Học Viện Khổng tử
đang là một ‘công cụ, phương tiện’ lợi hại để xiển dương ‘sức mạnh mềm’
của Trung Quốc ra nước ngoài và trên trường quốc tế nhằm đạt được những
mục tiêu chiến lược và tham vọng về một ‘giấc mơ Trung Quốc’, theo phân
tích của Giáo sư, Viện sỹ Trần Ngọc Thêm.
Để đạt được những mục tiêu này, Trung Quốc không ngần ngại kết hợp
thứ sức mạnh mềm này với các giải pháp sức mạnh, vũ trang, cứng rắn (hay
sức mạnh cứng), theo nhà nghiên cứu văn hóa học từ Đại học Quốc gia TP.
Hồ Chí Minh.
Trao đổi với BBC hôm 05/12/2014, Giáo sư Thêm nói:
“Tôi thấy nó hoàn toàn thống nhất, bởi vì như chính một số nhà lãnh đạo
của Trung Quốc đã nói là Học viện Khổng tử là một trong những phương
tiện, những cái cầu để Trung Quốc bước ra thế giới.”
‘Không ngần ngại’
Nhà nghiên cứu nói thêm: “Một nhà lãnh đạo Trung Quốc từng nói tại một buổi lễ tại châu Âu về Học viện Khổng tử
rằng Học viện Khổng tử là một trong những cái cầu nối giấc mơ của Trung
Quốc với giấc mơ của thế giới. Giấc mơ của mỗi nước mỗi khác nhau, định
hướng khác nhau, do vậy mà cái mà Trung Quốc muốn chưa chắc đã là cái
các nước khác muốn.
“Thế nhưng dù gì, để mà đạt được những ước mơ của mình thì họ sẽ
không ngần ngại mà kết hợp cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm, sức mạnh
cứng đẹ dọa về quân sự, cũng như áp đặt về kinh tế, hoặc mua chuộc về
kinh tế, cộng với sức mạnh mềm thông qua ngoại giao, thông qua văn hóa,
bằng con đường là những Học viện Khổng tử.
“Mà như ta thấy kinh nghiệm ở Mỹ rằng cái đó không bảo đảm tự do học
thuật trong môi trường đại học, ở phạm vi của các Viện Khổng tử trong
các trường đại học, thì rõ ràng đó là một hệ thống rất thống nhất với
nhau và có mục tiêu rất rõ ràng.”
Bình luận của Giáo sư Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và
ứng dụng, được đưa ra một ngày sau khi Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa
Kỳ mở phiên điều trần và nêu lên các quan ngại về các ‘mối đe dọa’ và
‘ảnh hưởng’ của Trung Quốc thông qua các dự án, trường viện, đặc biệt
như Viện Khổng tử ở Hoa Kỳ nơi mà Trung Quốc đã đặt tới 90 viện trong
suốt nước Mỹ.
‘Xem lại chính sách’
Giáo sư Thêm cho BBC hay Trung Quốc đã đầu tư với quy mô ‘rất lớn’ và
thực hiện ‘rất gấp rút’ các viện Khổng tử trên phạm vi toàn cầu.
Ông nói: “Việc xúc tiến thành lập Viện Khổng tử của Trung Quốc bắt
đầu từ năm 2004 ở Hàn Quốc, theo những thông tin tôi có được, cho đến
nay số lượng của họ thành lập đã được trên 450 học viện ở trên 100 quốc
gia ở trên thế giới.
“Nhà nước đầu tư một khoản tiền rất lớn và họ làm cái này rất gấp rút
và điều đó cũng cho thấy sự quan tâm của nhà nước Trung Quốc đối với
việc thành lập này. Tình hình có vẻ rất khác với trường hợp Viện Goethe
của Đức, hay Hội đồng Anh (British Council) của Anh quốc, công việc phổ
biến văn hóa ngôn ngữ tiến triển rất bình thường, ở đây có vẻ như có cái
gì đó bất thường.”
Giáo sư Thêm nói thêm về tính ‘bất thường này’ và cho rằng đây chính
là lý do đằng sau việc một số quốc gia phương Tây đã đang xem xét lại
chính sách với các Viện Khổng tử.
Ông nói: “Trung Quốc những năm gần đây đang đang đặt vấn đề rất quyết
liệt trong việc triển khai sức mạnh mềm của Trung Quốc, triển khai vị
thế của Trung Quốc, rồi cái người ta gọi là giấc mơ của Trung Quốc trên
phạm vi toàn thế giới. Học viện Khổng Tử chính là nằm trong hệ thống
những biện pháp để họ hướng tới, đạt vai trò, vị thế này.
“Có lẽ đó cũng chính là lý do mà vì sao bên Mỹ và Canada gần đây đều
có các nghi ngại và dẫn đến quyết định cắt đứt mối quan hệ một số trường
đại học, cắt đứt quan hệ với một số tổ chức triển khai học viện này của
Trung Quốc ở Mỹ và ở Canada. Và tôi nghĩ họ có những lý do nhất định để
làm việc đó,” nhà nghiên cứu nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét