Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Hoang tàn làng văn hóa 3.200 tỉ đồng

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20141007/hoang-tan-lang-van-hoa-3200-ti-dong/655138.html
TT – Dự án đồ sộ của Bộ VH-TT&DL tại Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) với vốn đầu tư hơn 3.200 tỉ đồng trên diện tích 1.544ha, nay như khu đất bị bỏ quên.
Ngôi nhà của dân tộc Cống thuộc Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam bị cháy năm 2013 đến nay chưa được khôi phục – Ảnh: Nguyễn Khánh

Đổ vốn hơn 3.200 tỉ đồng với diện tích rộng tới 1.544ha, hứa hẹn thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch tham quan mỗi năm nhưng từ khi mở cửa (tháng 9-2010) đến nay, Làng văn hóa – du lịch các dân tộc VN – một dự án đồ sộ của Bộ VH-TT&DL tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội – trông chẳng khác gì khu đất bị bỏ quên.


Hàng loạt công trình mới xây xuống cấp, xập xệ. Không khí ảm đạm, vắng vẻ bao trùm, khác hẳn bốn năm trước.
Còn nhớ sáng 10-10-2010 tại Đồng Mô, Bộ VH-TT&DL chính thức tổ chức lễ khai trương, mở cổng Làng văn hóa – du lịch các dân tộc VN, chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Lễ cắt băng khai trương diễn ra trong bầu không khí phấn khởi, niềm hân hoan hạnh phúc của hàng ngàn khách tham quan du lịch, đại diện 54 dân tộc anh em VN cùng các lãnh đạo cấp cao của trung ương và thành phố…
Một bức tượng gỗ trong khu vực nhà mồ của dân tộc Gia Rai bị gãy đổ – Ảnh: Nguyễn Khánh
Tôi đến đây vì nghe nói là quần thể, nơi tái hiện cuộc sống của 54 dân tộc nên muốn tìm hiểu như thế nào nhưng chẳng thấy có gì đặc sắc ngoài vài ngôi nhà xuống cấp hư hỏng, rác rưởi thì vứt đầy sàn nhà, đến một lần cho biết chứ chẳng muốn quay lại lần hai
N.Q.Anh (một du khách)
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Những tưởng bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng một “thánh địa” văn hóa nhằm tái hiện, gìn giữ, bảo tồn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc VN, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và trao đổi văn hóa với các dân tộc trên thế giới, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của nhân dân.
Thế nhưng, niềm vui ấy ngắn chẳng tày gang thì nỗi buồn ập đến bởi dự án kéo quá dài với số tiền rót vào ngàn tỉ song vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Có mặt tại Làng văn hóa – du lịch những ngày này, du khách ghi nhận một quang cảnh đìu hiu, vắng lặng đến rùng mình.
“Nơi hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia”
Quyết định 1689 ngày 15-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ: Làng Văn hóa – du lịch các dân tộc VN có tổng diện tích là 1.544ha, thuộc ranh giới hành chính của các huyện Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội.
Mục tiêu là nơi hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia; tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em.
Làng có bảy khu chức năng gồm: khu trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí, khu các làng dân tộc VN, khu di sản văn hóa thế giới, khu dịch vụ du lịch tổng hợp, khu công viên bến thuyền, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, khu quản lý điều hành văn phòng.
Điểm đến tham quan đầu tiên đập vào mắt là một ngôi nhà sàn của người Phù Lá (dân tộc thiểu số tập trung chủ yếu ở tỉnh Lào Cai) như đã bị bỏ hoang từ lâu, các hạng mục xuống cấp trầm trọng.
Bên trong nhà, nứa sàn ọp ẹp, mỗi bước đi sàn cất tiếng kêu kẽo kẹt khiến du khách phải nín thở nhấc chân nhẹ nhàng. Thi thoảng một vài thanh nứa bị đứt gãy tạo thành nhiều khoảng trống nguy hiểm.
Chiếc cửa chính ra vào đổ sập xuống, từ rác rưởi, rơm rạ, đất đá đến ổ điện chằng chịt dây bày biện ngổn ngang giữa nhà trông như một trận bão vừa mới càn quét qua đây.
Cách nhà Phù Lá vài chục mét, một ngôi nhà đất lợp mái cọ bay tứ tung. Để che đi “khuyết điểm”, nhà này được phủ kín từ trên xuống dưới bằng tấm bạt xanh rách tả tơi càng làm cho ngôi nhà thêm thảm hại.
Bên trong, đồ đạc lẫn đất đá chất hổ lốn. Tương tự, những ngôi nhà khác đại diện cho nhiều ngôi nhà của người Mường, Ba Na, Cơ Tu, Mạ, Giáy… cũng chẳng khá hơn là bao.
Do mái lợp bằng rơm rạ lâu ngày đã xuống cấp trơ ra cả lớp cột tre buộc ở trong. Nhà để cho du khách tham quan nhưng lúc nào cũng trong tình trạng “kín cổng cao tường”.
Muốn chiêm ngưỡng tinh hoa vật thể của các dân tộc, khách du lịch phải thò cổ ngó từ cửa sổ vào trong nhà.
Thế nhưng, ngoài dáng vẻ sừng sững, hiên ngang được làm kiên cố bằng chất liệu gỗ “xịn” đắt tiền thì bên trong rỗng toác, vô hồn. Mùi hôi hám, ẩm mốc xộc lên mũi, cay xè khóe mắt.
Thảm cảnh hơn khi du khách tham quan phải chứng kiến ngôi nhà của người dân tộc Chứt, dân tộc Cống bị cháy trơ trụi, chỉ còn lại xác cột nhà đen. Theo một số công nhân thu dọn mương cống ở đây, nguyên nhân cháy là do chập điện, ngọn lửa bùng lên thiêu rụi toàn bộ hai ngôi nhà.
Để “giấu” đi chiến tích của bà hỏa, người ta đã phủ bạt xanh, bao bọc, che kín từ năm 2013 mỗi dịp làng có sự kiện trọng đại. Tuy nhiên, chẳng hiểu vì sao đến nay cả bạt cũng te tua, trông thật bi đát và xấu xí.
Trong khi đó, khu chợ vùng cao phía Bắc từng là nơi nhộn nhịp vào các dịp đại lễ giờ đây cây cối đã mọc um tùm, đường vào chợ bong tróc, nứt lở. Những tuyến đường trải nhựa chìm trong cỏ dại.
Hàng chục điểm chờ xe buýt với hệ thống nhà chờ như phế tích, khung cột hoen gỉ, mái nhà chờ ngả nghiêng, ghế đá gãy vụn.
Bên các lề đường dẫn khách vào Làng các dân tộc Nam Tây nguyên và Nam bộ xuất hiện nhan nhản hố ga đường ống thoát nước bị kẻ gian lấy cắp nắp, tạo thành “hố tử thần” đe dọa tính mạng bất cứ ai sơ ý.
Ngoài ra, tình trạng xuống cấp còn phải kể tới hệ thống nhà vệ sinh và một số công trình phụ trợ khác. Nhìn tổng thể bên ngoài Làng văn hóa – du lịch hoành tráng, đồ sộ nhưng khi bước chân “mục sở thị” từng khu, du khách mới ngã ngửa, giật mình.
Các hạng mục thi công dở dang, đất đai, vật liệu đắp ngổn ngang khắp nơi khiến không gian làng càng trở nên thiếu sinh khí, cô quạnh.
Khung cảnh tan hoang tại ngôi nhà của dân tộc Chứt thuộc Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Ngôi nhà này bị cháy vào năm 2013 đến nay vẫn chưa được khôi phục – Ảnh: N.Khánh
“Ở đây có gì chơi đâu?”
Điều đáng quan tâm là theo kế hoạch dự án, Làng văn hóa – nơi kết tinh của 54 dân tộc anh em, thu hút khách đến tham quan, khám phá không gian, phong tục tập quán của từng dân tộc nhưng hầu hết các cửa nhà đều được đóng kín mít.
Từ suốt cổng vào đến các khu làng dân tộc Ba Na, khu trưng bày tượng đá Trường Sa, Làng dân tộc Gia Rai, khu vườn tượng Tây nguyên, khu các làng dân tộc miền núi phía Bắc, khu chợ nổi… chỉ thấy xuất hiện lác đác vài bóng dáng của bảo vệ, nhân viên và thợ xây đang tu sửa công trình.
Cách đây hai tháng, trong vai một khách du lịch đến tham quan, chúng tôi ghi nhận tại khu nhà điều hành của ban quản lý, gần chục nhân viên thảnh thơi đang ngồi tán gẫu với nhau.
Thấy có khách du lịch bước đến, một nhân viên dõng dạc nói: “Em muốn đi đâu thì cứ phóng thẳng xe vào tận nơi chơi cho tiện chứ ở đây bọn chị không nhận trông xe”.
Khi hỏi tại sao lấy tên là Làng văn hóa – du lịch mà không có khách đến tham quan, một hướng dẫn viên tại đây thản nhiên cho biết: “Làng không có dịch vụ nên rất ít người đến tham quan. Thi thoảng có vài cô dâu chú rể đến đây chụp ảnh chứ nhiều người nhìn thấy tẻ nhạt cũng chẳng buồn vào”.
Theo hướng dẫn viên này, một năm làng chỉ thu hút khách đông nhất vào ngày hội, còn ngày thường rất vắng.
“Em đi du lịch thì tìm khu nào mà đi chứ không nên vào đây vì ở đây có gì chơi đâu, đi lại nắng nôi vất vả lắm” – chị khuyến cáo.
Mà cũng chẳng đợi đến lời khuyên, N.Q.Anh – một du khách Nghệ An – đã tự trải nghiệm: “Tôi đến đây vì nghe nói là quần thể, nơi tái hiện cuộc sống của 54 dân tộc nên muốn tìm hiểu như thế nào nhưng chẳng thấy có gì đặc sắc ngoài vài ngôi nhà xuống cấp hư hỏng, rác rưởi thì vứt đầy sàn nhà, đến một lần cho biết chứ chẳng muốn quay lại lần hai”.
Sau gần hai tháng, ngày 6-10 chúng tôi quay lại, tất cả các căn nhà vẫn trong tình trạng khóa cửa im ỉm, nhiều ngôi nhà đất của dân tộc miền núi phía Bắc bị cỏ dại bủa vây, bên trong sàn đất ẩm mốc, lạnh lẽo đến gai người.
Dưới cái nắng hanh hao của mùa thu, lác đác vài du khách từ xa đến mồ hôi nhễ nhại, mong ngóng tìm thấy bóng dáng của đồng bào mình ở làng nhưng tìm mỏi mắt không thấy…
Tại khu vực nhà mồ của dân tộc Gia Rai ở Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, nhiều ngôi nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng – Ảnh: Nguyễn khánh
Tại khu vực nhà mồ của dân tộc Gia Rai ở Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, nhiều bức tượng gỗ bị mục – Ảnh: Nguyễn khánh
Khai thác hiệu quả và đúng hướng?
Bốn năm kể từ ngày hội khai trương tưng bừng, phấn khởi, Làng văn hóa chỉ vui vài bữa, đếm trên đầu ngón tay còn chưa hết.
Theo bà Toán Thị Hương – chánh văn phòng ban quản lý Làng văn hóa, cho đến nay làng chỉ có ba hoạt động được tổ chức thường niên là: Ngày hội văn hóa các dân tộc VN, Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc – di sản văn hóa VN, Sắc xuân trên mọi miền đất nước… Đây là các sự kiện trọng đại được bộ rót kinh phí từ ngân sách.
Bà Hương cho hay ban quản lý vẫn đang thực hiện đúng phương châm vừa xây dựng, vừa khai thác. Mục tiêu của Làng văn hóa – du lịch là thu hút du khách đến với làng để thấy được tinh hoa văn hóa, phong tục tập quán của từng dân tộc do chính người dân tộc giới thiệu.
Tuy nhiên, việc đưa đại diện 54 dân tộc về sinh sống tại làng đang là thách thức lớn vì thiếu kinh phí, vì vậy ban quản lý chỉ đón đồng bào dân tộc về làng vào những sự kiện trọng đại. Còn sau khi kết thúc sự kiện, bà con dân tộc lại kéo nhau về.
Lý giải vì sao nhiều công trình mới xây xuống cấp, bà Hương cho biết do vật liệu làm nhà sàn bằng tre, nứa, lá chuẩn theo bản sắc của người dân tộc, đều là những vật liệu dễ hư hại cùng khí hậu Sơn Tây khắc nghiệt nên nhiều công trình xuống cấp là điều dĩ nhiên.
“Ban quản lý có một tổ công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên sửa chữa, khắc phục hạng mục xuống cấp nhưng không xuể vì sửa chữa cần một quá trình thẩm định, lựa chọn đơn vị… đến thời gian, nên có thể sửa xong ở chỗ này rồi chỗ khác hỏng là điều không thể tránh khỏi” – bà Hương nói.
Chưa biết khi nào hoàn thiện
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lâm Văn Khang – phó ban quản lý Làng văn hóa – du lịch các dân tộc VN – cho biết theo kế hoạch, Làng văn hóa xây dựng bằng 100% nguồn vốn nhà nước.
Tuy nhiên kinh phí cấp từ ngân sách đến nay chỉ đạt 30% trong một khoảng thời gian quá dài dẫn đến quá trình đầu tư xây dựng nhiều hạng mục bị chậm tiến độ.
Bên cạnh việc điều chỉnh quy mô nhiều hạng mục, ban quản lý huy động xã hội hóa nguồn vốn để kéo gần khoảng cách hoàn thiện tiến độ, song việc huy động nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến giấc mơ “thánh địa” của văn hóa, du lịch chưa biết đến khi nào mới hoàn thiện…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét