(Doanh nghiệp) – Nếu tái cấu trúc không đúng hướng, đúng phương pháp không sẽ làm méo mó thêm thị trường…
Vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế một lần nữa được đặt
ra tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức
hai ngày 27-28/9 tại Ninh Bình. Tại diễn đàn lần này, một trong những
trọng tâm thảo luận là vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, điểm
cốt lõi trong việc tái cấu trúc nền kinh tế.
Tham gia phần tham luận tại diễn đàn, TS Nguyễn Đình
Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng: “Để đạt
được những mục tiêu tái cơ cấu kinh tế buộc nhà nước phải thay đổi thể
chế buộc kinh tế hoạt động theo quy luật thị trường; phải thay đổi cơ
cấu tổ chức, năng lực. Đó là cái khó của chúng ta. Nếu nhà nước cứ giữ
thế này, thị trường méo mó thêm, làm mất cân bằng phân bổ nguồn lực”.
Diễn đàn kinh tế mùa thu 2014 tổ chức tại Ninh Bình |
Không thể dùng một cái sai lệch, méo mó để điều tiết thị trường
Vấn đề chúng ta đã nói nhiều lần, nhiều nơi và nhiều năm nhưng kết
quả chưa thấy, theo ông Cung đó là phải áp đặt đầy đủ quy tắc thị trường
trong sản xuât kinh doanh. DNNN phải cạnh tranh công bằng, bình đẳng
(kinh tế học gọi đó là chế độ ngân sách cứng); phải quản trị theo thông
lệ thị trường quốc tế.
“Yếu tố này VN chưa làm được gì, thậm chí chưa có
chuyển biến gì về tư duy nhận thức. Biểu hiện của ngân sách mềm vẫn còn
phổ biến”, TS Cung phát biểu.
Một trong những biểu hiện cụ thể được vị chuyên gia
này chỉ ra như: DNNN chưa thực sự lời ăn lỗ chịu, ông Cung cho rằng đầy
là phần thưởng nhưng đồng thời cũng là một sự trừng phạt của nguyên tắc
áp dụng kỷ luật cơ bản của thị trường.
Thứ hai, chính phủ đi vay để cho DNNN vay lại – chưa
buộc DNNN phải tiếp cận vốn theo đúng các nguyên tắc và điều kiện thị
trường vốn quốc tế.
Thứ ba, là chưa tính đủ giá vốn (chỉ cần lãi được một
đồng thì coi như là đã phát triển vốn), DNNN hầu như không bị buộc phải
tính chi phí cơ hội trong đầu tư, kinh doanh của các DN. Khi DN không
nộp được thuế thì được chính phủ cho giảm, gia hạn, thậm chí khoanh nợ
thuế.
Khi DN không trả được nợ thì chính phủ cho giãn, hoãn,
khoanh nợ giảm lãi suất phải trả hoặc chuyển chính phủ, hay DN khác
gánh chịu; Khi không bán được sản phẩm thì có bộ trưởng, chủ tịch thậm
chí phó thủ tướng can thiệp để tiêu thụ được sản phẩm.
Trong khi đó, vấn đề trách nhiệm lại chưa được đặt ra
một cách nghiêm túc. Doanh nghiệp thua lỗ, không hoàn thành kế hoạch
kinh doanh không bị bãi nhiệm, miễn nhiệ ngay mà phải đợi đến 2 năm thua
lỗ liên tục do chủ quan lúc đó mới bị bãi nhiệm.
Ông Cung cũng lưu ý số DN còn độc quyền sử dụng tài
nguyên quốc gia, DNNN chiếm giữ độc quyền tự nhiên không bị kiểm soát.
Tức là khi cần vốn, khi thua lỗ thì cứ tự nhiên tăng giá lên bù lỗ chứ
không nghĩ giảm chi phí, tăng năng suất.
“Điều này làm méo mó thị trường, sai lệch tín hiệu thị
trường nhất là giá cả cung cầu; làm sai lệch phân bố, quản lý và sử
dụng nguồn lực; hiệu quả thấp gây bất lợi, thua thiệt bất công cho DN
khác nhất là DN tư nhân trong nước”, TS Cung nói.
Về quản trị DNNN đã được coi là một khung khổ hợp lý,
thống nhất theo thông lệ quốc tế hiện nay theo ông Cung cũng chưa thực
hiện được. Vấn đề công khai, minh bạch hóa thông tin; Việc nâng cao đầy
đủ quyền chủ sở hữu nhà nước; tách quản lý nhà nước, quản lý kinh doanh
chủ sở hữu và điều tiết thị trường; Vấn đề nâng cao vị trí, vai trò
trách nhiệm, thẩm quyền, tính độc lập HĐQT tất cả đều chưa làm, thậm chí
có xu hướng đi ngược lại.
Trong khi đó, chế độ đãi ngộ người quản lý theo nguyên
tắc thị trường; có hậu kiểm đánh giá dù có được thực hiện nhưng còn rất
xa so với thông lệ. Một vài năm gần đây thì lại còn có dấu hiệu lùi lại
và xa hơn so với yêu cầu quản trị theo thông lệ quốc tế.
Từ những hạn chế, yếu kém nói trên TS Cung cho rằng chúng ta đang phải đối diện với một nền quản trị doanh nghiệp yếu kém.
Điều đó có nghĩa là khách hàng không hiểu, không tin
nên không thiết lập giao dịch hoặc hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp
trong nước. Hoặc có hợp tác cũng giới hạn về quy mô, phạm vi, mức độ
hoặc có tính toán tỉ lệ rủi ro cao trong thiết lập các giao dịch. Như
vậy làm khó thêm doanh nghiệp, tăng chi phí thiết lập các giao dịch cho
doanh nghiệp.
Dẫn tới, các điều kiện giao dịch thị trường đối với
DNNN đều bất lợi hơn so với DN khác, còn DNNN đang kém hiệu quả sẽ có
nguy cơ kém hiệu quả hơn; DNNN đang khó mở rộng, khó thâm nhập thị
trường càng khó hơn.
“Có thể nói DNNN vẫn đang chơi theo một luật lệ khác,
quy tắc khác như vậy thì sẽ rất khó có thể hội nhập được đầy đủ đúng với
ý nghĩa của nó”.
Một khi, những bất cập trên không được thay đổi nghĩa
là chúng ta không tạo ra được áp lực ràng buộc trách nhiệm đối với bên
ngoài. Trách nhiệm bên trong DN lại không có sự phân công rõ ràng. Hay
nói cách khác trách nhiệm không thuộc về ai. Hệ quả ai cũng thấy là sẽ
không thể thực hiện được vai trò nòng cốt, đồng thời khó sử dụng những
doanh nghiệp như thế để điều tiết thị trường. Bởi vì bản thân nó là một
méo mó sai lệch sẽ không thể dùng một cái sai lệch, méo mó để điều tiết
thị trường.
Nỗ lực nhiều nhưng hiệu quả không được bao nhiêu
Đối với công cuộc cổ phần hóa, TS Nguyễn Đìhh Cung
nhận xét, dù có tin hiệu gây sức ép về trách nhiệm từ phía Chính phủ tuy
nhiên tính tới tháng 9/2014, mới có 65 DNNN tiến hành CPH so với mục
tiêu từ nay tới năm 2015 phải CPH 432 DN, con số này là tỉ lệ rất thấp.
Nhưng chất lượng CPH thế nào, ông Cung cho rằng “chưa
đạt được chất lượng CPH nhằm thay đổi thể chế đối với CPH DNNN. Nhất là
trong mục tiêu giảm tỉ lệ vốn sở hữu của nhà nước, thu nạp được các cổ
đông chiến lược”.
Vấn đề thoái vốn hiện nay chủ yếu là lĩnh vực ngân
hàng, BĐS, các đơn vị thoái vốn đều thuộc các tập đoàn, DNNN nhưng cũng
chỉ là làm cho có, thoái vốn không đúng bản chất.
“Thoái vốn đa số chỉ là chuyển giao nội bộ khu vực nhà
nước và doanh nghiệp nhà nước chứ không bán ra ngoài. Sự chuyển giao
này hoàn toàn không phải theo nguyên tắc thị trường mà chủ yếu là chuyển
giao nội bộ. Như vậy, chất lượng thoái vốn dưới góc nhìn của thể chế có
lẽ cũng chưa đạt được”.
Ông Cung cho rằng, khi chưa thay đổi được luật chơi
đối với DNNN, chưa áo đặt được đầy đủ ngân sách cứng và quản trị theo
thông lệ thị trường sẽ không tạo ra áp lực, động lực và đòn bẩy khuyến
khích mới để vừa ép buộc vừa thúc đẩy thay đổi phương thức phân bố nguồn
lực, cách thức sử dụng nguồn lực… một cách thực sự. Khi cách thức phân
bổ và sử dụng nguồn lực trong khu vực DNNN chưa thay đổi, DNNN chưa thể
cải thiện về năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Ông Cung kết luận, công cuộc tái cấu trúc dù nỗ lực
nhiều, quyết liệt nhưng kết quả không được bao nhiêu. Điều đáng nói, khi
thể chế chưa trở thành động lực thúc đẩy thay đổi thì chắc chắn hạn chế
còn dài. Nguy hiểm hơn, nếu tái cấu trúc không đúng hướng, đúng phương
pháp không những không làm thay đổi mà còn làm méo mó thêm thị trường,
thậm chí làm xấu đi chứ không phải tốt hơn.
Vũ Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét