Boxitvn
Ls Nguyễn Lệnh (cựu Hướng đạo sinh Hội HĐVN)
Phong trào Hướng đạo được một người Anh là Huân
tước Robert Baden Powell sáng lập năm 1907. Hiện nay, trên thế giới có
khoảng trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có tổ chức Hướng đạo, trong đó
165 Tổ chức Hướng đạo Quốc gia được công nhận tư cách hội viên của Tổ
chức Thế giới của Phong trào Hướng đạo (World Organization of the Scout
Movement, viết tắt là WOSM). Tại Điều 1 của Hiến chương WOSM có ghi rõ “Phong trào Hướng đạo là một phong trào giáo dục, phi chính trị
và tự nguyện cho giới trẻ không phân biệt nguồn gốc, nòi giống hay tín
ngưỡng, phù hợp với mục đích, nguyên tắc và phương pháp hình thành bởi
Người sáng lập“.
Ở Việt Nam, sau khi giành được độc lập từ Pháp,
chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) được thành lập vào ngày
2/9/1945, bầu cử Quốc hội đầu tiên vào ngày 6/1/1946 và một bản Hiến
pháp được thông qua ngày 9/11/1946. Trong những ngày tháng đầu tiên của
Nhà nước Việt Nam độc lập, Hội Hướng đạo Việt Nam (Hội HĐVN) được thành
lập vào ngày 7/2/1946 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm Hội trưởng
danh dự vào ngày 31/5/1946 (1). Nhưng sau đó, chiến tranh Việt – Pháp nổ
ra vào tháng 11/1946, đầu tiên là tại Hải Phòng, Chính phủ Việt Nam
phải sơ tán khỏi Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra “Lời kêu gọi toàn
quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946.
Trong thời gian Chính phủ Việt Nam của Chủ tịch
Hồ Chí Minh rút vào các vùng núi kháng chiến chống Pháp thì ngày
8/3/1948 Tổng thống Pháp Vincent Auriel và Cựu hoàng Bảo Đại của Việt
Nam đã ký kết Hiệp ước Elysée ngày 8/3/1948, tuyên bố xác nhận “nền độc
lập của Việt Nam” và chính thức thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối
Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại. Cuộc kháng chiến chống
Pháp bắt đầu từ ngày 19/12/1946 và kết thúc bằng Hiệp định đình chiến
Genève ngày 20/7/1954. Người thay mặt cho Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân
Việt Nam ký kết Hiệp định Genève là Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc
phòng VNDCCH và là Tổng ủy viên của Hội HĐVN. Theo Hiệp định Genève
1954, lãnh thổ nước Việt Nam tạm chia làm 2 vùng kiểm soát, lấy vĩ tuyến
17 làm giới tuyến quân sự. Miền Bắc vĩ tuyến 17 do lực lượng VNDCCH
kiểm soát; còn miền Nam vĩ tuyến 17 do lực lượng Liên hiệp Pháp, trong
đó có lực lương Quốc gia Việt Nam kiểm soát. Đến năm 1955 chính thể Quốc
gia Việt Nam ở miền Nam đổi tên là Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và đến ngày
30/4/1975 nước Việt Nam thống nhất cả 2 miền Nam, Bắc.
Do hoàn cảnh chiến tranh và hậu quả của Hiệp
định Genève, nước Việt Nam đã bị phân chia thành 2 miền Nam – Bắc với 2
chính thể khác nhau từ năm 1954 đến 1975 nên cũng có đến 2 Hội HĐVN được
thành lập một cách hợp pháp. Một Hội HĐVN được thành lập đầu tiên ở Hà
Nội ngày 7/2/1946 dưới chính thể VNDCCH; và 7 năm sau, tại Sài Gòn, dưới
chính thể Quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại, một Hội HĐVN thứ
hai được thành lập bằng một Nghị định riêng có tên “Nghị định số 326-NĐ/TN ngày 9/2/1953” do Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao là Vũ Hồng Khanh ký tên, đã “Chiếu đơn số 003-HT-HĐ ngày 12/6/1952 của ông Hội trưởng Hướng đạo Việt Nam” để ban hành Nghị định này và ghi rõ tại Điều thứ nhất là “Hội HĐVN được phép hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam, theo bản điều lệ đính kèm theo Nghị định này”. Chính
Hội HĐVN thứ hai được thành lập ngày 9/2/1953 đã gia nhập WOSM và được
công nhận là một Tổ chức Hội viên của WOSM vào năm 1957.
Cả 2 Hội HĐVN này được thành lập và hoạt động
hợp pháp trong nhiều năm dưới 2 chính thể khác nhau nhưng có chung một
tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, theo thời gian, cả 2 Hội HĐVN có tư cách
pháp nhân này đều bị chấm dứt hoạt động một cách không rõ ràng và không
bình thường. Việc chấm dứt pháp nhân của 2 tổ chức xã hội này được các
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở VN đưa ra lời giải thích không phù hợp
với các quy định của pháp luật. Qua nghiên cứu các chứng cứ và các tư
liệu liên quan đến sự thành lập, hoạt động và chấm dứt của 2 Hội HĐVN
trong thời gian qua, tôi thấy cần làm rõ các khía cạnh pháp lý về sự
chấm dứt hoạt động này nhằm trả lời câu hỏi là quyền lập hội của các
Hướng đạo sinh 2 Hội HĐVN có bị xâm phạm hay không? Nếu có thì cá nhân,
cơ quan hay tổ chức nào phải chịu trách nhiệm về sự xâm phạm quyền lập
hội của những HĐS VN theo quy định của pháp luật Việt Nam?
I. Khuôn khổ pháp luật về quyền lập hội dưới các chính thể ở Việt Nam từ 1945 đến 2014:
1/ Quyền
lập hội trong khuôn khổ pháp luật dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945 – 2014):
Có thể xác định khuôn khổ pháp luật về quyền lập hội từ 1945 đến 2014 bao gồm các văn bản pháp luật sau đây:
– Hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH ngày
9/11/1946 có ghi tại Điều 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn
luận, Tự do tổ chức và hội họp, Tự do tín ngưỡng, Tự do cư trú, đi lại
trong nước và ra nước ngoài”.
– Sắc Lệnh Luật số 102-SL/L-004 Quy định quyền lập hội
do Chủ tịch Nước VNDCCH ban hành ngày 20/5/1957. “Quyền lập hội” ghi
trong Sắc Lệnh Luật số 102-SL/L-004 (sau đây gọi là Sắc lệnh 102 năm
1957) chính là “Quyền tự do tổ chức” ghi trong Hiến pháp đầu tiên 1946.
– Hiến pháp tiếp theo của VNDCCH ngày 31/12/1959
cũng gọi là “Quyền tự do lập hội” giống như trong Sắc lệnh 102 năm 1957
khi quy định tại Điều 25 rằng: “Công dân nước VNDCCH có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”.
- Hiến pháp nước CHXHCNVN ngày 18/12/1980 cũng quy định “quyền tự do lập hội” tại Điều 67.
– Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính
trị 1966 mà Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982 quy định “quyền tự do lập
hội” tại Điều 22.
– Hiến pháp nước CHXHCNVN ngày 15/4/1992 (sửa
đổi bổ sung 2001) cũng quy định tại Điều 69: “công dân có quyền lập hội
theo quy định của pháp luật”.
– Bộ luật hình sự 1999, Điều 129: “Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân”.
– Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
– Nghị định của Chính phủ số 45/2010/NĐ-CP ngày
21/4/2010 Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội – thay thế Nghị
định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003.
– Hiến pháp nước CHXHCNVN ngày 28/11/2013 cũng quy định tại Điều 25: “Công dân có quyền… lập hội…”.
Như vậy, căn cứ vào Hiến pháp 1946, Hiến pháp
1959 và Sắc lệnh 102 năm 1957 thì “Quyền tự do tổ chức” còn được gọi là
“Quyền tự do lập hội”; và một “tổ chức” cũng được gọi là một “hội”.
Để có thể hiểu và đánh giá đúng về Sắc lệnh 102 năm 1957 xin được trích dẫn một số điều luật chủ yếu trong tổng cộng 12 điều của Sắc lệnh này:
“Điều 1. Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Lập hội phải có mục đích chính
đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để
góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta.
Điều 3. Để bảo đảm việc lập hội có mục đích
chính đáng, bảo vệ và củng cố chế độ dân chủ nhân dân, lập hội phải xin
phép. Thể lệ lập hội sẽ do Chính phủ quy định.
Điều 4. Những hội đã thành lập trước ngày ban
hành luật này và đã hoạt động trong vùng tạm bị chiếm trong thời kỳ
kháng chiến, nay muốn tiếp tục hoạt động, đều phải xin phép lại.
Điều 7. Người nào xâm phạm đến quyền lập hội
hoặc đến quyền tự do vào hội, ra hội của người khác có thể bị cảnh cáo
hoặc bị truy tố trước tòa án và bị xử phạt tù từ một tháng đến một năm.
Điều 9. Các đoàn thể dân chủ và các đoàn thể
nhân dân đã tham gia Mặt trận Dân tộc thống nhất trong thời kỳ kháng
chiến, được Quốc hội và Chính phủ công nhận, không thuộc phạm vi quy
định của luật này.
Điều 10. Các hội có mục đích kinh tế không thuộc phạm vi quy định của luật này”.
Xin nêu một số nhận xét về Sắc lệnh 102 năm 1957 như sau:
– Tại Điều 1 của Sắc lệnh không nêu ra một định
nghĩa rõ ràng và đầy đủ về các đối tượng và phạm vi điều chỉnh mà chỉ
quy định rằng lập hội phải có mục đích và mục đích được mô tả chỉ có tính chất chính trị là: “Lập hội phải có mục đích
chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân
dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta”. Quy định
hội chỉ có mục đích chính trị như Điều 1 là không được đầy đủ, bởi vì
trong pháp luật dân sự – như tại Điều 110 Bộ luật Dân sự ngày
28/10/1995, đã phân loại “hội” hay “tổ chức” là căn cứ vào nhiều loại
mục đích khác nhau như là: chính trị, xã hội, kinh tế, nghề nghiệp, từ
thiện… hoặc có mục đích hỗn hợp như: xã hội – nghề nghiệp, chính trị –
xã hội, chính trị – xã hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, quy định thiếu sót
tại Điều 1 như thế chứng tỏ Sắc lệnh 102 năm 1957 (có tất cả 12 điều) có
chủ đích áp dụng cho những “tổ chức chính trị”, “đảng phái chính trị”
đã hoạt động trước khi Sắc lệnh này ban hành vì Sắc lệnh này buộc những
đảng phái chính trị đó “đều phải xin phép lại” theo Điều 4. Đồng thời,
Sắc lệnh này cũng áp dụng cho những “tổ chức chính trị”, “đảng phái
chính trị” sẽ được thành lập trong tương lai sau khi Chính phủ ban hành
“Thể lệ lập hội” như đã ghi tại điều 3.
– Liệt kê tên 19 liên minh và đảng phái chính
trị Việt Nam vào thời kỳ trước khi có Sắc lệnh số 102 năm 1957 (1945 –
1954) như sau: – Đảng Lao động Việt Nam – Việt Nam Quốc dân đảng – Đại
Việt Quốc dân đảng – Đảng Xã hội Việt Nam – Đảng Dân chủ Việt Nam – Việt
Nam Độc lập Đồng minh hội – Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội – Việt Nam
Dân chủ Xã hội đảng – Đảng Dân chủ An Nam – Liên minh Dân chủ – Hội
Liên hiệp Quốc dân Việt Nam – Bảo hoàng chính đảng – Mặt trận Thống nhất
Quốc gia liên hiệp – Tân Việt Nam đảng – Liên đoàn Công giáo Việt Nam –
Việt Nam Quốc gia liên hiệp – Việt Nam Phục quốc đồng minh hội – Mặt
trận Quốc gia liên hiệp – Việt Nam Dân chúng liên đoàn (2). Như vậy, một
“tổ chức chính trị”, trước năm 1957, có thể mang những tên khác nhau
như: đảng, hội, mặt trận, liên đoàn, liên minh, liên hiệp … Và “các tên
gọi khác nhau” đó cũng được giải thích tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định của
Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động
và quản lý hội rằng: “Hội có các tên gọi khác nhau: liên hiệp hội, tổng
hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội)”. Trong
Nghị định Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 này cũng có ý
tránh, không sử dụng tên gọi “đảng chính trị” hay “tổ chức chính trị”
nhưng tại Điều 4 của Nghị định này có ghi tại Khoản 2 rằng: “Hội được
công nhận là tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội nghề
nghiệp, hội có hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước được ngân sách
nhà nước hỗ trợ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”. Như vậy,
tổng hợp các quy định trong các Hiến pháp 1946, 1959, Sắc lệnh 102 năm
1957, Nghị định Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 và cả Bộ luật
Dân sự 1995 mà Nghị định 88/2003 dùng làm căn cứ thì các tổ chức chính trị hay các đảng phái chính trị là những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Sắc lệnh 102 năm 1957.
– Thực tế sau khi ban hành Sắc lệnh 102 năm 1957
thì trong số 19 liên minh và đảng phái chính trị VN đang hoạt động có
16 đảng phái chính trị không thể “xin phép lại” được theo quy định của
Điều 4. Còn người dân muốn lập hội mới thì “phải xin phép” và phải chờ
“Thể lệ lập hội sẽ do Chính phủ quy định” như đã ghi tại Điều 3. Thế
nhưng công dân VN phải chờ thêm 46 năm tính từ ngày có Sắc lệnh này,
Chính phủ mới ban hành “Thể lệ lập hội” bằng Nghị định Chính phủ số
88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý
hội. Riêng 3 đảng chính trị là Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi Đảng CSVN
từ năm 1951), Đảng Dân chủ VN và Đảng Xã hội VN do nằm trong Việt Minh
và Mặt trận Liên Việt – tức Mặt trận Dân tộc thống nhất trong thời kỳ
kháng chiến, nên 3 đảng này vẫn tiếp tục hoạt động theo quy định tại
điều 9 của Sắc lệnh này. Tuy nhiên, đến Hiến Pháp ngày 18/12/1980 của
nước VN thống nhất là CHXHCNVN đã quy định tại điều 4: “Đảng Cộng sản
Việt Nam,…..là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội …” khiến
dẫn đến hệ quả vào năm 1988 cả 2 Đảng Dân chủ VN và Đảng Xã hội VN đều
tuyên bố “giải thể”. Rất dễ nhận ra với quy định tại Điều 4 của Hiến
pháp 1980 rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam … là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội…” đã
trực tiếp xâm phạm đến “quyền tự do tổ chức” trong Hiến pháp 1946, xâm
phạm “quyền tự do lập hội” trong Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980, đồng
thời tạo ra sự mâu thuẫn và xung đột pháp lý giữa “quyền tự do lập hội”
bao gồm nhiều đảng khác nhau và Đảng CSVN là “lực lượng duy nhất” ngay
trong Hiến pháp 1980. Đến Hiến pháp 1992, Quốc hội đã xóa bỏ 2 từ “duy
nhất” tại Điều 4 nên Đảng CSVN không còn là “lực lượng duy nhất”
nữa và như thế là mặc nhiên xóa bỏ chế độ “độc đảng” và tái công nhận
“quyền tự do tổ chức”, “quyền tự do lập hội” trong tất cả các Hiến pháp
trước đó và trong Sắc lệnh 102 năm 1957. Nếu một đảng chính trị nhận
được sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân hoặc của Quốc hội tùy theo quy
định của Hiến pháp và pháp luật thì đảng đó sẽ nắm giữ vai trò là đảng
cầm quyền, là “lực lượng lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội”. Sắc lệnh
102 năm 1957 được ban hành chính là để áp dụng cho nhiều đảng phái chính
trị (đa đảng) đang hoạt động và sẽ được thành lập trong tương lai.
Không có điều khoản nào trong Sắc lệnh này thể hiện rằng Sắc lệnh được
làm ra là chỉ dành cho một đối tượng, một đảng “duy nhất” cụ thể nào.
Khi Sắc lệnh 102 năm 1957 ghi tại Điều 3 rằng “Thể lệ lập hội sẽ do
Chính phủ quy định” là đã xác định đối tượng xin lập hội mới bao gồm
nhiếu đảng phái chính trị khác trong tương lai chứ không phải chỉ có 3
đảng là Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam và Đảng Dân chủ
Việt Nam là những đảng chính trị được miễn “xin phép lại” như quy định
tại Điều 9.
Vậy, vào thời điểm hiện tại (2014), một “tổ
chức chính trị” hay một “đảng chính trị” có phải là đối tượng thuộc phạm
vi điều chỉnh của Sắc lệnh 102 năm 1957 và Nghị định Chính phủ số
88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 hay không? Câu trả lời đã được thể hiện
ngay tại Điều 4 của Sắc lệnh: “Những hội đã thành lập trước ngày ban
hành luật này và đã hoạt động trong vùng tạm bị chiếm trong thời kỳ
kháng chiến, nay muốn tiếp tục hoạt động, đều phải xin phép lại”.
Hệ quả là có 19 đảng phái chính trị hoạt động trước 1957 phải xin phép
lại nhưng đã có 16 đảng phái đã bị xóa tên vì không vượt qua được quyền
cấp phép của cơ quan thẩm quyền. Còn những ai muốn lập hội mới tức các
đảng phái chính trị mới thì phải xin phép theo “Thể lệ lập hội” sẽ do
Chính phủ quy định như đã ghi tại điều 3: “Để bảo đảm việc lập hội có
mục đích chính đáng, bảo vệ và củng cố chế độ dân chủ nhân dân, lập hội
phải xin phép. Thể lệ lập hội sẽ do Chính phủ quy định”. Tức là,
những đảng phái chính trị đã hoạt động trước ngày ban hành Sắc lệnh 102
năm 1957 hoặc sẽ thành lập mới sau khi Chính phủ ban hành “Thể lệ lập
hội” đều là những đối tượng áp dụng Sắc lệnh này. Nghị định Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 chính
là “Thể lệ lập hội” được quy định trong Sắc lệnh 102 năm 1957 khi ghi
rõ ở phần đầu Nghị định là: “Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày
20/5/1957 ban hành Luật quy định quyền lập hội” và “Căn cứ Bộ Luật dân
sự ngày 28/10/1995″.
Tuy nhiên, các công dân Việt Nam muốn thành lập
một hội có mục đích chính trị đã phải bối rối khi đọc “Thể lệ lập hội”
được Chính phủ ban hành bằng Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003
với định nghĩa về hội tại Điều 2, Khoản 1 như sau: “Hội được quy định
trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức
Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, có chung mục đích tập hợp,
đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ
quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả,
góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, được tổ
chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật
khác có liên quan”. Đây là một định nghĩa được tác giả cố ý sử
dụng câu chữ rối rắm, đánh đố người đọc, khiến cho người đọc dễ hiểu sai
rằng “hội” trong Nghị định này không bao gồm “tổ chức chính trị”; hoặc
hiểu sai rằng Nghị định này không bao gồm các “đảng chính trị” vốn là
đối tượng áp dụng của Sắc lệnh 102 năm 1957. Rồi đến khi Chính phủ ban
hành tiếp Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 để thay thế Nghị
định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 thì định nghĩa về hội vẫn giữ
nguyên, chỉ bổ sung những chi tiết không quan trọng (được gạch chân) như
sau: “Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự
nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng;
hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế
– xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và
các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”.
Tóm lại, từ năm 1945 đến 2014, dưới chính thể
VNDCCH và CHXHCNVN đã có 5 bản Hiến pháp được ban hành và trong mỗi bản
Hiến pháp đều có quy định quyền tự do lập hội của công dân VN. Nhưng từ
sau khi Sắc lệnh 102 năm 1957 ban hành thì kết quả của việc thi hành Sắc
lệnh này là đã xóa bỏ tất cả những đảng phái chính trị đang hoạt động
vì những tổ chức này đã không được chính quyền cấp phép lại, chỉ có 3
đảng là Đảng LĐVN cầm quyền, Đảng XHVN và Đảng DCVN còn tiếp tục hoạt
động. Đến năm 1988, Đảng DCVN và Đảng XHVN tiếp tục giải thể, chỉ còn
lại duy nhất đảng cầm quyền là Đảng CSVN. Tuy việc ban hành Sắc lệnh 102
năm 1957 đã xóa bỏ các đảng phái chính trị đối lập với đảng cầm quyền
nhưng mãi đến năm 2003 Chính phủ mới ban hành “Thể lệ lập hội” bằng Nghị
định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 để các công dân VN có điều kiện
tiến hành các thủ tục xin thành lập hội là đảng chính trị mới theo quy
định của Sắc lệnh 102 năm 1957 và của 5 bản Hiến pháp. Tuy nhiên, cho
đến nay, trong thực tế vẫn chưa thấy có một đảng chính trị nào nộp đơn
xin phép thành lập (?). Câu hỏi tại sao xin được để ngỏ.
2/ Quyền lập hội trong khuôn khổ pháp luật dưới chính thể Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa (1948 – 1975):
Quyền lập hội của công dân được ấn định trong
Dụ số 10 ngày 6/8/1950 (sau đây gọi là Dụ số 10 năm 1950) do Quốc trưởng
Bảo Đại ban hành. Đến ngày 19/11/1950 Dụ số 24 được ban hành để sửa
đổi bổ sung Dụ số 10. Dụ số 10 ngày 6/8/1950 được áp dụng dưới chính thể
Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hoà cho đến ngày 30/4/1975. Xin
trích dẫn quy định của Điều 1 trong Dụ số 10 đã đưa ra một định nghĩa về
hội rất rõ ràng, dễ hiểu:
“Điều 1- Hội là Hiệp ước của hai hay nhiều người thỏa
thuận góp kiến thức hay hành lực một cách liên tiếp để theo đuổi mục
đích không phải là phân chia lợi tức, như là mục đích thuộc về tế tự,
tôn giáo, chính trị, từ thiện, khoa học, văn học, mỹ nghệ, tiêu khiển, thanh niên, thể thao và đồng nghiệp ái hữu.
Muốn có hiệu lực thì hội nào cũng phải hợp với nguyên tắc chung của pháp luật về khế ước và nghĩa vụ”.
Trong thời gian áp dụng Dụ số 10 từ 1950 đến
1975 đã có 16 đảng phái chính trị hoạt động như sau: – Đảng Phục hưng –
Đảng Dân chủ Nam Việt Nam – Đảng Xã hội cấp tiến Miền Nam Việt Nam – Cần
lao nhân vị cách mạng đảng – Việt Nam dân chủ xã hội đảng – Mặt trận
Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam – Đại Việt quốc dân đảng – Đảng Tân
Đại Việt – Đại Việt cách mạng đảng – Phong trào Quốc gia cấp tiến –
Liên minh Các lực lượng dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam – Phong
trào Quốc gia tiến bộ – Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam – Mặt trận Quốc
gia dân chủ xã hội – Đảng Công nông Việt Nam – FULRO (3).
Như vậy, trong phần định nghĩa của Dụ số 10 năm 1950 dưới chính thể Quốc gia Việt Nam cũng lấy mục đích theo
đuổi khác nhau của các tổ chức để phân loại các đối tượng thuộc phạm vi
điều chỉnh của Dụ, tương tự như Sắc lệnh 102 năm 1947 của chính thể
VNDCCH và Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 dưới chính thể
CHXHCNVN.
II. Hội Hướng đạo Việt Nam được thành lập, hoạt động và tồn tại như thế nào dưới các chính thể ở Việt Nam?:
1/ Hội HĐVN dưới chính thể VNDCCH và CHXHCNVN (gọi là Hội HĐVN 1946):
Sau khi Việt Nam giành được độc lập từ thực dân
Pháp năm 1945 thì một “Hội Hướng đạo Việt Nam không hoạt động và cổ động
về mặt chính trị. Hội HĐVN không giới hạn trong thời gian” được thành
lập để “thay và thống nhất ba hội Hướng đạo Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ …
với mục đích huấn luyện thanh niên về ba phương diện: đức, thể, thực
theo tôn chỉ và phương pháp…”, về sau được gọi là “phương pháp Hướng đạo” (4). Hội
HĐVN được Chính phủ VNDCCH chính thức công nhận khi Điều lệ (Quy trình)
của hội được duyệt y ngày 7/2/1946 do ông Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ
Chính phủ VNDCCH Hoàng Minh Giám ký. Ngày 31/5/1946 Chủ tịch Chính phủ
Việt Nam Hồ Chí Minh gởi thư cho Hội trưởng Hội HĐVN báo tin nhận làm
DANH DỰ HỘI TRƯỞNG HỘI HĐVN.
Hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH ngày
9/11/1946 đã bảo hộ quyền lập hội của các HĐS Hội HĐVN tại Điều 10:
“Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận – Tự do tổ chức
và hội họp – Tự do tín ngưỡng – Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra
nước ngoài”. Đến ngày 20/5/1957, Chủ tịch Nước VNDCCH đã ban hành Sắc
lệnh số 102 Quy định quyền lập hội. Tại Điều 4 của Sắc lệnh ghi rõ:
“Những hội đã thành lập trước ngày ban hành luật này và hoạt động trong
vùng bị tạm chiếm trong thời kỳ kháng chiến, nay muốn tiếp tục hoạt
động, đều phải xin phép lại“. Hội HĐVN được thành lập và
hoạt động hợp pháp dưới chính thể VNDCCH, có Chủ tịch Chính phủ Việt Nam
Hồ Chí Minh làm DANH DỰ HỘI TRƯỞNG nên đã không “phải xin phép lại” sau
ngày ban hành Sắc lệnh.
Cũng vào năm 1957, Hội HĐVN đã cùng với 3 tổ
chức khác là Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam và
Hội Học sinh Việt Nam thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (Hội
LHTNVN) với tư cách là “Thành viên tập thể của Hội LHTN”. Là “thành viên
tập thể của Hội LHTNVN”, Hội HĐVN đã thảo luận, đề nghị các vấn đề về
hoạt động của Hội LHTNVN, giới thiệu đại diện của Hội HĐVN vào Ủy ban
Hội LHTNVN các cấp … trong cả 2 kỳ Đại hội toàn quốc Hội LHTNVN (lần thứ
1) năm 1957 và tiếp theo Đại hội toàn quốc Hội LHTNVN (lần thứ 2) năm
1961. Hiện nay, các huynh trưởng Hội HĐVN vẫn còn lưu giữ 2 thẻ đại biểu
của huynh trưởng Phạm Ngọc Try là đại biểu của Hội HĐVN tham dự 2 lần
đại hội nói trên của Hội LHTNVN. Ngoài ra, các huynh trưởng Hội HĐVN vẫn
còn lưu giữ một văn bản ghi ngày 5/2/1965 có đóng dấu đỏ của Bộ Tổng ủy
viên Hội HĐVN 1946 (ở miền Bắc) gởi cho các anh chị huynh trưởng và các
Tráng, Thiếu, Ấu là Hướng đạo sinh Trung, Nam bộ thuộc Hội HĐVN ở miền
Nam. Các chứng cứ còn lưu giữ này cùng với “Danh sách 220 Hướng đạo sinh
đã tham gia Cách Mạng và có những nhiệm vụ quan trọng trong các lĩnh
vực Đảng, quân đội và các ngành khác từ 1945 đến nay”(5), đã chứng minh
một cách thuyết phục rằng: Một Hội HĐVN đầu tiên được thành lập trong
khuôn khổ pháp luật dưới chính thể VNDCCH và đã hoạt động liên tục từ
ngày thành lập 7/2/1946 cho đến ít nhất là ngày 5/2/1965.
Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, các
huynh trưởng thuộc Hội HĐVN thành lập năm 1946 (ở miền Bắc VN) mà hầu
hết là các đảng viên CS đã cùng với các huynh trưởng Hội HĐVN thành lập
năm 1953 (ở miền Nam VN) gởi khoảng trên 10 đơn, thư, kiến nghị đến các
vị lãnh đạo Đảng CS và Nhà nước VN để vận động, xin phép tái lập Hội
HĐVN nhưng đều không nhận được bất cứ câu trả lời nào. Xin được liệt kê
các đơn, thư, kiến nghị đó:
– Trưởng Trần Hữu Khuê đã gởi đến các vị lãnh
đạo Đảng, Quốc hội và Nhà nước tổng cộng 6 văn bản vào các ngày:
18/11/1988, 6/4/1989, 14/10/1992, 28/3/1996, 8/8/1997, 1/7/2000.
– Trưởng Nguyễn Dực thay mặt 20 Trưởng Hướng đạo gởi đơn ngày 3/3/1993
– Trưởng Bạch Văn Quế gởi thư ngày 22/4/1997.
– Trưởng Nguyễn Phước Hoàng (Tôn Thất Hoàng) gởi thư ngày 18/8/1997.
– Trưởng Nguyễn Phúc Quỳnh Hòe gởi thư ngày 18/3/2000.
Đặc biệt là trong bài nghiên cứu có tựa “Lịch sử
Phong trào Hướng đạo Việt Nam” của Trưởng Lê Duy Thước ghi ngày
31/05/1996 đã ghi lại sự kiện các huynh trưởng của 2 Hội HĐVN ở 2 miền
Nam, Bắc VN đã cùng nhau thành lập một Ban Liên lạc HĐVN như sau: “Năm
1991, Anh Hoàng Đạo Thúy ( là người đã cùng với Trưởng Trần Văn Khắc
sáng lập Hội HĐVN) ký giấy ủy nhiệm cho 21 huynh trưởng Hướng đạo cũ,
lập thành Ban Liên lạc lâm thời Hướng đạo Việt Nam (Trưởng ban Nguyễn
Dực, thư ký Lê Duy Thước).Tháng 12/1991, Ban LLLT HĐVN tổ chức họp mặt
truyền thống, có hơn 200 anh chị em Hướng đạo cũ đến dự. Họp ở hội
trường lớn Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh sáng 19/12/1991…. Tháng 05/1993,
Ban Liên lạc LT HĐVN lại tổ chức cuộc họp truyền thống Hướng đạo ở đình
làng Đại Yên (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội), có hơn 300 Hướng đạo sinh cũ về
dự, trong số có gần 40 anh chị em cựu Hướng đạo hoạt động ở miền Trung
và miền Nam…”(8).
Tại sao Đảng CSVN và Nhà nước VN không quan tâm
trả lời các đơn, thư, kiến nghị xin tái lập hội của các huynh trưởng Hội
HĐVN ? Sự im lặng như thể xác nhận những lời nói lờ mờ rằng Hội HĐVN
1946 bị “ngừng hoạt động” là do “ý ở trên”(?). Mãi đến khi Nghị định của
Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 Quy định về tổ chức, hoạt
động và quản lý hội được ban hành thì các huynh trưởng Hội HĐVN mới vui
mừng chào đón cơ hội tái lập Hội HĐVN. Sau 46 năm kể từ ngày có Sắc lệnh
102 năm 1957, nay Chính phủ mới ban hành “Thể lệ lập hội”, mà theo đó
quyền thành lập Hội HĐVN của các huynh trưởng đã có được cơ sở pháp lý
để tiến hành thủ tục tái lập Hội HĐVN, thực hiện quyền công dân của mình
theo các quy định của pháp luật chứ không phải làm những bản “kiến
nghị” xin xỏ gởi các cấp lãnh đạo như trước.
2/ Hội HĐVN dưới chính thể Quốc gia Việt Nam và VNCH (gọi là Hội HĐVN 1953):
Hội HĐVN được thành lập dưới chính thể Quốc gia
Việt Nam bằng một Nghị định riêng có tên “Nghị định số 326-NĐ/TN ngày
9/2/1953 của ông Bộ Trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao” là Vũ Hồng Khanh
ký tên, đã “chiếu Dụ số 10 ngày 6/8/1950, ấn định thể lệ lập hội”,
“chiếu Dụ số 24 ngày 19/11/1952, sửa đổi Dụ số 10 ngày 6/8/1950″ và
“chiếu đơn số 003-HT-HĐ ngày 12/6/1952 của ông Hội trưởng Hướng đạo Việt
Nam” để ban hành Nghị định này và có ghi rõ tại Điều thứ nhất là “Hội
HĐVN được phép hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam, theo bản điều lệ
đính kèm theo nghị định này”. Chính Hội HĐVN thứ hai được thành lập ngày
9/2/1953 dưới chính thể Quốc gia Việt Nam đã gia nhập WOSM và được công
nhận là một Tổ chức Hội viên của WOSM vào năm 1957.
Hội HĐVN 1953 này đã có điều kiện phát triển ổn
định cho đến năm 1975. Trong quãng thời gian đó Hội HĐVN 1953 tuy đã sửa
đổi Điều lệ (Quy trình) vào các năm 1959, năm 1962 và năm 1967 nhưng
vẫn giữ nguyên là một tổ chức xã hội có “mục đích giáo dục thanh thiếu
nhi trong toàn cõi VN về ba phương diện: đức, thể, thực theo tôn chỉ và
phương pháp Hướng đạo”, “không phân biệt tôn giáo, chủng tộc và quốc
tịch”, “không hoạt động và cổ động chính trị”. Tính đến ngày
31/12/1974, Hội HĐVN 1953 có tổng số đoàn sinh và huynh trưởng đóng bảo
hiểm là 14.432 người, trong đó có 2.204 huynh trưởng. Do “phương pháp
Hướng đạo” có tính chất rất đặc biệt, còn gọi là “phương pháp hàng đội
tự quản”, bao gồm các nhóm nhỏ tự quản dưới sự hướng dẫn của huynh
trưởng, nên không thể phát triển số lượng đoàn sinh nếu không có đủ
huynh trưởng phụ trách. Vì vậy, dù được hoạt động tự do, Hội HĐVN 1953
sau 22 năm, cũng chỉ có thể phát triển tối đa là trên 12.000 đoàn sinh
trên toàn miền Nam VN mà thôi. Con số này là quá ít nếu so sánh với số
lượng đoàn viên Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh hiện nay và không tính
đến số lượng các em trong Đội Thiếu niên tiền phong HCM: “Theo báo cáo
của Đại hội Toàn quốc lần thứ VIII Đoàn TNCS HCM (2007) thì tại VN hiện
có khoảng 6,1 triệu đoàn viên. Theo BBC thì tại Tp.HCM, thành phố lớn
nhất VN, vào năm 2005 có khoảng 70% thanh niên đang đứng ngoài hàng ngũ
Đoàn TNCS (khoảng 390.000 đoàn viên trên tổng số 2,3 triệu người từ độ
tuổi 16 đến 30)” (9). Cũng vào năm 2006, trên toàn VN, ước tính
có khoảng trên 4.000 đoàn sinh và huynh trưởng HĐVN đang sinh hoạt nhưng
phần lớn tập trung ở Tp.HCM.
Do quyền tự do lập hội được quy định rất rõ ràng
trong Dụ số 10 năm 1950 và được thực thi trong thực tế nên hoạt động
của Hội HĐVN 1953 đã tạo được tiếng vang là một phong trào có mục đích
giáo dục thanh thiếu nhi bằng “hình thức và phương pháp Hướng đạo” rất
đăc biệt, bổ sung cho giáo dục gia đình và giáo dục học đường, rèn luyện
các em trở thành những đứa con tốt, những học trò tốt và những công dân
tốt. Những Hướng đạo sinh khi trưởng thành đã tham gia hoạt động chính
trị trong các đảng phái với tư cách công dân – tương tự như các HĐS là
đảng viên Đảng CSVN dưới chính thể ở miền Bắc. Tiếng tốt do hoạt động
của Hội HĐVN đã khiến cho các tổ chức tôn giáo và các lực lượng quân
đội, cảnh sát ở miền Nam cũng muốn xây dựng một tổ chức tương tự, áp
dụng “hình thức và phương pháp Hướng đạo” để giáo dục cho con em trong
tổ chức, lực lượng của mình có được những phẩm chất tốt đẹp như các
Hướng đạo sinh trong Hội HĐVN. Có thể nêu ra một số tổ chức, lực lượng
như sau:
– Gia đình Phật tử: Do thời điểm xuất
hiện của Gia đình Phật tử với hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục
có nhiều điểm tương tự như của Hội HĐVN khiến cho nhiều người cho rằng
Hội HĐVN là mô hình giáo dục thanh thiếu nhi đã được chuyển hóa thành
Gia đình Phật tử. Vào những ngày 24, 25, 26/4/1951, tại Thuận Hóa – Huế,
Đại hội Gia đình phật hóa phổ họp tại chùa Từ Đàm gồm đại biểu của 9
tỉnh miền Trung gồm Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng
Nam, Lâm Viên, Bình Thuận, Dran, Đồng Nai Thượng và Hà Nội, Hải Phòng.
Tại Đại hội này, tên “Gia đình Phật tử Việt Nam” được thay cho Gia đình
Phật hóa phổ và một bản Nội quy cũng được ra đời từ đây. Qua 9 lần đại
hội từ 1951 – 1973 Gia đình Phật tử VN đã từng bước trưởng thành trong
lòng các Giáo hội đương nhiệm, Từ 4 Gia đình Phật hóa phổ đầu tiên tại
Huế, lên đến 812 Gia đình Phật tử thuộc 48 tỉnh, thành tại miền Nam, với
7.200 huynh trưởng và 72.600 đoàn sinh (theo báo cáo của Đại hội năm
1973 tại Đà Nẵng). Cuộc họp lịch sử ngày 19/10/1997 tại Thiền viện Vạn
Hạnh (Tp.HCM) ra đời một bản thông báo có chữ ký của Hòa thượng Thích
Minh Châu và 4 huynh trưởng cấp Dũng gởi đến toàn thể huynh trưởng và
đoàn sinh GĐPTVN đề nghị tu chỉnh một số điều trong Nội quy và Quy chế
huynh trưởng của GĐPT cho phù hợp với Hiến chương của Giáo hội PGVN.
Cũng trong năm này, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV diễn ra tại
Hà Nội, GĐPTVN được chính thức công nhận, ghi vào Hiến chương Giáo hội
Phật giáo Việt Nam (Chương V Điều 19, nay là Điều 21). Năm 1998, GHPGVN
thành lập các Ban Hướng dẫn Phật tử từ Trung ương đến các tỉnh, thành.
Ngành Cư sĩ phật tử do Chư tăng trực tiếp lãnh đạo, ngành Gia đình Phật
tử do Huynh trưởng điều hành theo chủ trương, đường lối của Giáo hội
Phật giáo VN (10).
Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày
30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có ghi rõ tại
Điều 1, Khoản 1, điểm b rằng “Nghị định này không áp dụng với các tổ
chức: – Các tổ chức giáo hội”. Tức là các tổ chức thuộc Giáo hội Phật
giáo VN như Gia đình Phật tử và Tịnh độ Cư sĩ không là đối tượng thuộc
phạm vi điều chỉnh của Nghị định, không cần phải xin phép theo thủ tục
thành lập hội của Nghị định này.
- Hướng đạo Công giáo, Hướng đạo Cao đài, Hướng đạo Tin lành: Về
mặt pháp lý, một “tổ chức” theo quy định của pháp luật dân sự chỉ được
công nhận là có tư cách pháp nhân khi có đủ các điều kiện: Được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công
nhận; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ
chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham
gia các quan hệ pháp luật ( tham chiếu Điều 94 BLDS 1995). Theo đó, dưới
chính thể ở miền Nam VN từ 1948 đến 1975, chỉ duy nhất một Hội HĐVN
1953 có tư cách pháp nhân được pháp luật Quốc gia Việt Nam công nhận và
được WOSM công nhận tư cách hội viên từ năm 1957. Trong các bản Điều lệ
(Quy trình) của Hội HĐVN năm 1953, được sửa đổi năm 1959, năm 1962 và
năm 1967 đều có quy định “không phân biệt tôn giáo”. Trong tất cả các
bản Điều lệ đó đều có một điều khoản ghi: “Hội lấy tên chánh thức là Hội
“HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM” viết tắt là “H.Đ.V.N” những chữ “HƯỚNG ĐẠO” trong
tên này thuộc sở hữu tuyệt đối của Hội”. Và trong tất cả các bản Điều lệ
của Hội HĐVN 1953 đều không có một dòng hay một chữ nào về “Hướng đạo
Công giáo”, “Hướng đạo Cao đài”, “Hướng đạo Tin lành”. Do đó không có
mối liên hệ hoặc mối tương quan pháp lý nào giữa Hội HĐVN 1953 với các
tổ chức thuộc các tôn giáo này. Các tôn giáo này nếu tồn tại cái gọi là
“Hướng đạo”, trong thực tế thì đó là bộ phận thuộc về các giáo hội chủ
quản chớ không phải là một bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của Hội HĐVN
1953. Giữa Hội HĐVN 1953 và các Giáo hội Công giáo, Giáo hội Cao đài,
Giáo hội Tin lành cũng không hề có một thỏa hiệp gì để xác lập mối liên
hệ giữa một tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân là Hội HĐVN và các Giáo
hội đó. Việc các cá nhân hoặc tổ chức nào đó tự xưng là “Hướng đạo” +
“Tôn giáo” là ngoài phạm vi trách nhiệm pháp lý của Hội HĐVN 1953.
Xin được lưu ý một vấn đề liên quan như sau:
Điều lệ của Hội HĐVN 1953 quy định là “không phân biệt tôn giáo” nên chỉ
coi các huynh trưởng và đoàn sinh là “Hướng đạo sinh theo Phật giáo”,
“HĐS theo Công giáo”, “HĐS theo Tin lành”, “HĐS theo Cao đài”… và tất cả
các hội viên của Hội HĐVN đều sinh hoạt chung với nhau theo cơ cấu tổ
chức đã được quy định trong bản Điều lệ chớ không hề phân biệt tôn giáo,
không tách riêng từng đơn vị, bộ phận gọi là “Hướng đạo Công giáo”,
“Hướng đạo Tin lành”, “Hướng đạo Cao đài”.v.v… Thế nhưng, trong 3 tôn
giáo nêu trên chỉ có Giáo hội Công giáo là có công bố một bản “Quy chế
Hướng đạo Công giáo Việt Nam” (viết tắt HĐCGVN) được Tổng Giám mục Phao
lô Nguyễn Văn Bình phê chuẩn và ban phép thi hành ở Sài Gòn ngày
8/1/1965. Bản Quy chế HĐCGVN này cũng xác định mục đích giáo dục bằng
“phương pháp Hướng đạo” nhưng lại xác định thêm tôn chỉ “Phụng sự Thiên
Chúa và Giáo hội” và HĐCGVN là hội đoàn phụ tá đứng trong Tổ chức Công
giáo tiến hành. Bản Quy chế HĐCGVN đã không tự xây dựng cho mình một cơ
cấu tổ chức có hệ thống riêng với lực lượng huynh trưởng và đoàn sinh
riêng như bản Nội quy Gia đình Phật tử của Giáo hội Phật giáo VN mà lại
tự xác lập cho mình quyền “can thiệp” vào một tổ chức xã hội có tư cách
pháp nhân và có bản Điều lệ được chính quyền phê duyệt là Hội HĐVN, lấy
lực lượng đoàn sinh và huynh trưởng có sẵn trong Hội HĐVN làm lực lượng
của mình. Xin dẫn chứng từ bản Quy chế HĐCGVN hành vi “vượt quá khôn khổ
pháp luật” của Giáo hội Công giáo VN khi ban hành Quy chế đơn phương
“chiếm hữu” lực lượng đoàn sinh của Hội HĐVN 1953 mà không dựa trên một
căn cứ pháp lý nào cả. Đó là việc trong Quy chế HĐCGVN đã cho mình quyền
thành lập các “Đạo” và “Đơn vị” HĐCG từ các đoàn sinh và huynh trưởng
đang có sẵn trong Hội HĐVN 1953 khi quy định rằng: “Đạo: Tại mỗi tỉnh
hay thành phố lớn, nếu có đủ đơn vị HĐCG hoặc nam hoặc nữ, Văn phòng
Trung ương sẽ can thiệp với Bộ Tổng ủy viên của Hội liên quan, để
thành lập một Đạo riêng cho HĐCG”, và …” Đơn vị có thể thâu nhận các
HĐS ngoài Công giáo, miễn là có sự đồng ý của phụ huynh; các đoàn sinh
này không buộc phải dự các lễ nghi Công giáo cũng như các lớp huấn luyện
Giáo lý. Số đoàn sinh ngoài Công giáo không được vượt quá 2/5
tổng số. Dĩ nhiên Đơn vị trưởng phải là Công giáo”. Quy định như thế
trong bản Quy chế HĐCGVN là đi ngược với tôn chỉ “không phân biệt tôn
giáo” trong bản Điều lệ Hội HĐVN 1953 và giữa Giáo hội CGVN với Hội HĐVN
1953 cũng chưa từng ký kết một thỏa hiệp gì về việc Hội HĐVN 1953 thừa
nhận hay áp dụng bản Quy chế HĐCGVN. Sau nữa, một quy định trong bản Quy
chế HĐCGVN có tính chất xâm phạm quyền tự quyết của Hội HĐVN là: “- Khi
xảy ra trường hợp một trong hai Hội vi phạm nguyên lý căn bản của Phong
trào HĐ, nhất là điều thuộc về Tôn giáo; – Khi xảy ra trường hợp những
người lãnh đạo một trong hai Hội có thái độ kỳ thị rõ rệt đối với Tôn
giáo hoặc đối với các Trưởng Công giáo có khả năng tham gia Hội đồng
Trung ương hay Bộ Tổng ủy viên của Hội đó. Trong hai trường hợp này,
HĐCGVN sẽ bày tỏ lập trường và đưa đề nghị để Hội sửa chữa. Nếu không
giải quyết xong, lúc đó các đơn vị HĐCGVN sẽ buộc lòng phải tách khỏi
Hội”. Một bản Quy chế do một tôn giáo ban hành lại tự xác lập cho mình
có quyền đơn phương định đoạt việc tách, nhập các đơn vị, việc phong
nhậm những trách vụ lãnh đạo của một tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân
như Hội HĐVN 1953, bất chấp đến Điều lệ của hội và cả hệ thống pháp
luật đương thời bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của hội đó, nghe ra
không ổn, không “thượng tôn pháp luật” chút nào (!). Hơn nữa, việc sử
dụng giáo quyền để “tách” các hội viên “khỏi” Hội HĐVN 1953 chẳng phải
đã xâm phạm đến quyền tự do lập hội mà trong đó bao gồm cả quyền tự do
vào hội và quyền tự do ra hội của công dân, thể hiện qua các quy định:
“Hội viên … có quyền ra khỏi hội bất cứ lúc nào” (Điều 3 Dụ số 10) và
“Mọi người có quyền tự do vào hội thành lập hợp pháp, và có quyền tự do
ra hội. Không ai được xâm phạm quyền lập hội và quyền tự do vào hội, ra
hội của người khác” (Điều 2 Sắc lệnh năm 1957)? Dẫu sao, trong văn thư
đề ngày 09/10/2003, Đức Cha Phao lô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng
Giám mục VN đã cho biết “Chúng tôi đã chính thức đưa phong trào HĐCGVN
vào hoạt động Công giáo tiến hành của Giáo hội VN và Hội đồng Giám mục
VN đã chính thức giới thiệu hoạt động của HĐCG trong cuốn Giáo hội Công
giáo VN niên giám 2003 của Hội đồng Giám mục VN”. Như vậy, từ năm 2003,
HĐCGVN đã có thể xây dựng cho mình một cơ cấu, tổ chức riêng, có lực
lượng đoàn sinh riêng do mình xây dựng tương tự như Gia đình Phật tử VN.
Và cũng tương tự như Gia đình Phật tử VN, HĐCGVN là một hội đoàn phụ tá
đứng trong Công giáo tiến hành của Giáo hội Công giáo VN nên không cần
phải xin phép theo thủ tục thành lập hội trong Nghị định Chính phủ số
88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003.
- “Hướng đạo Cảnh sát VN” và “Hướng đạo Quân đội VN”:
Lực lượng Cảnh sát và Quân đội dưới chính thể VNCH cũng muốn áp dụng các “hình thức và phương pháp Hướng đạo”
để giáo dục con em của họ nên sau năm 1968 đã tự thành lập tổ chức
“Hướng đạo” + “Lực lượng” tương tự như trường hợp của các tổ chức tôn
giáo. Tất nhiên là với các quy định của pháp luật đương thời và Điều lệ
của Hội HĐVN 1953, không hề có mối liên hệ gì giữa Hội HĐVN 1953 vốn là
một tổ chức xã hội “phi chính trị” thể hiện trong Điều lệ hết sức minh
bạch, với các lực lượng vũ trang thuộc chính thể đó. Và tất nhiên, Hội
HĐVN 1953 cũng không thể làm gì được khi các lực lượng Cảnh sát và Quân
đội đương thời muốn sử dụng 2 từ “Hướng đạo” ghép chung với tên gọi của
tổ chức do các lực lượng này lập ra, tương tự như với trường hợp các tôn
giáo ở VN.
III. Các văn bản của tổ chức Đảng CSVN và cơ quan
Nhà nước VN đã vượt ra ngoài khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, xâm phạm
quyền tự do lập hội của các HĐS Hội HĐVN như thế nào ?
1/ Các văn bản của tổ chức Đảng CSVN:
a/ Thông báo số 143-TB/TW ngày 20/4/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN:
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số
88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý
hội, thì các huynh trưởng của cả 2 Hội HĐVN 1946 ở miền Bắc và Hội HĐVN
1953 ở miền Nam đều vui mừng chuẩn bị tiến hành thủ tục nộp đơn xin phép
thành lập một Hội HĐVN thống nhất trên cả nước. Nhưng trong khi các
huynh trưởng HĐVN chưa kịp nộp đơn xin thành lập hội thì ngày 20/4/2004 –
tức là chưa tới 9 tháng sau ngày Chính phủ ban hành Nghị định, Ban Bí
thư Trung ương Đảng CSVN đã có văn bản số 143-TB/TW chỉ đạo các tổ chức
Đảng CSVN và các cơ quan Nhà nước VN thực hiện nhiều biện pháp ngăn cấm
các “hoạt động Hướng đạo” và “không đặt vấn đề tái lập tổ chức Hướng
đạo, cũng như tránh lập thêm các hội, đoàn mới”. Xin trích dẫn nội dung
chính yếu trong Thông báo 143-TB/TW ngày 20/4/2004 của Ban Bí thư TW như
sau: “Hoạt động Hướng đạo du nhập vào VN từ đầu thế kỷ 20. Từ sau kháng
chiến chống Pháp, ở miền Bắc tổ chức Hướng đạo đã ngừng hoạt động và
gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên VN, trong khi ở miền Nam hoạt động
Hướng đạo tiếp tục phát triển và phân hóa, ngoài tổ chức Hướng đạo chính
thống, Mỹ ngụy xây dựng các loại Hướng đạo trong tôn giáo, quân đội,
cảnh sát… Sau năm 1975 tất cả các tổ chức này mặc nhiên giải thể. Tuy
nhiên, những năm gần đây, phong trào Hướng đạo VN nói chung và ở Tp.HCM
nói riêng đang tái phát triển một cách tự phát và diễn biến phức tạp. Có
nhiều nhóm tổ chức Hướng đạo đang hoạt động, sinh hoạt ngày càng thường
xuyên, có nền nếp, bài bản và công khai hơn. Các nhóm Hướng đạo tuy có
sự khác nhau, thậm chí mâu thuẫn về quan điểm và đường hướng hoạt động,
nhưng đều mong muốn được Nhà nước chính thức cho phép tái lập tổ chức
Hướng đạo; cả một số cán bộ, đảng viên trước đây vốn là huynh trưởng
Hướng đạo cũng ủng hộ nguyện vọng này. Nhiều nhóm đã liên tục gởi đơn
xin phép chính quyền cho phép tái lập, mặt khác không ngừng hoạt động
ngầm để phát triển lực lượng một cách tự phát ngoài khuôn khổ pháp luật,
chuẩn bị chờ Nhà nước cho phép tái lập. Trong các nhóm Hướng đạo nói
trên, ngoại trừ nhóm Hướng đạo chính thống, các hệ phái Hướng đạo khác ở
Tp. HCM hiện nay đều có gắn với tôn giáo, tâm linh, hoạt động có tính
chính trị. Nhiều tổ chức có quan hệ móc nối với các phần tử phản động và
số cầm đầu các nhóm Hướng đạo ở hải ngoại và với tổ chức Hướng đạo thế
giới, với sứ quán, lãnh sự quán Mỹ ở VN để tuồn thông tin, vu cáo chế độ
ta, xin chỉ đạo và tài trợ cho hoạt động của mình. Các tổ chức Hướng
đạo Công giáo, Cao đài, Tin Lành công khai dùng phương pháp hoạt động
Hướng đạo để giáo dục tôn giáo, thực hiện tôn chỉ của các giáo hội được
các giáo xứ và nhà thờ ủng hộ mạnh mẽ về vật chất và tinh thần…”; “…
Hiện nay, ở nước ta đã có nhiều hội, đoàn thể với đối tượng bao gồm mọi
giới, mọi lứa tuổi đang hoạt động, nếu chính thức cho tái lập thêm tổ
chức Hướng đạo thì sẽ dẫn đến tranh giành lực lượng, tranh giành quần
chúng giữa Hướng đạo với các tổ chức đã có và tạo ra tiền lệ đa nguyên
trong tổ chức quần chúng, làm phức tạp thêm tình hình chính trị xã hội.
Nếu tổ chức Hướng đạo được tái lập, các hội, đoàn khác như Gia đình Phật
tử, Tịnh độ Cư sĩ… cũng đòi hỏi được công nhận thì sẽ rất phức tạp. Vì
vậy không đặt vấn đề tái lập tổ chức Hướng đạo, cũng như tránh lập thêm
các hội, đoàn mới”.
Căn cứ vào Khoản 2, Điều 4 mới được quy định
trong Hiến pháp 2013: “Đảng CSVN…, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu
trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”; và căn cứ vào
Khoản 1 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2010: “Quyết định hành chính là
văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác
hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết
định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp
dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”, tôi xin trình
bày ý kiến phản biện đối với các nội dung trong Thông báo 143-TB/TW như
sau:
– “Từ sau kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc tổ chức Hướng đạo đã ngừng hoạt động và gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên VN” :
Nội dung này trong Thông báo 143-TB/TW nhằm phủ định sự tồn tại của Hội
HĐVN 1946 từ sau ngày thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên VN năm 1957 mà
không đưa ra được một căn cứ hay chứng cứ nào để chứng minh cho sự
“ngừng hoạt động” của Hội HĐVN 1946. Chúng ta đều biết rằng, trong Luật
La Mã đã hình thành nguyên tắc: “Trách nhiệm chứng minh thuộc về người
khẳng định, chứ không thuộc về người phủ định” (Ei incumbit probatio qui
dicit, non qui negat / The burden of the proof lies upon him who
affirms, not he who denies). Nguyên tắc này cũng được quy định tại Điều
79 Bộ luật tố tụng dân sự về “nghĩa vụ chứng minh” và tại Điều 10 Bộ
luật tố tụng hình sự về “Xác định sự thật của vụ án” theo đó “trách
nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng…”. Do
Thông báo 143-TB/TW không nêu ra được căn cứ hay chứng cứ hợp pháp để
chứng minh rằng Hội HĐVN 1946 đã “ngừng hoạt động” nên nội dung “Từ sau
kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc tổ chức Hướng đạo đã ngừng hoạt động”
bị coi là lời nói “thất thiệt” cho đến khi Ban Bí thư TW đưa ra được
chứng cứ hợp pháp về sự ngừng hoạt động của Hội HĐVN 1946. Thêm nữa,
ngay phần nội dung tiếp theo là “…và gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên
VN” lại chứng minh sự tồn tại hợp pháp của Hội HĐVN 1946 sau khi đã “gia
nhập” Hội LHTNVN. Bởi vì chúng ta đều biết trong Bộ luật dân sự 1995 và
Bộ luật dân sự 2005; cũng như trong Nghị định 88/2003 và Nghị định
45/2010 đều có quy định về các trường hợp chấm dứt pháp nhân, chấm dứt
hội là: hợp nhất, sáp nhập, chia, giải thể, phá sản. Không thấy có văn
bản pháp luật nào quy định rằng một pháp nhân khi “gia nhập” vào một
pháp nhân khác lại bị chấm dứt pháp nhân của mình. Có thể đã có sự hiểu
sai về khái niệm pháp lý “gia nhập” là đồng nghĩa với “sáp nhập” trong
nội dung này của Thông báo 143-TB/TW. Bởi vì, ngay trong Điều lệ của Hội
LHTNVN cũng có nói rõ: “Hội LHTNVN là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên
VN…”; trong đó bao gồm 2 loại hội viên là cá nhân “công dân” và “thành
viên tập thể của hội”. Hội HĐVN 1946 chính là thành viên tập thể của Hội
LHTNVN. Chưa cần xem xét đến các chứng cứ khác như Thẻ đại biểu của Hội
HĐVN 1946 tham dự Đại hội toàn quốc Hội LHTNVN lần thứ 2 năm 1961 và
văn bản của Hội HĐVN 1946 ngày 5/2/1965 đã bác bỏ nội dung này … Như
vậy, ngay trong nội dung “Từ sau kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc tổ
chức Hướng đạo đã ngừng hoạt động và gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên
Việt Nam” của Thông báo 143-TB/TW đã cho thấy không dựa vào một
căn cứ hay chứng cứ pháp lý nào để chứng minh cho lời nói này; đó là
chưa nói đến các chứng cứ khác đã bác bỏ hoàn toàn nội dung này như: Thẻ
đại biểu của Hội HĐVN 1946 tham dự Đại hội toàn quốc Hội LHTNVN lần thứ
2 năm 1961 và văn bản của Hội HĐVN 1946 ngày 5/2/1965 chứng minh sự tồn
tại hợp pháp của Hội HĐVN 1946 sau khi gia nhập Hội LHTNVN.
– “… trong khi ở miền Nam hoạt động Hướng đạo
tiếp tục phát triển và phân hóa, ngoài tổ chức Hướng đạo chính thống, Mỹ
ngụy xây dựng các loại Hướng đạo trong tôn giáo, quân đội, cảnh sát…
Sau năm 1975 tất cả các tổ chức này mặc nhiên giải thể.”: Như đã trình
bày ở phần trên, ở miền Nam VN chỉ có một Hội HĐVN duy nhất có tư cách
pháp nhân được thành lập hợp pháp năm 1953, những loại hình gọi là
“Hướng đạo trong tôn giáo” như trong Thông báo 143 đề cập chỉ là sự “ăn
theo tiếng thơm” của Hội HĐVN mà thôi. Các tôn giáo ở VN hiện nay, nếu
muốn thành lập các hội đoàn tương tự như Hội HĐVN, nay đã có quyền thành
lập hội đoàn cho riêng mình theo quy định tại Khoản 6, Điều 3 của Pháp
lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo số 21/2004/PL-UBTVQH11 ngày 18/6/2004 mà không
cần phải làm thủ tục xin phép theo Nghị định của Chính phủ số
88/2004/NĐ-CP ngày 30/7/2004. Chỉ có những loại hình “HĐ Cảnh sát” và
“HĐ Quân đội” mang tính chất chính trị ngay trong tên gọi là trái với
tôn chỉ “phi chính trị” của Hội HĐVN 1953 nên mới “mặc nhiên giải thể”
cùng với lực lượng cảnh sát và quân đội của chính thể VNCH sau năm 1975.
Do đó, Thông báo 143 nói rằng “Sau năm 1975 tất cả các tổ chức này mặc
nhiên giải thể” bao gồm cả Hội HĐVN 1953 là cố ý quy chụp theo kiểu “vơ đũa cả nắm” chớ không dựa trên căn cứ hoặc chứng gứ hợp pháp nào cả.
– “Trong các nhóm Hướng đạo nói trên, ngoại trừ
nhóm Hướng đạo chính thống, các hệ phái Hướng đạo khác ở Tp. HCM hiện
nay đều có gắn với tôn giáo, tâm linh, hoạt động có tính chính trị.
Nhiều tổ chức có quan hệ móc nối với các phần tử phản động và số cầm đầu
các nhóm Hướng đạo ở hải ngoại và với tổ chức Hướng đạo thế giới, với
sứ quán, lãnh sự quán Mỹ ở VN để tuồn thông tin, vu cáo chế độ ta, xin
chỉ đạo và tài trợ cho hoạt động của mình. Các tổ chức Hướng đạo Công
giáo, Cao đài, Tin Lành công khai dùng phương pháp hoạt động Hướng đạo
để giáo dục tôn giáo, thực hiện tôn chỉ của các giáo hội được các giáo
xứ và nhà thờ ủng hộ mạnh mẽ về vật chất và tinh thần…”. Nội dung này
của Thông báo 143 đã đề cập đến trường hợp những hành vi, của những cá
nhân nào đó lợi dụng danh nghĩa của tổ chức hoặc phe nhóm vi phạm pháp
luật quốc gia hoặc xâm phạm an ninh quốc gia. Đây chỉ là những lời quy
chụp chính trị cho Hội HĐVN mà thôi chớ chúng ta đều biết rằng trong Bộ
Luật hình sự của nước CHXHCNVN có quy định về “Cơ sở của trách nhiệm
hình sự” tại Điều 2 như sau: “Chỉ người nào phạm một hay nhiều tội đã
được Bộ Luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Tức
là trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng cho cá nhân, cho “người nào”, chớ
pháp nhân như Hội HĐVN không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong Phong
trào Hướng đạo VN từ sau 1975 đến nay, chưa nghe đến trường hợp có một
Hướng đạo sinh nào, bao gồm huynh trưởng và đoàn sinh, bị truy cứu trách
nhiệm hình sự vì “hoạt động Hướng đạo” như Thông báo 143 đề cập. Cũng
theo quy định của Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự “Không ai bị coi là có
tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có
hiệu lực pháp luật”; và trong thực tế, chưa nghe nói đến trường
hợp một HĐS nào của Hội HĐVN 1953 sau năm 1975 đã bị kết án do hành vi
như được mô tả trong Thông báo 143.
– “Hiện nay, ở nước ta đã có nhiều hội, đoàn thể
với đối tượng bao gồm mọi giới, mọi lứa tuổi đang hoạt động, nếu chính
thức cho tái lập thêm tổ chức Hướng đạo thì sẽ dẫn đến tranh giành lực
lượng, tranh giành quần chúng giữa Hướng đạo với các tổ chức đã có và
tạo ra tiền lệ đa nguyên trong tổ chức quần chúng, làm phức tạp thêm
tình hình chính trị xã hội. Nếu tổ chức Hướng đạo được tái lập, các hội,
đoàn khác như Gia đình Phật tử, Tịnh độ Cư sĩ… cũng đòi hỏi được công
nhận thì sẽ rất phức tạp. Vì vậy không đặt vấn đề tái lập tổ chức Hướng
đạo, cũng như tránh lập thêm các hội, đoàn mới”. Luận cứ trong
nội dung này của Thông báo 143 là hoàn toàn không chính xác và mâu thuẫn
ngay với chính mình. Xin được dẫn chứng: Ở phần đầu Thông báo 143 xác
định rằng “Hoạt động Hướng đạo du nhập vào VN từ đầu thế kỷ 20″ … và
Phong trào Hướng đạo đã hoạt động liên tục từ đầu thế kỷ 20 cho đến đầu
thế kỷ 21 là ngày có Thông báo 143 (20/4/2004); vậy sao có thể nói rằng
“nếu cho tái lập thêm tổ chức Hướng đạo thì sẽ … tạo ra tiền lệ đa nguyên trong tổ chức quần chúng”? Còn
Gia đình Phật tử và Tịnh độ Cư sĩ đã hoạt động hợp pháp trong Giáo hội
Phật giáo VN từ năm 1997-1998 với Quy chế riêng, được ghi vào Hiến
chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Chương V Điều 19, nay là Điều 21),
sao Thông báo 143 lại nêu ra trường hợp này một cách bất cập như vậy?
Còn nếu căn cứ vào thông tin báo Pháp luật Tp.HCM đăng tải tại trang 3,
ngày 5/12/2013 về số lượng “hội quần chúng” mà Bộ Nội vụ đã rà soát được
vào cuối năm 2013: “Kết quả rà soát của Bộ Nội vụ cho thấy cả nước hiện
có 460 hội hoạt động ở phạm vi toàn quốc, hơn 2.900 hội hoạt động ở
phạm vi tỉnh, gần 5.200 hội quy mô huyện và hơn 28.300 hội cấp xã. Trong
số này, khá nhiều tổ chức là do Đảng thành lập hoặc chỉ đạo thành lập,
được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị-xã hội, có tham gia vào xây
dựng chủ trương, chính sách, pháp luật…” (11), thì lập
luận trong Thông báo 143 rằng “nếu chính thức cho tái lập thêm tổ chức
Hướng đạo thì sẽ dẫn đến tranh giành lực lượng, tranh giành quần chúng
giữa Hướng đạo với các tổ chức đã có và tạo ra tiền lệ đa nguyên trong
tổ chức quần chúng, làm phức tạp thêm tình hình chính trị xã hội” sẽ là một lập luận hoàn toàn không có căn cứ và trái với sự thật khách quan.
Tóm lại, cùng chung số phận với nhân dân và đất
nước Việt Nam từ 1945 đến 1975, Hội HĐVN đã từng bị chia cắt làm hai và
có cơ hội hợp nhất sau ngày đất nước thống nhất năm 1975. Các huynh
trưởng của Hội HĐVN đã nhiều lần gửi đơn, thư, kiến nghị đến lãnh đạo tổ
chức Đảng CSVN và cơ quan Nhà nước VN trong suốt hơn 20 năm để xin phép
tái lập hội. Nhưng trước nguyện vọng chính đáng và hợp pháp đó của các
huynh trưởng HĐVN, Đảng CSVN và Nhà nước VN đều không thèm trả lời. Tình
hình này cũng đã được Thông báo 143-TB/TW ngày 20/4/2004 xác nhận
“Nhiều nhóm đã liên tục gởi đơn xin phép chính quyền cho phép tái lập,
mặt khác không ngừng hoạt động ngầm để phát triển lực lượng một cách tự
phát ngoài khuôn khổ pháp luật, chuẩn bị chờ Nhà nước cho phép tái lập”.
Đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003
Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thì Ban Bí thư TW đã nhanh
chóng (chỉ hơn 8 tháng sau) đưa ra Thông báo 143-TB/TW thể hiện ý chí,
động cơ không chính đáng, trái với sự thật khách quan và trái pháp luật
là không muốn “tạo ra tiền lệ đa nguyên trong tổ chức quần chúng”. Thông
báo 143 đã đưa ra lý do giả tạo, không có căn cứ và chứng cứ hợp pháp
về trường hợp Hội HĐVN 1946 là “Từ sau kháng chiến chống Pháp, ở miền
Bắc tổ chức Hướng đạo đã ngừng hoạt động và gia nhập Hội Liên hiệp Thanh
niên VN”. Thông báo 143 cũng đã đưa ra những quy chụp chính trị
chớ không chứng minh được là đã có hành vi vi phạm pháp luật gì của tổ
chức xã hội “không hoạt động và cổ động chính trị” là Hội HĐVN 1953 ở
miền Nam. Từ đó, Thông báo 143 đã có quyết định: “Vì vậy không đặt vấn
đề tái lập tổ chức Hướng đạo, cũng như tránh lập thêm các hội, đoàn
mới”; và chỉ đạo các tổ chức Đảng CSVN và cơ quan Nhà nước VN
thực hiện quyết định này: “Giao Ban Dân vận Trung ương theo hướng trên
đây chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc VN, Bộ Nội vụ, các đoàn thể,
ban ngành có liên quan và cấp ủy của các địa phương có các tổ chức Hướng
đạo đang hoạt động chuẩn bị đề án tổng thể để giải quyết vấn đề này
trình Ban Bí thư vào cuối quý II năm 2004″. Nội dung “giải quyết vấn đề
này” trong Thông báo 143 bao hàm ý nghĩa “ngăn cấm, xóa bỏ hoạt động
Hướng đạo”, tức là “xâm phạm quyền tự do lập hội của HĐS Việt Nam” được
quy định trong Hiến pháp, các văn bản pháp luật của VN và Công ước quốc
tế về các quyền dân sự và chính trị 1966. Do đó, căn cứ vào quy định của
Luật tố tụng hành chính tại Điều 3 và Điều 5, coi Thông báo 143-TB/TW
là một “quyết định hành chính” và các cá nhân, tổ chức là các Hướng đạo
sinh và Hội HĐVN được quyền khởi kiện vụ ánh hành chính đối với Thông
báo 143-TB/TW để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình
theo Luật tố tụng hành chính. Ngoài ra, Điều 7 Sắc lệnh 102 năm 1957 và
Điều 129 Bộ luật hình sự cũng quy định “Người nào xâm phạm đến quyền lập
hội…” hoặc “Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền lập
hội…”, tức là có bao gồm cả những người có chức vụ, quyền hạn trong các
cơ quan, tổ chức …đã làm ra các quyết định hành chính xâm phạm đến quyền
lập hội của công dân, cản trở công dân thực hiện quyền lập hội, có thể
bị truy tố trước Tòa án theo Điều 7 Sắc lệnh 102 năm 1957 hoặc bị truy
cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 129 BLHS.
b/ Thông báo số 157-TB/TW ngày 20/5/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN:
Sau 4 năm chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền
các cấp, các đoàn thể quần chúng triển khai thực hiện chủ trương trong
Thông báo 143-TB/TW ngày 20/4/2004 của Ban Bí thư TW. “Tuy nhiên, việc
thực hiện chủ trương trên vẫn còn nhiều hạn chế”, “việc giải quyết vấn
đề Hướng đạo chưa mang lại kết quả như mong muốn” nên Ban Bí thư TW tiếp
tục có Thông báo số 157-TB/TW ngày 20/5/2008 để chỉ đạo “Ban cán sự
đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương Mặt trận Tổ
quốc VN, Đoàn Thanh niên CS HCM, các đoàn thể, ban, ngành có liên quan
và các tỉnh ủy, thành ủy có hoạt động Hướng đạo, lập kế hoạch cụ thể thực
hiện chủ trương không tái lập tổ chức Hướng đạo”. Trong Thông báo số
157-TB/TW ngày 20/5/2008 Ban Bí thư TW chỉ đạo 7 nội dung, riêng nội
dung thứ 4 là rất đặc biệt, xin được trích dẫn:
“4- Đoàn Thanh niên Công sản Hồ Chí Minh và Hội Liên
hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu,
đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, rèn luyện thanh niên, thiếu
niên, nhi đồng; tiếp thu có chọn lọc hình thức, phương pháp của Hướng đạo
trong giáo dục và tổ chức hoạt động của thanh thiếu niên; đáp ứng tốt
hơn nhu cầu đa dạng, chính đáng về sinh hoạt vui chơi, giải trí lành
mạnh, bổ ích, thu hút thế hệ trẻ tham gia vào các hoạt động của tổ chức
đoàn, hội, đội”.
Nội dung số 4 Thông báo 157 là một sự công nhận
của Ban Bí Thư TW rằng Hội HĐVN đã sở hữu một “hình thức và phương pháp
giáo dục” vô cùng bổ ích cho thanh thiếu niên, cần phải đưa vào áp dụng
trong hoạt động của tổ chức đoàn, hội, đội. Tuy nhiên, bên cạnh việc lập
lại chỉ đạo các tổ chức đảng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tiếp tục
thực hiện những hành vi cản trở, xâm phạm đến quyền lập hội của HĐS VN
như tại Thông báo 143 trước, trong Thông báo 157 này còn cho thấy một
việc làm rất đáng chê trách về mặt đạo lý; đó là việc làm tương tự như
trong “câu chuyện tham lam và độc ác giết con gà hàng xóm, mổ bụng lấy
trứng vàng đặt vào bụng gà nhà mình”. Đã từng có “tiền lệ” là
các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Tin Lành và các lực
lương chính trị như Cảnh sát, Quân đội dưới chính thể VNCH cũng “tiếp
thu hình thức, phương pháp Hướng đạo trong giáo dục và tổ chức hoạt động
của thanh thiếu niên” trong tôn giáo và lực lượng của mình nhưng không
có tôn giáo hay lực lượng nào đòi “cắt cổ, mổ bụng” Hội HĐVN để lấy
“trứng vàng” cả.
Nhân đây, xin được trình bày thêm về cái gọi là
“phương pháp Hướng đạo”. Trong bản “Dự thảo Điều lệ Hội HĐVN”
(14/02/2014) do một số huynh trưởng HĐVN biên soạn, đã định nghĩa về
“Phương pháp Hướng đạo” như sau:
“Phương pháp Hướng đạo là một hệ thống tự giáo dục tiến bộ bằng cách:
– Giữ Lời hứa và Luật Hướng đạo.
– Học hỏi bằng thực hành.
– Tổ chức theo hàng đội tự quản dưới sự hướng dẫn
của huynh trưởng để biết dấn thân, khám phá tiến bộ và nắm được các kỹ
năng sống; biết phát huy chí khí, tính tự lực và tinh thần trách nhiệm;
biết tạo lập sự tin cậy, khả năng hợp tác và lãnh đạo.
– Tham gia những sinh hoạt hào hứng theo sở thích
bằng các trò chơi ngoài trời tiếp xúc với thiên nhiên, những hoạt động
hữu ích cho cộng đồng, những công tác xã hội thiện nguyện.”
Trong “Phương pháp Hướng đạo” bao gồm 2 nguyên tắc quan trọng, thể hiện trong “Lời hứa Hướng đạo” và “Luật Hướng đạo” là:
– Nguyên tắc “Bổn phận đối với tha nhân” (Duty to
others) được thể hiện trong một phần của Lời hứa: “Giúp ích mọi người
bất cứ lúc nào”.
– Nguyên tắc “Bổn phận đối với bản thân” (Duty to
self) được thể hiện trong 10 điều Luật Hướng đạo nhưng đặc biệt nhất là
Điều số 10: “Hướng đạo sinh trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc
làm.”
“Phương pháp Hướng đạo” có những tính chất rất
đặc biệt mà không một tổ chức nào khác trên thế giới có được từ trước
đến nay. Tuy nhiên, với nguyên tăc “Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào”
nên Hội HĐVN luôn luôn hoan nghênh các tổ chức khác áp dụng “hình thức,
phương pháp Hướng đạo” để giáo dục và tổ chức hoạt động của thanh thiếu
niên trong tổ chức mình. Hội HĐVN chưa bao giờ thể hiện sự “độc quyền
chân lý” và ngăn cản các tổ chức khác áp dụng các “hình thức và phương
pháp Hướng đạo” của hội mình.
c/ Bản Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 20/4/2009 của Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh:
Lý do Thành ủy TP.HCM lập ra bản Kế hoạch – dài 4
trang giấy, được nêu ra ngay ở phần đầu là “Để nghiêm túc triển khai
thực hiện Thông báo số 157-TB/TW ngày 20/5/2008 của Ban Bí thư TW về
hoạt động Hướng đạo hiện nay tại một số tỉnh, thành phố…”. Có
nhiều nội dung được ghi trong bản Kế hoạch của Thành ủy bao gồm công tác
phổ biến, quán triệt và biện pháp tổ chức thực hiện Thông báo số
157-TB/TW ngày 20/5/2008 mà tôi không thể kể hết ra đây được nên chỉ xin
nêu ra nội dung đặc biệt tại Khoản 3.3 và 2.4 trong bản Kế hoạch này
tương tự như câu chuyện giết con gà của người khác lấy trứng vàng đưa
vào bụng gà mình như sau:
– “3.3 Thành đoàn tiếp tục đổi mới, nâng cao
chất lượng hoạt động của Đoàn TNCS HCM, Hội LHTN, Đội Thiếu niên TP HCM.
Tiếp thu có chọn lọc hình thức, phương pháp Hướng đạo… Tiếp tục xây
dựng, phát huy, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Sao Bắc Đẩu từ thành phố đến các quận, huyện”.
Câu lạc bộ Sao Bắc Đẩu được Thành đoàn Tp.HCM
lập ra có hình thức sinh hoạt và đồng phục không khác gì với các đơn vị
Hướng đạo Hội HĐVN. Các em trong Câu lạc bộ Sao Bắc Đẩu được công khai
sinh hoạt trong các công viên, các địa điểm công cộng từ thành phố đến
các quận, huyện; được ngân sách hổ trợ kinh phí hoạt động.
– Trong khi đó: “2.4 Đối với các tôn giáo có tổ
chức Hướng đạo, các chức sắc tôn giáo phụ trách các liên đoàn, Hướng đạo
Công giáo, giao Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo – Dân tộc) nắm tình hình và vận
động, giải thích, đấu tranh”. Ở đây, xin được nêu ra trường hợp
cụ thể của Đạo Xuân Hòa thuộc Hội HĐVN, được thành lập từ năm 1957, là
đơn vị Đạo trong Châu Gia Định. Từ 1975 đến 1980, Đạo Xuân Hòa tạm ngưng
hoạt động nhưng từ 1980, Đạo Xuân Hòa là đơn vị đầu tiên phục hoạt dưới
sự hướng dẫn của Đạo trưởng Trần Văn Hợp. Trong Đạo Xuân Hòa có số đông
đoàn sinh và huynh trưởng theo đạo Công giáo nên thường sinh
hoạt “chui” trong các cơ sở tôn giáo để tránh sự xua đuổi của chính
quyền. Trưởng Trần Văn Hợp đã từng bị chính quyền, công an mời lên “đấu
tranh” gần cả chục lần về các “hoạt động Hướng đạo”. Xin được trích dẫn
biên bản cuộc họp ngày 23/4/2004 tại Giáo xứ Tân Định, Quận 3, Tp.HCM,
để có thể thấy được phần nào hình ảnh các em Hướng đạo sinh theo đạo
Công giáo bị chính quyền “đấu tranh” qua lời của một nữ huynh trưởng HĐ
và một Linh mục huynh trưởng HĐ thuộc Gia đình Hướng đạo Xuân Hòa:
“Trưởng Võ Thị Thanh Thủy:
Chúng con đại diện cho Đạo Biển Đông rất đồng tình với Trưởng Đức và
Trưởng Hiến. Chúng con thấy rằng chúng con sinh hoạt rất là khổ sở, có
những lúc chúng con phải chui vào nhà cốt để sinh hoạt. Phải mặc
thường phục, thậm chí phải chế ra các loại áo thung thêu hoa Bách hợp
nho nhỏ. Chúng con chơi trong các giáo xứ được các cha xứ ủng hộ.”
“Linh mục Trần Văn Hộ: … Các nơi chơi lén, như Liên đoàn của chị Tâm sinh hoạt tại giáo xứ Hòa Bình của tôi tại khu vườn ngoài nghĩa địa,
nhưng tôi nhắc chị Tâm nếu cho các em đeo phù hiệu thì tôi biết ăn nói
làm sao, còn chơi cứ việc chơi. Nhưng chị Tâm nói, thỉnh thoảng phải làm
như vậy các em mới thích. Nói vậy chứ tôi vẫn ủng hộ. Thực tế tôi cũng
bị mời làm việc để hỏi tôi có phải Tuyên úy HĐ không. Tôi vẫn trả lời
có, và tôi cũng nói cho họ biết tôi đã tham dự lễ truy điệu cụ Hoàng Đạo
Thúy, Đại tá Quân đội Cụ Hồ là một Trưởng cao cấp trong Hội HĐVN.” (12)
Chắc rằng trong số trên 200 tổ chức Hướng đạo
thuộc các quốc gia, vùng, lãnh thổ trên thế giới, không có nơi nào mà
các em HĐS “phải chui vào nhà cốt để sinh hoạt” hoặc “chơi lén ngoài
nghĩa địa” của các giáo xứ, nhờ sự che chở của các cha xứ và phải hóa
trang “mặc thường phục, thậm chí phải chế ra các loại áo thung thêu hoa
Bách Hợp nho nhỏ” (hoa Bách Hợp là huy hiệu chính thức của Hội HĐVN) !
Trong trả lời của Linh mục Trần Văn Hộ, có nhắc đến “cụ Hoàng Đạo Thúy,
Đại tá Quân đội Cụ Hồ là một Trưởng cao cấp trong Hội HĐVN” nhưng không
thấy nêu ra tên vị “DANH DỰ HỘi TRƯỞNG” Hội HĐVN, vì sợ phạm húy chăng ?
Đọc hết nội dung bản Kế hoạch dài 4 trang ngày
20/4/2009 của Thành ủy Tp.HCM nhằm “xóa sổ” hoạt động Hướng đạo trên địa
bàn dễ tạo cảm giác “dùng dao mổ trâu để giết gà”. Và mặc dù phải chịu
đựng bao hệ quả khắc nghiệt của các Thông báo và Kế hoạch của tổ chức
Đảng CSVN, con gà Phong trào HĐVN vẫn sống sót, được các quốc gia thuộc
ASEAN mời tham gia thành lập Hội Hướng đạo các quốc gia Đông Nam Á –
ASEAN Scout Association for Regional Co-operation ( viết tắc ASARC).
Trưởng Phạm Thanh Hiệp đã đại diện cho HĐVN cùng ký tên với 7 đại diện
của các Hội Hướng đạo quốc gia trong khu vực ASEAN trên bản Hiến chương
ngày 4/12/2010 của ASARC. Do Phong trào HĐVN chưa được chính quyền VN
cấp phép hoạt động chính thức nên Phong trào HĐVN chỉ được ASARC công
nhận tư cách là “Quan sát viên” (Observer) mà thôi. (13)
2/ Các văn bản của cơ quan Nhà nước Việt Nam:
a/ Văn bản số 1507/BVHTTDL-TCCB ngày 17/5/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: (14)
Đây là một “quyết định hành chính” theo quy định
của Luật tố tụng hành chính, khi Bộ VHTT&DL trả lời bác Đơn xin
phép cho tiếp tục phục hồi “chơi Hướng đạo” – tức là tái lập Hội HĐVN,
do ông Đặng Văn Việt nộp cho Bộ VHTT&DL. Nội dung lý do bác đơn của
Bộ VH,TT&DL là: “Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có thông báo về hoạt
động Hướng đạo hiện nay tại một số tỉnh, thành phố và chỉ rõ: ‘không đặt
vấn đề tái lập tổ chức Hướng đạo cũng như thành lập thêm các hội, đoàn
mới’. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo để ông biết”.
Bất cứ ai đọc nội dung văn bản trả lời của Bộ
VHTT&DL cũng đều nhận thấy là Bộ VHTT&DL đã không biết hoặc
không cần biết đến Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác quy định về
“quyền tự do lập hội” mà công dân Đặng Văn Việt được bảo hộ. Bộ
VHTT&DL cho thấy chỉ viện dẫn Thông báo của Ban Bí thư TW Đảng CSVN
là đủ. Văn bản trả lời của Bộ VHTT&DL mặc định rằng Thông báo của
Ban Bí thư TW Đảng CSVN có hiệu lực pháp lý cao hơn Hiến pháp và các văn
bản pháp luật khác của nước CHXHCNVN quy định quyền tự do lập hội của
công dân Đặng Văn Việt.
Từ ngày Bộ VHTT&DL ra “quyết định hành
chính” này (17/5/2011), không thấy ông Đặng Văn Việt nộp đơn khởi kiện
vụ án hành chính đối với quyết định hành chính của Bộ VHTT&DL bác
đơn xin tái lập Hội HĐVN của ông; bao hàm cả Thông báo của Ban Bí thư TW
được Bộ VHTT&DL viện dẫn làm căn cứ pháp lý trong văn bản của mình.
Đây cũng là lần đầu tiên, một cơ quan cấp Bộ chính thức đưa ra một
quyết định hành chính về việc “xin tái lập Hội HĐVN” mà chỉ viện dẫn một
Thông báo của Ban Bí thư TW Đảng CSVN vượt ra ngoài “khuôn khổ Hiến
pháp và pháp luật” để làm căn cứ cho quyết định hành chính của mình.
b/ Văn bản số 164/SNV-VP ngày 08/02/2013 của Sở Nội vụ Tp.Hồ Chí Minh: (15)
Đây cũng là một “quyết định hành chính” theo quy
định của Luật tố tụng hành chính, theo đó, Sở Nội vụ Tp.HCM trả lời bác
đơn xin thành lập “Hội Hướng đạo sinh thành phố Hồ Chí Minh” của ông
Phạm Thanh Hiệp. Nội dung lý do bác đơn của Sở Nội vụ Tp.HCM là: “vì
hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều tổ chức hoạt động của
giới trẻ như Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền
phong Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Sinh viên”.
Với lý do nêu ra để bác đơn của Sở Nội vụ
Tp.HCM hẳn là mỗi người đều có thể tự đưa ra những “phản biện” rất thú
vị. Ở đây, xin nêu ra vài điểm đáng lưu ý:
– Ông Phạm Thanh Hiệp và Phong trào HĐVN có thể
được các nước ASEAN chấp nhận tham gia ASARC với tư cách “Quan sát viên”
nhưng vẫn không được Sở Nội vụ Tp.HCM cho phép lập hội vì xét thấy
không cần một tổ chức như Hội Hướng đạo sinh cho thanh thiếu niên thành
phố do ông Hiệp đứng xin thành lập.
– Cho dù “Kết quả ra soát của Bộ Nội vụ cho thấy
cả nước hiện có 460 hội hoạt động ở phạm vi toàn quốc, hơn 2.900 hội
hoạt đông ở phạm vi tỉnh, gần 5.200 hội quy mô huyện và hơn 28.300 hội
cấp xã” nhưng trong số “hơn 2.900 hội hoạt động ở phạm vi tỉnh”,
Sở Nội vụ Tp.HCM vẫn không tìm thấy còn chỗ trống cấp phép cho “Hội
Hướng đạo sinh Tp.HCM” của ông Phạm Thanh Hiệp (!). Cho dù ông Hiệp có
viện dẫn đến vị “DANH DỰ HỘI TRƯỞNG” Hội HĐVN trong đơn và những điều
tốt đẹp mà hoạt động Hướng đạo đã đóng góp vào việc giáo dục thanh thiếu
niên kể từ khi “du nhập vào VN từ đầu thế kỷ 20″ khi chưa có Đoàn
TNCSHCM, nhưng Sở Nội vụ Tp.HCM vẫn trả lời ông Hiệp là “hết vé”.
Cũng giống như trường hợp ông Đặng Văn Việt, sau
khi bị bác đơn, ông Phạm Thanh Hiệp không “kiện cáo” gì với quyết định
hành chính của Sở Nội vụ Tp.HCM mặc dù Luật tố tụng hành chính có quy
định quyền khởi kiện vụ án hành chính của công dân Phạm Thanh Hiệp trong
trường hợp bị bác đơn này.
Trên đây là khảo cứu của một cựu Hướng đạo sinh
Hội HĐVN về những khía cạnh pháp lý và lịch sử liên quan đến Hội Hướng
đạo Việt Nam từ khi được thành lập chính thức năm 1946 đến nay nhằm có
thể tìm thấy được sự thật khách quan cho câu hỏi làm tựa đề bài viết:
“Quyền tự do lập hội của các Hướng đạo sinh Việt Nam bị xâm phạm như thế
nào ?”
(11/2014)
NL
—————————————
(1) Hồ Chí Minh toàn tập / tập 4, trang 573 – Thư gửi
Hội trưởng Hội HĐVN của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh ngày
31/5/1946 nhận làm Danh Dự Hội Trưởng cho Hội HĐVN.
(2), (3), (4) Theo wikipedia tiếng Việt.
(4) Trích dẫn Điều thứ 1 trong bản Điều lệ (Quy trình) của Hội HĐVN.
Đại hội Hội LHTNVN.
(5) Tập tài liệu “Văn thư – Văn bản kiến nghị phục
hoạt Hướng đạo Việt Nam từ năm 1975 – 2012″, từ trang 64 đến 74 (Phan
Đức Đô sưu tập biên soạn).
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét