Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Nguyễn Thế Duyên: Tản mạn về dân chủ

Basam

Đôi lời: Một bài viết có nhiều quan điểm gây tranh cãi và ngộ nhận. Tác giả viết: “Các vị khoác cho mình cái áo ‘Dân chủ’ nhưng khi các vị đòi những người cộng sản phải từ bỏ chủ nghĩa Mác là lúc các vị trở thành những người phản dân chủ. Trong những quyền tự do phổ quát được những người dân chủ chân chính thừa nhận có quyền ‘Tự do tư tưởng’. Vậy xin hỏi sao các vị lại tước bỏ đi cái quyền tự do cơ bản ấy của người khác?“.
Những lời kêu gọi từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lenin, là kêu gọi những người lãnh đạo đất nước, không nên bắt cả dân tộc đi theo chủ nghĩa Mác – LêNin như họ ghi trong điều 4 Hiến pháp. Cá nhân những người cộng sản có quyền đi theo bất cứ chủ nghĩa mà họ muốn, nhưng với vai trò lãnh đạo, họ không nên mang một chủ thuyết nào đó áp đặt lên cả dân tộc, nếu không hỏi qua ý kiến của người dân qua hình thức trưng cầu dân ý.
Trong bài còn nhiều quan điểm dễ gây ngộ nhận và tranh cãi. Tuy nhiên, do đây là diễn đàn thông tin đa chiều, nên xin được đăng bài viết này để độc giả có thêm thông tin về một cái nhìn khác về dân chủ.


—–
Nguyễn Thế Duyên
01-10-2014
Nhà tôi có bốn người, hai vợ chồng tôi và hai đứa con. Cách đây mười năm tôi quyết định sửa nhà, các con tôi góp ý rất hăng, chúng muốn đập nhà đi xây mới nhưng tôi không đồng ý. Thằng con lớn bảo tôi.
- Sao bố gia trưởng thế?
Tôi cười bảo nó.
- Anh bảo tôi gia trưởng hả? Được thôi! Sửa nhà hết một trăm triệu. Đập đi xây mới như ý các anh hết ba trăm triệu. Anh đưa ba trăm triệu ra đây tôi sẽ theo ý các anh.
Thằng con tôi im mất. Tôi khoái chí bảo nó.
- Anh học mãi về duy vật biện chứng rồi mà anh chẳng hiểu gì về nó cả. Tôi khoái nhất ông Mác về cái lý thuyết này.
Ấy thế nhưng ở nhà tôi có một nhân vật chẳng bao giờ tuân theo cái “Duy vật biện chứng” của ông Mác cả nhưng lại cứ luôn đúng và tôi cứ phải buộc phải nghe theo đấy chính là vợ tôi. Cách đây năm năm, thằng cả nhà tôi lấy vợ. Cu cậu thích hoành tráng muốn tôi thuê cho anh ta một cái xe Mẹc để đi đón dâu. Tôi bèn áp dụng ngay phép duy vật biện chứng của cụ Mác.
- OK! Anh đưa cho tôi năm triệu tôi đi thuê cho .
- Con mà có năm triệu thì việc gì con phải nói với bố!
Tôi cười đứng dậy với lên giá sách lấy cuốn “Duy vật biện chứng” Đưa cho nó. Ồng con tức điên nhưng chẳng làm được gì bèn đưa mắt nhìn vợ tôi cầu cứu, thế là phép “ Phản duy vật biện chứng “ Lên tiếng.
- Thôi mà anh! Cả đời mới cưới vợ một lần. Anh thuê cho nó cũng được.
Tôi nhăn nhó.
- Đi làm mấy năm giời mỗi tháng đưa tiền cơm được hai triệu mà cái gì cũng muốn. Nó thì muốn cả ông trời. Nếu là cưới em thì không phải là một mà hai cái Mẹc anh cũng thuê. Hay là ta cưới lại đi.
Tôi láu lỉnh, nịnh vợ, đánh trống lảng để thoát thân. Không ngờ vợ tôi cười rất tươi.
- Ngày xưa, khi đón dâu, anh đón em bằng xe công nông đúng không? –Tôi gật đầu . “Phép phản duy vật biện chứng” bèn nói tiếp. –Vậy là anh còn nợ em một chuyến xe Mẹc đón dâu. Tiền ấy là của em, bây giờ em cho nó.
Ôi! Quá “ biện chứng” Thế là tôi phải tòi tiền.
Năm nay gia đình tôi lại đặt vấn đề xây nhà. Ông cả nhà tôi đề nghị tôi họp gia đình lại để bàn bạc. “Thì họp” Tôi nghĩ thầm trong đầu “ Họp cho các ông các bà thấy mình được tôn trọng, được dân chủ, chứ tiếng nói của các ông các bà thì có trọng lượng quái gì đâu. Rách việc”
Tối hôm họp gia đình, việc đầu tiên là thằng trưởng trịnh trọng đưa lại tôi cuốn sách “Phép duy vật biện chứng”. Nó bảo.
- Cám ơn bố. Bây giờ con đã hiểu thế nào là “Duy vật biện chứng” Rồi. Con xin gửi lại bố cuốn sách này.
Rồi nó quay sang bảo với “Phản duy vật biện chứng” của nó.
- Em đưa cho bố đi.
Con vợ nó mở túi xách lấy ra một bọc tiền to đùng đưa cho tôi
- Thưa bố đây là tiền chúng con đóng góp với bố để xây nhà. Vợ chồng con chỉ có gìà nửa số này thôi. Còn lại là tiền của chú hai nhà mình.
Lúc ấy thằng thứ hai mới mở cặp lấy ra một tập bản vẽ đưa cho tôi.
- Thưa bố đây là bản vẽ ngôi nhà mà con đã thuê thiết kế.
Tôi ngơ ngẩn nhìn bọc tiền và tập bản vẽ rồi quay sang hỏi vợ.
- Này em! Nhà mình đa đảng từ bao giờ thế?
*
*               *
Tôi đưa một mẩu chuyện nhỏ này vào đây cốt để mọi người có một cái nhìn trực quan về dân chủ. Thực ra tôi cho rằng trong chúng ta không phải ai cũng hiểu một cách đầy đủ hai từ rất đơn giản này. Thậm chí có người hiểu một cách rất ngây thơ là : Cứ đa đảng là dân chủ
Điều này chưa thực sự chính xác. Có rất nhiều nước đa đảng nhưng lại không dân chủ. Ví dụ như Trung quốc. Trung quốc không phải chỉ có đảng cộng sản mà còn một vài đảng nữa. Có người sẽ phản biện lại : Ở Trung Quốc các đảng ấy chỉ là đảng bánh vẽ thực chất là do đảng cộng sản trung quốc dựng lên. Có lẽ là như thế ( Tôi không nắm được nội tình các đảng ấy nên không dám nói liều), Vậy thì xin hỏi “Ai cập ?Kazakhstan có phải là nước dân chủ không dù cho họ cũng đa đảng?Vậy nên trước tiên ta cần phải định nghĩa thế nào là dân chủ cái đã.
Vì đây không phải là công trình nghiên cứu nên tôi sẽ trình bày với các bạn theo kiểu “Truyền hình! Thật là đơn giản”. Một quốc gia được công nhận là Dân chủ khi nó hội tụ đủ hai yếu tố.
- Thứ nhất : Về chính trị là một quốc gia đa đảng, đa nguyên
- Thứ hai về nhân quyền: Những quyền tự do phổ quát của con người như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí v….v… được hiến pháp công nhận và được bảo đảmthực thi trong thực tế xã hội.
Cụm từ “Được đảm bảo thực thi trong thực tế xã hội” là rất quan trọng vì rằng hầu như hiến pháp của quốc gia nào cũng công nhận những quyền phổ quát này nhưng trong thực tế không phải quốc gia nào cũng thực thi nó.
Hai điều này là độc lập đối với nhau nhưng lại có một mối quan hệ với nhau rất khăng khít. Nếu chỉ có một đảng, lập tức đảng đó sẽ bóp chết những quyền tự do cơ bản của dân chúng. Ngược lại,khi dân chúng đã có thói quen về quyền cơ bản của mình thì họ sẽ không bao giờ chấp nhận độc đảng.
Dân chủ hiểu nôm na nghĩa là dân làm chủ , bằng cách bỏ phiếu họ chọn ra người thay mặt mình để quản lý xã hội. “ Nói chọn ra” đồng nghĩa với phải có nhiều người thì anh mới chọn được. Không thể nói theo cái kiểu “Đấy! có mình tôi đấy, các vị cứ thoải mái lựa chọn”.
Trước tiên ta hãy nói về từ “Đảng” trong từ đa đảng. Ta nên hiểu cái từ đảng thế nào đây cho đúng với bản chất của nó.
Tôi cho rằng : Đảng là tập hợp của những người có cùng lợi ích và cùng nhau hoạt động dưới một tôn chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Điều này thì ai cũng hiểu . Nhưng khuất sau cái ấy nó lại là một vấn đề khác mà đó mới là cơ bản. Cái “ Lợi ích” ấy là cái gì? Nó là cái khối tài sản mà đảng viên của đảng đó nắm giữ. Vì vậy ta có thể nói một cách khác đi: Đảng là một tổ chức đại diện cho một khối lượng tài sản nhất định trong xã hội cùng hoạt động dưới cùng một tiêu chí.
Thực ra “Đảng” và “Hội” là giống nhau, chỉ khác nhau ở mức độ. Chỉ khi nào cái “ Khối tài sản” ấy đủ lớn đến độ có đủ sức mạnh ảnh hưởng đến toàn thể dân chúng trong một đất nước thì khi đó nó mới có thể đặt chân vào chính trường và lúc đó mới gọi là “Đảng” còn không chỉ là “Hội” .
Vậy nên khi nói đảng A mạnh hơn đảng B thì thực chất của nó là tiềm lực tài chính của đảng A lớn hơn tiềm lực tài chính của đảng B. Các nhà chính trị thường cố dấu diếm tránh nói đến điều này nhưng bản chất của vấn đề nó là như vậy. Và dân chúng sẽ ủng hộ cho đảng nào có thể làm cho cuộc sống của mình tốt hơn. ( Thực ra dân chúng ủng hộ một đảng nào là một vấn đề phức tạp nó phụ thuộc vào chiến lược tranh cử, thói quen văn hóa và nhất là vào niềm tin tôn giáo. Nhưng chắc chắn họ chỉ ủng hộ những đảng có thể làm đời sống của họ tốt lên. Nhưng vì nó không nằm trong vấn đề chính của bài viết này nên tôi chỉ dừng lại ở đây mà không đi sâu vào). Khi một đảng thắng cử nắm chính quyền thì họ sẽ đề ra những chính sách sao cho những đảng viên của đảng ấy có lợi ích nhất. Tuy nhiên để có thể lấy được lá phiếu của cử tri cho lần bầu cử sau họ bược phải nghĩ đến quyền lợi của đại đa số dân chúng.
Một chính sách đúng, Thậm chí là rất hay nữa, cũng không thể thay đổi được xã hội nếu như cái tiềm lực tài chính của đảng ấy quá nhỏ bé. Các cụ nhà ta có một câu rất hay để nói rõ điều này “Buôn tài không bằng dài vốn”.
Điều này lý giải tại sao đảng cộng sản Mĩ, Pháp dù có từ rất lâu nhưng chưa bao giờ nắm được chính quyền. Và nó cũng chỉ ra cái nguyên nhân tại sao có những nước đa đảng nhưng lại không phải là một nước dân chủ. Chỉ khi nào tiềm lực tài chính mà đảng đối lập nắm giữ tương đương với tiềm lực tài chính mà đảng cầm quyền nắm giữ ( Mạnh ngang nhau) thì quá trình chuyển giao quyền lực giữa hai đảng sau bầu cử mới diễn ra một cách êm thấm còn như vì một lý do nào đó ( Ví dụ do tình cảm tôn giáo như ở Ai cập hoặc Angiery chẳng hạn) mà đảng đối lập yếu hơn rất nhiều so với đảng cầm quyền mà thắng cử thì gần như chắc chắn chẳng bao giờ có chuyện đảng cầm quyền chịu giao chính quyền cho đảng đối lập và bất ổn hoặc nội chiến sẽ xảy ra. Có rất nhiều những ví dụ trên thế giới minh chứng cho điều này.
Chính Mác cũng đã từng nói: Không bao giờ giai cấp thống trị lại tình nguyện giơ hai tay dâng chính quyền cho lực lượng cách mạng. Điều này là chân lý cho mọi giai cấp, mọi đất nước trên thế giới.
Quay trở lại với tình hình nước ta, nếu gộp tất cả khối tài sản của mọi nhà đầu tư tư nhân của nước ta lại (Tất nhiên không tính đến các nhà đầu tư nước ngoài) liệu có bằng 10% tổng khối lượng tài sản mà đảng cộng sản hiện đang nắm giữ hay không? Với một tương quan như vậy mà chúng ta đòi đa đảng vào lúc này thì quả thật chúng ta là những người ngớ ngẩn.
Linh mục Nguyễn Văn Lý đã rất sáng suốt khi ông trả lời đài BBC.
Nhưng tôi nghĩ quan trọng là phải nghiêm túc suy nghĩ, công việc hiện nay phải được hướng dẫn bởi một lãnh tụ tài đức vẹn toàn. Phải có một học thuyết đủ sức thay thế chủ nghĩa Marx – Lenin, có đường hướng sát thực tế để người ta nhìn vào mà hy vọng rằng con đường ấy, tổ chức ấy sẽ làm cho Việt Nam ổn định hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines. Nếu chúng ta ảo tưởng thì sẽ thất bại.
Bao nhiêu người có tâm huyết, muốn thay đổi, nhưng thay đổi thế nào? Nếu thay đổi mà tình hình xấu hơn cả Thái Lan, Indonesia, Philippines, thì thà cứ để yên cho Đảng Cộng sản đang còn giúp cho Việt Nam cũng có một vị trí trong cộng đồng Asean.
Chính ông cũng nhìn ra vấn đề : Hiện nay chưa thể có một đảng nào đủ mạnh để có thể đòi chia sẻ quyền lãnh đạo với đảng cộng sản. Biết là không thể được nhưng chúng ta vẫn cứ lao đầu vào cái điều kị nhất của chế độ độc đảng để rồi bị bắt bớ, bị tù đầy trong khi lực lượng dân chủ còn đang rất yếu ớt, đầy nghi kị và chia rẽ liệu đấy có phải là một điều khôn ngoan?
Tôi cho rằng chúng ta phải chờ đợi. Kinh tế tư nhân sẽ ngày càng phát triển nó là một đồ thị luôn có xu hướng đi lên còn kinh tế nhà nước ngược lại là một đồ thị có xu hướng đi xuống (Không riêng gì ở Việt Nam đâu, các quốc gia, nước nào cũng có những xí nghiệp nằm dưới sự quản lý của nhà nước do nhu cầu về an ninh hoặc công ích nhưng các xí nghiệp ấy luôn luôn làm ăn kém hơn nhiều so với các xí nghiệp tư nhân. Cha chung không ai khóc hình như là quy luật của môn đời). Tại lân cận điểm giao nhau của hai đồ thị này thì dù có muốn đảng cộng sản cũng không thể ngăn được các đảng đối lập ra đời.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ việc khoanh tay rung đùi ngồi đợi. Những người dân chủ còn rất nhiều việc phải làm. Dân chủ, nhân quyền là điều mọi quốc gia nước nào cũng có vấn đề kể cả những nước luôn tìm cách xuất khẩu dân chủ. Và dân chúng của những nước ấy vẫn phải đang tiếp tục đấu tranh.
Đa đảng chỉ là một trong những tiêu chí trên con đường dân chủ. Còn rất nhiều quyền nữa mà những quyền này là nhưng quyền phổ quát được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận như quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình , tự do học thuật , quyền tự chủ đại học hay quyền sở hữu ruộng đất. Những quyền này trực tiếp ảnh hưởng đến đại đa số dân chúng nên một mặt nó dễ dàng được đông đảo dân chúng ủng hộ. Mặt khác nó còn chuẩn bị cho dân chúng một thứ mà như ông Nguyễn Hưng Quốc có nói đến đó là “Văn hóa dân chủ”. Dân chúng của chúng ta thực lòng mà nói chưa có thứ văn hóa này. Cứ nhìn vào cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Bình Dương thì ta thấy ngay điều này.
Những thứ tự do tưởng như là nhỏ này nhưng thực ra nó lại không hề nhỏ khi dân chúng được thụ hưởng. Khi được thụ hưởng nó, cái khát vọng dân chủ và tự do trong dân chúng sẽ bốc cháy giúp cho con người vượt qua nỗi sợ hãi cường quyền. Về phần nhà nước, cũng dễ dàng chấp nhận hơn, nếu không cũng khó lòng trấn áp mạnh tay khi mà dân chúng chỉ đòi hỏi những thứ có tính phổ quát mà cả thế giới đã thừa nhận.
Dân chủ, theo tôi nó không phải là một cánh cửa có thể mở toang ra một cách tức thì để tràn ra dân chúng. Dân chủ cũng cần có những cơ sở hạ tầng của nó. Khi thiếu vắng đi những cơ sở hạ tầng này thì dân chủ có mở ra cũng không thể nào thực thi được. Tôi lấy ví dụ dễ thấy nhất . Hiện nay chúng ta đang đòi “Quyền im lặng”. Tất nhiên đây là một quyền rất chính đáng không ai có thể phủ nhận, thế nhưng theo công bố của hội luật gia việt nam, chúng ta hiện nay chỉ có 8000 luật sư và cũng theo báo cáo của tòa án nhân dân tối cao trong 10 tháng đầu năm 2014 ngành tòa án đã giải quyết 286.614 vụ án đạt tỷ lệ 76,3% nghĩa là trong 10 tháng đầu năm 2014 chúng ta có 377.123 vụ án. Thử hỏi chúng ta đào đâu ra luật sư để thực thi cái “Quyền im lặng” này?
Nền dân chủ được hình thành từ rất sớm trong xã hội loài người (năm 508 TCN). Nhưng từ đó đến nay, cái nền dân chủ ấy đã không ít lần bị các thể chế chính trị khác đánh bại trên khắp thế giới. Một câu hỏi đặt ra là “Tại sao một thể chế có thể làm cho một đất nước cường thịnh lên lại bị một thể chế chính trị khác lạc hậu hơn đánh bại?” Chúng ta phải trả lời được câu hỏi này để từ đó nhìn lại phong trào dân chủ hiện nay của việt nam để tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra, vì rằng chúng ta nên nhớ , mỗi khi nền dân chủ bị đánh bại là một lần sinh mạng của hàng nghìn , thậm chí hàng vạn con người bị chôn theo. Xin nhìn lại cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu, cuộc đảo chính của Pinoche tại Chi lê, cuộc lật đổ nền dân chủ của Hile năm 1933 tại Đức.
Tôi cho rằng nền dân chủ mà mọi người đang theo đuổi là một thể chế tiến bộ, nhưng hỏi rằng nó đã hoàn hảo chưa? Thì phải nói rằng nó chưa hoàn hảo. Trong nó vẫn tiềm ẩn rất nhiều những mặt tiêu cực. Trong một xã hội có đủ điều kiện thì mặt tích cực của thể chế này sẽ phát huy tối đa các ưu điểm của nó nhưng ngược lại, trong một xã hội chưa có đủ các yếu tố cần thiết thì mặt tiêu cực của nó lại phát huy hết công suất và khi đó nó sẽ bị đánh bại.
Vậy nên dân chủ cần phải có một lộ trình, một thứ tự ưu tiên cái nào dễ chúng ta đòi trước, cái nào khó chúng ta đòi sau chứ không thể cứ đòi bừa đi như mấy ông dân chủ ở hải ngoại mà hình như Người Buôn Gió đã phải kêu lên “Xin đừng đòi dân chủ bằng máu của người khác”. Nhân nói đến mấy ông dân chủ hải ngoại tôi cũng phải nói thật rằng rất nhiều ông không có trí thức. Nhiều khi các ông đòi hỏi vào những điều đại kị của chế độ nhưng thực chất điều các ông ấy đòi hỏi lại rất vô nghĩa. Ví dụ các ông hải ngoại đòi “Quân đội, công an chỉ trung thành với đất nước chứ không phải là với đảng” thoạt nghe thì rất hay, có vẻ nhiều chất tri thức, nhưng chỉ cần đặt ra một câu hỏi “Khi mà chế độ đa Đảng hình thành thì sao?” thì ta sẽ nhận ra ngay cái đòi hỏi của các ông chẳng có một chút ý nghĩa gì vì rằng, khi ấy, điều các ông đòi hỏi tự nó sẽ tan biến. Chắc tôi không cần phải giải thích tại sao.
Xin trích dẫn ra đây phát biểu của một đại biểu quân đội trong đại hội đảng cuối cùng của đảng cộng sản Ba Lan khi đảng ấy tuyên bố giải tán (Quân đội nước này cũng thề trung thành với đảng cộng sản như quân đội ta):
“Hôm nay chấm dứt hoạt động của Đảng trong quân đội, với tư cách những người lính, chúng tôi hy vọng rằng, từ nay quân đội sẽ không ủng hộ bất cứ một đảng phái chính trị nào, không trung thành với bất cứ tư tưởng của đảng phái nào. Quân đội chỉ trung thành với nhân dân và tổ quốc” (vỗ tay).
Điều đòi hỏi này là vô ích nhưng nó lại dính đến điều đại kị của chế độ nên chế độ sẽ lập tức phản ứng thế là vô hình dung cái đòi hỏi vô nghĩa ấy lại biến thành một vật cản trở tiến trình dân chủ.
Và điều này nữa, các vị đòi những người cộng sản từ bỏ chủ nghĩa Mác. Thật hết sức vô lý. Nó vô lý ở hai điểm:
Thứ nhất—Các vị hiểu gì về chủ nghĩa Mác? Tôi đã đọc những bài kêu gào của các vị nhưng chưa thấy một vị nào chỉ ra nổi chủ nghĩa Mác sai ở đâu. Các vị chỉ lấy duy nhất sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa làm bằng chứng cho sự sai lầm của chủ nghĩa Mác. Điều đó là hết sức phiến diện. Ta phải đặt ra một câu hỏi “Mác sai hay các học trò của Mác sai?”. Một học sinh giải sai một bài toán vậy ta có thể kết luận là các định lý toán học là sai được không? Có một vị nói ông nọ ông kia đã phản biện lại Mác nhưng xin hỏi vị ấy đã đọc quyển sách phản biện ấy chưa hay chỉ là một kẻ “Nghe nói…” . Khi phê phán một điều gì ta cần phải bỏ thời gian, công sức đọc để hiểu rõ về điều đó đã rồi hãy lên tiếng.
Với tôi, một người không cộng sản, nhưng tôi vẫn cho rằng mặc dù còn những thiếu sót cần phải bàn nhưng về cơ bản Mác không sai. Những học trò của Mác đã làm méo mó chủ nghĩa Mác và người đầu tiên làm méo mó chủ nghĩa Mác lại chính là người học trò xuất sắc nhất của ông đó là Lê nin. Nếu bỏ qua cái điều “Giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến nhất lãnh đạo cách mạng” mà Mác đã từng khẳng định (Điều này thì có thể là Mác sai) thì ta nên nhớ rằng Mác đã từng nói “Chủ nghĩa xã hội là bước tiếp sau của chủ nghĩa tư bản”, ông không hề tuyên bố “Bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hôi.” Câu đó là của Nê nin.
Nếu nhìn vào hệ thống an sinh xã hội và sắc thuế thu nhập cá nhân đánh vào những tầng lớp giàu có của các nước tư bản phát triển và nhìn vào sự hình thành tổ chức liên hợp quốc rồi so sánh nó với những điều Mác tiên đoán về chủ nghĩa xã hội ta sẽ thấy hình như thấp thoáng đâu đó những nét tương đồng dù rằng vẫn còn rất mờ nhạt
Thứ hai: Các vị khoác cho mình cái áo “Dân chủ” nhưng khi các vị đòi những người cộng sản phải từ bỏ chủ nghĩa Mác là lúc các vị trở thành những người phản dân chủ. Trong những quyền tự do phổ quát được những người dân chủ chân chính thừa nhận có quyền “Tự do tư tưởng”. Vậy xin hỏi sao các vị lại tước bỏ đi cái quyền tự do cơ bản ấy của người khác? Và như vậy các vị còn là những nhà “Dân chủ” thực sự? Hay các vị chỉ là những kẻ hận thù đội lốt dân chủ? Và xin nhớ cho “Dân chủ” không có chỗ cho thù hận. Những kẻ vì thù hận mà muốn làm “Cách mạng” thì nếu có thể nắm được chính quyền, kẻ đó sẽ ngay lập tức trở thành một kẻ độc tài.
Các vị chỉ nhìn thấy từ đa đảng mà lại quên mất từ đa nguyên trong hai từ “Dân chủ”. Nền dân chủ thực sự chấp nhận mọi hệ tư tưởng mà các đảng phái theo đuổi. Có thể cực hữu, có thể cực tả, có thể là cộng sản, có thể là tôn giáo miễn là hệ tư tưởng ấy không làm tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của các cộng đồng xã hội khác.
Và còn một câu hỏi cuối cùng tôi muốn hỏi các nhà dân chủ hải ngoại “Liệu cái thứ dân chủ mà các vị muốn lập nên tại đất nước này có phải là một hình mẫu hoàn hảo? Và nếu nó là một hình mẫu hoàn hảo thì tại sao dân chúng các nước Trung Đông lại ghét Mĩ đến thế? Mặc dù vùng Trung Đông đã tiếp xúc với nền dân chủ từ rất lâu rồi?”
Dân chủ có những đặc trưng nhưng không có hình mẫu. Tùy theo đặc điểm văn hóa và điều kiện hình thành mà nó có những sắc thái riêng của từng nước. Nhiều thứ có thể nhập khẩu riêng dân chủ thì không! Hãy nhìn vào I-Rắc, Afghanistan, Ucraina ta sẽ thấy cái hậu quả thảm khốc của các nền dân chủ nhập khẩu.
Xin tặng các nhà dân chủ chân chính một câu nói của một người cộng sản.
Hỡi những người ta hằng yêu mến, Hãy cảnh giác!
Hà nội 1-10-2014
Ghi chú: Tôi! Tác giả của bài viết này không phải là đảng viên cộng sản và chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ gì dù là nhỏ nhất của chế độ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét