Danquyen
Trần Quang Thành
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu trò chuyện với nhà báo Trần Quang Thành
Lời giới thiệu: Nhân quyền hay quyền con
người như tên gọi của nó, là những quyền tự nhiên của mỗi con người được
hưởng và được bảo vệ. Các tổ chức và cá nhân khác phải thừa nhận và tôn
trọng những quyền đó. Nhân quyền là những quyền mang tính phổ quát,
không phân biệt giới tính, màu da, tôn giáo, văn hóa, độ tuổi, sắc tộc,
tầng lớp, quan điểm chính trị, v.v…. Ngay cả ở một quốc gia mà luật pháp
không công nhận hay bảo vệ những quyền này, thì người dân của đất nước
đó vẫn có những nhân quyền bất khả xâm phạm, và không ai có thể phủ
nhận. Vì vậy không thể ngụy biện rằng nhân quyền ở VN khác với nhân
quyền ở Mỹ, ở Pháp, ở Úc, v.v….
Tuy nhiên, đối với những nhà nước Cộng Sản thì quan niệm về nhân
quyền không như vậy. Ông Tố Hữu, một người làm thơ nổi tiếng của VN đã
cho rằng “trước Cách Mạng Tháng 10 nhân loại chưa phải là người”. Vì
vậy, sau Cách Mạng Tháng 10, với sự hình thành của các nhà nước cộng
sản, quyền con người đã được họ “chế tác” và áp đặt theo kiểu của họ, để
phủ định tất cả những quan niệm phổ quát của nhân loại về quyền con
người như đã được đề cập ở trên.
Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tuy nay đã là thành viên
của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và đang hòa nhập với cộng đồng
thế giới, nhưng vẫn giữ nguyên những kiểu chế tác của họ được áp đặt
trên đất nước Việt Nam mấy chục năm qua. Sự chế tác bằng cách gắn thêm
cái đuôi “Xã hội chủ nghĩa” theo sau các quan niệm phổ quát đã làm biến
tướng các quan niệm đó như thế nào?
Trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành tiến sĩ Hà Sĩ Phu sẽ phân tích về những biến tướng này.
*
TQT: Xin chào TS Hà Sĩ Phu
HSP: Vâng, xin chào nhà báo Trần Quang Thành
TQT: Tổ tiên ta từ bao đời nay vẫn phấn đấu cho cái Quyền
làm người, làm người thông minh, người toàn diện. Nhưng trong xã hội ta
ngày nay muốn làm một con người chân chính lại khó thế thưa TS?
HSP: Trở thành một con người cho đúng nghĩa là cả một
quá trình tiến hóa rất khó khăn, từ chế độ nô lệ sang phong kiến rồi tư
bản, rồi như thế giới ngày nay. Khó khăn ở chỗ cuộc sống xã hội buộc
phải có tổ chức, có giới lãnh đạo và giới bị lãnh đạo, hoặc thống trị và
bị trị, rồi lại có người giàu người nghèo. Nhưng kẻ có quyền có tiền
luôn lạm dụng sức mạnh ấy để đè nén, áp chế những người không có quyền,
có tiền. Bất bình trước sự đè nén ấy, những người Cộng sản muốn xây dựng
một chế độ mới khác hẳn, đập bỏ hết những giá trị truyền thống cũ để
con người được sống ra con người. Thấm nhuần ý tưởng đó, Tố Hữu đã ca
ngợi sự xuất hiện Cách mạng Tháng 10 là “Thuở Anh chưa ra đời, trái đất
còn nức nở, nhân loại chưa thành người, đêm ngàn năm man rợ”. Nhưng do
cách làm sai nên kết quả là kéo lùi lịch sử lại, con người càng chịu đè
nén bất công hơn trước, cái nhân quyền cứ ngày càng kém đi, trong khi
thế giới còn lại người ta vẫn tiếp tục từng bước nhích lên.
Nhân quyền chẳng qua là quyền làm người, mà con người trên toàn thế
giới là một “loài” thống nhất thì cái quyền làm người đương nhiên phải
giống nhau, chứ làm gì có loài người châu Âu, loài người châu Á, loài
người phương Tây với loài người phương Đông? Nhân quyền lại tùy thuộc
từng nước ư. Vừa rồi các tổ chức xã hội dân sự trong nước hình thành đã
có chủ trương rất đúng rằng các quyền con người cả thế giới đã công nhận
thì cứ thế mà làm, nhà nước này không thực hiện tức là đã chống lại các
quyền mà thế giới đã công nhận. Những người như anh Ba sàm, Nguyễn
Quang Lập… là người ta thực hiện những quyền đó, với ý thức yêu nước,
với tư duy độc lập, muốn làm cho xã hội tốt lên. Nhưng nhà nước lại bảo
làm như thế là chạm vào quyền của nhà nước. Thế thì chính nhà nước phạm
tội chứ có phải người ta phạm tội đâu. Cho nên ở Việt Nam hiện nay muốn
làm một Con người chân chính là rất khó.
Chính người Cộng sản trước đây coi cả thế giới làm một thể thống
nhất nên chủ trương cả thế giới đại đồng, sao nay co lại và viện cớ tính
cá biệt của quốc gia để bảo vệ quyền thống trị riêng rẽ của Đảng. Tất
cả phải có tính Đảng, thậm chí dùng tính Đảng để quy định cả nhân dân,
báo Quân đội nói chỉ có những người theo Đảng lập nên chế độ này mới là
nhân dân. Nhân dân không được chọn Đảng thì thôi chứ sao Đảng lại được
phép chọn nhân dân, quy định nhân dân?.
TQT: Như vậy đảng Cộng sản chưa định nghĩa rõ rệt thế nào
là quyền Con người nói chung, con người chân chính, mà tìm một định
nghĩa riêng của Đảng. Vậy theo TS HSP thì thực tế 7 chục năm qua quyền
con người ở Việt Nam được thể hiện ra sao ạ.
HSP: Bản chất tư tưởng Cộng sản, từ ông tổ Cộng sản
đến tận bây giờ, quan niệm cả loài người muốn ra con người thì phải do
đảng Cộng sản lãnh đạo. Ai không công nhận điều đó là không được quyền
làm người dưới chế độ Cộng sản. Loài người đã có mấy triệu năm, Cộng sản
mới phát sinh một hai thế kỷ nay mà muốn thế giới thay đổi theo ý mình,
hình thành một thứ loài người theo ý của đảng Cộng sản. Con người tự
nhiên phải được hưởng những quyền tự nhiên mà thế giới loài người, mà
Liên Hiệp quốc đã công nhận. Nhà nước Việt Nam tuy đã ngồi vào ghế của
Ủy ban Nhân quyền nhưng cứ tìm cách nọ cách kia để thực hiện cách riêng
của mình.
TQT: Vâng, nhân loại tự nhiên thì tiến hóa theo quy luật
tự nhiên của nó, xã hội có quy luật của nó, nhưng chủ nghĩa Cộng sản
dường như đặt ra quy luật riêng, quy luật riêng ấy có phù hợp hay chống
lại quy luật chung thưa TS?
HSP: (cười) Thưa ông Trần Quang Thành, tôi cứ ví cả
nhân loại như một dương bản positif thì cái loài người của chủ nghĩa
Cộng sản chính là một âm bản negatif nên mọi thứ cứ ngược nhau hết. Chủ
nghĩa Cộng sản là một “âm bản” của nhân loại! Áp dụng những quy luật
chung của nhân loại vào xã hội Cộng sản là sai hết.
TQT: Dưới chế độ Cộng sản ở Việt Nam ta, ai không theo ý
Đảng thì Đảng coi là những đối tượng không được quyền sống tự nhiên phải
không thưa TS?
HSP: Thì tôi đã ví như âm bản và dương bản. Đem những
cái của thế giới bên này vào thế giới bên kia là sai hết. Từ ngữ nào có
kèm theo cái đuôi Xã hội chủ nghĩa vào là nghĩa của nó phải hiểu ngược
lại. Dân chủ XHCN là không được dân chủ, luật XHCN về lập hội là cấm tự
do lập hội, luật XHCN về biểu tình thực chất là ngăn cản biểu tình,
nhân quyền XHCN là không nhân quyền…
TQT: Người Cộng sản chơi chữ rất là tuyệt vời. Người ta
vào WTO là theo kinh tế thị trường, nhưng Việt Nam vào WTO thực hiện
kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, vậy ý nghĩa thay đổi thế nào
thưa TS?
HSP: Vâng, cứ thêm cái đuôi XHCN vào thì Kinh tế thị
trường không còn là Kinh tế thị trường. Cũng như Tự do XHCN là không tự
do, pháp chế XHCN tức là vô pháp chế, con người XHCN thì cũng không còn
ra con người mà ra… công cụ!
TQT: Cộng sản như ông nói chính là một thế giới âm bản,
vậy sao có những người còn rất lưu luyến với con đường CS, muốn ĐCS
thành một đảng của dân tộc, với ưu việt thế này thế kia thưa TS?
HSP: Cái thể chế phi lý đó lại đem lại quyền lợi riêng cho rất
nhiều người, nó tạo cơ hội để một số người thu được những quyền lợi mà
bình thường họ không thể có được, nên số này tất nhiên họ ủng hộ thôi.
Hậu quả của lý thuyết Cộng sản là tạo ra một cơ chế làm phát sinh một
đội ngũ đầy đặc quyền đặc lợi, và khi đã có rồi thì họ không muốn thay
đổi nữa.
Những người CS thừa biết CS rồi sẽ không còn nên họ tranh thủ tận
dụng quyền lực đang có. Trong một bài viết trước đây (bài Giải Cộng nhi
thoát) tôi đã nói rằng khi những người CS đã sử dụng cái vỏ bọc CS để
cho tất cả con cháu, họ hàng, phe cánh của họ chiếm được tất cả các yết
hầu kinh tế và chính trị rồi thì khi ấy họ sẽ vứt cái vỏ chủ nghĩa. Khi
ấy họ sẽ cổ vũ cho cạnh tranh tự do, nhưng càng cạnh tranh họ càng thắng
thôi. Khi ấy ai chống lại cạnh tranh tự do là họ sẽ bắt đấy!
Kiểu như Putin đấy, cũng không còn CS, cũng đa đảng nhưng phe Putin
bao giờ cũng thắng. Nga, Tàu và Việt Nam đang co cụm lại. Ở Việt Nam dù
có hai nhóm mâu thuẫn nhau nhưng đều thích mẫu độc tài kiểu Putin.
Trước đây nhiều người bình luận ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ là Putin Việt
Nam, nay thì ông Nguyễn Phú Trọng lại còn gần Putin hơn cả ông Nguyễn
Tấn Dũng. Nếu họ thiết kế được kiểu đó, sau khi đã nắm được các yết hầu
chính trị và kinh tế thì sẽ làm ra vẻ có tự do cạnh tranh nhưng là thứ
“tự do” vô cùng tệ hại, chẳng ai cạnh tranh được với họ.
TQT: Như vậy thì Việt Nam ta còn sống yên trong chủ nghĩa CS hay sao ạ?
HSP: Tất nhiên không gì có thể đứng yên, nhưng sự vận
động thì rất phức tạp. Có thời gian, nhiều người đã thấy CS nguyên mẫu
là chưa có lực lượng nào chống được, nên lúng túng, đành chấp nhận sự
cải tiến nửa chừng, nghĩ rằng tiến bộ được chừng nào thì tốt chừng nấy,
để rồi đi tiếp.
Nhưng cần phân biệt hai loại tiến bộ, có cái “tiến bộ” mở đường cho
dân chủ đi tiếp, trái lại, có cái tiến bộ là sự chủ động thích nghi, là
sự trá hình của độc tài giúp độc tài tự vệ vững chắc không thể phá
được! Đừng lo CS không thay đổi tý gì mà hãy coi chừng CS chủ động thay
đổi màu sắc, thay đổi chút ít, thay đổi bề ngoài để ra vẻ dân chủ hơn
nhưng nó biến thái thành một dạng khó đấu tranh hơn rất nhiều.
TQT: Vậy trước thứ Cộng sản tự “biến đổi gien” như thế,
làm thế nào để vạch trần và ngăn chặn con đường ấy để đi vào con đường
tiến hóa chính thức của nhân loại được ạ?
HSP: Quy luật chung của sinh vật là chẳng bao giờ nó đứng
yên chịu chết, nó phải thay đổi. Cộng sản thế giới tan rã rồi, còn lại
mấy anh CS Việt Nam, CS Trung Quốc, CS Nga đều phải biến tướng mỗi anh
một kiểu để tồn tại. Ba nước ấy bây giờ đang cụm lại. Riêng Việt Nam thì
thay đổi đã khó, nhưng nó gắn vào anh CS Tàu khổng lồ thì khó hơn
nhiều, nay lại liên kết với Nga thành một khối lớn thì khó khăn càng
lớn. Họ biến tướng, tàn bạo, xảo quệt. Trong khi đó thì lực lượng dân
chủ còn rất non yếu, nhiều nhận thức còn rất lơ mơ. Ông Nguyễn Gia Kiểng
nói Việt Nam thiếu một tầng lớp Trí thức chính trị cũng đúng. Còn nhiều
ảo tưởng lắm. Có người ảo tưởng về nhân dân, nhưng nhân dân chỉ là một
dãy số “không” nếu không có một số có nghĩa đứng đầu để tất cả những số
không ấy trở thành có nghĩa. Có người ảo tưởng về quy luật, nhưng quy
luật tự nó chẳng là cái gì. Có người ảo tưởng rằng “Hoa kỳ họ không để
cho như thế đâu”, vớ vẩn thế!… Thống nhất với nhau một nhận thức để có
sức mạnh cũng đã là chuyện khó.
TQT: Vậy trên con đường chông gai, với sự “biến
đổi gien” của chủ nghĩa CS thế này, dân Việt Nam có cơ hội nào thoát
khỏi gông xiềng hay cứ chịu một xã hội biến hình man rợ đó?
HSP: Khó đấy! Nhưng trong lương tâm không ai chấp nhận
một lời tuyệt vọng, bởi có còn hy vọng thì mới có sức mà làm mọi việc…
Nhưng với cái nhìn duy lý thì phải đánh giá vào tương quan lực lượng,
thì phải thấy lực lượng đổi mới đang còn khó lắm. Nhưng tương lai thì
không thể nói trước được. Nhân dân luôn là một ẩn số, trong điều kiện
này thì nó lặng yên, gặp điều kiện khác nó biến thành sức mạnh khác
ngay. Chỉ biết những người có tư tưởng tiến bộ, hằng khát khao cho dân
tộc mình được đổi mới sống cho ra cái con người thì hãy cố làm cho hết
sức mình. Có điều lạ là những người chưa làm gì, còn đứng ngoài thì
thường lạc quan rất chung chung, tin rằng xã hội rồi nó phải tốt lên.
Còn những ai đã khổ công, cố gắng thúc đẩy xã hội lên thì mới thấy hết
những khó khăn của nó ông ạ. Phải cùng nhau hết sức cố gắng, chứ về
tương lai xa sẽ được thế nào, không ai có thể nói trước cái gì cả.
TQT: Xin cảm ơn TS Hà Sĩ Phu. Mong TS sẽ góp phần tìm ra
cái cần tìm để đất nước ta khoát ra khỏi cái cuộc “biến đổi gien” tệ hại
của chủ nghĩa CS những ngày sắp tới.
12-12-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét