Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Từ việc xử lý quan chức tham nhũng ở VN: “Nhà tù sẽ phóng thích trộm cướp”?

Nhà văn Võ Thị Hảo, viết từ Hà Nội

026_c0023257ts-305.jpg
Ảnh minh họa về nạn hối lộ -AFP photo

“Ông ấy bán chức bao nhiêu tiền”?

Mấy hôm nay đám trộm cướp ở Việt Nam vui mừng khác thường. Người đang trộm cướp chưa bị phát hiện mừng rỡ đã đành, mà.  Mà ngay cả đám đang bị nhốt trong tù và những người có ý định trộm cướp nhưng chưa có dịp thực hiện cũng thấy tương lai rạng rỡ.


Đám này kháo nhau:  cần thì cứ trộm cắp cướp giật thôi. Mau mở hội ăn mừng. Không ăn mừng lúc này thì còn lúc nào. Cứ tha hồ trộm cướp đi. Nếu người ta không bắt được thì trót lọt. Nhưng nếu người ta có bắt được, thì chỉ cần trả lại một phần của đã trộm cướp là xong, chẳng bị kết án tù đày gì đâu. Xem tòa án và các ông to xử lý các ông quan trộm cướp của công thì biết. Quan trộm cướp hay dân trộm cướp thì cũng chỉ là trộm cướp. Họ được tha thì ta cũng phải được tha. Chúng ta được phóng thích đến nơi. Nhà tù sắp ế  rồi. Chuẩn bị về với vợ con thôi.
Có người tỉnh táo trong đám trộm cướp ấy hồ nghi : làm gì có chuyện ấy bình đẳng giữa quan với dân. Ngay cả cái tên cũng còn phân biệt. Dân trộm cướp thì gọi đúng tên, còn quan trộm cướp của dân, tội nặng hơn chúng mình nhiều, mà lại tránh đi, gọi là tham nhũng.
Đám đồng bọn của anh ta rộ lên phản đối: đây không lý lẽ cao xa. Chỉ cần xem người ta kết luận vụ ông cựu Tổng Thanh tra chính phủ thì biết là bây giờ pháp luật Việt Nam cũng chẳng coi tội trộm cướp là cái đinh gì.
Đám người trộm cướp ấy nói cũng có thể hồ đồ? Nhưng thực sự, dư luận bàn về việc ông cựu Tổng thanh tra CP có trộm cắp bằng phương thức nào đó hay lợi dụng vị trí để tham nhũng hay không, có những ý kiến trái chiều.
Có người nói: ông ấy có trộm cướp đâu. Theo kết luận của UB kiểm  tra T.Ư, ông ấy chỉ có 6 tài sản bất động sản cỡ bự , có “vấn đề” và trong 5 tháng trước khi về hưu ông ấy đã hối hả bổ nhiệm khoảng 60 cán bộ cấp vụ phó và tương đương…không biết ông ấy có bán chức không? bao nhiêu tiền, để dân phải còng lưng  ra nuôi…
Nhưng có nhiều ý kiến phẫn nộ khác. Ngay cả báo Pháp luật cũng phải nhiều lần lên tiếng về vấn đề này. “ Hàng loạt sai phạm “lộ thiên” mà theo điều tra của cơ quan UB kiểm tra trung ương là ít nhất 6 tài sản bất động sản thuốc “cỡ bự” của ông Truyền đều có vấn đề”. Một vài sai phạm của ông Truyền được kể ra như thiếu trung thực, thiếu gương mẫu, gây dư luận không tốt, thiếu tự giác…Hình thức xử lý đặt ra cho cựu Tổng Thanh tra chính phủ là kiểm điểm trách nhiệm về các khuyết điểm, vi phạm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre và UB KTTW. Hai bất động sản bị thu hồi là căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, F15, Phú Nhuận, TP.HCM và thửa đất 598B5 Nguyễn Thị Định, F. Phú Khương, TX Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
So sánh giữa siêu lợi ích mà ông Truyền thu được dựa trên các tài sản không hợp lệ trên với mức đề xuất xử lý chỉ mang tính rút kinh nghiệm là chính, bạn đọc PLO đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó nhức nhối nhất là “chẳng lẽ chỉ xử có thế?”(theo Phapluat- 25/11/2014).
Nhiều người nói rằng, vụ ông cựu Tổng Thanh tra gây sốc thật. Chỉ một ông quan chức thôi mà có được từng ấy tài sản bất minh, lại chỉ 5 tháng mà bổ nhiệm được khoảng 60 quan chức dưới quyền, vậy thì thử hỏi vô số những quan chức khác, trong bộ máy độc tài thiếu kiểm soát này mà “ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh: “nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ hệ thống như hiện nay thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này”(theo Vietnamnet – 21/10/2014), sẽ còn lạm dụng được đến cỡ nào? Liệu còn có bao nhiêu ông Truyền nữa? Và trong vô số ông Truyền đó, chỉ xử lý một ông, thì thật vô lý hết sức.

Khi hành vi trộm cướp được mỹ từ hóa

Trong các chế độ xã hội loài người từ xưa đến nay, trộm cắp, cướp giật là một trong những hành vi khiến cho mọi người phẫn nộ, khinh bỉ nhất. Để bảo vệ con người khỏi bị xâm hại bởi trộm cướp dù dưới bất kỳ hình thức nào, xã hội nào cũng đặt ra những hình phạt nghiêm khắc để răn đe và đảm bảo công bằng xã hội.  VN cũng vậy, nhưng qua nhiều ý kiến có trọng lượng vẻ việc xử lý chủ yếu chỉ tới dân đen, còn với quan chức thì vô cùng nương nhẹ.
Cùng là trộm cắp cướp giật – gọi chung là trộm cướp, nhưng do hoàn cảnh và tính chất hành vi nên thật khác nhau, khác nhau ngay cả tên gọi.

Dùng phụ nữ để hối lộ. Ảnh minh họa RFA
Dùng phụ nữ để hối lộ. Ảnh minh họa RFA

Có người thất nghiệp, sa cơ lỡ vận không còn miếng ăn, do đói khát mà sinh trộm cắp giật dọc lấy vài đồng bạc cơ hồ cứu mạng sống. Đó là cách trộm cắp của đám cùng dân khốn khổ, mặc dù đáng lên án, nhưng cũng không thể không xét đến hoàn cảnh cùng quẫn của họ, và tác hại xã hội họ gây ra không lớn, giỏi lắm cũng chỉ làm được vài vụ đơn lẻ, lại rất dễ bị bắt quả tang và dễ ngăn chặn. Họ là thường dân, không quyền lực, nên hành vi của họ được gọi đúng tên là trộm cướp.
Khác một trời một vực, ngay cả tên gọi hành vi cũng được mỹ từ hóa,  đối với đám trộm cướp bằng quyền lực, cấu kết với nhau thành một giai tầng còn nguy hại hơn bất kỳ băng đảng mafia nào trên thế giới.
Bởi vô số cuộc trộm cướp kiểu này xẩy ra cùng một lúc, hành vi trộm cướp của từng cá nhân và dàn giai tầng ấy chỉ chấm dứt khi cá nhân ấy chết hoặc hết nhiệm kỳ hoặc bị buộc phải ra khỏi hệ thống và không có điều kiện  tiếp tục trộm cướp nữa. Mặc dù vậy, cái giai tầng –  siêu băng đảng ấy vẫn tiếp tục trộm cướp thậm chí hàng thế kỷ theo sự tồn tại của thể chế độc tài.
Siêu giai tầng trộm cướp ấy được vận hành nhịp nhàng hiệu quả, tận dụng được nguồn nhân tài vật lực khổng lồ, rất ít  bị giám sát chi tiêu và hiệu quả đầu tư từ nguồn mà nhân dân cả nước đã đóng góp để nuôi hệ thống. Kinh hoàng hơn, siêu băng đảng trộm cướp này còn thu vét siêu lợi nhuận từ việc xẻo từng mảnh chủ quyền đất nước, từng miếng thị trường mậu dịch, từng miếng tài nguyên và nhân công lao động và bao thứ có thể bán được cho ngoại bang bành trướng để vơ vét siêu lợi nhuận cho quyền lợi riêng và quyền lợi nhóm.
Siêu băng đảng này có chân rết đến tận ngõ ngách sơn cùng thủy tận, vận dụng được mọi nguồn lực tuyên truyền và cấm cản sự minh bạch, tự do hóa thông tin, lợi dụng vị thế “Bao công” để bóp méo xuyên tạc sự thật cũng như buộc những kẻ trộm cướp khác phải cống nạp để được bảo kê  bằng cách vô hiệu hóa hệ thống pháp luật.
Siêu băng đảng ấy vận hành đồng bộ để lạm dụng được những  bánh răng và mắt xích của bộ máy hành chính, cơ quan đoàn thể và lực lượng an ninh , quân đội, lực lượng đàn áp của hệ thống độc tài. Lương trích ra từ tiền thuế của dân để vận hành cho bộ máy thì cũng vận hành luôn bộ máy trộm cướp. Chúng được thiết kế sao cho tiền của mỗi một khoản chi, mỗi sản phẩm tạo ra , mỗi khi người dân cần đến cơ quan công quyền đều phải trích ra và tự động chảy một phần vào cái hầu bao tối tăm của riêng chúng. Chúng lợi dụng đủ loại hệ thống bộ máy chính quyền đoàn thể, được trả lương để trộm cướp công khai, trộm cướp ngày ngày phút phút, rành rành trước mắt người dân ai cũng biết nhưng không thể làm gì trước quyền lực của chúng.
Siêu băng đảng trộm cướp ấy chính là bộ máy bị lũng đoạn bởi tham nhũng và tham ô.  Sản phẩm mà chúng trộm cướp là không thể tính đếm, không  chỉ tiền rừng bạc biển mà điều còn lớn hơn là chúng trộm cướp cơ hội của người dân, đất nước và khiến cho quốc gia bị mỏi mòn dần dà cạn kiệt hy vọng và  danh dự.
Theo định nghĩa của Tổ chức Minh bạch quốc tế, tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công.
Như vậy, hành vi trộm cắp trong tham nhũng và tham ô, trong nhiều trường hợp phải gọi là cướp đoạt, vì không phải là lén lút nữa, mà là cưỡng đoạt công nhiên, nhiều lần trước cơ quan, đơn vị. Cán bộ cấp dưới, đồng nghiệp cũng như người dân biết nhưng nếu động đến  sẽ bị trù úm, đuổi việc, thậm chí trả thù bằng việc mượn tay côn đồ, xã hội đen đe dọa tính mạng.

Các “đồng chí” bảo kê cho nhau là khuyến khích trộm cướp

Điều 138 Bộ luật Hình sự quy định về tội trộm cắp tài sản là rất nghiêm khắc: Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…
Nhưng cũng tại VN, những người trộm cắp có chức quyền, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng cho xã hội thì lại được ưu tiên đặc biệt. Đó là những người phạm tội tham nhũng và tham ô.
Không phải vô cớ mà người dân nhìn những kẻ trộm cắp cướp đoạt của công ấy bằng con mắt khinh miệt, dù họ không thể không sợ hãi và tránh né bởi các quan trộm cướp ấy có cả một giai tầng cùng vị trí, cũng hành xử như họ, cũng được hưởng lợi từ sự trộm cướp của họ, bao che và bảo kê từ quá trình bắt đầu trộm cướp tới khâu cuối cùng là hạ cánh an toàn và nếu chẳng may phải ra trước vành móng ngựa thì được xử nhẹ nhất có thể, thường là được hưởng án treo hoặc chạy được bệnh án tâm thần để được đình chỉ điều tra, trì hoãn xử, trì hoãn việc thu hồi tài sản công đã bị trộm cắp cướp đoạt và kẻ tội phạm  kiểu này quan cứ ung dung hưởng thụ ngoài vòng hưprng thụ.
Báo Thanhtra.com đã đưa ra một phần thực tế về hiện trạng bất công này:
“Trình bày tham luận về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng theo khuôn khổ công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng, một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết, thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề phức tạp, kỹ thuật đặc biệt từ góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, bởi quy định về tội phạm tham nhũng theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành vẫn còn khoảng trống so với phạm vi điều chỉnh của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), đặc biệt là chưa hình sự hóa được các tội phạm tham nhũng trong khu vực tư nhân, chưa ưu tiên cao yêu cầu thu hồi tài sản.
Hiện nay, Việt Nam đã đưa ra bảo lưu đối với quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, hành vi làm giàu bất hợp pháp trong UNCAC. Tuy nhiên, trên thực tế, những nội dung này nếu không được quy định trong pháp luật Việt Nam sẽ khó có thể tạo thành một khuôn khổ pháp lý toàn diện, đồng bộ và hiệu quả cho công tác PCTN và thu hồi tài sản.(theo Thanhtra.com- 29/10/2014).
Gần đây nhất, khi “đánh giá về báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ, ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, báo cáo nói tình hình tham nhũng “tương đối ổn định”, trong khi dư luận rất bức xúc. Ông cũng cho rằng việc phân tích khó khăn, vướng mắc trong phát hiện tham nhũng thiếu cụ thể nên dẫn đến những kiến nghị rất nhạt.  Ông Đương cũng lưu ý rằng rất nhiều vụ án tham nhũng sau khi khởi tố điều tra thì bị can bị cáo bị bệnh tâm thần, phải chờ để giám định, hoặc bị đình chỉ khiến vụ án kéo dài. “Tôi cho rằng loại tội phạm này thì không cần phải đi giám định tâm thần nữa”, ông Đương nói.
Xác nhận điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lưu ý, kể cả các vụ án tham nhũng lớn, các bị cáo khi bị truy tố thường bị bệnh tâm thần và không phải chịu trách nhiệm hình sự, hoãn thời gian chịu trách nhiệm hình sự. “Tình hình này có vấn đề gì không, tâm thần thật hay là đối phó, nhiều vụ chúng tôi thấy các bị can bị cáo tỉnh táo, hoành tráng lắm”,..
Trang luatsungaynay đưa ra một hiện trạng khác. Theo con số mà Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra khi trả lời chất vấn của Quốc hội hồi tháng 6-2013, tính đến năm 2013, tỉ lệ án treo đối với án liên quan đến tham nhũng là 30,8%, cao hơn các loại án khác (bình quân chỉ 21%). Còn theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, con số cụ thể qua các năm là 36,5% (năm 2010), 37,1% (năm 2011), 30,2% (năm 2012).
Ông Nguyễn Mạnh Cường (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) nói: “Trong số án treo này, có trường hợp hành vi phạm tội rất nghiêm trọng nhưng tòa vẫn vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, kéo mức án tuyên thấp dưới khung hình phạt, làm cơ sở để cho treo. Như vậy phải giải thích như thế nào?”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định tòa các cấp đang  áp dụng có lợi cho tội phạm tham nhũng: Báo cáo của TAND Tối cao khẳng định các bản án treo đều đúng luật. Xin thưa, luật có bắt buộc tòa phải xử treo đâu? Cả nước phải coi chống tham nhũng như chống giặc nội xâm cơ mà.
Khi những “đồng chí cùng một giai tầng” nương nhẹ, bảo kê cho nhau, lại càng dẫn tới nguy hiểm là cách hành xử của đám quan chức này không những gây bất công xã hội mà còn vô hình trung nêu gương và cổ vũ cho một lối sống gian xảo, tàn nhẫn, lưu manh hóa, côn đồ hóa, khiến cho những người lương thiện mất cơ hội lao động, dần dà cũng bị buộc phải đi vào con đường lưu manh hóa để sống còn hoặc tuyệt vọng quay ra chém giết lẫn nhau, trong đó tiện lợi nhất là giết người thân, như vô số vụ gần đây tại VN.
Dù có mỹ từ hóa, bản chất  tham nhũng vẫn là trộm cướp. Hãy thôi mỹ từ hóa hành vi này của những kẻ trộm cướp đang nắm giữ quyền chức để chúng ta không còn mơ hồ về nhận diện và để vận dụng mọi nguồn lực chặt đứt nguồn dinh dưỡng của tham nhũng để cứu dân cứu nước.
VTH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét