Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Sửa chữa sai lầm của Hoa Kỳ về nhân quyền với Việt Nam

Sửa chữa sai lầm của Hoa Kỳ về nhân quyền với Việt Nam -Bán vũ khí cho Việt Nam là bán đứng các nhà hoạt động

 HRW

Author(s):   John Sifton
Tháng này chính quyền Hoa Kỳ đã mắc sai lầm khi nới lỏng lệnh cấm vận buôn bán và chuyển giao vũ khí sát thương cho Việt Nam – một quốc gia phi dân chủ, độc đảng với bảng thành tích nhân quyền tệ hại. Bước đi này của Hoa Kỳ, được công bố vào ngày mồng 2 tháng Mười trong chuyến thăm Washington của Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, đã gây tổn hại cho các nhà hoạt động can đảm ở Việt Nam và phí phạm một đòn bẩy quan trọng đáng lẽ có thể sử dụng để thúc đẩy thêm nhiều cải cách hơn nữa.


Giới chức Hoa Kỳ tuyên bố rằng Việt Nam đang đạt được những tiến bộ tuy nhỏ nhưng rất đáng kể về nhân quyền, nhấn mạnh vào các vụ thả tù nhân chính trị trong thời gian gần đây. Nhưng các tiến bộ được nêu làm dẫn chứng đều nhỏ lẻ, và một trong những tù nhân nổi tiếng nhất được phóng thích trong năm nay, tiến sỹ, luật gia Cù Huy Hà Vũ không hề được thả mà thật ra là bị ép đi lưu vong ở Hoa Kỳ.
Trên thực tế, con số các tù nhân chính trị bị giam giữ đã gia tăng trong những năm gần đây, tính đến thời điểm này đã có tới hơn 150 nhà bất đồng chính kiến đang bị giam, giữ. Với những vụ phóng thích mới đây nhất, người ta chỉ có thể nói một cách tích cực nhất là chính phủ Việt Nam đang vận hành một cánh cửa quay, những tù nhân cũ đi ra bên này thì những tù nhân mới lại vào bên kia. Và cho dù tổng số tù nhân trong các trại giam có thể tăng hay giảm, nhưng một xu hướng đáng báo động đang gia tăng: việc sử dụng côn đồ để tấn công và đe dọa những người phê phán chính quyền.
Khi đánh giá kết quả cải cách ở Việt Nam, chính quyền Obama cần phân tích nhiều yếu tố khác ngoài con số những người đang bị giam giữ và được thả, đồng thời cân nhắc những câu hỏi đặt trong bối cảnh cụ thể. Nếu Việt Nam thực sự nghiêm túc kiềm chế không đàn áp những người phê phán chính quyền một cách ôn hoà thì tại sao trong tháng Tám, tòa án Việt Nam lại xử ba nhà hoạt động (Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh) tội cản trở giao thông trong một lần biểu tình và kết án họ tới ba năm tù giam? Vì sao chính quyền Việt Nam lại bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) vào tháng Năm? Vì sao Việt Nam xử blogger Phạm Viết Đào trong tháng Ba? Và vì sao chính quyền đã kết án gần mười người Thượng vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm nay với tội danh bị cho là chống nhà nước?
Câu hỏi lớn hơn đối với Việt Nam là liệu chính quyền có thực sự thể hiện rằng họ đang nghiêm túc thực hiện các thay đổi mang tính hệ thống để nới rộng các quyền tự do cho người dân hay không? Hà Nội đã có những bước đi quan trọng hay thể hiện thiện chí thực sự muốn cải cách luật pháp để loại bỏ điều luật trong bộ luật hình sự có nội dung hình sự hóa hành vi thể hiện quan điểm chính trị hay không? Các nhà lãnh đạo Hà Nội đã có những bước đi quan trọng hay thể hiện thiện chí thực sự muốn cải cách luật pháp để cho phép hình thành các công đoàn độc lập hay không? Hà Nội đã có những bước đi quan trọng hay thể hiện thiện chí thực sự để hủy bỏ yêu cầu đăng ký và hủy bỏ việc hình sự hóa các hoạt động tín ngưỡng độc lập hay chấm dứt đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số không? Câu trả lời cho tất cả và từng câu hỏi trên đây là không.
Thật đáng tiếc là quyết định nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương đã được ban hành. Tuy nhiên, chưa phải là quá muộn để sử dụng các đòn bẩy còn lại để đạt được những thay đổi. Vì vẫn chưa thấy có cải cách thật sự nào được thực hiện, và còn nhiều bước quan trọng phải đi tiếp, Hoa Kỳ cần nói rõ với Hà Nội rằng còn nhiều việc phải làm được trước khi lệnh cấm vận được nới lỏng hơn nữa.
Đây là lúc Hoa Kỳ cần nói với Việt Nam rằng, ngoài các hỗ trợ về hàng hải, việc bán và chuyển giao vũ khí trong tương lai chỉ được thực hiện nếu Việt Nam thả một số đáng kể tù nhân chính trị; có các bước đi tích cực về những vấn đề như tự do tôn giáo, tra tấn và quyền của người lao động; và có các động thái chính thức để loại bỏ các tội danh về chính trị ra khỏi bộ luật hình sự, như điều 87, hình sự hóa các hành vi “phá hoại chính sách đoàn kết,” và điều 258 “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để “xâm phạm lợi ích nhà nước.”
Chính quyền Hoa Kỳ có thể và cần làm rõ những điểm này trong các cuộc đối thoại vào cuối năm nay với Hà Nội, khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel dự kiến sẽ tới thăm. Những thông điệp nói trên có thể còn có trọng lượng hơn nữa nếu được kết hợp với các thông điệp của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (đang đàm phán với Việt Nam trong khuôn khổ TPP) rằng Việt Nam đừng mong sẽ được tham gia hiệp định thương mại này nếu không cải cách pháp luật để các công đoàn độc lập được phép hoạt động.
Vẫn còn chưa muộn nếu muốn nắm giữ lại các đòn bẩy, dù quyết định nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã được ban hành một cách vội vã vào ngày mồng 2 tháng Mười. Vì các nhà bất đồng chính kiến can đảm ở Việt Nam, Hoa Kỳ cần cứng rắn hơn nữa trong thương lượng.
John Sifton là Giám đốc Vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Có thể theo trên tài khoản Twitter: @johnsifton.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét