Vietnamthuquan
Phạm phong DinhTổng thống Ngô đình Diệm -(2.11.1963 – 2.11.2006)
Tôi tiến, hãy theo tôi;
tôi lùi, hãy bắn tôi;
tôi chết, hãy trả thù cho tôi.
Tôi không phải là thần thánh,
tôi chỉ là một người bình thường,
tôi chỉ biết thức khuya, dậy sớm làm việc,
một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc.
Ngô Đình Diệm
Đó là những lời tâm huyết, mà cũng là những lời
trối trăn đầy máu và lệ của một chiến sĩ quốc gia của : Tổng Thống Ngô
Đình Diệm, còn để lại cho những thế hệ đời sau, trước khi người từ giã
đồng bào đi về phía Cõi Vĩnh Hằng. Mỗi năm đến ngày 1.11 cái chết của
người vẫn như một vết thương còn nưng mũ, lại vỡ toác ra trong trái tim
ứa máu của mỗi chúng ta nỗi ngậm ngùi tiếc thương. Hình ảnh Tổng Thống
Diệm mặt đẫm đầy máu, vì bị bắn từ phía sau ót, hai tay bị trói quặt về
phía sau, nằm co người trong lòng chiếc thiết vận xa M113 oan nghiệt,
vẫn luôn là một cơn ác mộng chập chờn hiện về trong cõi ký ức của những
người còn nhớ đến ông, tri ân ông như là một anh hùng dân tộc, mà đã dẹp
tan loạn sứ quân Miền Nam sau lần chia cắt đất nước tháng 7.1954, trần
ai khổ ải giành lại độc lập cho đồng bào ông từ tay thực dân Pháp. Chỉ
với hai bàn tay trắng cùng một tấm lòng son sắt, ông đã tống khứ được
đạo quân viễn chinh 150,000 quân Pháp vĩnh viễn ra khỏi Việt Nam. Trên
hết tất cả, là một con người phi thường đứng mũi chịu sào ngăn chống hai
mặt trận lớn : sự kiêu ngạo ngu xuẩn của bạn đồng minh và sự hung hãn
khát máu của giặc cộng sản.
Tổng Thống Diệm có gì trong tay để đối đầu với
hai chiến trường nặng độ đó ? Ngay cả lực lượng bảo vệ trong những năm
đầu làm tổng thống của ông cũng không có, đến nỗi tổng thống Phi Luật
Tân Magsaysay phải gửi chuyên viên quân sự sang giúp thành lập và huấn
luyện Tiểu Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống hỗ trợ cho người bạn cô đơn của
mình. Một căn phòng làm việc nhỏ với một chiếc bàn gỗ cũ, vài cái ghế
nghèo nàn để tiếp khách, một chiếc phản không nệm cùng một chiếc mùng
nhỏ trong một căn phòng ngủ không có máy lạnh, chỉ có một chiếc quạt
trần. Còn gì nữa cho những giờ phút thư thả sau một ngày làm việc căng
thẳng. Trời ơi, chỉ có một gói thuốc lá đen hiệu Bastos rẻ tiền trong
chiếc túi áo vải đã sờn. Ăn uống thì kham khổ như một nhà tu, buổi sáng
chỉ là một tô hủ tiếu hay mì, buổi ăn chiều chỉ gồm có một dĩa cá kho và
một tô canh rau hay đậu. Thế còn những giấc ngủ hằng đêm đã được người
thu xếp như thế nào ? Người đi ngủ, thường thường lúc 1 giờ khuya và
thức dậy lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau, nghĩa là chỉ có 4 tiếng đồng hồ
chợp mắt, mà chưa hẳn ông đã được ngủ ngon trong bối cảnh một quốc gia
hãy còn quá nhiều công việc bề bộn, mà cái nào cũng hết sức cấp bách.
Kết quả của sự hy sinh và đức tính khiêm cung cần kiệm ấy ? Hàng ngàn
trường học, nhà thương trên khắp nẽo đường đất nước được xây dựng, hàng
ngàn đền miếu, chùa chiền, nhà thờ, thánh thất hân hoan vươn mình lên
phía trời xanh, hàng triệu mẫu ruộng phơi phới màu xanh của lúa, hàng
triệu đồng bào di cư từ Miền Bắc có công ăn việc làm và đang tiến đến
lằn ranh của sự giàu có thịnh vượng. Người đã xây dựng những quân trường
tối tân nhất Đông Nam Á để đào tạo nhân tài lãnh đạo và bảo vệ nước
Nam, nền kỹ nghệ được mở mang với những ống khói của hàng hàng lớp lớp
nhà máy cuồn cuộn những khối mây đen tỏa rộng lên không gian, vực dậy
sức sống của một đất nước nghèo nàn sau cơn chiến tranh.
Còn nhiều nữa những kỳ công của một con người
khiêm tốn tự nhận mình là bình thường không thể kể ra hết, để đem nước
Việt Nam Cộng Hòa ngẫng cao đầu trên trường thế giới, trở thành một quốc
gia hùng mạnh nhất Đông Nam Á thập niên 1950 – 1960. Tất cả những công
lao to lớn ấy đã rất hiếm khi được một nhà viết sử thế giới phương Tây
và Hoa Kỳ nào liệt kê ra để vinh danh Tổng Thống Diệm. Trái lại, những
kẻ gọi là những nhà viết sử vô tư và khách quan đó, đã tỉ mỉ dùng kính
khuếch đại rọi vào từng ngóc ngách khiếm khuyết của một chính quyền non
trẻ thiếu thốn nhân lực, kinh nghiệm và cực nghèo nàn, hả hê một cách
độc ác trưng lên từng trang sách những : “sự thật” về một chính thể “độc
tài”, một chính quyền “tham nhũng”, một bộ máy “thối nát”, để che dấu
và biện minh cho sự bất lực, hèn nhát, ngu dốt, đểu cáng, sát nhân và
cuối cùng là sự tháo chạy của một cường quốc kiêu ngạo.
Tất cả những sự thất bại trên đất nước Việt Nam
đều được tàn nhẫn trút lên đầu quân và dân Việt Nam Cộng Hòa, biểu lộ
cái hèn của một gã người lớn ăn trộm bị bắt quả tang nhưng cãi chầy cãi
cối đổ tội cho một đứa trẻ đói khát đang đứng ngơ ngác bên đường. Đó là
cung cách viết sử của thế giới phương Tây và Hoa Kỳ, ngoại trừ một vài
tiếng vang vọng lương tâm của những tác phẩm và con người còn biết tôn
trọng lẽ phải cùng sự thật, nhưng hãy còn quá ít. Đối với bạn thì độc ác
như thế, còn đối với thù thì sao ? Để biện minh cho sự thất bại của
mình, những nhà viết sử Pháp và Mỹ đã phải cực lực nâng đối thủ lên hàng
siêu đẳng và huyền thoại. Rằng tướng A, tướng B đó chúng nó quá giỏi,
rằng ông già râu đó là một trong 100 khuôn mặt lớn của thế giới, chúng
tôi thua là phải, cái thua của chúng tôi là vô cùng… xứng đáng ! Nhưng
họ không hề bao giờ viết lại cho hậu thế cùng biết rằng, gã râu xồm ấy,
cũng những tướng A, tướng B đó của kẻ thù, đã từng nhiều lần là bại
tướng nhục nhã dưới tay những tướng C, tướng D của một đất nước có tên
là Việt Nam Cộng Hòa và một quân đội có tên là Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa. Những cuốn sử đầy thành kiến và thiên lệch đó vẽ ra hình ảnh một
ông vua ngồi ngất ngưởng trên ngai vàng, thỏa mãn với sự tung hô cúc
cung tận tụy của bọn nịnh thần vô lại, phẩy tay một cái là bắt nhốt
người này, bỏ tù người kia. Nhưng trong thực tế, Tổng Thống Diệm là một
con người siêng năng, ông thường ít ngồi trong văn phòng làm việc, mà
rất thường xuyên đi thăm hỏi dân tình trên khắp nẽo đường đất nước. Rất
hiếm một cuốn sách nào kể lại sự việc người thanh niên tên Hà Văn Trí đã
dùng súng ám sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khi ông lên kinh lý Ban Mê
Thuột trong nâm 1961. Thật may mắn, viên đạn chỉ bắn bị thương một vị bộ
trưởng tháp tùng. Với cái tội tầy trời đó, anh Trí chỉ phải ngồi tù có 2
năm rồi được phóng thích. Chúng ta thách các nhà viết sử Mỹ nào tìm
được một sự kiện tương tự với một bản án khá hơn ở bất cứ quốc gia nào.
Hay ít cuốn sách nào tiết lộ việc Tổng Thống Diệm dùng ngân quỹ nghèo
nàn của quốc gia, hoan hỉ giúp xây dựng nên những ngôi chùa bề thế, uy
nghi Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm, Ấn Quang, Viện Hóa Đạo, thánh thất Cao Đài,
v.v.. từ năm 1956 trở đi.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm sinh ngày 3.1.1901 ở
làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là người con thứ ba
trong một gia đình qúi tộc nề nếp, nhiều đời làm quan trong triều đình
nhà Nguyễn, và trong giòng họ theo đạo Công giáo từ đầu thế kỷ thứ 17.
Ông có hai người anh là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thục, các em trai là
Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện và hai em gái. Không ít người
mang họ Ngô đã là những thánh tử đạo trong những cuộc bách hại người
theo đạo Kitô của triều đình nhà Nguyễn, nhất là dưới thời vua Minh
Mạng. Theo tài liệu của các sử gia Mỹ, ông James S. Olson và Randy
Roberts trong quyển Where The Domino Fell, thì giòng họ Ngô là
hậu duệ của Ngô Quyền, người anh hùng Nước Nam đã kiêu dũng giành lại
được nền độc lập cho dân tộc Việt Nam năm 939 từ xâm lược Bắc phương. Có
phải chăng giòng máu anh hùng ấy sau một ngàn năm chảy luân lưu trong
nhiều thế hệ, định mệnh đã chọn cậu bé Ngô Đình Diệm tiếp nối con đường
dựng nước và giữ nước của cha ông, là giành lại độc lập từ xâm lược Bắc
phương và Tây phương. Một công việc cao cả nhưng nặng oằn như núi Thái
Sơn chất chồng trên vai, đòi hỏi con người ấy phải là một con người kiệt
xuất có ý chí bằng thép và trái tim yêu nước nồng nàn.
Thân phụ của ông Ngô Đình Diệm là cụ Ngô Đình
Khả, làm quan triều vua Thành Thái (1889 – 1907). Trong những năm 1880,
cụ Khả được gia đình gởi sang Mã Lai Á học làm linh mục. Nhưng ở quê nhà
đã xảy ra một cuộc náo loạn bách hại người Công giáo của những người
theo đạo giáo khác, gia đình cụ Khả gần như bị tuyệt diệt. Được tin
chẳng lành cụ Khả bỏ học trở về Việt Nam, để chỉ ngậm ngùi đau xót trước
cái chết bi thảm của ông bà, cha mẹ, anh chị em, chú bác cùng thân
nhân. Là một thanh niên có học thức, nói tiếng Pháp lưu loát, nên chẳng
mấy chốc mà cụ Khả đã rất thành công trong chốn quan trường, dần dần
được thăng lên đến chức Phụ Chính Đại Thần trong triều đình Huế. Người
vợ lớn cụ Khả mất sớm, bà cụ Khả là người vợ sau sinh cho ông chín người
con, trong đó có bảy trai. Cụ Khả đã khẳng khái phản đối thực dân Pháp
bắt vua Thành Thái đi đày ở đảo Reunion, sau sự thất bại của cuộc binh
biến Thành Mang Cá Huế năm 1885, và đã cởi áo từ quan. Để ngợi ca hành
động trung quân ấy, trong dân gian truyền tụng câu vè Đày Vua Không Khả, Đào Mả Không Bài.
Thượng Thư Bộ Lại, ông Nguyễn Hữu Bài, bạn đồng liêu thân thiết với cụ
Khả và gia đình nhà Ngô cũng đã đi vào lịch sử với hành động phản kháng
thực dân Pháp hỗn láo muốn xúc phạm đến lăng tẫm nhà Nguyễn.
Lớn lên trong một gia đình thuần thành, ngoan
đạo dựa trên nền tảng đức tin tuyệt đối cùng hạnh bác ái vị tha, được cụ
thân sinh hun túc cho một nền học vấn dựïa trên những nguyên tắc sĩ khí
của Khổng giáo, Tam Cương, Ngũ Thường, Trung Quân và Ái Quốc, cậu bé
Ngô Đình Diệm đã sớm tỏ ra là một nhân vật lạ thường so với những đứa
trẻ cùng hạng tuổi. Trong lúc bọn trẻ tụ tập chơi đùa ngoài đường phố,
thì cậu bé Diệm chỉ mải mê với sách vở, bởi cậu muốn khám phá thế giới
kỳ diệu của văn chương, triết học và tôn giáo. Tuy sinh trưởng trong một
gia đình quyền quý, nhưng người trai trẻ Ngô Đình Diệm luôn yêu mến
giới cần lao chân lấm tay bùn. Có nhiều dịp gần gũi với lớp người này,
trong đầu cậu bé đã hình thành một khái niệm về nỗi khỗ của giới cần lao
và cái nhục của những người mất nước :Làm sao nâng đỡ họ, tạo cho họ một đời sống xứng đáng, tự do hơn.
Đó là cái nền tảng thúc đẩy cậu bé Diệm trở thành một con người dấn
thân làm cách mạng tranh đấu giành độc lập cho xứ sở, kiến tạo một xã
hội thịnh vượng cho dân tộc của cậu.
Đến tuổi đi học, cậu Diệm được cụ Khả cho vào
Trường Quốc Học Huế. Trong thời gian này, cậu học trò nhỏ ấy có dịp quen
biết với một ngươi học trò lớn hơn cậu đến mười tuổi, là cậu Nguyễn
Sinh Cung, sau này đã đổi tên thành Hồ Chí Minh. Định mệnh đã khiến xui
hai đối thủ chính trị gặp gỡ sớm, người này biết rõ cá tính người kia và
cùng kính trọng lẫn nhau, dẫu quan niệm và phương cách đấu tranh khác
biệt. Là một con người ngỗ ngáo, quỉ quyệt và hung tợn, Hồ đã từng giết
anh cả ông Diệm là Ngô Đình Khôi, sát hại Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo
Hòa Hảo, nhiều chí sĩ khác như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, điềm chỉ cụ
Phan Bội Châu cho Pháp bắt. Nhưng khi ông Diệm bị quân Việt Minh bắt
giao nộp cho Hồ trong năm 1946, thì Hồ đã không dám sát hại ông, chỉ
giam lỏng. Thật may mắn, ông Diệm đã tìm cách trốn thoát được. Hồ Chí
Minh không làm gì được ông Diệm, vì hắn vừa mới ký xong Hiệp Định Sơ Bộ
ngày 6.3.1946, trong đó có điều khoản bảo vệ người quốc gia do phía Pháp
đưa ra. Chẳng những thế mà vài thập niên sau, nhận thấy mình thua kém
xa người bạn trường cũ về đạo đức, tác phong, cuộc sống thánh thiện
không chút tì vết, Hồ đã viết sách “Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện” ca ngợi
nâng bi lấy bản thân với bút hiệu Trần Dân Tiên, cho bọn văn nô đàn em
thổi phồng Hồ lên ngang tầm với ông Diệm về mọi mặt. Ông Diệm sống cuộc
đời độc thân, thì Hồ cũng xê li ba te (celibataire, không có vợ) hách xì
xằng như ai. Ông Diệm hút thuốc Bastos, thì Hồ cũng ti toe hút thuốc
thơm đầu lọc, có lẽ hút thuốc lá đen khét quá chịu không thấu. Cụ Diệm
sống trong một căn phòng nhỏ đơn sơ, thì Hồ cũng cho thợ mộc cất cho Hồ
một căn nhà toàn gỗ quý chở từ miền rừng thượng du về, chứ không chịu ở
trong dinh Toàn Quyền cũ.
Năm 15 tuổi cậu Diệm có ý định theo ngành linh
mục, nhưng ông anh là Ngô Đình Thục đã khuyên ngăn cậu, rằng cậu không
thích hợp với công việc này, ông nhìn thấy trước một cái gì đó lớn lao
cao cả hơn ngoài trần thế đang chờ đợi cậu em. Con người thích hợp với
việc đạo, chăn dắt con chiên chính là ông Thục, chứ không ai khác trong
gia đình. Cậu Diệm nghe lời anh, nhưng thề hiến dâng linh hồn cho Chúa
Trời, bằng cách nguyện sống đời độc thân vĩnh viễn. Năm 16 tuổi cậu Diệm
tốt nghiệp Cao Đẳng Tiểu Học (tương đương bằng Trung Hoc Đệ Nhất Cấp)
và trúng tuyển vào Trường Hậu Bổ Quốc Gia Huế (tương tự Cao Đẳng Quốc
Gia Hành Chánh sau này). Khi nghe tin chàng thanh niên Ngô Đình Diệm
đang học trong trường nhà nước, Hồ ở Pháp xốn xang sốt ruột quá, bèn gởi
đơn xin triều đình Pháp cho Hồ vào trường Thuộc Địa Pháp, nhưng không
được chấp thuận. Người Pháp đã bỏ lỡ một cơ hội đào tạo một loại hàng
thần mẫn cán như Hoàng Cao Khải, Trương Quang Ngọc, Huỳnh Công Tấn, lẽ
ra đã có thể tránh được trận Điện Biên Phủ năm 1954, nếu Hồ đã nghiễm
nhiên trở thành công bộc cúc cung phục vụ quyền lợi mẫu quốc Pháp.
Nhưng với chàng thanh niên trẻ Ngô Đình Diệm
thì không, người không đời nào chịu lòn cúi thực dân Pháp, dù cho chúng
có đem danh lợi và quyền lực làm mồi nhữ. Sau khi ra trường, chỉ mới hai
mươi tuổi, chàng đã được bổ làm Tri Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị,
thăng Tri Phủ năm 1932, rồi Tuần Vũ Bình Thuận. Người Pháp bắt đầu chú ý
đến cái tên Ngô Đình Diệm, khi trong năm 1929, ông đã phá tan được một
âm mưu khởi loạn của cộng sản. Năm 1933, chỉ mới có 32 tuổi, ông Diệm đã
được vua Bảo Đại (1925 – 1945) tín nhiệm cất nhắc lên làm Thượng Thư Bộ
Lại, một chức vụ tương đương Thủ Tướng sau này, kiêm Chủ Tịch Hội Đồng
Thanh Tra, đặc cách toàn quyền thanh trừng bọn tham quan ô lại nhũng
nhiễu dân chúng. Với mối liên hệ này, hai mươi năm sau, trong cương vị
Quốc Trưởng, ông Bảo Đại vẫn tín nhiệm ông Diệm trong chức vụ Thủ Tướng
của một nước Việt Nam độc lập sau Hiệp Định Geneva (tiếng Pháp là
Genève) ký hiệu lực ngày 20.7.1954. Đến đây, với chức Thượng Thư Bộ Lại,
nếu ở vị trí những con người khác thì đã lên đến tột đỉnh công danh
rồi, nhưng cái bả vinh hoa phù phiếm ấy không làm cho người xao nhãng
một chút nào cái nhục vong quốc. Người lấy chức vụ của mình làm phương
tiện cho công cuộc cách mạng. Với dân, vị thượng thư trẻ luôn luôn đi
sát họ, tìm hiểu để cảm thông nguyện vọng và nỗi cơ khổ của từng lớp
người để tìm biện pháp che chở và đem lại quyền lợi cho họ. Bởi thế,
người dân Bình Thuận đã dựng bia kỷ niệm để tri ân công đức vị Tuần Vũ
họ Ngô, như đã tôn thờ các vị thần hay những anh hùng cứu quốc khác.
Với thực dân Pháp, trườc chính sách ngu dân của
chúng, vị thượng thư trẻ tích cực đề nghị nhiều cải tổ như tổ chức Viện
Dân Biểu, để người hiền tài trong quần chúng có thể tham gia vào chính
quyền, lập hiến pháp để mở đường giải thoát đất nước, yêu cầu nhà nước
Pháp giảm sưu thuế. Dĩ nhiên những đề nghị táo bạo ấy đều bị người Pháp
gạt bỏ. Nhận thấy người Pháp không thực tâm trao trả độc lập cho người
Việt Nam, vua Bảo Đại cô đơn và bất lực không xoay chuyển được tình thế,
ông Diệm cởi áo từ quan, như là một hình thức phản đối và cảnh cáo
người Pháp biết rằng, một nhà nho nặng lòng với quốc gia như ông, không
bao giờ có thể chịu nhục vào lòn ra cúi người Pháp. Ra đi không có nghĩa
là bỏ cuộc, mà có một ngày ông sẽ trở lại trong tư thế đối đầu trực
tiếp với người Pháp.
Nuôi chí phục quốc đánh đuổi người Pháp, trở về
Huế, người chí sĩ trẻ tuổi ấy sống một cuộc đời thanh bạch. Ông luôn
tìm mọi cơ hội tiếp xúc với những nhà chí sĩ yêu nước khác như cụ Huỳnh
Thúc Kháng, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, cụ Phan Bội Châu,… để trao đổi chính
kiến và cùng tìm một con đường ngắn nhất giải phóng đất nước. Nhận thấy
ông Diệm là một con người cách mạng nguy hiểm, là kẻ thù lợi hại, người
Pháp từ năm 1944 đã có những kế hoạch bắt giữ ông. Toàn quyền Decoux
lệnh cho mật thám vây bắt ông Diệm, cuộc săn đuổi ráo riết diễn ra trên
những vùng đất từ Thanh Hóa, Nghệ An kéo dài vào đến Quảng Nam, Quảng
Ngãi. Có điều trớ trêu là, ông Diệm không rơi vào tay quân Pháp mà lại
sa vào nhà tù của Việt Minh tháng 2.1946. Ông được đưa đến gặp Hồ Chí
Minh, lúc này đã là chủ tịch kháng chiến. Hồ ngọt mật khuyến dụ nhà chí
sĩ tham gia chính quyền và nhận chức Bộ Trưởng Nội Vụ, đồng thời chìa
bản văn Hiệp Định Sơ Bộ dự định ký với triều đình Pháp để hợp thức hóa
cho quân Pháp trở lại Đông Dương. Dĩ nhiên ông Diệm đủ tài ba và thông
minh để không lọt vào cái bẫy của Hồ. Hồ chỉ muốn lợi dụng uy tín của
ông Diệm để cùng chia sẻ trách nhiệm trước lịch sử sau này, về cái tội
rước Pháp trở lại Việt Nam. Mối thù giết người anh cả vẫn còn canh cánh
bên lòng, ông Diệm đã từng thề rằng trong cuộc đời mình, ông không bao
giờ tha thứ và hợp tác với hai kẻ thù : cộng sản và thực dân Pháp. Năm
1945, Việt Minh đã chôn sống quan tuần phủ Quảng Ngãi Ngô Đình Khôi và
người con trai của ông, vì cái “tội” tuyên bố chống cộng đến kỳ cùng.
Chiến tranh Việt – Pháp lan rộng, trong toan
tính lợi dụng lực lượng người quốc gia làm vây cánh đánh Việt Minh, Cao
Ủy Pháp D’Argenlieu một mặt hứa… cụi với vua Bảo Đại sẽ trao trả độc lập
cho Việt Nam, một mặt tìm cách tiếp xúc với ông Ngô Đình Diệm, khẩn
khoản mời ông nhận lập chính phủ, nhưng người đã thẳng thắn bác bỏ, vì
nhận ra sự giả dối và đểu cáng của Pháp. Người ta đã đếm ra được rằng,
từ 1946 đến 1954, người Pháp đã hứa và trao trả độc đập giả vờ cho người
Việt Nam không dưới, trời đất, hai chục lần. Mùa thu năm 1949, nhà chí
sĩ họ Ngô quyết định ra đi thật xa, xuất dương đến những vùng đất khác
của thế giới để quan sát sinh hoạt chính trị ở những nơi đó, đồng thời
tìm mọi cơ hội tỏ bày nguyện vọng tự do và độc lập thật sự của dân tộc
Việt Nam. Ông đã lần lượt đặt chân đến những nước Phi Luật Tân, Nhật,
Hoa Kỳ, Canada, Bỉ, Thụy Sĩ,… Nhà chí sĩ đã ngụ cư ở Hoa Kỳ trong khoảng
thời gian 3 năm tại tu viện Marykholl, Lakewood, tiểu bang New Jersey.
Trong thời gian khói lửa ngút trời ở Việt Nam, người Mỹ đã giúp người
Pháp đánh Việt Minh, song song với việc tìm kiếm một người quốc gia chân
chính, chống cộng, có khả năng lãnh đạo và đem đến sự ổn định cho nước
Việt Nam độc lập.
Ông Diệm thường được nhớ đến như là một chí sĩ,
một tổng thống xuất sắc, một nhà nho đầy hào khí, nhưng có một khía
cạnh văn chương độc đáo của ông mà hiếm người còn nhớ. Thời đó, nhiều
nhà nho Việt Nam làm cách mạng chống Pháp như Phan Bội Châu, Phan Chu
Trinh đều có để lại cho đời sau những bài thơ biểu lộ ý chí đấu tranh
phục quốc, chí sĩ Ngô Đình Diệm cũng có lúc cảm khái sáng tác một bài
thơ dạng khẩu khí như sau trong thời gian bước chân ông ghi dấu trên
những nẽo đường thế giới :
Nỗi lòng
Gươm đàn nửa gánh quẩy sang sông
Hỏi bến : thuyền không lái cũng không !
Hỏi bến : thuyền không lái cũng không !
Xe muối nặng nề thân vó Ký
Đường mây rộng rãi tiếc chim Hồng
Vá trời lấp biển người đâu tá ?
Bán lợi mua danh chợ vẫn đông !
Lần lữa nắng mưa theo cuộc thế
Cắm sào đợi khách thuở nào trong ?
Ngô Đình Diệm, 1953
Bài thơ biểu lộ tâm trạng của một người anh
hùng đang bôn ba tìm con đường giải phóng dân tộc, chí cả là gươm, thao
lược là đàn, con sông rộng ngăn cách là cuộc đấu tranh gian khổ. Trong
lúc đất nước ngửa nghiêng, mà người anh hùng ấy vẫn còn bị chôn vùi
trong bóng tối, như loài ngựa Ký chỉ được sử dụng để kéo xe muối, thay
vì sãi vó tung hoành bốn phương, như loài chim Hồng Hộc có đôi cánh cứmg
mạnh có thể bay vút lên cõi trời cao bao la, nhưng vẫn ngậm ngùi xếp
cánh.
Chẳng mấy chốc mà tư cách đạo đức của một con
chiên ngoan đạo, tác phong đĩnh đạc của một nhà nho Á Đông, ý chí kiên
quyết của một nhà cách mạng và khí tượng dị thường của một con người
kiệt liệt, đã được những nhân vật có thế lực nhất thời ấy ở nước Mỹ chú ý
như các Thượng Nghị Sĩ John F. Kennedy, Mike Mansfield, Lyndon Johnson,
Hubert Humphrey, giáo sư chính trị học Wesley Fishel, Hồng Y Richard
Spellman, chủ tịch tối cao pháp viện William Douglas. Những cái tên này
rồi đây sẽ là một cái hạt nhân thúc đẩy việc ủng hộ chí sĩ Ngô Đình Diệm
về nước lèo lái Việt Nam và đồng bào ông. Đến như Charles Degaulle, con
người từng bôn ba xứ ngưới tìm cách phục quốc như ông Diệm, dù ở tư thế
đối đầu chính kiến với ông, cũng đã thành thật ca ngợi ông Diệm là một
Winston Churchill của Á Đông.
Người Mỹ nhận thấy đã đến lúc họ nên có một vai
trò tích cực tại vùng Đông Nam Á để thay thế một nước Pháp đã tàn lụi
dần trong cuộc chiến tranh Đông Dương và ở những thuộc địa Trung Đông,
Phi châu, nên họ chẳng còn thiết tha đến việc giúp người Pháp đạt được
chiến thắng ở Điện Biện Phủ. Người Pháp phải ra đi để nhường sân khấu
chính trị lại cho người Mỹ. Không nhận được viện trợ đầy đủ của Hoa Kỳ,
quân Pháp đành cam chiến bại tại chiến trường này, đánh dấu chấm hết một
thế kỷ đô hộ Việt Nam, bằng Hiệp Định Đình Chiến Geneva có hiệu lực từ
ngày 20.7.1954, trong đó quy định những điều khoản quan trọng:
1./ Nước Việt Nam tạm thời phân đôi ở vĩ tuyến thứ 17, lấy sông Bến Hải làm ranh giới.
2./ Trong năm 1956 sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do giữa hai miền dưới sự giám sát của quốc tế.
3./ Trong vòng 300 ngày, dân chúng và quân đội hai miền Bắc – Nam được tự do chọn lựa vùng đất sinh sống.
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh cộng sản và
Pháp đang đi dần đến giai đoạn quyết định, vua Bảo Đại được sự hứa hẹn
của người Pháp về một nền độc lập thật sự cho Việt Nam, với điều kiện
vẫn phải ở trong Khối Liên Hiệp Pháp, đã nghĩ đến việc mời một người bạn
cũ có đầy đủ mọi tiêu chuẩn của một nhà lãnh đạo tài ba ra lập chính
phủ, là ông Ngô Đình Diệm. Người Pháp không mặn mà với ý tưởng ấy, nhưng
buộc phải nhượng bộ vua Bảo Đại, vì người Mỹ đã tỏ rõ ý định ủng hộ ông
Diệm. Trong thời điểm hỗn mang u ám đó, dân chúng cũng không còn tin
tưởng vào một nhân vật nào nữa, khi mà nhiều chính phủ thân Pháp, thân
Nhật đều ngã đổ nhanh chóng, từ học giả Trần Trọng Kim đến Nguyễn Văn
Xuân. Với lòng yêu nước và trái tim quả cảm, chí sĩ Ngô Đình Diệm bằng
lòng đứng ra lèo lái con thuyền quốc gia. Giờ đây con ngựa Ký đã có thể
cất vó, con chim Hồng đã có thể tung cánh làm chuyện lấp biển vá trời.
Ngày 7.7.1954, sau khi từ nước Mỹ trở về Việt Nam, với chức vụ Thủ Tướng
do vua Bảo Đại bổ nhiệm, ông Diệm chính thức trình diện trước quốc dân
đồng bào bản thân ông và thành phần nội các gồm 15 vị bộ trưởng. Công
việc đầu tiên của người thủ tướng trẻ là lệnh cho Ngoại Trưởng Trần Văn
Đỗ không đặt viết ký bất kỳ văn kiện nào trong nghị hội Geneva, để không
bị ràng buộc bất cứ điều gì với cộng sản và Pháp. Tuy nhiên sau khi
Hiệp Định đã được ký rồi, thì chính phủ Ngô Đình Diệm, dưới sức ép của
Hoa Kỳ, đã công nhận một số điều khoản, như cho phép bộ đội Việt Minh ở
Miền Nam được tập kết ra Bắc và nhận vào Nam vô giới hạn đồng bào Miền
Bắc muốn sinh sống tại miền tự do. Kết quả, có 800 ngàn người dân Miền
Bắc đã được tàu biển và máy bay của Pháp, Mỹ vận chuyển vào Nam cùng với
300 ngàn binh sĩ và gia đình thuộc Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.
Chỉ mới nhận nhiệm sở có vỏn vẹn 13 ngày, Thủ
Tướng Diệm cùng các cộng sự của ông đã xăn tay áo bắt tay ngay vào việc
tổ chức tiếp đón và định cư đồng bào Miền Bắc, với sự giúp đỡ của Hoa
Kỳ. Đến đây thì người Pháp và người Mỹ mới có thể nhận thức được tài
năng của ông Diệm và anh em của ông. Cùng với 15 cộng sự viên, ngân khố
trống rỗng, nhân lực thiếu thốn trầm trọng, quân đội thất tán, lòng
người còn ngơ ngác hoang mang, không hiểu bằng cách nào mà Thủ Tướng
Diệm có thể tổ chức được một guồng máy khổng lồ và hữu hiệu đón nhận
trong vòng 10 tháng một khối lượng người đông đảo tới một triệu. Chính
quyền đã phân phối thuốc men thực phẩm, phân định khu vực cư trú tạm
thời hoặc vĩnh viễn cho đồng bào di cư, cùng vô số những công tác không
tên khác. Bộ Tổng Tham Mưu điều động 300 ngàn binh sĩ trấn đóng khắp các
quân khu bảo vệ làng thôn, song song với việc gấp rút tiếp thu những
vùng Việt Minh đã rút đi về Bắc, v.v.. Nào phải có những công việc đón
nhận và định cư ấy đâu, với đồng bào Miền Nam, chính phủ ông Diệm soạn
thảo những kế hoạch phục hồi, tái thiết, phát triễn kỹ nghệ, chấn hưng
nông nghiệp, khuyến khích và tài trợ đồng bào Miền Trung vào Nam khẩn
hoang lập ấp, đẩy mạnh công tác cưỡng bách giáo dục cấp tiểu học và
trung học trong hạng tuổi từ 6 đến 14, xây dựng thêm đại học tại Sài gòn
và Huế, hỗ trợ đại học Chính Trị Kinh Doanh tại Đà Lạt. Xuất thân từ
Trường Hành Chánh, Thủ Tướng Diệm luôn mang mển trong lòng hoài bão gầy
dựng một thế hệ viên chức tài năng, mẫn cán và liêm khiết như ông, nên
ông đã đích thân thúc đẩy việc thành lập Trường Quốc Gia Hành Chánh để
cung cấp cán bộ lãnh đạo đến tận cấp quận. Đất nước vẫn còn đang trong
hiểm họa của một cuộc chiến tranh chống cộng tiềm tàng, ông Diệm đã nghĩ
đến việc gởi các sinh viên Quốc Gia Hành Chánh theo học những khóa quân
sự tại các quân trường lớn, để họ trở thành những hào kiệt văn võ song
toàn.
Văn ôn thì cũng phải có võ luyện. Để có một
quân đội mạnh và nhiều cấp chỉ huy giỏi giữ gìn bờ cõi, trấn thủ biên
cương, bình định tặc khấu, tiểu trừ thổ phỉ, sau khi đã được quốc dân
bầu làm tổng thống ngày 23.10.1956, ông Diệm đã lên Đà Lạt đặt viên đá
xây dựng Trường Võ Bị Quốc Gia, với kỳ vọng đào tạo cho đất nước những
cấp chỉ huy và lãnh đạo trẻ đầy tài năng, mà có thể cùng quân đội đương
đầu với một cuộc xâm lấn từ phương Bắc. Ông Diệm cũng chú trọng đến việc
phát triễn Trường Bộ Binh Thủ Đức, Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, các
Trường Hải Quân, Không Quân, để trong một thời gian ngắn, cái xương sống
vững chắc của toàn quân đội Việt Nam Cộng Hòa đuợc hình thành. Từ tận
đáy lòng, Tổng Thống Diệm luôn tri ân những người lính đã hy sinh trên
chiến trường, hay còn đang anh dũng chiến đấu dưới Lá Cờ Vàng Đại Nghĩa,
ông đã cho thành lập Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu nuôi nấng và giáo
dục con em binh sĩ quốc gia được thành người hữu dụng cho xã hội và cán
bộ tài năng cho quân đội. Hoa Kỳ không có ngân khoản viện trợ cho Trường
Thiếu Sinh Quân, chính phủ đã trích từ ngân khoản quân đội tài trợ cho
hoạt động của trường. Đi xa hơn nữa, luôn luôn khoắc khoải ưu tư số phận
của những con côi và góa phụ của tử sĩ , Tổng Thống Diệm suy nghĩ tìm
cách nâng đỡ tinh thần và vật chất cho họ, bằng cách cho xây cất hầu hết
trên toàn quốc những Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, con em chiến sĩ trận
vong được vào học miễn phí, các học sinh xuất sắc được cấp học bỗng du
học ngoại quốc.
Với nhân lực bổ sung từ Miền Bắc gần một triệu
người và với dân số 14 triiệu, trong đó 90% sống bằng nông nghiệp, chính
phủ Ngô Đình Diệm đã có chương trình cấp phát ruộng đất cho nông dân,
nên trong vòng vài năm sản lượng lúa đã lên đến nhiều chục triệu tấn.
Sau một thập niên chiến tranh từ 1945 – 1955, nước Việt Nam Cộng Hòa
dưới thời chính phủ ông Diệm đã có thể bắt đầu xuất cảng nhiều triệu tấn
gạo để lấy ngoại tệ. Công cuộc phát triễn kỹ nghệ, thương mại cũng được
phát triễn mạnh mẽ, những mặt hàng nội hóa đã dần dần có thể cung ứng
đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Người Việt Nam không có tư tưởng
chuộng hàng ngoại quốc, vì phẩm chất hàng nội địa rất cao. Từ một nước
nghèo nàn, lạc hậu, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Tổng Thống Diệm đã đưa
Việt Nam lên hàng cường quốc Đông Nam Á, trước sự ngạc nhiên cùng cực
của người Mỹ và sự kính nể của các nước Á châu, nhất là những lân bang
như Lào, Miên, Thái, Phi. Nước Phi có giải thưởng Tổng Thống Magsaysay
dành trao tặng cho những vị nguyên thủ quốc gia tài năng của châu Á, năm
1960 đã tặng giải này cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng
Hòa, bởi những thành tích sáng chói mà ông cùng chính phủ của ông đã tạo
được. Tổng Thống Diệm đã làm một nghĩa cử cao đẹp, khi ông hiến tặng số
tiền thưởng 15 ngàn mỹ kim cho ngân quỹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma cứu giúp
người Tây Tạng vượt biên sang cư ngụ tại Ấn Độ. Người ta vẫn thường
nhầm lẫn cho rằng Tổng Thống Diệm bênh vực và giành nhiều ưu tiên cho
Công giáo Việt Nam, nhưng trong thực tế thì người đã từng mạnh mẽ bác bỏ
nhiều yêu sách quá đáng từ giới này, một số linh mục đã rất buồn phiền
thất vọng.
Tổng Thống Mỹ Eisenhower vốn không mấy tin
tưởng và mặn mà với Tổng Thống Diệm, nhưng trước những thành quả hiển
nhiên đó, ông đã phải cân nhắc lại cách suy nghĩ của mình. Chỉ với không
quá 400 triệu mỹ kim viện trợ kinh tế hàng năm, một con số khiêm tốn
nếu so với hàng tỉ mỹ kim của chương trình Marshall tái thiết Đức và
Nhật, hai nước này phải cần đến 20 năm để vươn lên, thì thành quả công
việc của chính phủ Ngô Đình Diệm trong chín năm (1954 – 1963) phải nói
là kỳ diệu, nhưng rất ít được các sử gia Tây phương chú ý. Vừa phải
đương đầu với cuộc xâm lăng của đại khối cộng sản quốc tế do Nga, Hoa
dẫn đầu với đạo quân tiền phong là binh đội Bắc Việt, chính quyền Việt
Nam Cộng Hòa vừa phải cố gắng phát triễn nền kinh tế đất nước. Trong lúc
Việt Nam Cộng Hòa nỗ lực ngăn chống đạo âm binh cộng sản, thì những
nước láng giềng như Thái, Mã Lai, Phi, Nam Dương, Đại Hàn, Nhật Bản được
thảnh thơi nhàn nhã tập trung tài nguyên, vật lực kiến tạo đất nước trở
thành những con rồng, con hổ Á châu. Đặc biệt, Nhật Bản là nước được
hưởng lợi rất nhiều và phất lên như diều gặp gió từ cuộc chiến tranh
Việt Nam hai mươi năm, nhưng là nước nhận người Việt tị nạn ít nhất.
Hành động hiếp đáp, giết chóc, hãm hiếp, xua đuổi của quân đội và viên
chức các nước Thái, Mã, Phi, Nam Dương nhắm vào người Việt tị nạn là
hành động bội bạc với dân tộc nước ân nhân của họ. Chính dân tộc những
nước ấy phải tri ân dân tộc Việt Nam đã đổ máu xương làm bức tường thành
ngăn chống làn sóng cộng sản.
Ngày nay, trong thập niên đầu của thế kỷ thứ
21, không còn bức tường thép Việt Nam Cộng Hòa nữa, các nước Đông Nam Á
đã xun xoe, bợ đỡ cộng sản Việt Nam để mong chúng cho được yên thân. Các
chính quyền Mã Lai, Nam Dương khiếp sợ Việt cộng, đã cho đập bỏ những
bia tưởng niệm thuyền nhân trên những đảo xưa. Nhưng thí dụ rõ nét nhất
là việc tư pháp Thái Lan trong tháng 9.2006 vừa qua, bất chấp đạo lý và
công lý, đã chịu khuất nhục, khom lưng tuân lệnh cộng sản Hà Nội cho dẫn
độ anh hùng Lý Tống về Việt Nam thụ án. Không còn Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa, trước sức ép kinh khủng của Trung Cộng, cái gọi là Quân Đội
Nhân Dân của Hà Nội đã run sợ mất mật, chịu cúi đầu quy phục làm bọn
hàng thần lơ láo cho kẻ thù Bắc phương. Mao Trạch Đông, Chủ Tịch Trung
Cộng bấy giờ có lần tìm cách liên lạc với Việt Nam Cộng Hòa đề nghị hai
bên thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ, nhưng Tổng Thống Diệm đã
thẳng thắn từ chối.
Có ít nhất ba nhân vật quan trọng Hoa Kỳ đóng
góp vào sự hưng thịnh của nước Việt Nam Cộng Hòa non trẻ trong những năm
đầu thập niên 1950. Thứ nhất, Trung Tướng O’ Daniel, Tư Lệnh Phái Bộ
Quân Viện Hoa Kỳ tại Việt Nam MAAG (Military Assisistance Advisory
Group) đặc trách giúp đỡ xây dựng Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa hùng mạnh.
Những người kế nhiệm Tướng O’Daniel theo thứ tự là Harkins,
Westmoreland, Abrams và Weyand. Thứ hai, Trung Tướng Lawton Collins,
phái viên đặc biệt của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đặc trách quan sát và thẫm
định tình hình Việt Nam. Thứ ba, Đại Tá Không Quân Edward Lansdale, chỉ
huy trưởng phân bộ CIA (Central Intelligence Agency) tại Việt Nam, cùng
với một cộng sự viên rất đắc lực là Trung Tá Lucien Conein, một chuyên
viên CIA chuyên trách tổ chức những lực lượng bí mật nhảy toán phá hoại
Miền Bắc, viễn thám sang Lào. Về sau, Conein đã là nhân vật tiếp nhận kế
hoạch đảo chánh Tổng Thống Diệm của nhóm sĩ quan VNCH, nên còn có thêm
biệt danh “Chuyên viên đảo chánh”. Trong số những yếu nhân này, thì
Lansdale tỏ ra là con người nhiệt tình và có rất nhiều thiện cảm vơi ông
Diệm hơn cả. Giữa hai người đã hình thành một tình bạn rất sâu sắc, mà
ông Lansdale đã có nhiều dịp thể hiện, bằng cách giúp ông Diệm vượt qua
được nhiều cơn sóng gió.
Trung Tướng Collins từng có mối quan hệ thân
thiết với tướng Paul Ely, Cao Ủy Pháp tại Việt Nam, trong thời Đệ Nhị
Thế Chiến. Ely dĩ nhiên không thích ông Diệm, vì ông Diệm đang tìm cách
tống khứ 150 ngàn quân Pháp ra khỏi Miền Nam sau Hiệp Định Geneve 1954,
trong khi Pháp muốn nấn ná ở càng lâu càng tốt, nên đã lời ra tiếng vào
nói xấu ông Diệm để lung lạc niềm tin của Collins. Collins là một con
người hách dịch, cao ngạo. Ông ta tưởng rằng hào quang chiến thắng của
Mỹ ở trong thế chiến có thể đè bẹp và khuất phục được vị tổng thống của
một tiểu quốc, nhưng trong rất nhiều lần, Tổng Thống Diệm đều rất cứng
rắn bảo vệ chủ quyền và sự tự quyết của quốc gia. Mọi việc thảo luận
giữa Collins và ông Diệm đều diễn ra trong một bầu không khí bình đẳng
tối đa có thể được. Với Tổng Thống Diệm, một con người Uy Vũ Bất Năng
Khuất, anh đến đây giúp tôi với tư cách là bạn, chứ không phải là ông
chủ. Một nhân viên cao cấp dưới quyền Collins đã phản ảnh chính xác thái
độ ngạo mạn của Collins, ông ta trả lời ông Trần Trung Dung, Phụ Tá Bộ
Trưởng Quốc Phòng VNCH (chức vụ bộ trưởng do Tổng Thống Diệm kiêm
nhiệm), khi ông Dung đề nghị hãy để cho VNCH tự do tổ chức quân đội theo
mô thức Việt Nam : “Người nào trả tiền, thì người đó quyết định”. Lansdale
là một cái đệm đứng giữa dung hòa mọi khuynh hướng. Chính ông đã xác
định với Tổng Thống Eisenhower, rằng Tổng Thống Diệm là con người của
đại cuộc, của thời thế, ngoài ông Diệm ra, không còn có ai có khả năng
lãnh đạo Việt Nam. Eisenhower đã tin và mời Tổng Thống Diệm sang thăm
Hoa Kỳ với tư cách quốc khách. Tổng Thống Eisenhower đã đích thân ra tận
chân cầu thang phi cơ niềm nở bắt tay Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cùng
duyệt hàng rào danh dự. Tổng Thống Diệm được Quốc Hội Mỹ mời đến thuyết
trình về tình hình Việt Nam. Tổng Thống Diệm đã phát biểu :”Giữa Việt
Nam và Hoa Kỳ có những sự khác biệt sâu sắc về chủng tộc, tập quán,
khái niệm chính trị, tầm nhìn và triết lý. Tôi hy vọng rằng chúng ta có
thể bắt được nhịp cầu giữa hai nền văn hóa Đông phương và Tây phương”.
Để đạt đến được đỉnh cao vinh quang ấy trong
đời, Tổng Thống Diệm không phải là đã không trải qua những nỗi cay đắng
của cô đơn và những biến cố cực nguy hiểm đến tính mạng, thanh danh và
sự nghiệp chính trị của ông trong những năm đầu tiên trở về nước, chỉ
với hai bàn tay trắng cùng một tấm lòng, giữa một trùng vây các thế lực
sứ quân và thù địch. Trong thời điểm mập mờ của năm 1954, tình
hình chính trị tại Miền Nam rất rối rắm, vì chính phủ của Quốc Trưởng
Bảo Đại không có thực lực, chỉ dựa vào Pháp, nhưng bản thân người Pháp
sau chiến bại Điện Biên Phủ và phong trào đòi độc lập ở các nước Phi
châu như Algeria, Maroc, đã gây ra rất nhiều nan đề làm người Pháp lúng
túng. Quân Pháp cũng không còn đầy đủ sức mạnh để kiểm soát hay khống
chế nhiều thế lực nổi lên ở Miền Nam, một hình ảnh tương tự như nạn sứ
quân thời cuối thế kỷ thứ 10 khi, Ngô Vương Quyền đã tạ thế. Ông Diệm về
nước trong bối cảnh hỗn mang đó, ông tiếp thu dinh Thủ Tướng, được đặt
tên là Dinh Gia Long, tọa lạc trên đường Gia Long, chỉ với vỏn vẹn 12
người lính bảo vệ, và chỉ có thế. Lansdale đã từng nhiều lần tự do đi
vào phòng làm việc của Thủ Tướng Diệm mà chẳng có ai ngăn cản hay xét
hỏi gì cả. Khi ông Diệm đã được quốc dân bầu làm tổng thống và chính
thức làm việc trong Dinh Gia Long năm 1955, Lansdale bỏ công qua Phi nhờ
Tổng Thống Magsaysay gởi chuyên viên quân sự là Đại Tá Arellano sang
Sài Gòn giúp thành lập một tiểu đoàn phòng vệ phủ tổng thống. Tiểu đoàn
này sau được nâng lên thành Liên Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, với những
binh sĩ ưu tú được tuyển chọn từ những đơn vị xuất sắc của quân đội.
Thành Cộng Hòa là một tòa nhà nhiều tầng khá kiên cố nằm gần Dinh Gia
Long, đã được dùng làm nơi trú ngụ của sĩ quan và binh sĩ Liên Đoàn, nên
mỗi lần có đảo chánh, thì quân đảo chánh phải khống chế hay triệt hạ
cho được Thành Cộng Hòa.
Những vị thủ tướng tiền nhiệm, chỉ hữu danh
nhưng vô thực, ít quyền lực và không có quân đội yểm trợ, ông Diệm kiên
quyết không dẫm lên vết xe đỗ của họ. Nhưng bắt đầu từ cái gì và dựa vào
lực lượng nào. Thật may mắn cho Thủ Tướng Diệm, hầu hết các chiến sĩ
thuộc Quân Đội Quốc Gia Việt Nam thời Bảo Đại di cư từ Bắc vào như Nhảy
Dù, Bộ Binh, Commandos, đã tỏ lòng trung thành với tân Thủ Tướng, trong
đó có nhiều chiến sĩ người thượng du như Mường, Thái, đặc biệt là Nùng.
Dựa trên nền tảng đó, Thủ Tướng Diệm quyết định thanh toán các thế lực
sứ quân để gom giang sơn dân tộc về một mối. Đối thủ của ông là những
ai. Câu trả lời sẽ làm người đời sau sửng sốt. Rất nhiều, gần đạt con số
12 sứ quân thời ngài Đinh Bộ Lĩnh.
Thứ nhất :
Thế lực mạnh nhất trong phe quốc gia đối đầu với Thủ Tướng Diệm lại
chính là Quốc Trưởng Bảo Đại. Ông Bảo Đại là một người có lòng với tương
lai của đất nước, nhưng khốn nỗi từ thuở nhỏ ông đã bị người Pháp nhồi
nhét cho một nền giáo dục vong bản, nếp sống xa hoa, thượng lưu vương
giả, nên ít nhiều gì thì tư tưởng của ông đã chịu rất nhiều ảnh hưởng
của Pháp. Bảo Đại sinh năm 1913 với tên Nguyễn Vĩnh Thụy, từ lúc biết
nói biết hiểu thì người Pháp đã cho vú nuôi Pháp chăm sóc và thầy dạy
người Pháp giáo dục theo kiểu Pháp. Năm ông 8 tuổi, Pháp đem ông sang
Paris để vị hoàng tử trẻ ấy không còn cơ hội tiếp túc với nền văn hóa
truyền thống Việt Nam và ý chí phục quốc nữa, rút kinh nghiệm từ vị vua
trẻ 16 tuổi Duy Tân trước đó. Hoàng đế Khải Định, cha ông, mất năm 1925,
nhưng mãi đến năm 1932 Vĩnh Thụy mới được Pháp đưa về lên ngôi, lấy đế
hiệu là Bảo Đại, để bảo đảm rằng vị tân vương thục sự là một người thân
Pháp toàn tâm toàn ý. Trong thời gian ở Pháp, Vĩnh Thụy được người Pháp
cấp cho lương bỗng hàng năm rất hậu lên đến hàng triệu đồng Đông Dương,
cho tương xứng với cuộc sống xa hoa của một đế vương, dụng ý muốn làm hư
hỏng vị vua trẻ.
Tuy mang nhiều tai tiếng ăn chơi, đàn đúm trong
những nhà chứa, hộp đêm sang trọng, nhưng tiếng gọi tha thiết của cố
hương vẫn tiềm tàng trong tận đáy tim, vua Bảo Đại đã cố gắng trong khả
năng rất hạn chế của mình, làm được nhiều việc có ý nghĩa. Chính phủ của
Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân dưới quyền Quốc Trưởng Bảo Đại trong năm 1946
đã chọn được bài quốc ca Tiếng Gọi Công Dân và lá quốc kỳ Vàng Ba Sọc
Đỏ làm biểu tượng thiêng liêng của nước Việt Nam độc lập. Hai biểu tượng
thiêng liêng này vẫn còn tồn tại mãi đến ngày nay trong lòng người dân
Việt.
Quốc Trưởng Bảo Đại chọn ông Ngô Đình Diệm làm
thủ tướng, nhưng vẫn e dè tài năng và quyền lực của ông Diệm sẽ lấn át
ông. Nhưng khốn nỗi, Bảo Đại dành quá nhiều thời gian ngụ cư ở Pháp
nhiều hơn là về Việt Nam. Chọn ông Diệm, Quốc Trưởng Bảo Đại đã đặt hai
điều kiện tiên quyết : Giành lại độc lập cho nước nhà và kiến thiết Việt
Nam hùng mạnh. Nếu ông Diệm không làm được hai việc đó thì hãy trả
chính quyền lại cho ông. Thủ Tướng Diệm đã long trọng thề với Quốc
Trưởng, ông sẽ làm được. Chuyện này đã do chính ông Bảo Đại kể lại trong
cuốn hồi ký Dragon d’Annam (Con Rồng Nước Nam). Ông Diệm càng đạt được
nhiều thành quả tốt đẹp thì Bảo Đại càng cảm thấy mình kém thế, vì vậy
ông đã ủng hộ Trung Tướng Nguyễn Duy Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội
Quốc Gia và nhóm Bình Xuyên, nhiều lần tìm cách lật đổ ông Diệm. Bởi
ông Bảo Đại không còn giúp ích được gì cho nước nhà, nhân có một chỉ dụ
của ông ngày 19.4.1956 từ bên Cannes lệnh cho Thủ Tướng Diệm phải sang
trình diện, với ý định sẽ bãi chức Thủ Tướng của ông.
Một cuộc Trưng Cầu Dân Ý đã được tổ chức trong
ngày 23.10.1956 do Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng gồm nhiều nhân sĩ của các
đảng phái và giáo phái ủng hộ Thủ Tướng Diệm đề xuất. Bản thân Thủ
Tướng cũng khôn glường được sự tiến triễn bất ngờ của tình thế, ông đã
vô cùng sửng ost khi buổi chiều ngay 20.4.1956, sau 7 tiếng đồn ghồ thảo
luận căng thẳng, Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng đã mời ông Diệm đến thông
báo quyết định truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại. Là một sĩ phu nặng lòng
trung quân và ái quốc, một con người từng nghiềm ngẫm nghĩa lý Tứ Thư,
Ngũ Kinh, với những tấm gương trung liệt trong đó, Thủ Tướng Diệm chưa
bao giờ dám có ý nghĩ phạm thượng với vua Bảo Đại. Nhưn ghội đồng biết
rõ rằng, nếu Thủ Tướng đi sang Pháp trình diện ông Bảo Đại, thì chuyến
đi đó lành ít dữ nhiều và có thể vĩnh viễn biệt xứ. Hơn 5 triệu người
dân đi bầu. Kết quả, có đến 98,2% số phiếu ủng hộ ông Diệm trong cương
vị Tổng Thống và đồng ý cho Quốc Trưởng Bảo Đại giải nhiệm. Phía Hoa Kỳ
không được hài lòng lắm với tỉ lệ quá cao như thế, nó có vẻ không thực,
hy vọng khoảng 70% là lý tưởng nhất. Ngày 26.10.1955, ông Diệm tuyên thệ
nhậm chức tổng thống, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa, cải
danh Quân Đội Quốc Gia Việt Nam thành Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, đồng
thời thông báo trước quốc dân sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào đầu năm
1956. Người dân thời ấy và các thế hệ sau nợ Tổng Thống Diệm danh xưng
đầy hãnh diện : Được làm công dân của nước Việt Nam Cộng Hòa. Những
người lính chiến đấu dưới Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ nợ vị Tổng Tư Lệnh Tối
Cao danh xưng lắm kiêu dũng : Người Lính Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 26.10.1956, Quốc Hội đầu tiên của Việt Nam
thông qua Bản Hiến Pháp, Tổng Thống Ngô Đình Diệm long trọng ban hành
với lời xác tín : Sau Hiến Pháp còn có tôi ! Ngụ ý người kiên quyết bảo vệ Hiến Pháp và luật pháp quốc gia. Nền dân chủ sơ khởi của nước cộng hòa non trẻ bắt đầu từ đấy.
Thứ hai
: Trung Tướng Nguyễn Duy Hinh, nguyên là Trung Tá Không Quân trong quân
đội Pháp, cưới vợ Pháp và nhập tịch Pháp, cha ông là cựu Thủ Tướng
Nguyễn Văn Tâm rất thân Pháp. Quốc Trưởng Bảo Đại đã cất nhắc Trung Tá
Hinh lên Thiếu Tướng, giữ chức vụ tư lệnh Quân Đội Quốc Gia Việt Nam,
với dụng ý củng cố vị thế của ông. Một thời gian sau, ông Hinh được
thăng Trung Tướng. Trong thời điểm chân ướt chân ráo mới về đến quê
hương, ông Diệm buộc phải chấp nhận ông Hinh. Người Mỹ càng hậu thuẫn
ông Diệm bao nhiêu, thì người Pháp càng chơi trò ném đá dấu tay phá thối
Thủ Tướng Diệm, bằng cách xúi dục Trung Tướng Hinh làm phản. Ông Hinh
nhiều lần cho xe thiết giáp và bộ binh đến bao vây dinh Thủ Tướng để thị
uy, nhưng ông Diệm có Tướng Collins và Đại Tá Lansdale bảo vệ. Khi quân
đội trung thành với ông Diệm đem quân đến bao vây trả đũa, thì Bộ Tư
Lệnh Pháp chậm trễ việc cung cấp tiếp liệu, xăng nhớt di chuyển, thậm
chí thiết lập nhiều nút chận gây khó khăn cho quân đội. Có lần Lansdale
đã mời nhiều sĩ quan thân ông Hinh sang Manila, thủ đô Phi Luật Tân du
hí, để tách họ ra khỏi ông Hinh. Đồng thời, chính phủ Hoa Kỳ trong tháng
10.1954 gửi công hàm báo cho người Pháp biết, Hoa Kỳ sẽ viện trợ trực
tiếp cho Việt Nam không qua trung gian Pháp nữa. Người Pháp yếu thế dần,
không còn hung hăng hỗ trợ ông Hinh tạo phản nữa.
Tháng 11.1954, dưới sức ép của người Mỹ lên
người Pháp, Quốc Trưởng Bảo Đại ra chỉ dụ bãi chức Trung Tướng Hinh, ông
Diệm bổ nhiệm Thiếu Tướng Lê Văn Tỵ thay thế, sau này ông được thăng
lên đến Đại Tướng. Tướng Hinh ngậm ngùi lên phi cơ về Pháp. Thiếu Tướng
Tỵ bắt tay ngay vào việc nhận bàn giao quyền chỉ huy hoàn toàn quân đội
Việt Nam từ người Pháp, hiệu lực từ ngày 11.2.1955. Quân Đội Quốc gia
Việt Nam rẽ sang một giai đoạn mới và được cải danh thành Quân Đội Việt
Nam Cộng Hòa sau ngày 26.10.1955.
Thứ ba
: Là lực lượng quân đội Pháp còn khoảng 150 ngàn người cứ chùng chình
mãi không chịu hồi hương. Thủ Tướng Diệm căm giận lắm, đó là cái mối
quốc nhục mà ông thề sẽ rửa trước anh linh của tiền nhân tiên liệt. Thực
dân Pháp muốn có một chính phủ thân Pháp để duy trì thế lực Pháp ở Việt
Nam. Pháp có nhiều nguồn lợi ở Việt Nam như các đồn điền trà, cà phê,
cao su. Nhiều chủ đồn điền vẫn được chính quyền Việt Nam hai thời cộng
hòa ưu đãi, không động chạm gì đến công cuộc làm ăn của họ, nhưng những
ngưòi này thậm thụt đóng thuế, cung cấp tin tức cho quân cộng sản Bắc
Việt và Việt cộng, dung chứa chúng trong những khu rừng cao su bạt ngàn,
làm một mũi dao lúc nào cũng sẵn sàng thọc sâu vào tận trái tim nước
Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng với sự thất bại của Bảo Đại, Tướng Hinh, Bảy
Viễn, sư quy phục của các giáo phái trước sự kiên quyết của Thủ Tướng
Diệm, lại thêm ngân khoản tài trợ của Hoa Kỳ đã cắt đứt, người Pháp thấy
không còn hy vọng gì, những người lính Pháp cuối cùng đã lục tục xuống
tàu về nước ngày 28.4.1956, đánh dấu chấm hết một thế kỷ thống trị của
người Pháp. Tổng Thống Ngô Đình Diệm, sau mấy năm đấu trí đấu lược với
thực dân Pháp, đã thực sự tống xuất được bọn chúng ra khỏi nước Việt
Nam. Giờ đây, nước Việt Nam Cộng Hòa đã được hoàn toàn độc lập, uy thế
của chính phủ ông Diệm lừng lẫy trên trường quốc tế, hầu hết các quốc
gia không cộng sản, kể cả các nước Ả Rập đều chính thức công nhận Việt
Nam Cộng Hòa và thiết lập quan hệ ngoại giao. Charles Degaulle, Tổng
Thống Pháp rất cay cú, nhưng buộc phải thực lòng ngợi ca Tổng Thống Diệm
là “Winston Churchill của Á châu”, ngụ ý con người kiệt xuất đã giành
được độc lập cho đất nước.
Thứ tư
: Là lực lượng Bình Xuyên của Tướng Lê Văn Viễn. Được sự đỡ đầu và trả
lương ngầm của Pháp, lực lượng Bình Xuyên chiêu mộ được đến 25 ngàn thủ
hạ, trong đó có 1,500 tay súng. Bình Xuyên là một tổ chức tột ác, thổ
phỉ, một cái gì đó gần giống như Mafia của Ý, vì nó kinh doanh ngành cờ
bạc và nhà chứa, ngang ngược không coi luật pháp quốc gia ra gì hết. Từ
khởi đầu, thì lực lượng Bình Xuyên do một người anh chị tên Ba Dương
lãnh đạo, đã kết hợp với các lực lượng Hòa Hảo và Cao Đài kháng chiến
chống cả Pháp và Việt Minh. Ba Dương bị Tướng Nguyễn Bình của cộng sản
giết chết, quyền chỉ huy rơi vào tay Lê Văn Viễn. Người Pháp khuyến dụ
Bảy Viễn đem lực lượng quy thuận, đổi lại Pháp ban cấp cho Bảy Viễn bổng
lộc và quyền lợi rất hậu.
Năm 1952, Bảo Đại phong cho Lê Văn Viễn, tự Bảy
Viễn, cấp bậc Thiếu Tướng để làm vây cánh và có ý định sẽ đưa Bảy Viễn
lên làm Thủ Tướng sau này. Nhà nước Pháp cũng ân thưởng Viễn huân chương
cao quý Bắc Đẩu Bội Tinh. Tai sao ? Bảy Viễn và Bình Xuyên làm chủ
nhiều cơ sở tài chánh lớn như các sòng bài Đại Thế Giới dành cho lớp
thượng lưu giàu có Pháp và Việt, như cỡ công tử Bạc Liêu và công tử Mỹ
Tho chẳng hạn, sòng bài Kim Chung dành cho giới thấp hơn và giai cấp
bình dân lao động. Có vô số người đã bán vợ con làm nô tì đĩ điếm, mất
nhà cửa, sạt nghiệp, tự tử hay hóa điên vì hai sòng bài tội lỗi này.
Chưa hết, nằm gần bên các sòng bài là các khu nhà chứa đủ mọi hạng, từ
deluxe hạng sang đến hạng hèn, nổi tiếng nhất là nhà chứa Bình Khang ở
Vườn Lài. Công an và binh lính Bình Xuyên kiểm soát những trục lộ huyết
mạch Sài Gòn – Vũng Tàu, Sài Gòn – Rừng Sát, thu thuế các lò mổ thịt.
Nguồn tài chính lớn nhất của Bảy Viễn là việc buôn bán thuốc phiện lậu
chở từ vùng Tam Giác Vàng qua Lào, rồi vào Việt Nam, Bảy Viễn thầu hết.
Bảy Viễn cung ứng cho ông Bảo Đại hàng tháng 500 ngàn đồng và bộ máy
thống trị Pháp một số tiền lớn mỗi ngày lên đến 100 ngàn đồng, nhưng bù
lại hắn cho người Hoa Macau đấu thầu và trả cho hắn mỗi ngày 400 ngàn
đồng tiền Đông Dương. Dẫu sao thì cũng có it nhiều “huyền thoại” về Bảy
Viễn. Có lẽ muốn hù dọa thiên hạ, bên cạnh những nhà điều chế tinh chất
ma túy, Bảy Viễn cất nhiều chuồng nuôi cá sấu đến 12 con. Bên ngoài
phòng ngủ của hắn có một con beo gấm dữ dằn được cột bằng một sợi dây
xích dài. Trên ban công biệt thự, những con trăn gió bò lển nghển thấy
mà… ghê. Chưa hết, có một con cọp mua từ xứ Siberia bên Nga hầm hừ nằm
trong một cái chuồng sắt, mà khi cần thì từ bên trong ngươi ta có thể
bấm nút điện cho cửa chuồng kéo lên, ô hô, thế là con cọp phóng ra
ngoài, kẻ lạ đột nhập toan tính ám sát Bảy Viễn hả, tha hồ mà chạy vắt
giò lên…ót nhé. Người ta đồn rằng có người trông thấy quần áo và xương
người trong lồng cọp nữa, thế có ghê không chứ.
Một con người đạo đức bài phong kiến đả thực
dân như Thủ Tướng Diệm đâu có thể chấp nhận một cái ung nhọt xấu xa tồn
tại giữa lòng thủ đô. Biết chắc Hoa Kỳ đã cắt ngân khoản, Pháp không có
tiền trả lương cho quân Bình Xuyên, Thủ Tướng Diệm quyết định đánh tiêu
diệt bọn mafia thổ phỉ. Nhưng trước hết, ông cần thêm lực lượng của các
giáo phái, càng nhiều càng tốt. Các Tướng Trình Minh Thế, Nguyễn Thành
Phương của Cao Đài, Trần Văn Soái của Hòa Hảo đã xin quy phục chính
quyền và đem về nhiều ngàn quân. Thiếu Tướng Thế được vinh thăng Trung
Tướng, ông là con người tuổi trẻ tài cao, năng nổ, nhiệt thành trong
chiến dịch tiêu diệt Bình Xuyên. Với sự hỗ trợ ngầm của quân Pháp, Bảy
Viễn nhiều lần ngỗ ngáo đem thiết giáp và quân sĩ bao vây dinh Thủ
Tướng. Nhưng một tên vô lại như hắn đâu có phải là đối thủ của một con
người kiệt liệt như Ngô Đình Diệm. Hai tiểu đoàn Dù của Thiếu Tá Liên
Đoàn Trưởng Đỗ Cao Trí đã vây đánh tan nát bản doanh của bọn thổ phỉ
mafia nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Quân thổ phỉ Bình Xuyên chỉ giỏi
húng hiếp dân lành, nhưng lại vô cùng hèn nhát trước các chiến sĩ quốc
gia, chúng đã quăng súng bỏ chạy tán loạn. Bảy Viễn cùng Lại Văn Sang,
Tổng Giám Đốc Cảnh Sát, tay chân thân tín nhất của hắn nhanh chân lủi
trốn vào Rừng Sát phía Tây Bắc Sài Gòn, rồi từ đó được tàu Pháp ủi vào
đưa về mẫu quốc.
Đại Tá Dương Văn Minh, tự Minh Cồ (Big Minh),
người hùng trong chiến dịch càn quét Rừng Sát, đã tìm thấy một thùng
phuy giấy bạc Đông Dương của Bình Xuyên. Minh được vời về Sài Gòn cho
vinh thăng Thiếu Tướng, đảm nhiệm chức vụ Tổng Trấn Sài Gòn, dẫn đầu
đoàn quân trong buổi duyệt binh chiến thắng rất hùng tráng tại thủ đô.
Minh dấu nhẹm chuyện chiếc thùng phuy, nhưng tin phong phanh đến tai
chính phủ ông Diệm, nhưng Tổng Thống Diệm cho xếp hồ sơ. Thiếu Tướng
Minh lần lượt được chính phủ tín nhiệm trong những chức vụ chỉ huy cao
nhất trong quân đội, như được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Các chiến dịch Hoàng
Điệu 1954, chiến dịch Nguyễn Huệ 1955, chiến dịch Thoại Ngọc Hầu 1956,
Tư Lệnh Liên Khu Thủ Đô năm 1957, Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Hành Quân 1961. Đầu
năm 1963, Tổng Thống Diệm vinh thăng Trung Tướng và bổ nhiệm Tướng Minh
chức vụ Cố Vấn Quân Sự Phủ Tổng Thốngï, một công việc ngồi chơi xơi
nước. Tướng Minh để tâm thù hận ông Diệm từ đấy. Mối thù càng sâu đậm
hơn, khi ông Diệm bổ nhiệm bốn vị Tư Lệnh Quân Khu, Minh chẳng nắm được
vùng nào cả. Các Tư Lệnh Quân Khu thời ông Diệm trong năm 1962 – 1963
như sau :
Quân Khu I : Thiếu Tường Đỗ Cao Trí
Quân Khu II : Trung Tướng Nguyễn Khánh
Quân Khu III : Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, kiêm Tổng Trấn Sài Gòn – Gia Định
Quân Khu IV : Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao
Ngay cả cái Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu
cũng lọt vào tay Thiếu Tướng Trần Văn Đôn, Minh chả được xơ múi gì. Được
sự chấp thuận ngầm của Thái Thú Henry Cabot Lodge và Hoa Thịnh Đốn,
Minh lệnh riêng cho Đại Úy Nguyễn Văn Nhung giết chết Tổng Thống Diệm và
bào đệ là ông Nhu trong lòng chiếc thiết vận xa M 113 trong ngày
2.11.1963. Là đảng viên Đại Việt, Nhung còn có mối thù riêng với Tổng
Thống Diệm, vì ông Diệm đã cho quân đội tấn công hủy diệt chiến khu Ba
Lòng ở Miền Trung của lực lượng Đại Việt. Nhưng đó là chuyện đau lòng
sau này. Nếu ông Diệm bổ nhiệm Tướng Trí làm Tư Lệnh Quân Khu III, rất
có thể Tướng Trí vẫn giữ lòng trung thành, vì Đại Tá Cao Văn Viên cùng
binh chủng Nhảy Dù như ông nhất định không phản, quân đảo chánh sẽ thất
bại. Nhưng đó là số trời, định mệnh oan nghiệt đã dành sẵn chén đắng cho
người. Những năm đầu thập niên 1960, khi chiến sự bùng nổ giữa quân Mặt
Trận Giải Phóng và Quân Đội VNCH, Minh thậm thụt tiếp xúc mấy lần với
Tướng Việt cộng Dương Văn Nhựt, là em trai của ông ta, An Ninh Quân Đội
VNCH biết hết, nhưng Tổng Thống Diệm không muốn làm lớn chuyện, ông cho
xếp hồ sơ lại, vì Tướng Minh chưa có dấu hiệu phản loạn. Đó là sai lầm
lớn nhất trong đời của Tổng Thống Diệm, mà ông sẽ phải trả giá đắt bằng
chính mạng sống của mình.
Cuối tháng 4.1955, tàn quân Bình Xuyên co cụm
về cố thủ bên kia cầu Tân Thuận trong Chợ Lớn. Trung Tướng Thế quả cảm
tiến lên phía chân cầu điều động binh sĩ, nhưng một viên đạn bắn lén oan
nghiệt đã giết chết ông. Một tên xạ thủ núp dưới chân cầu cách Tướng
Thế khoảng mười mét bắn một viên đạn trúng màng tang phải trổ ra mắt
trái. Tương Thế ngã ra chết tức khắc. Chiều ngày hôm sau, khi tình hình
chiến sự tạm lắng dịu, Thủ Tướng Diệm cùng ông Nhu đến viếng xác Trung
Tướng Thế. Thủ Tướng Diệm đã ôm thây người hào kiệt trẻ khóc lớn. Nỗi
đau mất một cánh tay, một cột trụ chống đỡ trong thời buổi loạn binh,
ông Diệm ngã ra ngất xỉu. Đến ngày 3.5.1955 thì quân Bình Xuyên hoàn
toàn tan rã, một số đầu hàng, một số chạy thụt mạng sang Miên trốn, phần
khác ẩn tránh trong các lực lượng giáo phái. Ngay lập tức, Thủ Tướng
Diệm cho đóng cửa những nơi chốn tội ác, trả lại cuộc sống trong sáng và
an lành cho người dân thủ đô. Dưới chín năm cầm quyền của ông, Tổng
Thống Diệm không cho phép một hình thức sa đọa trụy lạc nào được tồn
tại.
Sau chiến công này, tài năng lãnh đạo của Thủ
Tướng Diệm đã được xác định. Người Mỹ và thế giới đồng công nhận rằng
ông Diệm chính là nhà lãnh đạo duy nhất không ai có thể sánh nổi tại
Việt Nam. Viện trợ Hoa Kỳ bắt đầu hào phóng đổ vào, dần lên đến 500
triệu mỹ kim mỗi năm. Dân chúng Việt Nam dần dần quen thuộc với những
loại hàng hóa và thực phẩm mang nhãn hiệu hai bàn tay siết chặt, tượng
trưng cho mối quan hệ thân tình giữa người Mỹ và người Việt Nam.
Thứ năm
: Là lực lượng các giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài. Đây là hai lực lượng lớn
tương đương với Bình Xuyên và đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền
quốc gia. Từ khởi thủy, các lực lượng giáo phái chủ trương chống cộng và
kháng chiến chống Pháp, nhưng sau Hiệp Định Geneva 1954, Việt cộng rút
về Bắc, quân Pháp hồi hương, các giáo phái trong một tình trạng lúng
túng, vì mục tiêu tranh đấu đã coi như tạm hoàn thành, tương lai đất
nước vẫn mờ mịt. Vấn đề tế nhị và khó giải quyết là, chẳng lẽ sau bao
nhiêu năm gian khổ chiến đấu, giờ đây lại buông súng quy hàng một con
người xa lạ là Thủ Tướng Ngô Đình Diệm từ Hoa Kỳ về, và một quân đội xa
lạ là Quân Đội Quốc Gia đa số từ Miền Bắc di chuyển xuống. Sự yếu ớt của
các chính phủ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Xuân, Bửu Lộc trước đây đã là
một tiền đề để các giáo phái nghĩ rằng chính phủ ông Diệm cũng ngã sụm
sớm, họ sẽ nhân thời cơ nắm được một vai trò nào đó. Thủ Tướng Diệm kêu
gọi quân đội giáo phái giải giới sáp nhập vào quân đội quốc gia, các
thành phần chỉ huy được cải chuyển sang thành sĩ quan của một quân đội
thống nhứt. Nhiều nhóm vũ trang dưới quyền của một số tướng lãnh ý thức
được sự biến chuyển của tình thế, sự cần thiết hợp nhất quân đội để tiếp
tục ngăn chống làn sóng cộng sản, và công nhận thiên mệnh đã chọn chí
sĩ Ngô Đình Diệm làm người lãnh đạo, chứ không phải bất cứ ai khác trong
số tướng lãnh giáo phái, nên đã kéo nhau về xin quy thuận. Những tướng
Nguyễn Thành Phương, Trình Minh Thế của Cao Đài, Trần Văn Soái của Hòa
Hảo đều được chính quyền quốc gia trọng dụng và thăng thưởng. Các tướng
Lâm Thành Nguyên, Nguyễn Giác Ngộ của Hòa Hảo chùng chình nửa muốn nửa
không, chờ xem những đề nghị quyền lợi do Đại Tá CIA Lansdale đứng giữa
móc nối.
Phật giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Phú Sổ sáng lập,
tín đồ cung kính gọi ngài là Đức Huỳnh Giáo Chủ. Ngài sinh năm 1919 tại
làng Hòa Hảo, thuộc tỉnh Châu Đốc. Thuở nhỏ ngài là một cậu bé ốm yếu
và thường bệnh hoạn. Nhưng trong cái thân thể gầy gò ấy tiềm tàng một
sức mạnh siêu nhiên về tâm linh, ngài luôn trầm tư suy nghĩ về những bí
ẩn của đời sống, chiêm nghiệm chân lý. Năm 1939, lúc chỉ mới 20 tuổi,
ngài đã ngộ được lẽ huyền vi của Phật giáo, rồi ngài bắt đầu cuộc đời
đạo hạnh từ đấy. Đức Huỳnh Giáo Chủ nghĩ rằng, ngài phải đi sâu vào đời
sống mọi người chung quanh, ra tay cứu độ cho những người bệnh tật, thì
mới có thể thuyết phục và thu hút được nhiều tín đồ. Vừa trị bịnh cứu
đời, ngài vừa giảng thuyết Phật pháp. Người dân Miền Tây thuở thập niên
1940 đâu đã nhiều người được học hành chu đáo, nên Đức Huỳnh đã đơn giản
hóa kinh Phật và phổ kinh vào thơ bằng những từ ngữ dễ hiểu, để cho bất
cứ tín đồ nào cũng có thể cảm nhận được điều huyền diệu của Phật pháp.
Trong lúc đất nước chìm đắm giữa cơn biển lửa chiến tranh, ngài kết hợp
Phật pháp với chủ nghĩa quốc gia, mỗi tín đồ vừa là một Phật tử, nhưng
cũng là một công dân có trách nhiệm chiến đấu lúc tổ quốc nguy biến.
Ngài khuyên tín đồ nên tụng niệm bốn lần mỗi ngày, tán thán hồng danh
chư Phật, tán thán công đức những anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Lý
Bôn, Trần Hưng Đạo và Lê Lợi, để hun đúc tinh thần yêu nước. Vì ngài chủ
trương chống thực dân Pháp xâm lược, người Pháp vu khống Đức Huỳnh giáo
chủ là một người điên, nên năm 1940 chúng bắt giam ngài trong một nhà
thương tâm thần. Nhưng ở đây, Đức Huỳnh đã thuyết pháp và thu nhận làm
tín đồ hầu hết những bác sĩ, y tá và nhân viên.
Khi quân Nhật đảo chánh Pháp ngày 9.3.1945,
người Nhật đưa ra chiêu bài “Đại Đông Á” đoàn kết những dân tộc da vàng,
ủng hộ những lực lượng võ trang yêu nước Việt Nam. Lực lượng quân sự
của Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó đã kết nạp được đến 15 ngàn chiến sĩ quốc
gia. Năm 1946, Đức Huỳnh thành lập Đảng Dân Xã, thế lực ngày càng bành
trướng dần khắp hết Miền Tây. Một trong những cấp chỉ huy của lực lượng
võ trang Hòa Hảo là Tướng Lê Quang Vinh. Ông là một người chống Pháp rất
quyết liệt. Để khẳng định quyết tâm, năm 1947, Tướng Vinh đã chặt đứt
một lóng tay trỏ, từ đó dân chúng còn gọi ông là Tướng Ba Cụt. Một cấp
chỉ huy khác là Trần Văn Soái, tính nóng như Trương Phi, được binh sĩ
kính trọng gọi là Năm Lửa. Nhận thấy Đức Huỳnh Giáo Chủ đã trở thành một
đối thủ chính trị và quân sự đáng sợ tại Miền Tây, Hồ Chí Minh lệnh cho
đàn em dàn dựng một cuộc hợp thương giữa Việt Minh và Hòa Hảo tại một
địa điểm hẻo lánh là Kinh Đốc Vàng trong ngày 19.4.1946, mời Đức Huỳnh
đến rồi giết chết. Tuy Đức Huỳnh Giáo Chủ đã qua đời, nhưng Việt Minh
không thể tiêu diệt nổi lực lượng võ trang Hòa Hảo, con số tín đồ trong
những năm đầu thập niên 1950 đã lên đến hơn 1 triệu rưỡi người.
Sau khi được quốc dân tín nhiệm bầu làm Tổng
Thống trong cuộc bỏ phiếu ngày 23.10.1955, chí sĩ Ngô Đình Diệm tuyên bố
thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa. Bình Xuyên đã bị tiêu diệt hồi tháng
5.1955, giờ đây Tổng Thống Diệm bắt đầu thanh toán lực lượng Hòa Hảo.
Những tướng lãnh chịu quy phục như Trần Văn Soái, Tổng Thống Diệm trọng
dụng và tưởng thưởng vật chất xứng đáng (Sử liệu của người Mỹ viết rằng
CIA đã giúp Tổng Thống Diệm 12 triệu mỹ kim trong việc này) Những tướng
lãnh bất phục, ông lệnh cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa tấn công không
khoan nhượng. Những trận đánh đẫm máu đã diễn ra, để cuối cùng Tướng Lê
Quang Vinh Ba Cụt bị quân của Đại Tá Dương Văn Minh bắt sống trong tháng
4.1956. Tướng Ba Cụt để tóc dài đến tận vai, ông thề rằng khi nào đất
nước thống nhất thì ông mới cắt tóc. Tháng 7.1956 Tướng Lê Quang Vinh bị
xử chém tại Cần Thơ. Lực lượng võ trang Hòa Hảo của Tướng Ba Cụt tan rã
từ đấy, các binh sĩ phân tán và ẩn tránh vào những vùng thôn quê xa
thành thị chờ thời cơ trỗi dậy.
Đạo Cao Đài được ngài Ngô Văn Chiêu sáng lập từ
năm 1878 tại Chợ Lớn, tiết lộ rằng ngài đã được gặp gỡ đấng toàn năng
tối cao là Thượng Đế qua hiện tượng cơ bút. Biểu tượng thiêng liêng của
Cao Đài giáo là hình Một Mắt, có nghĩa là sự thấu suốt mọi lẽ huyền vi
của vũ trụ và thế giới tâm linh. Đức Ngô Văn Chiêu đưa vào nhiều hình
tượng để tán thán và thờ phượng. Ngoài Đức Phật Thích Ca, còn có Đức
Chúa Jesus, Lão Tử, Khổng Tử, thấp hơn có Jeanne d’Arc (nữ anh thư
Pháp), Victor Hugo (văn hào Pháp), Charlie Chaplin, Laurel va Hardy (đều
là các tài tử điện ảnh Hoa Kỳ), cùng nhiều nhân vật lịch sử, tôn giáo
và văn hóa khác nữa, đều được thờ phượng như những bậc thánh. Với một
đạo pháp chủ trương hòa đồng như thế, rất dễ được quần chúng tin tưởng
và chấp nhận, nên chỉ trong một thời gian ngắn, đạo Cao Đài đã phát
triễn toàn khắp Lục Tỉnh và bành trướng ra đến Miền Trung. Tòa Thánh
Trung Tâm đặt tại Tây Ninh, sinh hoạt nội bộ của hàng giáo phẩm và giáo
dân chặt chẽ, gần giống hình thức bán tự trị (semi autonomous state),
một lãnh thổ trong một quốc gia. Sự kiện này đã làm thực dân Pháp rất lo
lắng, khi con số chiến sĩ trong lực lượng võ trang Cao Đài đã lên đến
25 ngàn người. Năm 1932, Đức Ngô Văn Chiêu qua đời, ngài Hộ Pháp Phạm
Công Tắc lên chấp chưởng công việc. Đầu những năm 1950, tín đồ Cao Đài
đã lên đến gần 2 triệu người.
Song song với cuộc bình định lực lượng võ trang
Hòa Hảo, Tổng Thống Diệm bắt đầu chiến dịch chinh phạt lực lượng võ
trang Cao Đài. Với sự giúp sức của CIA Mỹ, qua trung gian của Đại Tá
Lansdale, Thiếu Tướng Trình Minh Thế, Thiếu Tướng Nguyễn thành Phương
chịu quy thuận với những thăng thưởng cấp bậc và vật chất rất hậu từ
phía chính phủ (sử liệu Mỹ tiết lộ CIA đã giúp 1 triệu mỹ kim). Cuối năm
1955, Quân Đội VNCH tấn công vào chiến khu Tây Ninh. Trước ý chí sắt đá
của Tổng Thống Diệm, rằng ông không bao giờ chấp nhận nạn sứ quân trong
một quốc gia có một chính phủ dân cử hợp pháp, thêm tin tức bất lợi và
đẫm máu từ phía mặt trận Hòa Hảo dồn dập bay về, Hộ Pháp Phạm Công Tắc
buộc phải đào thoát sang Cao Miên trong tháng 2.1956. Phần lớn binh sĩ
Cao Đài buông súng xin quy hàng, số còn lại tản mác về Miền Tây.
Như vậy là đã xong những thế lực sứ quân lớn,
các lực lượng võ trang giáo phái đã lụi tàn, nhưng giáo dân Hòa Hảo và
Cao Đài vẫn được tự do tín ngưỡng và hành đạo của mình. Chẳng những thế
mà chính quyền ông Diệm còn giúp đỡ trùng tu, xây dựng chùa, đền, tòa
thánh. Sự kiện này chứng minh rằng, bản thân Tổng Thống Diệm, người
không bao giờ chủ trương kỳ thị tôn giáo. Ngoài tư cách là một tín đồ
Thiên Chúa giáo, ông còn là một nhà nho Khổng giáo, một kẻ sĩ chân chính
luôn tôn trọng đạo lý và lẽ công bằng. Quan niệm rằng tín đồ bất cứ đạo
giáo nào chỉ nên trau giồi phần đạo đức và tâm linh, Tổng Thống Diệm
luôn tích cực hỗ trợ cho công việc thiêng liêng đó. Nhưng không thể lợi
dụng tôn giáo để bạo động và hùng cứ. Quân đội phải được hợp nhất thành
một sức mạnh để bảo vệ đất nước. Ông cũng áp dụng quan niệm đó với lực
lượng Phật giáo, nhưng đấy lại là một câu chuyện khác đầy rối rắm mang
rất nhiều màu sắc chính trị, có sự nhúng tay của Mỹ và cộng sản để đánh
đổ người.
Thứ sáu :
Ngoài các thế lực Hòa Hảo, Cao Đài, chính quyền trung ương cũng chú ý
đến thành phần người Thượng và người Miên. Người Thượng sống tập trung
hầu hết trên vùng đồi núi cao nguyên Miền Trung, có đến hơn 40 chủng
tộc, trong số này có rất nhiều chủng tộc rất gần cận với người Miên, nói
với nhau và hiểu nhau được. Người Thượng không ưa người Kinh, cả quốc
gia lẫn Việt cộng, vì họ chịu thuế má nặng nề từ hai phía thuở các vua
Kinh và thời Pháp thuộc, cùng các triều Nguyễn, rồi thời Việt Minh.
Phong trào FULRO (Front unifié de liberation des races opprimées) : Mặt
Trận Liên Hiệp Những Dân Tộc Bị Áp Bức) trong những thập niên 1960 về
sau, tập họp người Thượng, chủ yếu từ các sắc tộc lớn như Sedang, Rhade,
Jarai, Ede, đòi thành lập một quốc gia riêng do người Thượng điều hành,
về sau lại có thêm các sắc tộc Chàm và Khmer. Các thời Cộng Hòa Nhất và
Nhị đều có thành lập Bộ Sắc Tộc để giải quyết các vấn đề người Thượng,
song song với việc chăm lo quyền lợi cho họ.
Người Miên có khoảng 600 ngàn người sống tập
trung ở Tây Ninh, Bình Dương, nhưng đa số quy tụ ở Miền Tây như Ba
Xuyên, Vĩnh Bình, Châu Đốc và An Xuyên. Người Miên hận thực dân Pháp đô
hộ, oán người Việt chiếm đoạt phần Thủy Chân lạp trong mấy trăm năm Nam
tiến. Bị người Việt Nam coi thường, khinh chê họ là giống dân lạc hậu,
nên mỗi khi có dịp dậy giặc Cáp Duồn (giết người Việt) ở những vùng biên
giới, người Miên tàn sát người Việt rất dã man. Sau Thế Chiến Thứ Hai,
một nhóm ngjời Miên thành lập lực lượng kháng chiến Khmer Kamphuchea
Krom chống Pháp, đánh cả luôn Việt Minh và Quân Đội Quốc Gia Việt Nam,
với ý đồ đoạt lại vùng Thủy Chân Lạp. Năm 1956 là một năm binh lửa, khi
Quân Đội VNCH mở nhiều mặt trận đánh các lực lượng võ trang Hòa Hảo, Cao
Đài, và quân Khmer. Quân đội quốc gia đã gặp phải sự kháng cự quyết
liệt của lực lượng Khmer Kampuchea Krom. Quân Việt tấn công dữ dội, tiêu
diệt nhiều ngàn quân Miên, đẩy lùi quân Krom chạy dạt về bên kia biên
giới. Sau cuộc chiến, người Miên cam chịu khuất phục, họ được chính phủ
Việt Nam bảo vệ, được tự do làm ăn sinh sống, canh tác và sở hữu, thi
hành nghĩa vụ công dân như bất cứ người công dân Việt Nam nào.
Thứ bảy :
Người Thiên Chúa giáo Miền Bắc di cư vào Miền Nam khoảng 600 ngàn người
trong số 700 ngàn đồng bào, thành phần còn lại là Phật giáo, cộng thêm
300 ngàn binh sĩ quốc gia và gia đình, các thành phần viên chức, công
nhân, thương gia, và tất cả những ai tin rằng nếu ở lại sẽ bị cộng sản
đày ải hay tàn sát. Lực lượng Quân Đội Quốc Gia giảm xuống còn 150 ngàn
chiến sĩ, sau khi người Mỹ đề nghị Thủ Tướng Diệm cho giải ngũ một nửa
quân số. Đồng bào di cư bao gồm nhiều thành phần trí thức, có một nền
học vấn vững chắc, nói tiếng Pháp lưu loát, có kiến thức, siêng năng và
cần mẫn, nên chẳng mấy chốc, khối Thiên chúa giáo đã trở thành một thế
lực kinh tế, tài chính và chính trị lớn tại Miền Nam. Tổng Thống Diệm
không chủ trương đưa Thiên Chúa giáo, hay Công giáo lên vị trí độc tôn,
nhưng người ta tin rằng ông đã dành rất nhiều tin tưởng và tín nhiệm
người Công giáo, vì khối người này có lập trường quốc gia chống cộng rất
kiên quyết và hậu thuẫn ông trong mọi chủ trương. Nhưng nói ông Diệm
dung túng, bênh vực người Công giáo thì không đúng. Ông là con người có
cao kiến và rất thận trọng trong vấn đề này, bằng chứng là hầu hết những
viên chức làm việc trong Phủ Tổng Thống chung quanh ông đều là tín đồ
Phật giáo, thí dụ như ông Võ Văn Hải, Chánh Văn Phòng; ông Quách Tòng
Đức, Đổng Lý văn phòng; ông Nguyễn Thành Cung, Tổng Thư Ký; ông Trần Sử,
Bí Thư; ông Tôn Thất Thiết, nội dịch và ông Nguyễn Bằng, cận vệ. Những
linh mục chăn dắt giáo xứ Bùi Chu và Phát Diệm là Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc
Chi, thủ lãnh Lực Lượng Đại Đoàn Kết là linh mục Hoàng Quỳnh không
thích Tổng Thống Diệm, vì ông đã thẳng thắn bác bỏ nhiều yêu sách quá
đáng của họ.
Con số người Công giáo từ Miền Bắc dần dần tăng
trưởng đã lên đến hơn 1 triệu rưỡi người. Những người có tài năng và
học thức đều được trọng dụng làm việc trong guồng máy quốc gia, những
thành phần ưu tú trong quân đội đã trở thành những cấp chỉ huy cao nhất.
Đối với đồng bào thường dân, chính phủ ông Diệm đã lập được kỳ công,
thiết lập 319 xã định cư, phân phối đất canh tác cho, trợ cấp tài chánh
đến khi đồng bào đã có thể tự sinh sống được. Chính phủ gởi 400 ngàn
đồng bào xuống Miền Tây canh tác ở những vùng đất có người Miên dọc theo
biên giới như khu vực Cái Sắn, Kiên Giang, vùng Kinh Thoại Ngọc Hầu và
Kinh Vĩnh Tế ở Châu Đốc. Đồng thời, 100 ngàn dân di cư được đưa lên cao
nguyên Quân Khu II nhận đất khai khẩn và canh tác ở khu vực các tỉnh
Darlac, Lâm Đồng, Kontum, v.v.. bên cạnh các sắc tộc Thượng. Chúng ta
thấy ngay cái thế chiến lược mà một con người nhìn xa trông rộng như
Tổng Thống Diệm đã bố trí. Nửa triệu đồng bào di cư ở những khu vực đó
hình thành những vòng cung làm phên dậu che chở cho nền an ninh của Việt
Nam Cộng Hòa, đồng thời mở rộng sản lượng nông nghiệp quốc gia, khai
khẩn đất hoang hay đất rừng, góp phần tăng trưởng nền kinh tế
Luôn luôn quan sát chính phủ và khối Công giáo
bằng một nhãn quan nghi ngờ, là đại khối Phật giáo ở Miền Nam. Nói chính
xác hơn, là thành phần ni sư ở cấp cao trong giáo hội Phật giáo. Với
con số tín đồ chiếm đến 90% dân số (mặc dù trong hệ thống Phật giáo
chẳng có bằng chứng nào ghi nhận sự quy y chính thức của mỗi tín đồ,
người dân chỉ đơn giản thờ phượng chư Phật, đi chùa lễ Phật mỗi dịp lễ
lạc quan trọng, song song với việc thờ phượng tổ tiên, ông bà), giáo hội
Phật giáo luôn dè chừng nguồn tin rằng người Công giáo vận động chính
phủ công nhận Công giáo là quốc giáo. Nhưng Tổng Thống Diệm, dù rất kính
sợ anh mình là Ngô Đình Thục, Tổng Giám Mục giáo phận Vĩnh Long, rồi
giáo phận Huế, ông không bao giờ cho phép chuyện đó xảy ra. Tất cả mọi
tôn giáo đều có vị trí xứng đáng của mình trong lòng dân tộc. Nhưng khốn
nỗi, những giáo phẩm cao cấp của các tôn giáo, vẫn còn rất nặng lòng
sân si, chấp mê vinh quang phù phiếm và sắc tướng, đâu có được tấm lòng
thánh khiết cao cả như người.
Năm 1957, giám mục Ngô Đình Thục cố vận động
Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Sài Gòn, nhưng Đức Giáo
Hoàng Pius XII chỉ thỏa mãn một nửa, với trách vụ giáo phận Huế, một
vùng đất tiềm tàng nhiều bất trắc. Dù Tổng Thống Diệm đã rất siêng năng
đi thăm viếng khắp các chùa chiền, trò chuyện thân mật với sư sãi, nhưng
cái khoảng cách thân tình giữa một vị lãnh đạo và những giới chức Phật
giáo vẫn chưa thu ngắn được mấy. Một vị Tổng Thống đã hạ mình xuống
ngang hàng với mọi thành phần dân chúng như thế, mà vẫn chưa nhận được
sự hài lòng của mọi người, thật tội nghiệp cho ông. Người đã làm tất cả
những gì phải làm để chứng tỏ ông là một con người của đại chúng, của
mọi thành phần chính kiến, mọi tư tưởng, chứ ông không phải là của riêng
một thế lực hay tôn giáo nào. Đó là sự thật, mà ngày nay mỗi năm đến
ngày 2.11, người Việt quốc gia đều trang trọng làm lễ Cầu Hồn cho Tổng
Thống Ngô Đình Diệm để giải oan cho người và để tôn vinh một chiến sĩ
quốc gia luôn nặng lòng tận tụy với tổ quốc và dân tộc đến giây phút
cuối cùng của cuộc đời.TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM: KẺ SĨ CUỐI CÙNG
Thứ tám :
Khi tất cả những lực lượng võ trang giáo phái đã được bình định, vẫn
hãy còn một lực lượng ghê gớm mà sẽ khuynh đảo hai chế độ Cộng Hòa ở
Miền Nam. Đó là lực lượng Việt Minh, rồi sau này được gọi là cộng sản.
Về sau, với sự hiện diện của binh đội Bắc Việt, báo chí truyền thông
Việt Nam Cộng Hòa đã phân biệt hai thành phần quân cộng sản. Thứ nhất,
là Việt cộng, là những binh sĩ nằm trong lực lượng võ trang của Mặt Trận
Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam do Hà Nội thành lập ngày 20.12.1960 ở xã
Tân Lập, tỉnh Tây Ninh, đa số là dân gốc Miền Nam. Thứ hai, là cán binh
Bắc Việt, để gọi những bộ đội xâm nhập từ miền Bắc vào, đa số chiến đấu
trong những lực lượng chính quy.
Khi 100 ngàn bộ đội cộng sản Miền Nam tập kết
ra Bắc sau Hiệp Định Geneva ngày 20.7.1954, thì vẫn còn 10 ngàn người
nhận lệnh Hà Nội ở lại nằm vùng, kiên nhẫn chờ thời cơ nổi dậy, nếu
chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không chịu tổ chức cuộc tổng tuyển cử trong
năm 1956. Hà Nội đã tiên đoán đúng, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không ký
vào bản văn Hiệp Định Geneva nên không có trách nhiệm thi hành hiệp
định này. Quốc tế cũng hiểu như vậy, nên không ai có thể trách cứ chính
phủ VNCH việc ấy. Từ cuối năm 1955 đến đầu năm 1960, Quân Đội VNCH vừa
tiếp thu những vùng Việt Minh rút bỏ, vừa mở những cuộc hành quân tiêu
diệt cộng phỉ. Tại sao gọi là cộng phỉ. Trong Hiến Pháp Việt Nam Cộng
Hòa có điều khoản không công nhận hoạt động cộng sản, loại chúng ra khỏi
vòng pháp luật. Mọi hành vi ám sát, bắt cóc, khủng bố, nổ bom chợ búa,
trường học, đào đường, phá cầu, thu thuế dân quê bằng cưỡng bách và giết
chóc, nói chung những hành động phá hoại đều được gọi là phỉ và phải
thụ án hình sự.
Ở Miền Trung, bộ máy mật vụ của ông Ngô Đình
Cẩn truy lùng ráo riết Việt cộng nằm vùng, đồng thời với các thành phần
chống đối. Bận rộn với công vụ ở Miền Nam, việc đón nhận và định cư gần
một triệu người Miền Bắc vào, ông Diệm gần như khoán trắng công vụ Miền
Trung cho ông em trong trách vụ Đại Biểu Chính Phủ ở Miền Trung. Bộ máy
của ông Cẩn ở Miền Trung và mật vụ, cảnh sát ở Miền Nam làm việc hiệu
quả đến mức cộng sản phải la làng lên, rằng quân đội quốc gia bắt bớ,
đàn áp dân chúng “vô tội”. Thật buồn cười, anh phải làm cái gì đó vi
phạm luật pháp quốc gia, thí dụ như anh làm giao liên, tiếp tế, chứa
chấp phỉ cộng trong nhà, dấu súng làm du kích, nuôi quân cộng, ban đêm
xách bị đi thu thuế dân lành, và nhiều tội ác mờ ám khác như bắt cóc, mổ
bụng, cắt cổ những người theo về với phía quốc gia, anh bị bộ máy mật
vụ và cảnh sát VNCH tóm đầu là đúng quá rồi, còn kêu ca nỗi gì. Tại sao
người ta bắt ông A mà không bắt ông B. Là tại vì ông A vi phạm pháp
luật, ông B không có làm gì, nên ban đêm ông B cứ ăn ngon ngủ kỹ. Thí dụ
như bây giờ chúng ta về thành phố Hồ vẹm rải truyền đơn chống cộng, vẹm
đương nhiên bủa lưới bắt, chứ chúng để cho chúng ta tà tà thảnh thơi
được sao. Tấm gương của Đỗ Thành Công trong tháng 8.2006 đấy, chỉ mới về
Phan Thiết nghỉ phép dung dăng dung dẻ với vợ con thôi, là đã bị tống
vào nhà đá rồi.
Toàn Miền Nam, con số cán bộ nằm vùng từ 10
ngàn người giảm xuống còn 3 ngàn. Cán bộ cao cấp nhất còn ở lại Miền Nam
là Lê Duẫn phải bỏ nhiều công sức và thời gian để gầy dựng lại cơ sở hạ
tầng. Duẫn nhiều lần nài xin Hồ Chí Mính tấn công Miền Nam. Nhưng bản
thân đảng Lao Động (tức cộng sản trá hình) còn nhiều khó khăn cần phải
vượt qua và củng cố thành quả “cách mạng” ngoài Bắc, thêm cuộc khởi
nghĩa Quỳnh Lưu, Nghệ An năm 1956, Hồ thấy chưa đủ sức và thời điểm chưa
chín mùi. Điều mà Hồ có thể làm được là chỉ thị Lê Duẫn cho quân Việt
cộng đấu tranh chính chính trị, song song với tổ chức những cuộc ám sát
hàng ngàn viên chức xã ấp của quốc gia để gây khủng khiếp trong dân
chúng và ngăn cản những người yêu nước làm việc cho chính quyền VNCH.
Bầu không khí khủng bố bao trùm khắp thôn quê Miền Nam. Hầu như cứ qua
một đêm, vào buổi sáng hôm sau, nằm trên một bờ đê hay trên một thửa
ruộng cạn nước, hoặc ngập nước, người dân rùng mình hãi hùng trông thấy
những cái thây người bị cắt cổ máu me đầm đìa, bụng bị mổ lòi ruột gan,
trên ngực ghim một mảnh giấy với mấy hàng chữ : “Bản Án Dành Cho Bọn Làm
Việc Cho Mỹ Diệm”.
Nhưng tất cả những thành phần dân tộc, tôn
giáo, chính trị và cộng sản cũng chưa hội đủ điều kiện cần thiết để có
thể làm sụp đổ nền Đệ Nhứt Cộng Hòa, nếu… không có sự nhúng tay và hậu
thuẫn của người Mỹ. Trước những sự quấy nhiễu, gây rối, hách dịch và ngu
dốt về lịch sử, dân tộc, văn hóa và chính tình Việt Nam của các yếu
nhân Mỹ từ Tổng Thống cho đến các cộng sự viên, Tổng Thống Diệm càng lúc
tỏ ra rất cứng rắn không chịu khuất phục. Ông đã nhận ra rằng sự có mặt
của 3,000 cố vấn Mỹ do Kenndy gởi sang Miền Nam không phải là giúp
chính thể VNCH xây dựng một quốc gia độc lập và hùng mạnh thật sự, mà
cốt chỉ phục vụ cho quyền lợi của người Mỹ và nước Mỹ, giống một con
đường đang tách dần ra hai hướng, càng lúc càng xa cách. Chính phủ VNCH
đề nghị chính phủ Hoa Kỳ giúp xây dựng một nhà máy đúc đạn tiểu liên ở
Gò Vấp. Lúc đầu phía Hoa Kỳ đã chấp nhận, nhưng một thời gian sau đã cho
xếp lại dự án ấy, bởi người Mỹ theo đuổi một chính sách phòng ngừa và
ngăn chận quân đội VNCH tấn công ra Bắc, họ sẽ không cung cấp bất cứ
phương tiện gì để VNCH có được khả năng tấn công. Thời Đệ Nhị Cộng Hòa,
chính phủ mở Ngân Hàng Kỹ Thương ký thác tiền tiết kiệm hàng tháng của
mỗi quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ cuối những năm 1960, con số
lên đến vài tỉ đồng, tương đương mấy trăm triệu đô la Mỹ. Người Mỹ e
rằng chính phủ VNCH dùng số tiền này mua thêm súng đạn từ các quốc gia
khác, hoặc thành công trong những kế hoạch phát triễn kinh tế để tự túc
hoàn toàn, không nhận tiền Mỹ nữa, nên đã dàn dựng tấn kịch “tham nhũng”
trong kế toán ngân hàng và Bộ Quốc Phòng, áp lực chính phủ VNCH phải
bồi hoàn số tiền này cho mọi quân nhân, ngừng vĩnh viễn chương trình
tiết kiệm quân đội. Nói một cách chính xác, vụ Kỹ Thương Ngân Hàng là
một trong những dấu hiệu cho thấy chính phủ Hoa Kỳ đã ấn định và chuẩn
bị cái chết của Việt Nam Cộng Hòa rất sớm. Người Mỹ không muốn VNCH
thành công kinh tế, trở thành một cường quốc trong vùng Đông Nam Á, họ
muốn dân tộc Việt mãi mãi đắm chìm trong nghèo đói, từ đó phát sinh nạn
tham nhũng và phải chịu khuất phục, phụ thuộc người Mỹ.
Những cố vấn thân cận của Kennedy đã dùng trí
tuệ siêu đẳng của họ để không phải chiến thắng kẻ thù một cách vinh
quang, mà trời ơi, là để tháo chạy ra khỏi Việt Nam. Có hai khuynh hướng
được cân nhắc : Thứ nhất, thay thế chính phủ ông Diệm bằng một chính
phủ dễ nói chuyện và sai bảo hơn. Thứ hai, hất ông Diệm xuống và dựng
lên, trời đất, một chính phủ có nhiệm vụ tuyên bố “đuổi” người Mỹ ra
khỏi Miền Nam. Lúc ấy, người Mỹ danh chính ngôn thuận rời khỏi Miền Nam
trong danh dự. Chúng ta sẽ thấy các đời tổng thống Mỹ đều rất gắn bó với
hai khái niệm kỳ quái này. Càng kỳ quái hơn, khi người Mỹ đã tìm thấy
một con người có khả năng thực hiện được hai kế hoạch ô nhục đó : Trung
Tướng Dương Văn Minh của cuộc loạn binh 1.11.1963 và Tổng Thống Dương
Văn Minh của cuộc “đuổi Mỹ” và đầu hàng ngày 30.4.1975.
Thật may mắn cho người Mỹ, vụ biến động Phật
giáo xảy ra trong tháng 5.1963 là một cái ngòi nổ quá tốt để người Mỹ bê
một trái mìn tới cho nó nổ sập chế độ Đệ Nhứt Cộng Hòa. Cuộc biến động
đó thường được nhớ đến từ sự kiện “Treo Cờ Phật Giáo”. Cuộc oan nghiệt
khởi đầu từ việc những viên chức đầu tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế
cho phép treo nhiều cờ Công giáo ra khỏi khuôn khổ của một thông tư
trung ương. Nhân ngày lễ Phục Sinh đầu tháng 4.1963, Tổng Thống Diệm có
đi thị sát dân tình, ông đã chú ý đến việc treo cờ quốc gia và cờ đạo
chưa được nghiêm chỉnh và đúng cách. Tổng Thống Diệm ký một thông tư lưu
ý các tỉnh thành về thể thức treo quốc kỳ trong những này lễ đạo, không
phân biệt tôn giáo nào. Cờ quốc gia phải được treo ở cổng nhà thờ, chùa
chiền, đền thánh, chính giữa và cao phía trên, đúng kích thước; cờ đạo
được phép treo phía dưới; phía trong được treo bao nhiêu đạo kỳ tùy ý.
Đầu tháng 5.1963, để kỷ niệm lễ ngân khánh 25 năm thụ phong của Tổng
Giám Mục Ngô Đình Thục, tại Huế, nhiều cờ Vatican đã được treo trái với
quy định trong thông tư của Tổng Thống Diệm. Thật bất hạnh cho nước Nam,
tháng 5 trùng với mùa lễ Phật Đản, nên ngày 8.5.1963, Phật Tử Huế treo
cờ đạo cũng trái quy định, giống như vụ cờ Vatican. Anh treo được thì
tôi treo được.
Nếu sự việc ngừng ở đây thì đâu xảy ra thảm
kịch đau lòng ngày 1.11.1963 và người Mỹ có đâu cái cớ để nhào vô đánh
trống la làng. Vẫn những viên chức Huế thông báo đồng bào Phật Tử phải
tuân theo thông tư chính phủ, treo đạo kỳ lùi vào bên trong chùa, gây
nên một làn sóng phẫn nộ trong dân chúng. Ngay trong buổi chiều ngày
8.5.1963, một cuộc biểu tình phản đối tụ tập hàng ngàn Phật Tử trước Đài
Phát Thanh Huế, là nơi đang đọc thông báo. Bầu không khí sôi sục nhưng
vẫn còn có thể kiềm chế được, quân đội quốc gia được gởi đến nhưng không
có một hành động nào sử dụng bạo lực. Đột nhiên có một trái bom nổ bùng
lên giữa đoàn người đang hò hét, gây tử thương một số ít người, trong
đó có 7 em bé. Như một cái ly nước đã quá đầy và tràn, không còn gì ngăn
được lòng căm phẫn của dân chúng. Cán bộ cộng sản nằm vùng trong các
chùa chiền, leo dần lên đến những vị trí đại đức, thượng tọa như Trí
Quang, Thiện Minh,… đổ dầu thêm vào lửa, cố gây tình trạng hỗn loạn tại
Huế, thay vì thể hiện tinh thần bất bạo động, cùng với chính quyền tìm
những phương cách ôn hòa để giải quyết. Trong khi đó thì tất cả chùa
chiền ở các tỉnh thành khác đều tuân thủ thông tư của chính phủ, không
có biến động đáng tiếc nào.
Sự kiện 8.5.1963 đã được báo chí ngoại quốc
đăng tải, dĩ nhiên thổi phồng, cố tạo cho thế giới có một cảm giác ngột
ngạt đang diễn ra tại Việt Nam, chú tâm vào vấn đề Phật giáo, bỏ qua tất
cả những thành quả khác đang trên đà tiến triễn của Việt Nam Cộng Hòa.
Đó là cung cách của báo chí, truyền thông Tây phương và Hoa Kỳ. Sau năm
1975, James Scott, cựu Đại Úy quân đội Mỹ, từng là cố vấn Tiểu Đoàn 1,
Trung Đoàn 3, Sư Đoàn 1 Bộ Binh của VNCH, có nhiều liên hệ với CIA, công
bố một bức thư thú nhận chính anh ta đã được lệnh gài một trái bom nổ
chậm để gây ly gián giữa Phật tử và chính quyền. Kế lý gián ấy đã thành
công, cộng với sự xách động của sư sãi Việt cộng mặc áo nhà tu, đẩy tình
hình nội trị Việt Nam đến một sự căng thẳng giả tạo. Một phái đoàn Liên
Hiệp Quốc xin được vào Miền Nam điều tra những cái mà báo chí ngoại
quốc gọi là “đàn áp tôn giáo” của chính phủ ông Diệm. Phái đoàn điều tra
được phép đi khắp nơi, phỏng vấn một số người, để cuối cùng công bố một
kết luận làm Hà Nội và người Mỹ thất vọng : Tại Miền Nam chẳng có dấu
hiệu nào chứng tỏ chính quyền Ông Diệm đàn áp tôn giáo cả. Song song đó,
chính quyền đồng ý bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân trong tai nạn
bom nổ ngày 8.5.1963, tiếp tục những cuộc thương thảo với các chức sắc
lãnh đạo Phật Giáo. Muốn đốt lên ngọn lửa hận thù, người ta phải dựng
nên một vụ chấn động nào đó tương đương với sự kiện 8.5.1963. Ký giả
David Halbrestam của báo New York Times sáng ngày 11.6.1963 bỗng nhận
được một cú điện thoại nặc danh bảo anh ta đến ngã tư Lê Văn Duyệt –
Phan Đình Phùng để chứng kiến một sự kiện quan trọng. Cùng hiện diện tại
đó còn có nhiếp ảnh viên Malcolm Browe. Tấn bi kịch đã được dàn dựng
với những nhân chứng ngoại quốc, để bảo đảm tin tức và hình ảnh được
truyền bá khắp thế giới.
David và Malcolm đã chứng kiến được tấn bi kịch
tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức, 66 tuổi. Cùng với hai nhà sư
trẻ hơn, hòa thượng Thích Quảng Đức từ trên một chiếc xe hơi bước xuống
ngồi tọa thiền trong vòng vây của nhiều tăng ni. Hai nhà sư đổ một thùng
xăng lên người ông, người hòa thượng tự châm diêm quẹt tự thiêu. Tin
tức và hình ảnh ghê rợn đó đã được truyền đi đúng như ý muốn của những
người dàn dựng. Chính phủ Mỹ có cái cớ nhảy vào “cảnh cáo” chính quyền
VNCH hãy thỏa mãn yêu sách của Phật giáo. Phản ứng cứng rắn của chính
quyền đã làm tan đi những hy vọng hòa giải. Tháng 8.1963, quân đội được
lệnh khám xét những chùa chiền, bắt nhiều sư sãi về thanh lọc thành phần
cộng sản nằm vùng. Trí Quang ở chùa Ấn Quang nhanh chân chạy trốn được
vào cơ quan USAID Mỹ ở Sài Gòn. Dĩ nhiên người Mỹ sốt sắng nhận che chở
ngay. Ngày 2.11.1963, ông Ngô Đình Cẩn chạy đến Tòa Lãnh Sự Mỹ tại Huế
xin ông Lãnh Sự John Helble cho tị nạn. Helble lạnh lùng từ chối. Ngày
5.11.1963, Cabot Lodge lệnh cho giải giao ông Cẩn về Sài Gòn trao cho
Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Hai sự kiện này đã nói lên được chính sách
phản trắc của chính quyền Hoa Kỳ. Gần đây nhất, đại sứ Hoa Kỳ tại Hà
Nội, ông Marine đã sống sượng phát biểu về những vụ tự thiêu của tín đồ
Phật Giáo Hòa Hảo phản đối Việt cộng đàn áp tôn giáo như sau :”Những người tự thiêu là những người cực đoan. Hành động đó làm cản trở tự do tín ngưỡng của tín đồ”. Mẹ ơi, 43 năm trước cũng chính người Mỹ ca ngợi “Tự thiêu là hành dộng dũng cảm vì đạo pháp của các bậc bồ tát”.
Thế là thế nào, cùng một miệng Mỹ mà phun ra tới hai luồng sulfur khác
nhau. Nếu cho là lời ông Marine đúng thì hóa ra chế độ vẹm Hà Nội là một
chế độ quá thánh thiện mất rồi. Ô hô !
Trong tình hình sư sãi như rắn mất đầu như thế,
lẽ ra Trí Quang nên làm một cái gì to tát như hòa thượng Thích Quảng
Đức để được vĩnh viễn lưu danh trong Phật sử, thì ông ta đã nhanh chân
tẩu thoát trước. Nếu Trí Quang cùng ngồi tọa thiền trong tù với hàng
ngàn sư sãi, thậm chí dẫn đầu một cuộc tuyệt thực trong đó, thì tác động
“chiến tranh tâm lý” có phải lớn hơn không. Phải chăng đùn đẩy người vô
tội chết thay cho mình, sẵn sàng bỏ chạy trước khi nguy biến là bản
chất của người cộng sản. Sau 1975, những con bài tôn giáo chiến lược của
Hà Nội như Trí Quang, Nhất Hạnh, Minh Châu, … đều đã lộ diện, như là
một yếu tố chính trị quan trọng trong màn kịch Phật giáo. Nhưng những
biến cố đó vẫn chưa đủ liều lượng làm sụp đổ chế độ. Người Mỹ cần một
yếu tố thứ ba : tướng lãnh VNCH. Vì thế ngay trong tháng 8.1963, Henry
Cabot Lodge được lệnh khăn gói sang Việt Nam. Đến đây tấn thảm kịch
1.11.1963 và cái chết của anh em Tổng Thống Diệm được bắt đầu.
Ngày thứ Sáu 1.11.1963 oan nghiệt trùng với
ngày Lễ Các Thánh, tức kế tiếp ngay sau ngày Halloween 31.10.1963. Bầu
trời buổi sáng nắng đẹp, đột nnhiên lúc giữa trưa đã trở nên u ám, như
báo trước một tấn bi kịch mà cho đến tận thời điểm hiện tại khi nhớ lại
người ta vẫn còn rùng mình kinh hãi. Không phải vì cuộc đổi đời dâu bể,
mà là ghê tởm cuộc tắm máu hai anh em Tổng Thống Diệm một cách dã man và
không cần thiết của những người cầm đầu cuộc đảo chánh mà họ gọi là
“cách mạng” và những cái gọi là “đồng minh” Hoa Kỳ. Nếu Tổng Thống Diệm
cứng rắn kháng cự đến giây phút cuối cùng, ông có chết giữa vòng lửa đạn
thì đó là cái chết phải đến và xứng đáng. Nhưng ông đã quá tin vào lời
chấp nhận của Tướng Dương Văn Minh, người được Mỹ hậu thuẫn và là người
đứng đầu Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, đồng ý đầu hàng và xin Hội Đồng
cho phép ông và ông Nhu được sống lưu vong nước ngoài. Suốt cuộc đời
Tổng Thống Diệm, ông chỉ ban bố tấm lòng nhân ái tận tụy cho dân tộc chứ
chưa từng nhẫn tâm lừa gạt đối phương một cách trắng trợn như Tướng
Minh.
Đúng 1 giờ ngày 1.11.1963 tiếng súng của quân
đảo chánh bắt đầu nổ. Một lực lượng nhiều tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến
làm nỗ lực chính khai tử nền Đệ Nhứt Cộng Hòa, cùng với những lực lượng
hỗ trợ hỏa lực như Thiết Giáp, tăng viện chiến trường như Nhảy Dù, bao
vây Sài Gòn như Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Đại Tá Cao Văn
Viên, Tư Lệnh Nhảy Dù đã khẳng khái khước từ tham gia đảo chánh, ông
suýt bị hạ sát ngay tại Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng được Trung Tướng Trần
Thiện Khiêm can thiệp cứu thoát và cho người giam lỏng ông. Với lòng
trung thành ấy, ông có đủ phẩm chất được Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng
tin tưởng giao cho ông tiếp tục chỉ huy binh chủng Nhảy Dù sau ngày
1.11.1963. Có lẽ trường hợp Đại Tướng Viên là một sự kiện kỳ lạ và độc
nhất trong hàng tướng lãnh, một con người trung thành với Tổng Thống
Diệm lạc lõng giữa đám Tướng, Tá phản loạn. Tuy vậy, ngày 28.4.1975, khi
Tướng Minh nhận bàn giao chức vụ tổng thống từ Tổng Thống Trần Văn
Hương, nhớ lại nỗi oan khuất và cái chết thảm của Tổng Thống Diệm, Đại
Tướng Viên đã xin từ nhiệm, quyết không chịu cúi lòn dưới trướng của
Minh.
1 giờ 05 phút. Quân Cọp Biển TQLC đã chiếm được
Tổng Nha Cảnh Sát và Đài Phát Thanh Sài Gòn không gặp sức kháng cự đáng
kể, Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Đặc Biệt bị tràn ngập. Hôm trước, vị Chỉ Huy
là Đại Tá Lê Quang Tung đã bị hạ sát bằng súng lục tại nghĩa trang sau
khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu cùng với anh ông là Trung Tá Lê Quang Triệu,
vì cả hai thề giữ lòng trung thành với Tổng Thống Diệm. Tư Lệnh Hải
Quân, Đại Tá Hồ Tấn Quyền cũng mất mạng. Mất người tư lệnh, các chiến sĩ
áo rằn Lực Lượng Đặc Biệt cam chịu tan rã.
4 giờ 30 phút, suốt ba tiếng đồng hồ, tiếng
súng giao tranh giữa hai lực lượng trung thành và đảo chánh nỗ dòn dã
khắp thủ đô. Dân chúng náo động, xôn xao và chờ đợi tin tức từ Đài Phát
Thanh Sài Gòn. Người ta nhớ lại ba năm trước, cũng vào thời điểm này,
ngày 11.11.1960 Đài Phát Thanh Sài Gòn cũng đã phát thanh lời hiệu triệu
của quân đảo chánh, cùng những bài nhạc hùng quân đội. Nếu một bài nhạc
hùng phát lên trong lúc này, thì đó là dấu hiệu của một cuộc đảo chánh
khác. Quả thật như thế, sau vài phút phát thanh một bản nhạc quân đội,
dân chúng thủ đô và hầu hết các tỉnh Miền Tây qua các làn sóng tiếp vận
đã được nghe lời hiệu triệu của Trung Tướng Dương Văn Minh như sau : “Đồng
bào thân mến, Kể từ giờ phút này, Quân Đội nhất quyết đứng lên để giải
thoát đồng bào ra khỏi ách thống trị độc tài… Ngày mà đồng bào chờ đợi
đã đến, toàn thể Quân Đội nhận định, với chế độ hiện hữu, công cuộc
chống Cộng và kiến quốc của toàn dân sẽ không có hiệu quả…”. Tướng
Minh còn đọc tiếp, với chủ trương tuyệt đối tránh đổ máu, Hội Đồng Tướng
Lãnh đã chấp nhận cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ chức và rời khỏi Việt
Nam ngay lập tức, ông loan báo sẽ có lời từ giã của ông Diệm trên đài
phát thanh với tư cách một công dân bình thường..
Từ dinh Gia Long, Tổng Thống Diệm gọi cho đại
sứ Hoa Kỳ, ông Henry Cabot Lodge, vừa nhậm chức tại Sài Gòn chỉ mới hồi
tháng 8.1963. Chân ướt chân ráo sang Sài Gòn, Cabot Lodge đã rủ rê Trung
Tướng Minh, lúc này là Cố Vấn Quân Sự Phủ Tổng Thống, đang ngồi chơi
xơi nước và gãi… rốn, đi đánh tennis, rồi nhỏ to thủ thỉ những chuyện
tày đình. Cũng cùng thời gian đó, Trung Tá CIA Lucien Conein đến gặp
Trung Tướng Trần Văn Đôn, Tham Mưu Trưởng quân đội để nghe Đôn xác định
kế hoạch đảo chánh đã được soạn thảo và sẵn sàng thi hành. Gần ngày đảo
chánh, Conein có xách một cặp táp chứa 40 ngàn mỹ kim, khoảng hơn hai
triệu đồng Việt Nam, trao cho ông Đôn, có lẽ để chi dùng chuyện cần
thiết. Số tiền này sau ngày 1.11.1963, các tướng phản loạn đã chia nhau
mỗi người một ít. Trời ơi, gần hai ngàn năm trước Judas bán Chúa chỉ với
40 mươi đồng bạc, hai ngàn năm sau, các Tướng bán vị nguyên thủ quốc
gia VNCH cho ngoại bang chỉ với 40 ngàn mỹ kim. Một con số nhơ nhuốc, mà
mỗi khi nhắc lại, hẳn những tướng đảo chánh phải cúi đầu hỗ thẹn.
Cuộc nói chuyện với Cabot Lodge đã diễn ra trong một bầu không khí rất lạnh nhạt và đểu cáng từ phía người Mỹ :
Tổng Thống Diệm : Đang có một cuộc đảo
chánh chống lại chính phủ, ông đại sứ có hay biết gì về việc này không
và tôi muốn biết thái độ của Hoa Kỳ.
Cabot Lodge : Tôi nghĩ rằng tôi không được
thông báo tin tức đầy đủ để có thể trả lời câu hỏi của ngài. Tôi có nghe
thấy những tiếng súng nổ, nhưng không rõ thực hư. Vả lại bây giờ là 4
giờ rưỡi sáng Hoa Thịnh Đốn, chính quyền Mỹ có lẽ không thể đưa ra được
một ý kiến về vấn đề này.
Tổng Thống Diệm : Nhưng chắc chắn ngài cũng
có những ý niệm đại khái về vấn đề này. Dù sao, tôi cũng là một vị quốc
trưởng, tôi đã cố gắng làm hết bổn phận.
Cabot Lodge : Dĩ nhiên ngài đã làm bổn phận
của ngài. Không ai có thể lấy đi cái công của ngài đối với tất cả những
gì ngài đã làm. Nhưng bây giờ tôi lo ngại cho sự an toàn của ngài. Tôi
được báo cáo rằng những kẻ đảm trách những việc đang xảy ra đề nghị để
cho ngài và em ngài bình yên ra ngoại quốc nếu ngài từ chức. Ngài có
nghe biết chuyện đó không ?
Tổng Thống Diệm : Không….
Cabot Lodge : Vâng, nếu tôi có thể làm được điều gì cho sự an toàn của bản thân ngài, xin ngài cứ gọi tôi.
Tổng Thống Diệm : Tôi đang tìm cách lập lại trật tự, ngài có số điện thoại của tôi.
Tổng Thống Diệm cúp máy không muốn nói chuyện
thêm nữa. Một con cáo già trong ngành nói láo như Cabot Lodge mà lại quá
hớ hênh và ấu trĩ khi ở đầu cuộc đàm thoại chối leo lẻo không biết gì
về cuộc đảo chánh, nhưng sau đó ông ta đã “nghe báo cáo” nói về ý định
của các Tướng phản loạn sẽ để cho ông Diệm và ông Nhu ra đi. Một sự việc
tầy trời như thế mà Cabot Lodge nhẩn nha nói rằng Hoa Thịnh Đốn hãy
còn… ngủ. Cứ giả sử lúc ấy, ngay giây phút đó, một toán Vẹm xông vào tòa
đại sứ Mỹ, để coi Henry Cabot Lodge có són trong… quần và khẩn cấp gọi
về Hoa Thịnh Đốn la làng lên kêu cứu hay không, hay là cứ để cho Kennedy
ngủ chán chê đã. Một kẻ sĩ đầy hào khí và lòng tự trọng như Tổng Thống
Ngô Đình Diệm đời nào người chịu hạ mình van xin sự sống từ bọn người
ngoại chủng bất nhân, bất nghĩa và bất trí ấy. Anh Hùng Tử Khí Hùng Bất Tử.
Qua những giây phút đàm thoại ngắn ngủi với Cabot Lodge, Tổng Thống
Diệm biết chắc người Mỹ đã nhúng tay vào âm mưu ghê tởm này. Chúng có
thể giết được cái xác trần của người, chứ làm sao chúng xóa đi được
thanh danh, cái phần linh hồn tinh túy của một người lãnh đạo chân chánh
Việt Nam. Tôi tiến hãy theo tôi, tôi lùi hãy bắn tôi, tôi chết hãy trả thù cho tôi. Người đời sau càng phỉ nhổ Kennedy và Cabot Lodge bao nhiêu, càng trân trọng tôn vinh Tổng Thống Diệm bấy nhiêu.
Trong thời gian đó, Đài Phát Thanh Sài Gòn
chính thức loan báo thành phần tướng lãnh và sĩ quan tham dự cuộc binh
biến : Các Trung Tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Nguyễn Ngọc Lễ,
Trần Văn Minh; các Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm, Mai Hữu Xuân, Trần Tử Oai,
Lê Văn Kim, Phạm Xuân Chiểu, Tôn Thất Đính, Nguyễn Văn Là, Trần Thiện
Khiêm, Trần Ngọc Tám và Nguyễn Giác Ngộ; các Đại Tá Đỗ Mậu, Nguyễn
Khương, Dương Ngọc Lắm, Nguyễn Văn Thiệu; các Trung Tá Lê Nguyên Khang,
Khổng Văn Tuyên, Đỗ Ngọc Nhận và Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Thiệt.
7 giờ 30 phút tối. Tướng Minh gọi điện thoại
vào Dinh Gia Long xin nói chuyện với Tổng Thống Diệm, nhưng ông Diệm từ
chối, Minh càng tức uất, sát khí đã bốc ngùn ngụt trong đầu ông ta.
8 giờ tối. Ông Cao Xuân Vỹ, một nhân vật lãnh
đạo cao cấp của Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa, đã tìm đâu ra được một chiếc
xe màu đen cũ, có lẽ là chiếc Traction, chạy vào sau khuôn viên Dinh Gia
Long rước Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Chính Trị Ngô Đình Nhu vượt qua
được vòng vây quân đảo chánh. Hai anh em ông Diệm đã theo một đường hầm
bí mật thoát ra ngoài. Chiếc xe cũ mèm không ai buồn để ý đến hóa ra
lại vô cùng đắc dụng. Ông Vỹ chở Tổng Thống Diệm chạy vào Chợ Lớn trú
ngụ trong nhà thương gia Mã Tuyên, một người Tàu có nhiều mối giao hảo
tốt với gia đình ông Diệm. Được tin Tổng Thống Diệm đã tìm được chỗ ẩn
lánh an toàn, các chiến sĩ thuộc Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng
Thống tổ chức vị trí kháng cự ở Dinh Gia Long và Thành Cộng Hòa, thề tử
thủ và trung thành với chế độ đến cùng. Quân đảo chánh gặp rắc rối to,
các tướng lãnh chủ chốt như Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân,
Lê Văn Kim và Tôn Thất Đính sợ xạm cả mặt.
Tuy là trong một tình trạng căng thẳng ghê gớm
như thế, những chiến sĩ đôi bên chỉ chỉa súng lên trời nổ lóc bóc ầm ĩ
nghe cũng kinh khủng, xe tăng bao vây coi bộ hầm hừ dữ lắm, thiết giáp
bên trong vòng rào dinh tổng thống cũng chỉa ra nghênh chiến. Tình thật
thì chẳng người lính nào nỡ hạ súng xuống bắn vào những người cùng chung
màu áo treillis. Cho nên khi cuộc đảo chánh thành công, con số thiệt
hại nhân mạng thật ít ỏi, ngoại trừ một vài trường hợp rủi ro. Đến giờ
phút này Tổng Thống Diệm vẫn còn hy vọng vào lực lượng cứu nguy từ Quân
Khu II Cao Nguyên, ông đã liên lạc được với Trung Tướng Nguyễn Khánh kêu
gọi ông đem quân về giải vây. Tướng Khánh lừng khừng trả lời, rằng ông
muốn lắm nhưng đã trễ mà đường về thì xa diệu vợi. Thật tình thì Tướng
Khánh đánh hơi thấy gió đã đổi chiều, nên 4 giờ sáng ngày 2.11.1963 ông
đã đánh điện về Sài Gòn ủng hộ quân đảo chánh.
Vẫn không có báo cáo lạc quan nào từ phía Thủy
Quân Lục Chiến, Nhảy Dù và Thiết Giáp, các tướng đảo chánh lệnh cho Đại
Tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh tiến lên làm nỗ lực chánh
tấn công Dinh Gia Long. Ngay từ đầu cuộc động binh, Đại Tá Thiệu thừa
khôn ngoan, ông chùng chình án binn bất động, không muốn tay vấy vào
chàm, từ tận thâm tâm ông còn nhớ rằng mình vẫn là một đảng viên Đảng
Cần Lao của chính quyền (Nền Đệ Nhứt Cộng Hòa có hai lực lượng chính trị
chánh phụ thuộc vào chính quyền là Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia và
Đảng Cần Lao. Đảng Cần Lao là sáng kiến tư duy của ông Ngô Đình Nhu,
được xem như một cái đối trọng của Đảng Lao Động của cộng sản Hà Nội).
Nhận lệnh, Đại Tá Thiệu điều động quân bộ binh “đánh” vào chiến lũy của
Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Vẫn chẳng ăn cái giải gì, vì đôi bên
làm sao nỡ lòng bắn nhau. Súng vẫn nổ rền trời suốt đêm.
0 giờ 10 phút. Bộ Chỉ Huy của quân đảo chánh
đặt tại đường Phạm Ngũ Lão, sau bến xe buýt Sài Gòn, quyết định tổ chức
một cuộc hành quân liên binh đại qui mô. Nhiều chiến xa và thiết vận xa
từ mạn Chợ Lớn theo đường Trần Hưng Đạo ầm ầm tiến ra Sài Gòn. Các đơn
vị Thủy Quân Lục Chiến được điều động dọc theo hai bên đường chạy theo
chiến xa. Khi đến Công Trường Diên Hồng, tất cả đều dừng lại để chiến xa
và M 113 chuẩn bị đội hình tấn công.
4 giờ sáng. Chiến xa và các đơn vị bộ binh tiến
về hướng Dinh Gia Long theo những ngã Pasteur, Công Lý và Lê Thánh Tôn.
Máy phóng thanh của quân đảo chánh không ngớt kêu gọi Lữ Đoàn Liên Binh
Phòng Vệ Phủ Tổng Thống đầu hàng.
5 giờ sáng ngày 2.11.1963.. Buổi sáng sớm, sau
khi đã cùng ông Nhu sang Nhà Thờ Cha Tam cầu nguyện lần cuối cùng, Tổng
Thống Diệm quyết định bỏ cuộc. Ông cảm thấy cô đơn và mệt mỏi lắm rồi.
Điều mà người còn có thể làm được là gọi điện lệnh cho Lữ Đoàn Liên Binh
Phòng Vệ Phủ Tổng Thống buông súng để tránh thương vong cho các chiến
sĩ trung thành của ông. Tổng Thống Diệm gọi điện thoại cho Tướng Minh
loan báo ý định đầu hàng, với điều kiện cùng ông Nhu được ra ngoại quốc.
Tướng Minh chấp nhận ngay, không phải vì lòng từ tâm, mà là muốn bắt
được Tổng Thống Diệm càng sớm càng tốt, khỏi lo hậu họa về sau. Khi hai
anh em ông Diệm đã nằm trong tay Tướng Minh rồi thì… cuộc báo oán trả
hận sẽ dễ dàng biết bao nhiêu.
6 giờ 30 sáng. Tướng Minh chỉ định Tướng Mai
Hữu Xuân, Đại Tá Dương Ngọc Lắm, Đại Tá Nguyễn Văn Quang, Thiếu Tá Dương
Hiếu Nghĩa, Đại Úy Nguyễn Văn Nhung lên 2 chiếc xe Jeep và một chiếc
thiết vận xa M113 đi đón anh em Tổng Thống Diệm. Sự có mặt của Xuân
dường như là để giám sát, bảo đảm công tác mật được hoàn thành. Tướng
Đôn chuẩn bị một căn phòng tươm tất để anh em Tổng Thống Diệm tạm ngơi
nghỉ. Đến Nhà Thờ Cha Tam, Đại Úy Nhung thô bạo chỉa súng vào Tổng Thống
Diệm và ông Nhu buộc lên xe thiết giáp. Ông Nhu phản đối, đòi Nhung
phải lễ độ với vị nguyên thủ, Nhung sừng sộ đấm ông Nhu một cái vào mặt,
xô hai anh em ông vào lòng xe, rồi dùng dây thô bạo trói quặt tay hai
người ra phía sau lưng.
Trong khoảng 8 giờ – 9 giờ sáng. Đoàn xe áp tải
anh em Tổng Thống Diệm chạy đến gần đường rầy xe lửa, khoảng đường Phan
Thanh Giản – Ngã Bảy Lê Văn Duyệt. Lợi dụng có một đoàn xe lửa đang ầm
ầm chạy cắt ngang, Nhung bất ngờ móc súng bắn lén Tổng Thống Diệm và ông
Nhu từ phía sau, súng kê vào màng tang phải Tổng Thống Diệm và sau ót
ông Nhu. Hai cái xác oan khuất ngã nằm dài sóng soãi trên nền chiếc xe
thiết giáp, một giòng máu đỏ tuôn ướt đẫm đầy mặt Tổng Thống Diệm. Vẫn
chưa thỏa mãn cơn cuồng sát, Nhung rút lưỡi lê đâm thêm trên lưng ông
Nhu nhiều nhát nữa. Khi đoàn xe chạy vào Bộ Tổng Tham Mưu, nơi đặt bản
doanh của bộ chỉ huy đảo chánh, Đại Úy Nhung bước ra đứng nghiêm chào
Tướng Minh đang nôn nóng đứng chờ :”Mission accomplie” (sứ mạng hoàn thành). Những
nhân vật liên can đến cuộc áp tải và hạ sát Tổng Thống Diệm và ông Nhu
đều được thăng một cấp. Tuy rằng với công trạng giết chúa ấy, Đại Úy
Nhung được vinh thăng Thiếu Tá, nhưng chưa đủ thời gian để tiêu hóa cuộc
vinh quang, thì Nhung đã bị chính quyền Quốc Trưởng Nguyễn Khánh bắt
nhốt vào quân lao trong Bộ Tổng Tham Mưu, sau tháng 1.1964, khi ông
Khánh đã làm “cách mạng” lật đổ ông Minh rồi cho ông ta đi Thái Lan. Tự
biết tội nghiệt đã nhiều và hãi sợ lưỡi gươm công lý, Nhung cởi giây
giày tự thắt cổ chết.
10 giờ 45 phút. Trung Tướng Minh ra lệnh cho
Đài Phát Thanh đọc một bản tin ngắn, loan báo anh em Tổng Thống Diệm đã
tự tử. Chỉ một khoảnh khắc ngắn sau, Tổng Thống Hoa Kỳ Kennedy ở Hoa
Thịnh Đốn đã nhận được tin cái chết thảm thương của Tổng Thống Diệm. Mặt
trắng bệch như một cái xác chết, Kennedy lặng lẽ đi vào văn phòng riêng
đóng cửa, tự ngăn cách với thế giới bên ngoài. Phó Tổng Thống Lyndon
Johnson, một người có rất nhiều cảm tình với nền Đệ Nhất Cộng Hòa và
Tổng Thống Diệm, sau này đã kêu lên khi hồi tưởng lại giây phút ghê tởm
đó : “Chúng ta đã nhúng tay vào vụ giết ông Diệm ”. Có phải
chăng hung bạo và tàn nhẫn với bạn đồng minh, hèn nhát khiếp nhược trước
“kẻ thù” là bản chất của những người làm chính sách đối ngoại của Hoa
Kỳ. Câu trả lời này ngày nay đã được giải đáp thật rõ ràng, chúng ta
không cần phải dẫn giải thêm nữa.
Để điều hành guồng máy quốc gia trong thời gian
chuyển tiếp, thành phần Ủy Ban Chấp Hành Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng
được công bố như sau và được Tướng Minh ký hiệu lực ngày 5.11.1963 :
Chủ Tịch : Trung Tướng Dương Văn Minh.
Đệ Nhứt Phó Chủ Tịch : Trung Tướng Trần Văn Đôn.
Đệ Nhị Phó Chủ Tịch : Trung Tướng Tôn Thất Đính.
Ủy Viên Kinh Tế : Trung Tướng Trần Văn Minh.
Ủy Viên An Ninh : Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu.
Ủy Viên Quân Sự : Trung Tướng Trần Thiện Khiêm.
Ủy Viên Chánh Trị : Thiếu Tướng Đỗ Mậu.
Tổng Thư Ký kiêm Ủy Viên Ngoại Giao : Trung Tướng Lê Văn Kim.
Ủy viên : Trung Tướng Mai Hữu Xuân.
Ủy viên : Trung Tướng Lê Văn Nghiêm.
Ủy viên : Thiếu Tướng Nguyễn Văn Thiệu.
Ủy viên : Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có.
Song song với Ủy Ban Chấp Hành Hội Đồng Quân
Nhân Cách Mạng, Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ được chỉ định giữ chức
Thủ Tướng của thành phần Chánh Phủ Lâm Thời kiêm Tổng Trường Kinh Tế và
Tổng Trưởng Tài Chánh, hiệu lực từ ngày 4.11.1963.
Nói một cách thật công bằng, thì ông Nolting
đại sứ tiền nhiệm, đương kim ngoại trưởng Dean Rusk, các thượng nghị sĩ
Hubert Humphrey, Mansfield, Fulbright, Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara,
nhiều yếu nhân trong các ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, tôn giáo và
quân đội Hoa Kỳ dành rất nhiều thiện cảm đến cá nhân Tổng Thống Diệm,
cùng những thành tích quân sự, kinh tế chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã
kiến tạo được. Dù là một nước đang trong tình trạng chiến tranh, mà VNCH
vẫn vươn lên được hàng cường quốc trong vùng Đông Nam Á. Nhưng những
thành quả đó, những ý chí chống cộng của Tổng Thống Diệm và quân dân
VNCH không nằm song hành với cái gọi là “quyền lợi của người Mỹ”. Tổng
Thống Ngô Đình Diệm muốn thiết lập một đất nước dân chủ, độc lập và cộng
hòa, theo đuổi lý tưởng tự do, bảo vệ chủ quyền dân tộc, kiến tạo một
quốc gia thịnh vượng sánh vai với các cường quốc năm châu. Người Mỹ
không đủ kiên nhẫn để nghĩ quá xa và quá nhiêu khê như thế, họ chỉ muốn
ngăn chận ảnh hưởng cộng sản từ Hoa Lục tràn xuống khu vực Đông Nam Á và
Nam Thái Bình Dương, củng cố vị thế của Mỹ ở Á châu, lấy VNCH làm bức
tường thành mà được chất chồng bằng xương và máu của người Miền Nam.
Tổng Thống Diệm tỏ rõ chủ quyền quốc gia khi
ông rất cứng rắn khước từ yêu cầu của Kennedy cho đổ quân Mỹ vào Việt
Nam. Tổng Thống Diệm cho rằng người quốc gia đủ sức đương đầu và chiến
thắng Hà Nội nếu nhận được viện trợ vũ khí và tài chánh đầy đủ từ Hoa
Kỳ. Tổng Thống Diệm chỉ cho phép sự hiện diện của Quân Đội Mỹ, nếu chính
quyền Hoa Kỳ chính thức ký một hiệp ước an ninh hỗ tương với Việt Nam
Cộng Hòa, điều mà người Mỹ đã làm với Nam Hàn và Đài Loan. Nếu không, sự
hiện diện bất hợp pháp của quân Mỹ ở Miền Nam hóa ra là một cuộc xâm
lăng và phi nghĩa, là cái cớ để cộng sản cao rao sứ mạng “chốmg Mỹ xâm
lược”. Tiên kiến của Tổng Thống Diệm đã được chứng minh chỉ hai năm sau,
năm 1965, quân Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng. Khi đã đạt được những
thỏa thuận với Hoa Lục Trung Cộng rồi, chính quyền Mỹ trở mặt ngay với
đồng minh và nhổ ngay nước bọt lên bia mộ của 58 ngàn tử sĩ cùng 300
ngàn thương binh Quân Lực Hoa Kỳ hy sinh hay thương tật tại Việt Nam.
Để bào chữa cho tội ác của mình, người Mỹ đã
thực hiện một cuộc tuyên truyền rộng lớn mà ảnh hưởng sâu đậm của nó vẫn
còn kéo dài đến tận ngày nay, với sự tham dự hùng hậu của nhiều giới
trí thức, học giả, sử gia, truyền thông, báo chí cùng viết sách, viết
báo, làm phim tài liệu giả tạo đổ vấy tất cả mọi tội lỗi không có thật
lên chính quyền Đệ Nhứt VNCH , cá nhân Tổng Thống Diệm và anh em ông.
Đến nay đã có hàng chục ngàn cuốn sách vu khống, bôi nhọ cả hai nền Đệ
Nhứt và Đệ Nhị Cộng Hòa. Chỉ nói về nền Đệ I Cộng Hòa thôi, thì xin
những thành phần nói trên trả lời với công luận thế giới tại sao Tổng
Thống Kennedy có thể bổ nhiệm ông Robert Kennedy làm Bộ Trưởng Tư Pháp,
mà Tổng Thống Diệm lại không thể bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu làm Cố Vấn
Chính Trị.
Bốn mươi ba năm hồi tưởng lại một giai đoạn đen
tối của lịch sử với cái chết bi thảm của Tổng Thống Diệm, để nhận ra
rằng một con người mà đã dâng hiến trọn cuộc đời cho dân tộc và đất nước
ấy, dù có bao nhiêu cuốn sách hay bài viết vu khống, bôi nhọ, nhưng
hình ảnh một lãnh tụ kiệt xuất nhất của Việt Nam trong nửa sau thế kỷ 20
là Tổng Thống Diệm vẫn luôn là ánh sao chói chang trong lòng người hậu
thế và trong lịch sử. Dĩ nhiên Tổng Thống Diệm đâu phải là một ông
thánh, để không có những lỗi lầm đáng tiếc, nhưng ông chưa bao giờ có
những hành động làm dân tộc ông hỗ thẹn. Trái lại, Tổng Thống Diệm đã để
lại trong lòng thế hệ sau tấm gương bất khuất của một sĩ phu : Uy Vũ
Bất Năng Khuất. Dân tộc Việt Nam luôn ngẫng cao đầu hãnh diện có một vị
lãnh đạo không bao giờ chịu cúi đầu khuất phục trước ngoại bang, dù đó
là người Pháp, người Tàu hay người Mỹ. Chúng ta và các thế hệ Việt Nam
sau nên ghi khắc trong tim niềm kiêu hãnh này : Trong sử sách Đông, Tây
và của cả cộng sản, chưa từng có sử gia nào dám gọi Tổng Thống Ngô Đình
Diệm là bù nhìn của Pháp hay Mỹ. Sĩ khí của một nhà nho dân tộc trong
con người ông trước những cơn phong ba bão tố như là một cây thông vươn
cao ngạo nghễ. Thông chỉ có thể bị trốc gốc, chứ không thể bị bẽ gãy.
Tổng Thống Diệm tin tưởng Thiên Mệnh đã chọn ông, đã trao cho ông trọng
trách lèo lái con thuyền quốc gia. Người muốn thiết lập một chính thể và
một chính quyền theo mô thức Vương Đạo mà người đã được thấm nhuần
trong kinh sử Nho giáo từ thời niên thiếu. Chỉ tiếc rằng người là một
nhà nho cô đơn ở giữa một thời thế nhiễu nhương, cả bạn lẫn thù đều kính
sợ nhưng căm ghét ông, vì họ không thể so sánh được với ông. Một nhà
biên khảo Hoa Kỳ đã kính trọng gọi Tổng Thống Diệm là The Last Confucian : Kẽ Sĩ Cuối Cùng trong thời đại của chúng ta.
Để trả lời những người đã viết sách, viết báo
bôi nhọ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, hãy cứ nhìn hàng đoàn người Việt về
nước mỗi năm vào dịp 1.11, đã đến hai nấm mộ nhỏ khiêm tốn, một tấm bia
mang cái tên Huynh, tức Tổng Thống Diệm, và Đệ, tức ông Ngô Đình Nhu, lũ
lượt vào lễ bái khói hương, trước những cặp mắt khó chịu và sự bất lực
của chính quyền cộng sản ở Hốc Môn. Đó là câu trả lời rõ ràng nhất, rằng
sự thật đã đứng về phía nào. Hàng năm, ở hải ngoại, vào ngày 2.11,
nhiều đoàn thể bao gồm mọi thành phần, khuynh hướng chính trị hay tôn
giáo, vẫn đều đặn trang trọng tổ chức những buổi lễ Chiêu Hồn và Truy
Điệu Tổng Thống Diệm, để tri ân những gì người đã tận tụy hiến dâng cho
đất nước và dân tộc của người.
Thời gian đã trả xong mối thù cho Tổng Thống
Diệm, một mối hận không phải được vun tưới bằng bạo lực hay bằng máu, mà
chỉ đơn thuần được bón bằng sự thật. Sự thật cao hơn tất cả mọi sự hận
thù. Giờ đây, chắc ngài, Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà từ lâu trên Cõi
Vĩnh Cửu luôn thanh thản nhìn xuống trần gian với tấm lòng bao dung
thường hằng, đã tha thứ cho hết thảy con người cùng góp tay đưa đến cái
chết của ngài, hay bôi nhọ ngài, vì họ không biết việc họ làm. Chỉ xin
ngài hiển hiện ban cho người Việt Nam một phép mầu nhiệm, bởi ngài vẫn
chưa hoàn thành công việc mà ngài tâm nguyện lúc còn sống. Là xin hãy
đem ánh sáng, bình an, công bằng, tự do và no ấm đến cho 84 triệu người
đồng bào đau khổ của ngài vẫn còn oằn oại trong địa ngục cộng sản.
Phạm Phong Dinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét