì việc này đòi hỏi phải kết hợp một số nguyên tắc dân chủ và pháp quyền, ngay lập tức Đặng Tiểu Bình đã bác bỏ ý kiến này. Quan điểm của ông rằng hiện đại hóa cần phải giữ quyền lực tập trung trong tay của một đảng duy nhất đã thất bại trong việc dự đoán các mối đe dọa cũng như hạn chế sự phát triển bền vững mà đất nước cần đương đầu.
Đây là bi kịch của chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình. Chủ nghĩa này được sự tín nhiệm một phần vì người sáng lập ra nó đã quyết tâm phá bỏ một hệ thống độc ác và phá hoại, và xây dựng lại một nước Trung Quốc thịnh vượng hơn và nhân đạo. Tuy nhiên, sự tín nhiệm này đã được tiếp tục sử dụng để biện minh cho việc duy trì một hệ thống mà hiện nay đang cản trở sự tiến bộ của Trung Quốc.
Thất bại lớn nhất của chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình là không có khả năng giải thích cho việc mất kiểm soát quyền lực và nuôi dưỡng sự lạm quyền, tham nhũng trong tầng lớp cầm quyền. Thất bại chính trị lớn nhất của chủ nghĩa này là chống lại các kế hoạch cải cách dân chủ cần thiết để chế ngự quyền lực vừa nêu.
Trong thời kỳ Đặng Tiểu Bình, mâu thuẫn vốn có và những hạn chế của chủ nghĩa này lại ít rõ nét hơn. Suy cho cùng, người dân Trung Quốc đã bị đàn áp quá lâu nên chỉ cần cải cách kinh tế cũng đủ cho họ thấy đất nước đang tiến bước vượt bật về phía trước. Thật vậy, bằng cách tạo ra không gian cho sự sáng tạo cá nhân và doanh nghiệp, họ đã tung ra một giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử và đưa hàng triệu người Trung Quốc thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Nhưng việc thiếu quyết tâm cải cách chính trị nên Trung Quốc không có hệ thống nào có thể ngăn chặn được lực lượng thống trị chiếm đoạt những giá trị cũng như thành quả mà đất nước đã đạt được, và họ đã không phân bổ sự giàu có một cách cân xứng đến cho người dân. Tiết lộ gần đây về nạn tham nhũng có hệ thống ở tất cả các cấp chính quyền chứng minh rằng đây là mối đe dọa lớn nhất đối với sự thành công kinh tế mang tính dài hạn của Trung Quốc, và hiện tệ nạn này không có đối thủ ngăn chặn chúng cũng như nhà nước một đảng đã trở nên quá bất lực.
Tin tốt là Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã nhận ra vấn đề này. Ngoài việc rao giảng tiếp tục theo đuổi cải cách kinh tế định hướng thị trường mà Đặng Tiểu Bình đã đề ra, ông đã chỉ đạo một chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ nhất kể từ khi lên nắm quyền. Hồi tháng Bảy, ông đã chỉ đạo ra một cuộc điều tra chính thức nhắm vào một trong những nhân vật cấp cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang – một minh chứng cho cam kết của ông trước việc diệt trừ nạn lạm dụng quyền lực.
Tập Cận Bình mong muốn trở thành nhà cải cách vĩ đại kế tiếp của Trung Quốc. Điều này có thể lý giải tại sao chính phủ của ông đã đầu tư rất nhiều sức lực trong việc tán dương thành tích của Đặng Tiểu Bình. Nhiều người mong rằng Tập Cận Bình sẽ tiếp tục cạnh tranh với Đặng Tiểu Bình và hy vọng ông sẽ không bị sập vào bẫy chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình.
________
Minxin Pei là giáo sư ngành Quản lý Chính phủ tại Đại học Claremont McKenna và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ.
Tựa đề do CTV Phía Trước đặt
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét