http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/106189/No-cong-cua-Viet-Nam-co-the-len-den-95-GDP.html
Ngọc Lan
(TBKTSG Online)- Uớc tính đến hết
năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam khoảng 55,4% GDP. Tuy nhiên nếu tính
cả khoản nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp (chủ yếu là doanh
nghiệp nhà nước – DNNN) không được Chính phủ bảo lãnh, nợ bằng trái
phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN thì nợ công
của Việt Nam có thể lên đến khoảng 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn (60%
GDP).
Vì sao nợ công có thể là 95% GDP?
Những thông tin trên được công bố trong nội dung bản báo cáo do nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc Ủy ban kinh tế của Quốc hội phát hành ngày 22-11 mang tên: “Thách thức còn ở phía trước”.
Theo báo cáo này, ước tính đến hết năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam là vào khoảng 55,4% GDP. Trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 29,6% và 25,8%% GDP (so với các con số tương ứng của năm 2011 là 54,9% GDP, 30,9% và 24,0% GDP).
Tuy nhiên, nếu tính cả khoản nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp (chủ yếu là DNNN) không được Chính phủ bảo lãnh, nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực DNNN, nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN thì nợ công Việt Nam có thể lên tới khoảng 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn (60% GDP), đe dọa đến tính bền vững của nợ công Việt Nam.
Hiện nay, theo Luật quản lý nợ công, các khoản nợ này không được tính vào nợ công quôc gia. Song thực tế, việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho Tập đoàn Vinashin phát hành trái phiếu quốc tế đảo nợ khoản vay 600 triệu đô la và gần 12 ngàn tỉ đồng đảo nợ tại các ngân hàng trong nước khác (các khoản này trước đều không được Chính phủ bảo lãnh) khiến cho những cảnh báo trên về nợ công là hoàn toàn có cơ sở thực tế.
Thị trường trái phiếu Chính phủ: xấp xỉ 10 tỉ đô la
Nợ công đang tăng cao nhưng dòng tiền của các tổ chức tín dụng trong
nước cũng chảy luẩn quẩn trong hệ thống, qua các khoản mua trái phiếu
Chính phủ (TPCP) thay vì chảy ra để phục vụ lưu thông sản xuất.Báo cáo này cho rằng, dòng tiền bị kẹt trong hệ thống đang được ngân hàng sử dụng để mua các tài sản có giá khác (mặc dù lãi suất thấp hơn, nhưng an toàn hơn) như TPCP hay tín phiếu NHNN.
Theo đó, quy mô thị trường TPCP sơ cấp gia tăng nhanh. Tổng khối lượng TPCP, TPCP bảo lãnh và tín phiếu chính phủ phát hành trong năm là khoảng 200.000 tỉ đồng (tương đương gần 10 tỉ đô la), đặc biệt là TPCP phát hành lên đến 115.000 tỉ đồng (tăng gần 85% so với năm 2011).
Hiện tượng trên dẫn đến hệ quả xấu là các dòng vốn đang được phân bổ thiếu hiệu quả, thay vì đưa vào khu vực tư nhân (thông qua hình thức vay tín dụng sản xuất) thì đang dần chuyển hướng nhiều hơn vào khu vực công (thông qua phát hành TPCP).
Điều này có thể gây rủi ro nợ công và có thể dẫn đến hiện tượng đầu tư công “lấn át” đầu tư tư nhân, phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả khi các nghiên cứu đều chỉ ra rằng chất lượng và năng suất của các khoản đầu tư tư nhân là cao hơn nhiều so với đầu tư công.
Mặt khác, quy mô chi ngân sách vẫn gia tăng nên thâm hụt ngân sách năm 2012 vẫn ở mức 4,8% (so với 4,7% năm 2011) và đã được Quốc hội phê duyệt nâng lên mức 5,3% cho năm 2013 tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 (11-2013).
Báo cáo dẫn nguồn từ ADB cho biết, thị trường trái phiếu Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực đồng nghĩa với quy mô và nghĩa vụ trả nợ mỗi ngày một gia tăng.
______________________________________________________________________________
Cứ mỗi ba tháng, Việt Nam trả nợ 1 tỉ USD
22/11/2013 17:03 (GMT + 7)
TTO – Sáng 22-11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh
tế trung ương (CIEM) và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức GIZ đã tổ chức
diễn đàn về phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu – cơ hội và thách thức.
* Cách tính GDP hiện nay chưa thực chất
* Lạm phát 2014 có thể lại lên trên 8%
* Lạm phát 2014 có thể lại lên trên 8%
Các chuyên gia tại đây cho rằng VN cần cẩn trọng trong cuộc chạy theo tăng trưởng GDP, nguy cơ rơi vào lạm phát, bất ổn…
TS Nguyễn Đình Cung, quyền viện trưởng CIEM, cho rằng
đang có lo ngại hiện tượng nới lỏng đầu tư công và theo ông, điều này có
thể dẫn đến nguy cơ đầu tư dàn trải. Nhiều chuyên gia khác cũng đồng
tình và cho rằng kinh tế VN có khó khăn, đầu tư của khu vực tư nhân
giảm, tuy nhiên cần cẩn trọng với áp lực tăng đầu tư công bởi đó là nguy
cơ khiến tái diễn lạm phát, bất ổn kinh tế…
Chính phủ đã trình xin cho nâng trần bội chi ngân sách
(tức chi lớn hơn thu) từ 4,8 lên 5,3% GDP. Tuy nhiên, theo tham luận của
ông Nguyễn Anh Dương (CIEM), ngay cả khi sử dụng tất cả 0,5% GDP này
cho đầu tư công thì cũng chỉ có thể giúp tăng GDP từ 0,057-0,086% – một
con số không đáng kể.
Dẫn lại gói kích cầu Chính phủ đã làm năm 2009, tới
145.000 tỉ (khoảng 8,7% GDP), tham luận cho biết thực tế cũng chỉ giúp
tăng GDP có 1-1,5%. Việc nâng trần bội chi để thêm nguồn lực đầu tư phát
triển, theo ông Nguyễn Anh Dương, chỉ có thể hiệu quả nếu có các biện
pháp tái cơ cấu đầu tư công và nâng cao được hiệu quả đầu tư.
Phân tích thêm việc nới trần bội chi và phát hành thêm
trái phiếu Chính phủ, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng điều này là đáng lo
ngại khi ảnh hưởng tới tính bền vững của ngân sách. Theo số liệu của các
cơ quan chức năng, nợ công của VN liên tục tăng, năm 2012 đã lên tới
trên 1,6 triệu tỉ đồng.
Ông Dương tính toán dựa trên số liệu 6 tháng đầu năm
2013 với số nợ trên, mỗi quý VN phải trả nợ gốc và lãi tới 25.000-26.000
tỉ đồng (trên 1 tỉ USD), tương đương 16% thu ngân sách. “Vấn đề không
phải nợ công có an toàn không, mà khả năng trả nợ trong tương lai mới là
yếu tố cần được quan tâm” – ông Dương nói.
Trong khi tại nhiều diễn đàn lớn, nhu cầu tăng GDP đã
được nhiều quan chức nhắc như mục tiêu quan trọng thì theo nhóm tác giả
Bùi Trinh, Nguyễn Việt Phong, Bình Phan từ Tổng cục Thống kê, bảo hiểm
tiền gửi… thì chỉ tiêu GDP hiện nay chưa thực chất. Cụ thể, hiện nay các
đánh giá tình hình kinh tế – xã hội của VN thường gắn chặt với chỉ tiêu
tăng GDP. Trong khi đó, GDP lại được cộng tất cả phần giá trị gia tăng
của các ngành trong nền kinh tế và thuế nhập khẩu.
Như vậy có nghĩa một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài (FDI) hoạt động trên lãnh thổ VN trong một năm thì toàn bộ giá trị
tăng thêm của họ trong năm đó sẽ được tính vào GDP của VN. Trong khi
đó, nếu doanh nghiệp đó ngay cả khi khai thác tài nguyên của VN thì họ
cũng sẽ chuyển lợi nhuận về nước nhưng khoản lợi nhuận đó thực tế đã
được tính vào GDP của VN. Nên theo nhóm tác giả, GDP không phản ánh đầy
đủ bức tranh nền kinh tế.
Một lo ngại khác là việc tăng nguồn lực cho đầu tư
công, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng có thể khiến chèn lấn khu vực tư
nhân. Vì thực tế năm 2009, theo ông Dương, khi gói kích cầu được Chính
phủ đưa ra, đầu tư của khu vực tư nhân đã giảm xuống mức 33,9% tổng đầu
tư xã hội so với mức 35,2% năm 2008.
Đặc biệt, phân tích việc tăng đầu tư nhà nước, ông
Nguyễn Anh Dương đã đưa ra hai kịch bản, trong đó khẳng định có hai khả
năng: năm 2014 tăng trưởng của VN có thể đạt 5,6% thì lạm phát cũng phải
tới 8,8%. Kịch bản cao hơn, năm 2014 nếu đúng theo các dữ liệu đưa ra,
tăng GDP đạt 5,81% thì lạm phát cũng tới sát 9%…
Ông Trần Kim Chung, viện phó CIEM, băn khoăn không hiểu
tại sao đến nay vẫn chưa có đề án tái cơ cấu đầu tư công, với phân công
trách nhiệm rõ ràng để thực hiện…
TSKH Phạm Quang Thái, phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế
VN, kiến nghị trước thực tế hiện nay cần lập một ủy ban tái cơ cấu trực
thuộc Chính phủ để điều phối, thúc đẩy, kiểm tra quá trình tái cơ cấu.
Ông Thái cũng đề nghị sửa Luật ngân sách nhà nước,
trong đó không để các khoản như trái phiếu chính phủ nằm ngoài ngân sách
mà cần đưa vào ngân sách để Quốc hội giám sát, mọi việc chi tiêu phải
được sự cho phép và thẩm định của Quốc hội bởi nguồn này có khi lớn tới
40% chi ngân sách…
C.V.KÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét