Việc Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam cho thấy một bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước.
Sau gần 4 thập niên kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam
năm 1975, quan hệ Việt – Mỹ ngày càng được cải thiện qua các dấu mốc
quan trọngNgày 23/07/1975, Mỹ tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Các quan chức quân đội và người dân Mỹ đã được lệnh di tản khỏi Sài Gòn trước đó vài ngày.
Năm 1984, Mỹ bắt đầu áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam dựa trên lý do nhân quyền. Đến năm 2007, lệnh cấm đã được nới lỏng khi chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush cho phép xuất khẩu một số mặt hàng quốc phòng phi sát thương cho Việt Nam.
Ngày 12/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Sự kiện này đánh dấu một chương mới trong quan hệ Việt – Mỹ. Nó đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội và an ninh – chính trị.
Việc bình thường hóa quan hệ đã mở đường cho các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Tổng thống Bill Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam vào năm 2000, kể từ khi Mỹ chấm dứt chiến tranh Việt Nam năm 1975. Tiếp đó, vào năm 2006, Tổng thống George W. Bush có chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thăm chính thức Mỹ vào năm 2005, 2007 và 2008.
Hai nước cam kết tiếp tục hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm tù nhân/người mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POW/MIA).
Ngày 10/12/2001, Hiệp đinh Thương mại song phương chính thức có hiệu lực, giúp tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. 12 năm sau khi ký hiệp định, thương mại hai chiều đã đạt 25 tỷ đôla Mỹ vào năm 2013.
Một dấu mốc quan trọng khác trong quan hệ Việt – Mỹ. Tháng 7/2013, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ra tuyên bố chung về quan hệ ‘’đối tác toàn diện’’.
Hiện tại và tương lai
Ngày 2/10, tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Washington.Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc dỡ bỏ chỉ được áp dụng cho các mục đích an ninh hàng hải.
Bà Jen Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng quyết định này không nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, người ta có thể nhận thấy hai lý do quan trọng của Washington đằng sau việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận này.
Một là nhằm đối phó và kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Việc lệnh dỡ bỏ chỉ được áp dụng cho các mục đích bảo vệ an ninh trên biển cho thấy Mỹ muốn tăng cường sức mạnh hải quân của Việt Nam khi Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động hung hăng gây hấn trên Biển Đông. Trong một động thái trước đó, trong chuyến thăm tới Việt Nam vào tháng 12/2013, ông Kerry đã tuyên bố Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam 18 triệu đôla Mỹ, bao gồm 5 tàu tuần tra mới cho lực lượng tuần duyên Việt Nam và các hoạt động khác. Cả Mỹ và Việt Nam đều có lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải và thương mại trên Biển Đông. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khẳng định Mỹ có ‘‘lợi ích quốc gia’’ trong vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông, khi bà tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 tại Hà Nội tháng 7/2010.
Hai là vai trò quan trọng của Việt Nam trong bàn cờ chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam có dân số lớn thứ 13 thế giới và lực lượng thực hiện nghĩa vụ quân sự lớn thứ 11 đang hoạt động. Những chỉ số này cho thấy tiềm năng của Việt Nam khi được hiện đại hóa về quân sự. Trong một báo cáo về quan hệ Việt – Mỹ với tựa đề “Một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ – Việt: Làm sâu sắc quan hệ sau 2 thập niên bình thường hóa” được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS) đưa ra sáng 2/10, các chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á cho rằng “Mỹ coi Việt Nam là đối tác đầy hứa hẹn tại châu Á-Thái Bình Dương’’. Do đó, Việt Nam chiếm một vị trí địa chiến lược trong chính sách ‘’xoay trục’’ của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm cũng mang lại cho Việt Nam những lợi ích thiết thực.
- Theo Paul J. Leaf, một nhà bình luận về chính sách đối ngoại và quốc phòng, bình luận trên tờ The Diplomat ngày 18/9, Việt Nam có thể mua được những vũ khí của Mỹ với giá bán nhân nhượng hơn, và đặc biệt là những vũ khí mà Trung Quốc không có.
- Giúp tăng cường sức mạnh phòng thủ trên biển cho Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc đang gia tăng và chưa đạt được giải pháp cụ thể.
- Hợp tác về an ninh – quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng sẽ được gia tăng. Cùng với việc xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam, Mỹ sẽ phải cử chuyên gia đào tạo cho Việt Nam cách thức sử dụng cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam để vận hành các vũ khí, theo ông Leaf.
Tuy nhiên, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận mới chỉ đạt được một phần cho thấy vẫn còn những rào cản tồn tại trong quan hệ hai nước, đặc biệt là vấn đề nhân quyền. Trong cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những ‘tiến bộ hơn nữa’ về nhân quyền ở Việt Nam.
Như vậy, để đạt được sự nới lỏng hơn về lệnh cấm vận vũ khí sát thương đòi hỏi Việt Nam phải có những cải thiện đáng kể về nhân quyền.
Dẫu sao, dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận là động thái mới nhất trong việc nối lại mối quan hệ bình thường giữa Hà Nội và Washington trong hai thập niên qua, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Nó cho thấy sự xích lại gần nhau trong quan hệ hai nước, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trên Biển Đông những năm gần đây.
Lê Thành Lâm là giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, và hiện đang theo học tại City University London.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét