Procontra
Đái Diệu DìnhPhạm Thị Hoài dịch
Ông Đái Diệu Đình (Benny Tai Yiu-ting, 1964), Phó Giáo sư Luật tại Đại học Hồng Kông, cùng một đồng nghiệp cũng thuộc Đại học Hồng Kông, Phó Giáo sư Xã hội học Trần Kiện Dân (Chan Kin-man) và mục sư Tin lành Chu Diệu Minh (Chu Yiu-ming) là ba người tổ chức Phong trào Chiếm Trung 2014 tại Hồng Kông. Sau khi chính quyền Đặc khu này hủy bỏ cuộc đối thoại với những người biểu tình, từ tối hôm qua, thứ Sáu 10/10/2014, hàng ngàn sinh viên lại kéo về khu trung tâm thương mại thành phố. Sau đây là phỏng vấn của Đái Điệu Đình dành cho tờ Spiegel.
__________
Có phải là quá vội, nếu coi Phong trào Vũ tán (Cách mạng Ô) là đã bị xếp sổ không?
Vâng, chắc chắn. Chúng tôi đang ở một tiến trình vận động vượt xa những dự định ban đầu. Thật tình chính tôi cũng không biết rõ sắp tới sẽ thế nào và ngày mai chúng tôi sẽ ở đâu.
Tuần trước chính quyền Hồng Kông đã đề nghị đối thoại với những người biểu tình. Sao bây giờ họ lại hủy?
Có thể vì trong giới lãnh đạo ở Hồng Kông có chia rẽ, hoặc có thể do chỉ thị từ Bắc Kinh. Dù thế nào thì trong các nguyên nhân cũng thấy có sự thiếu nhất quán: phe ủng hộ đối thoại có thể mâu thuẫn với phe cứng rắn, có thể chính Bắc Kinh cũng chưa biết chính xác nên tiếp tục thế nào. Nhận định như vậy là có cơ sở, vì chính quyền Hồng Kông mới chỉ tạm thời hủy đối thoại.
Chính quyền – ở Hồng Kông hoặc Bắc Kinh – phải làm gì để các cuộc biểu tình phản kháng chấm dứt một cách hòa bình?
Họ phải đưa ra được một dấu hiệu mở ra một triển vọng thực tế để đợt bầu Đặc khu trưởng lần tới sẽ là một cuộc bầu cử dân chủ. Chúng tôi biết rằng điều đó không xảy ra qua một đêm. Nhưng nếu chính quyền đưa ra được một lịch trình thì số đông những người biểu tình sẽ ra về. Tuy nhiên không phải tất cả sẽ ra về. Câu chuyện này không dễ mà kết thúc.
Là người trong Ban tổ chức, ông có khả năng ảnh hưởng đến kết cục của nó như thế nào?
Ảnh hưởng của chúng tôi khá hạn chế. Nếu chúng tôi kêu gọi dỡ bỏ một số rào chắn ở chỗ này hay chỗ khác vì lí do thực tế, những người biểu tình sẽ đối xử với chúng tôi như những phần tử xâm nhập, những kẻ chinh phạt từ bên ngoài. Những sinh viên thay nhau trực phiên ở đây và ngủ ngay ngoài đường cũng bảo vệ góc đường mà họ vừa chiếm như bảo vệ quan điểm chính trị của họ. Có lẽ chúng tôi là một ca nghiên cứu thú vị cho một nhà xã hội học, cho ai nghiên cứu về cơ chế của những cộng đồng tự tổ chức.
Năm nay, 2014, là kỉ niệm tròn 25 năm cuộc biểu tình phản kháng tại Thiên An Môn, sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ và Khối Đông Âu thay chế độ. Bây giờ, khi hàng ngàn người xuống đường ở Hồng Kông, ông có nghĩ đến năm 1989 không?
Phong trào của chúng tôi ở đây khá đặc biệt. Khác với phần lớn các nhà cách mạng, chúng tôi không định lật đổ chính quyền, không giành quyền lực cho bản thân. Nguyện vọng của chúng tôi là thực thi các luật chơi dân chủ và đối thủ của chúng tôi, tức phe thân Bắc Kinh, cũng được bầu một cách công bằng – mà trước khi phong trào này nổ ra thì phe đó rõ ràng chiếm phần thắng. Bây giờ, phe thân Bắc Kinh có thể không còn thắng hiển nhiên nữa, nhưng chắc vẫn đủ để thắng cử. Bốn, năm năm nữa, khi tất cả các sinh viên bây giờ đang biểu tình đủ tuổi cử tri thì có lẽ tình hình sẽ khác.
Những người từng tham dự vào cuộc phản kháng ở Thiên An Môn nay nhìn lại và hối tiếc, không chỉ về sự can thiệp tàn bạo của chính phủ khi đó mà còn về một số quyết định của chính mình.
Chúng tôi ý thức rất rõ những bài học từ Thiên An Môn. Trong phong trào của chúng tôi cũng có những nhóm tương đối cực đoan và những nhóm ít cực đoan hơn, một phần cũng vì chúng tôi thuộc những thế hệ khác nhau. Nhưng cũng chính vì thế mà chính quyền cần đưa ra được một giải pháp khiến tôi, thuộc thế hệ 50 tuổi, có thể thuyết phục được một em 25 tuổi, và em 25 tuổi lại thuyết phục được một em 17 tuổi.
Chàng thanh niên 17 tuổi Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), bạn đồng hành của ông, đã kêu gọi Thủ tướng Đức Angela Merkel công khai ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông [1].
Hoàng Chi Phong hoàn toàn có quyền làm thế. Cá nhân tôi thì sẽ không kêu gọi một chính phủ nước ngoài ủng hộ chúng tôi, vì chúng tôi coi Chiếm Trung là một phong trào thuần túy địa phương. Nhưng Đức là một quốc gia tự chủ và chắc chắn có một ảnh hưởng nào đó. Nếu chính phủ Đức quyết định lên tiếng ủng hộ chúng tôi thì chúng tôi rất hoan nghênh.
Nguồn: Spiegel Online, 10/10/2014
Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra
[1] Hôm
qua, 10/10/2014, khi sinh viên học sinh Hồng Kông lại xuống đường tiếp
tục biểu tình thì nhận lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ
tướng Trung Quốc Lí Khắc Cường dẫn đầu một phái đoàn chính phủ gồm 150
thành viên đã đến Berlin. Qua Bild, tờ báo đại chúng có số lượng ấn hành lớn nhất ở Đức, Hoàng Chi Phong đã kêu gọi bà Angela Merkel ủng hộ phong trào dân chủ tại Hồng Kông. Trong cuộc họp báo tại Berlin nhân cuộc gặp này, ông Lí Khắc Cường tuyên bố rằng
Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và nước ngoài không nên can
thiệp. Kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc – Đức hiện đạt mức
140 tỉ Euro. Hai bên đã thông qua một kế hoạch hành động lâu dài, thống
nhất phương châm siết chặt quan hệ „đối tác công nghệ“, kí nhiều hợp
đồng thương mại, trong đó riêng hợp đồng Trung Quốc đặt mua 70 chiếc máy
bay Airbus A320 đã lên tới 5,5 tỉ Euro. Sau cuộc gặp mặt, bà Merkel đã
dẫn ông Lí đi siêu thị và mua tặng ông bưu thiếp, muối và ủng Ông già
Noel.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét