Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

“Tôi tự hào là người Việt Nam”

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

tuhaoVN_305.jpg2014-09-27

Buổi tọa đàm có chủ đề “Tôi tự hào là người Việt Nam” tại TPHCM hôm 30/8/2014. -Courtesy LĐ
http://www.rfa.org/vietnamese/manuallyupload/audio-player/player.swf
Cuộc tọa đàm có chủ đề “Tôi tự hào là người Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội và tp HCM mở đầu cho chuỗi hoạt động của dự án cùng tên trong đó có cuốn sách của 33 người viết do công ty Thái Hà Book xuất bản nhằm cổ xúy cho tinh thần tự hào là người Việt cũng như lan tỏa tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc thông qua những hoạt động cụ thể và thiết thực.

Mở ra nhiều câu hỏi



Cuộc tọa đàm được đông đảo người trẻ tới nghe và nhiều ý kiến đồng tình cũng như nghi ngờ chung quanh đề tài này đã xuất hiện trên mạng lưới truyền thông. Người quan tâm cho rằng đây là cơ hội tốt để chia sẻ những tư tưởng khác biệt trong cùng một chủ đề và từ những chia sẻ ấy có thể tìm đến một mẫu số chung về hai chữ “tự hào”.
“Tôi tự hào là người Việt Nam” là một mệnh đề khẳng định, nó mở ra rất nhiều câu hỏi và không ít người khi bị hỏi ngược trở lại đã ngay lập tức phản ứng vì cảm thấy bị xúc phạm, cứ như là người hỏi có vấn đề về tâm thế, không chấp nhận Việt Nam là một quê hương đáng để tự hào.
Việt Nam đối với người Việt giống như máu thịt là điều hiển nhiên không ai có thể chối cãi. Cho dù máu thịt ấy có ra sao thì những người từ đó bước ra cũng ngày đêm nghĩ tới. Tuy nhiên giữa đất nước và con người là hai chủ thể hoàn toàn khác nhau. Đất nước được thành hình do hàng triệu con người qua nhiều thời đại cùng xây đắp, bảo vệ và bồi dưỡng. Mỗi công dân Việt Nam chỉ là từng cá thể, và mỗi cá thể lại có tính cách, hành động, vị trí và giai cấp khác nhau. Đã khác nhau thì không thể ôm ấp chung hai chữ “tự hào” một cách tập thể, đầy quán tính.
Mọi người ai cũng tự hào chung bởi là công dân Việt Nam thì sự tự hào ấy sẽ rất hạn chế trong một khu vực hạn hẹp, có khi chỉ tự hào trên lưng lịch sử, vốn oằn mình vì những bất toàn ngay trong chính dân tộc của mình. Niềm tự hào trong thế giới phẳng ngày nay là những gì mà nước khác, dân tộc khác nhìn thấy và nghĩ về con người và đất nước ấy. Sự tự hào chỉ nảy sinh khi thế giới lên tiếng ca tụng hay tôn vinh tính chất cao đẹp của một dân tộc mà văn hóa, tập quán, lòng tự trọng, tình yêu đồng loại cũng như phục vụ cộng đồng đã thuyết phục được nước khác, người khác hay châu lục khác.
Những tính cách ấy không phải cứ tuyên truyền, vận động hoặc tự hào suông mà được. Chúng cần ăn sâu, bám rễ vào từng cá nhân để dần dần lan tỏa vào cộng đồng, xã hội và cuối cùng là cả quốc gia, khi ấy nếu không muốn thì người dân nước ấy cũng nghiễm nhiên có một niềm tự hào không cần cổ vũ hay nhắc nhở.
Bài học từ nước Nhật cho cả thế giới thấy rằng dân tộc này tuy gần như sụp đổ sau hai trái bom nguyên tử của Mỹ nhưng họ đã đứng dậy, bước đi và hơn thế, dạy cho hàng trăm dân tộc khác đứng lên bằng sự tự trọng của từng người Nhật. Đất nước ấy tuy không lớn như Trung Quốc và giàu có thua Mỹ, nhưng hai đại cường này chưa hề dám một lần xúc phạm tinh thần yêu nước, thương dân của họ.
Tinh thần tự trọng của người Nhật ăn sâu vào ngay cả với một em bé, sẵn sàng chịu đứng co ro đói lả để xếp hàng nhận hàng cứu trợ sau trận sóng thần hơn là nhận ưu tiên để người khác phải chịu thiệt thòi. Lòng tự hào nào lớn hơn tính cách tự trọng tuyệt đối ấy?
Phát biểu về chủ đề “Tôi tự hào là người Việt Nam” Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Lê Doãn Hợp nói rằng chủ đề này cần trở thành một cú hích, tác động vào mỗi cá nhân, để thế giới ngưỡng mộ chúng ta hơn”.
Khi mà giao lưu văn hóa khiến cho người Việt Nam bớt e ngại đi ra nước ngoài nhiều hơn. Kinh tế người ta cũng khá lên để có thể chủ động đi du lịch thì bắt đầu có vấn đề. Bởi vì người ta mang theo hành trang là một số vốn văn hóa truyền thống.
-GS Trần Ngọc Thêm
Đây quả là một phát biểu khó hiểu. Nếu “tự hào” để thế giới ngưỡng mộ thì khủng bố IS hiện nay đáng để thế giới ngưỡng mộ biết bao nhiêu. Có điều thay vì ngưỡng mộ chúng thì cả thế giới đang truy sát chúng như những kẻ sát nhân cuồng bạo.
Cú hích mà ông Lê Doãn Hợp nói không biết có phải nhằm nhắc lại lịch sử thắng hai đế quốc đầu sỏ hay không hay còn ý nào khác nữa. Nếu chỉ lập lại một niềm tự hào này thì hình như chỉ có phân nửa nước Việt Nam tự hào mà thôi vì phân nửa còn lại nếu không theo Mỹ thì cũng thân Pháp, khó thuyết phục họ lấy chiến thắng của người khác làm niềm tự hào cho mình.
Nếu niềm “tự hào” phát xuất từ nhân cách của mỗi công dân như đất nước Nhật đang có thì không biết Việt Nam chúng ta có thật đáng tự hào hay không?
Chỉ cần nhìn qua là thấy, ở trong nước thì vụ hôi bia tại Đồng Nai, dẫm đạp lên nhau trong các lễ hội, phá tan hoang hoa xuân và tự tiện mang hoa về nhà tại Hà Nội…còn ra bên ngoài thì trộm cắp khi du lịch, công tác nước ngoài. Ăn uống một cách bất nhã và phí phạm trong các nhà hàng buffet. Lớn tiếng, không giữ vệ sinh chung không xếp hàng nơi công cộng…cùng hằng trăm tính cách tiêu cực khác.
Một độc giả của báo Lao Động cho ý kiến về cuộc vận động này, đặc biệt qua câu xác định “Tôi tự hào là người Việt Nam”. Người có tên Hiền Trần cho biết:
“Trong trường hợp tích cực thì ai cũng trả lời là có. Nhưng có những tình huống mà không biết phải trả lời sao. Ví dụ ở nước ngoài khi bắt được một nhóm ăn cắp vặt là người Việt, lúc đó mà có sự hiện diện của bạn và bạn được ai đó hỏi câu này thì xem ra không dễ để trả lời có hay không! Ở Nga, an ninh biên phòng thường áp dụng cách đối xử với công dân VN rất thiếu bình đẳng và miệt thị. Tôi đã có lần đi cùng một số người bạn nước ngoài trên một chuyến bay từ Trung Quốc đến Nga trong khi những người bạn kia làm thủ tục nhập cảnh rất nhanh còn tôi thì bị họ cho đứng “nhai dây thun” hàng giờ.”
GSVS Trần Ngọc Thêm, Trưởng bộ môn Văn hóa học ĐHQG thành phố HCM Khoa XHNV nhận xét về thói trộm cắp cũng như các thói xấu khác khi người Việt có dịp ra nước ngoài ông nói:
“Khi mà giao lưu văn hóa khiến cho người Việt Nam bớt e ngại đi ra nước ngoài nhiều hơn. Kinh tế người ta cũng khá lên để có thể chủ động đi du lịch thì bắt đầu có vấn đề. Bởi vì người ta mang theo hành trang là một số vốn văn hóa truyền thống, văn hóa ấy thích hợp cho trạng thái tĩnh tại, trạng thái ổn định khi con người quen biết nhau.
Bây giờ mang theo những thói quen đó ra bên ngoài, tức là di chuyển, đi đến những xã hội mà truyền thống của họ rất khác của ta. Xã hội của họ vốn năng động, luôn di chuyển thì nó không còn thích hợp nữa và vì vậy những mặt trái lộ ra hết. Bởi vì cuộc sống đầy dẫy khó khăn cho nên người ta phải linh hoạt, người ta phải khôn khéo.
tuhaoVN_400.jpg
Bà Tôn Nữ Thị Ninh tại Buổi tọa đàm có chủ đề “Tôi tự hào là người Việt Nam” ở TPHCM hôm 30/8/2014. Courtesy LĐ.
Trong cuộc sống làng xã thì sự khôn khéo đó nó không phát huy được hết bởi vì văn hóa làng xã nó quản lý con người rất chặt. Người Việt vốn âm tính cho nên thường nghĩ một đằng nói một nẻo nhưng trong phạm vi làng xã thì chỉ nói khéo để vừa lòng người khác thôi chứ không gây hại gì cả.
Ngày nay khi người ta đi ra khỏi làng xã đi ra đô thị, đi ra thành phố đi ra nước ngoài khi nói xong thì họ không chịu trách nhiệm về lời nói của mình và người nghe đối với họ có quan hệ rất mờ nhạt, lỏng lẻo cho nên họ có thể dối trá hơn trước. Họ có thể ăn trộm vặt. Ngày xưa ăn trộm trong làng xã thì bị bắt, bị xử còn bây giờ khi ra ngoài đường họ nghĩ rằng người ta không biết họ là ai và như thế thì có thể ăn trộm được.
Có những người trí thức hay có cương vị nhất định hẳn hoi khi ra nước ngoài khi vào siêu thị vẫn cứ lấy đồ người ta đút vào túi, ai ngờ nó có camera nó quay hết cả.
Tương tự những câu chuyện như vậy tôi cho rằng đó là do xung đột văn hóa, do người Việt chưa chuẩn bị hành trang văn hóa để mà bước vào cuộc sống đô thị hóa, công nghiệp hóa và cuộc sống giao lưu quốc tế.”

Cơ hội khơi dậy sức mạnh dân tộc

Bà Trần Thị Thanh Thanh – nguyên Bộ trưởng – Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em VN, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN – nói với báo chí: “Cuốn sách này (Tôi tự hào là người Việt Nam) cũng như những dự án sắp tới là cơ hội khơi dậy sức mạnh dân tộc, khơi dậy những giá trị tiềm năng trong mỗi con người, để chúng ta có niềm tin bước tiếp trên con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
Không! Từ xưa tới giờ tui không tự hào. Tôi không tự hào vì lời nói không đi đôi với việc làm thành ra người ta nói là quyền của người ta còn tự hào thì tôi không tự hào tại vì tui quá khổ tui không tự hào được.
-Nguyễn Thị Liên
Ý kiến của bà Thanh là một dạng ru ngủ trẻ em cố hữu. Trong khi tiềm năng của mỗi con người không ai biết là gì và hình dạng nó ra sao thì làm sao mà khơi cho nó dậy? Tiềm năng ấy chỉ có thể bộc lộ đúng khi gặp môi trường thuận tiện để phát triển và sự phát triển ấy cũng phải cần thời gian và các yếu tố khác.
Việt Nam không hề có chiến lược phát triển và bồi dưỡng nhân tài cũng như không để ý tới những tiếng nói phản biện đóng góp cho chính sách thì mong gì sự khơi dậy cho một mục tiêu trừu tượng?
Một độc giả tên Vương Đại gửi ý kiến vào báo Lao động có nội dung như sau:
“Là người sống ở Lào nhiêu năm, ngày đầu tôi cứ nghĩ tôi “tự hào” là người Việt Nam nhưng sau đó mới ngớ ra. Người Lào không muốn dạy con cái kiểu người Việt vì: ồn ào nơi công cộng, hút thuốc là trong phòng máy lạnh và sẵn sàng đập nhau tại quán bia là biểu hiện của một số dân lao động đi xây bên Lào… Trả lời thế nào cho đúng bản chất của câu hỏi và đúng ở địa điểm nào đây?”
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, một khuôn mặt nổi tiếng tại Việt Nam đối với người trẻ bởi các hoạt động trong lĩnh vực có nhiều cơ hội giao tiếp với nước ngoài. Bà tham dự cuộc hội thảo với tiền đề giúp cho bạn trẻ tham dự thấy được câu xác định “Tôi tự hào là người Việt Nam” cần phải xem xét lại trước khi bàn luận. Bà cho rằng để có thể tự hào là người Việt Nam, câu hỏi cơ bản trước tiên cần trả lời là “Chúng ta là ai? Tôi là ai? Như thế nào là người Việt Nam? Bởi mình phải biết mình là ai thì mới mới có thể tự hào được. Còn nhắm mắt mà tự hào thì thật nguy hiểm”.
Chừng như để trả lời cho câu hỏi của bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Nguyễn Thị Liên một người dân nam bộ, suốt đời cày bừa trên thửa ruộng của mình đã thẳng thắn nhìn nhận, bà không và chưa bao giờ tự hào là người Việt Nam cả, cho dù nhà nước có vận động thế nào chăng nữa, nói với chúng tôi bà Liên cho biết:
“Không! Từ xưa tới giờ tui không tự hào. Tôi không tự hào vì lời nói không đi đôi với việc làm thành ra người ta nói là quyền của người ta còn tự hào thì tôi không tự hào tại vì tui quá khổ tui không tự hào được. Tui thấy những người chung quanh tui họ còn khổ tui không thể chịu nỗi nhưng tui cũng đau lòng.”
80 phần trăm người Việt là nông dân. Một số lớn trong cái 80 phần trăm ấy đang sống trên mức nghèo khổ, thử hỏi làm sao họ có thể tự hào là người Việt Nam nếu đứng kề một nông dân khác như người Lào người Thái hay Campuchia, những nông dân như họ nhưng nếp sống dễ thở hơn ngay cả trong suy nghĩ và phát biểu cũng không ai bị gò bó vào khuôn phép.
“Tự hào” là một trạng thái phản ứng có điều kiện. Khi làm được điều tốt cho bản thân hay cho xã hội người ta mới tự cảm thấy tự hào. Trong khi vẫn còn ngái ngủ và tâm trạng chưa ra khỏi manh chiếu của đêm dài lo lắng cho bữa cơm ngày mai mà cảm thấy tự hào khi bị người khác vận động, nhắc nhở, đem khẩu hiệu của họ gắn vào môi thì niềm tự hào ấy chỉ là giả dối và “ăn theo” một cách thảm hại.
Hãy là người Việt Nam tử tế trước khi mang bất cứ danh hiệu nào để gán trên ngực, nhất là những danh hiệu chỉ có giá trị ảo, cốt che mắt thế giới hầu đổi lại vinh quang giả tưởng, u mê bản thân tuổi trẻ và đánh bóng xã hội vốn đang cật lực chạy theo phù phiếm và miếng ăn khó nhọc hàng ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét