Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Bio-Rad hối lộ: phần nổi của tảng băng chìm

Nam Nguyên, phóng viên RFA

2014-11-07
1-1415157068556-622.jpg
Trụ sở tập đoàn Bio-Rad tại California, Hoa Kỳ (Ảnh minh họa).  -Courtesy Bio-Rad
http://www.rfa.org/vietnamese/manuallyupload/audio-player/player.swf
Dư luận Việt Nam bàng hoàng về việc Hoa Kỳ công bố hồ sơ vụ Công ty Bio-Rad Laboratories Inc hối lộ quan chức Việt Nam 2,2 triệu USD, để dành được các hợp đồng cung cấp thiết bị xét nghiệm và chẩn đoán y tế trong thời gian 2005-2010.

2,2 triệu đô la còn quá nhỏ?



Hầu hết báo chí Việt Nam nhanh chóng đưa tin về vụ việc, mà qua đó cho thấy người dân Việt Nam phải trả chi phí y tế cao hơn do giá thành dịch vụ cuối cùng sẽ bao gồm các khoản hoa hồng, hay hối lộ cho các quan chức ngành y tế.
Sau các thông tin ban đầu, Báo Tuổi Trẻ Online cũng như các báo điện tử khác đã trích lời ông Nguyễn Văn Tiên, phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trả lời báo chí hôm 6/11 bên hành lang Quốc hội rằng: “Trong 5 năm mà hối lộ có 2,2 triệu USD, có lẽ còn quá nhỏ. Nên chúng ta phải kiểm tra rõ xem thực tế đến mức nào.”
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa hiện sống và làm việc tại Hà Nội trong tư cách một người dân, một người sử dụng dịch vụ y tế nhận định:
Tham nhũng trong lãnh vực y tế đúng là tội ác tày trời đối với nhân dân, họ sẵn sàng hút máu người dân để đút túi của họ.
-Đỗ Việt Khoa
“Tham nhũng trong lãnh vực y tế đúng là tội ác tày trời đối với nhân dân, họ sẵn sàng hút máu người dân để đút túi của họ. Những chuyện này không phải mới đây mà xảy ra lâu rồi ở các mức độ khác nhau, còn lần này được một công ty nước ngoài công khai nêu ra và lần đầu tiên lật mặt ra. Theo tôi nếu điều tra kỹ còn nhiều hợp đồng y tế khác cũng có tính cách hút máu dân như vậy, nhân dân chúng tôi thấp cổ bé họng đi bệnh viện cứ phải có tiền người ta mới chữa, mua thuốc thì giá rất đắt, dịch vụ y tế nhiều khi phải đợi, phải chi tiền ra mới chữa.”
Hối lộ chi hoa hồng triệu đô để dành những hợp đồng trị giá lớn xảy ra trên nhiều lãnh vực và Chính quyền Việt Nam thường bị động, chỉ khi nước ngoài công bố mới biết. Điển hình như vụ hợp đồng in tiền polymer của công ty Securency Úc; vụ bê bối nhận hối lộ bôi trơn dự án Đại lộ Đông Tây TP.HCM mà người nhận hối lộ 820.000 USD của phía Công ty Nhật là ông Huỳnh Ngọc Sỹ, một quan chức TP.HCM bị kết án 20 năm tù. Gần đây nhất là vụ Công ty Nhật Bản lại quả một số quan chức ngành đường sắt, để thắng thầu dự án Đường sắt đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, đây lần đầu tiên ngành y tế bị nước ngoài phơi bày về tình trạng quan chức nhận hối lộ đối với các hợp đồng bán hàng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam bà Nguyễn Thị Kim Tiến, người chịu rất nhiều búa rìu dư luận về các bê bối của ngành y tế trong thời gian vừa qua. Lần này phản ứng nhanh chóng để làm sáng tỏ những vấn đề xảy ra mà Bộ Y tế lại chưa từng biết. Theo báo điện tử Tiền Phong Online và Thời báo Kinh tế Việt Nam, Bộ Y tế mong muốn Bộ Công an và phía Hoa Kỳ làm rõ nghi án hối lộ.
bio-rad-400.jpg
Chi nhánh công ty Bio-Rad tại thành phố Seattle, bang Washington, Hoa Kỳ. Courtesy Honest Buildings.
Được biết ngày 6/11/2014, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi thư cho bà Claire Pierangel, Phó đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam về việc phối hợp với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ hỗ trợ điều tra làm rõ thông tin về chuyện Công ty Bio-Rad Laboratories Inc của Mỹ bị cáo buộc giả mạo chứng từ, để che dấu các khoản thanh toán và đã trả 7,5 triệu USD tiền hối lộ cho các quan chức tại Việt Nam, Thái Lan và Nga. Bà Bộ trưởng Y tế Việt Nam đã dẫn thông tin báo chí trong ngoài nước, theo đó trong khoảng từ năm 2005 đến cuối 2009, Văn phòng Việt Nam của Bio-Rad đã thanh toán sai trái 2,2 triệu USD cho các đại lý và các nhà phân phối và họ đã chuyển tiếp tiền hoa hồng này cho quan chức chính phủ Việt Nam. Bộ Y tế đề nghị Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tại Hoa Kỳ hỗ trợ điều tra làm rõ thông tin để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm.
Trả lời Nam Nguyên, Tiến sĩ Bác sĩ Đinh Đức Long từ Saigon nói rằng,  vấn đề lại quả, hối lộ để giành hợp đồng này xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Những người trong ngành y như cá nhân ông, hàng ngày trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân và không tham gia quản lý nên không biết được những bí mật bên trong. Nếu có tham nhũng thì ở những người có chức có quyền tham gia quản lý, chữ ký của họ giá trị quyết định trong đấu thầu, tức là họ sẽ có cơ hội tham nhũng. Nhưng như Quốc hội nói tại sao 90% công trình đấu thầu chỉ riêng người Trung Quốc trúng thầu thôi, thì đây rõ ràng là không bình thường. Cần tăng chức năng giám sát của Quốc hội cũng như Ban Nội chính Trung ương về chuyện giám sát chống tham nhũng. Tiến sĩ Bác sĩ Đinh Đức Long nhấn mạnh:
“Tốt nhất là chúng ta chờ kết quả điều tra của Bộ Công an, hy vọng họ sẽ làm sáng tỏ việc này. Tất nhiên đây không phải là một trường hợp cá biệt mà nhiều vụ xảy ra rồi nhưng chỉ phát hiện nhờ nước ngoài, như vụ đường sắt vốn của Nhật từ nước ngoài phát hiện ra. Có lẽ đây là một cái đặc biệt chung của mô hình Đảng trị của đất nước chúng tôi, một đảng cầm quyền và hầu như không có đối trọng không có giám sát. Hậu quả thì chắc chắn đất nước và nhân dân phải chịu rồi, cái đó không cần tranh luận và muốn giảm bớt cái này thì chỉ có minh bạch thôi, minh bạch công khai.”

Khó kiểm soát?

Xin nhắc lại, báo chí Việt Nam đã dựa vào bản tin của báo San Jose Mercury News ở Bắc California và hãng tin AP Hoa Kỳ và đưa tin cặn kẽ về vụ bê bối Bio-Rad. Theo VnExpress và Tuổi Trẻ Online bản tin trên mạng ngày 5/11/2014,  Công ty thiết bị và nghiên cứu y tế Mỹ Bio-Rad trụ sở ở California chấp thuận nộp phạt 55 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc hình sự và dân sự về hành vi hối lộ quan chức chính phủ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thông tin này được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ công bố ngày 3/11/2014.
Quyền được cung cấp thông tin, tự do báo chí nếu được triển khai trong một thể chế như thế này và người dân có những quyền đó, thì đó cũng là những phương tiện rất tốt để bóc tách những người tham nhũng.
-LS Trần Quốc Thuận
Hồ sơ điều tra của SEC cho thấy từ 2005 đến cuối 2009 Bio-Rad mở một văn phòng đại diện tại Việt Nam. Giám đốc chi nhánh Việt Nam quản lý mọi hoạt động của văn phòng và thông qua hàng loạt hợp đồng, mỗi hợp đồng trị giá 100.000 USD thì chi tiền hoa hồng hối lộ là 20.000 USD tương đương 20%. Giám đốc này cảnh báo Bio-Rad sẽ mất 80% doanh số ở Việt Nam nếu không đưa hối lộ, mặc dù việc trả tiền cho bên thứ ba là vi phạm đạo đức kinh doanh của Bio-Rad. Viên chức này đề xuất giải pháp đưa hối lộ qua trung gian để tránh nguy cơ pháp lý. Theo đó Bio-Rad Singapore sẽ bán sản phẩm cho một nhà phân phối Việt Nam với mức giá ưu đãi. Nhà phân phối này sẽ bán sản phẩm lại cho các bệnh viện Việt Nam với giá gốc. Một phần tiền ưu đãi trong các hợp đồng của Bio-Rad là dành cho hối lộ. Nhờ các vụ hối lộ tổng trị giá 2,2 triệu USD trong thời gian 5 năm, Bio-Rad văn phòng Việt Nam đã đạt doanh số 23,7 triệu USD cho Bio-Rad Singapore. Văn phòng Bio-Rad Việt Nam che đậy hành vi hối lộ bằng cách khai các khoản tiền đút lót là tiền hoa hồng, phí quảng cáo và phí đào tạo.
Trở lại cuộc họp báo “bỏ túi” sáng 6/11/2014 của ông  Nguyễn Văn Tiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội tại hành lang Quốc hội, ông Tiên nhìn nhận ở các nước như Mỹ thì họ có cơ chế kiểm soát ngay từ các công ty, xem danh sách chi hoa hồng cho ai, trong trường hợp nào do đó cơ quan hữu trách mới phát hiện được. Còn ở Việt Nam cũng muốn kiểm soát nhưng rất khó.
Ông  Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội không giải thích tại sao kiểm soát để phát hiện hối lộ lại quá khó. Được biết Việt Nam theo chế độ một đảng toàn trị và đương nhiên không áp dụng thể chế tam quyền phân lập trong đó hành pháp, lập pháp, tư pháp độc lập với nhau và giám sát nhau.
Dầu vậy các bản Hiến pháp của Việt Nam kể cả Hiến pháp 2013 đều có qui định các quyền căn bản của công dân mà nếu có luật để thi hành thì cũng giúp sự giám sát có ý nghĩa hơn. LS Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Hà Nội nhận định:
“Vấn đề đặt ra ở đây là những luật những quyền, nhân quyền ở Chương II của Hiến pháp phải triển khai, nhưng mà triển khai rất chậm. Kể cả Luật biểu tình cũng nói đi nói lại mãi, quyền Lập hội cũng treo ở đó. Rồi quyền được cung cấp thông tin, tự do báo chí… Tất cả những quyền đó nếu được triển khai trong một thể chế như thế này và người dân có những quyền đó, thì đó cũng là những phương tiện rất tốt để bóc tách những người tham nhũng, tham ô ra khỏi bộ máy công quyền, thì người dân đỡ khổ hơn.”
Những người dân bình thường như nhà giáo Đỗ Việt Khoa nghĩ gì về việc người dân có những cơ chế để giám sát chính quyền thông qua quyền được tiếp cận thông tin hay tự do báo chí, một khi Hiến pháp được thực thi. Ông nói:
“Nói chung chúng tôi mong muốn quyền đầu tiên là tự do bầu cử trực tiếp quan chức, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình. Nhưng mà tôi không tin, không bao giờ tôi tin trong thời gian ngắn tới đây mà người ta lại cho dân mình được những quyền ấy. Những nước cộng sản trên thực tế chưa bao giờ cho phép người dân được những quyền tự do đó. Cho nên là không tin được, xin lỗi là không tin được người ta sẽ cho người dân những quyền ấy đâu.”
Trước vụ Bio-Rad hối lộ quan chức y tế Việt Nam, báo chí từng phanh phui những hoạt động mờ ám của lãnh vực nhập khẩu phân phối dược phẩm, vấn đề bác sĩ kê toa được hãng dược trả hoa hồng. Điều mà ông  Nguyễn Văn Tiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nói là một chuyện khá phổ biến và là một vấn đề lớn của ngành y tế.
Vụ phía Hoa Kỳ phát hiện công ty thiết bị và nghiên cứu y tế Bio-Rad hối lộ quan chức Việt Nam 2,2 triệu USD có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về quốc nạn tham nhũng của Việt Nam và nó cũng được xem là một lỗi hệ thống của chế độ toàn trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét