Motthegioi
Người Trung Quốc giờ bắt đầu khoái hàng hiệu
Kinh tế Trung Quốc được dự đoán là đang rơi vào giai đoạn
khủng hoảng sau 3 thập niên phát triển nóng. Càng ngày sẽ có nhiều hàng
rào thuế quan đặt ra để đánh vào lợi thế hàng hóa giá rẻ của TQ, đẩy nền
kinh tế nước này đứng trước nguy cơ giảm phát như Nhật đã phải chịu
đựng cách đây hơn 20 năm.
Ngày cuối năm 2014, Trung Quốc đã công bố chỉ số năng lực sản xuất
PMI của nước này đã sụt giảm, đạt mức thấp nhất trong vòng 18 tháng qua.
Đây được xem là biểu hiện trực tiếp của việc nền kinh tế Trung Quốc
tăng trưởng chậm lại báo hiệu những thay đổi lớn đang đe dọa các doanh
nghiệp của nước này.
Kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu suy giảm tốc độ tăng trưởng giai
đoạn cuối năm 2014, buộc ngân hàng trung ương Trung Quốc lần đầu tiên
phải giảm lãi suất sau nhiều năm để kích thích tăng trưởng trở lại.
Nhưng có vẻ như điều đó là không đủ để ngăn chặn cỗ xe khổng lồ Trung
Quốc đang lăn xuống dốc.
Năm 2015 được giới chuyên gia đánh giá là năm mang ý nghĩa bản lề,
đánh dấu việc Trung Quốc chững lại sau ba thập kỷ tăng trưởng với tốc độ
chóng mặt, và Bắc Kinh sẽ phải tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới.
Cùng với đó, những hậu quả tiêu cực được tích lũy sau ba thập kỷ phát
triển nóng giờ đây cũng đang dần lộ diện.
Điển hình trong số đó là hệ thống tài chính nhiều khiếm khuyết, thị
trường bất động sản đặc biệt là nhà ở bị đóng băng, nợ công sắp đạt mốc
nguy hiểm, ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, năng lực sản xuất cũng đang
đặt trước tình trạng thu hẹp do việc nền kinh tế phát triển chậm lại,
điển hình là năng lực sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp
nhất trong 18 tháng qua.
Sở dĩ như thế, là vì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc
đã bị đẩy lên một mức cao hơn cần thiết để đáp ứng giai đoạn phát triển
quá nóng của nước này trong nhiều năm qua vốn luôn cao hơn hai con số
mỗi năm. Chính vì thế, khi nền kinh tế Trung Quốc bớt nóng và có xu
hướng co lại để đạt quy mô thực của nó, thì năng lực sản xuất của các
doanh nghiệp nước này cũng buộc phải giảm quy mô theo.
Thống kê cho thấy, rất nhiều ngành sản xuất của Trung Quốc đứng
trước nguy cơ phải tiết giảm quy mô sản xuất của mình, đồng nghĩa với
giảm lợi nhuận và sa thải nhân công, hoặc phải chuyển bớt năng lực sản
xuất ra nước ngoài vốn cũng đang bị cho là một phương án quá phiêu lưu.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở việc thị trường nội địa của Trung Quốc đã
đạt đến mức bão hòa ở tình trạng hiện tại. Chính phủ giảm thiểu đầu tư
công, thu nhập hộ gia đình tăng không đáng kể đã làm giảm tổng cầu của
nền kinh tế. Mức sống của người dân Trung Quốc đã tăng đáng kể so với
cách đây vài thập kỷ đòi hỏi những hàng hóa chất lượng tốt hơn, và họ
tìm đến hàng nhập khẩu.
Điều này cũng có nghĩa là hàng hóa Trung Quốc sẽ không còn giá cạnh
tranh như trước do giá nhân công rẻ mạt. Giá nhân công giờ đây đã không
còn là lợi thế của Trung Quốc khi mức sống tối thiểu ở nước này đã tăng
lên nhiều cùng với nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Viễn cảnh hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn lan trên khắp thế giới như
những năm vừa qua có lẽ sẽ không còn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Không chỉ do việc giá nhân công tăng lên đã đẩy giá hàng hóa lên cao
đồng nghĩa với triệt tiêu lợi thế giá rẻ của hàng Trung Quốc, mà bản
thân các nước trên thế giới cũng đã bắt đầu có xu hướng áp thuế nặng hơn
đối với hàng Trung Quốc khi nước này vừa mon men đạt được vị trí nền
kinh tế số một thế giới hồi cuối năm 2014.
Việc một nền kinh tế mới nổi lên bị áp thuế nặng hơn là điều thường
thấy, và cũng mang lại những hậu quả không nhỏ. Nhật Bản sau khoảng
thời gian phát triển cao độ mệnh danh sự thần kỳ Đông Á cũng bị áp thuế
và hạn chế nhập khẩu mạnh từ nhiều nước trên thế giới.
Và không ai quên điều này đã đóng vai trò quan trọng như thế nào
đẩy Nhật Bản rơi vào cuộc khủng hoảng và hai thập kỷ sau đó trong tình
trạng giảm phát. Hầu hết các doanh nghiệp Nhật khi đó buộc phải tiết
giảm quy mô sản xuất và sa thải nhân công, vốn đang là điều mà các doanh
nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt.
Khó khăn vì thế lại chồng chất khó khăn, hầu hết các ưu điểm nổi bật
nhất vốn làm nên sự phát triển chóng mặt của kinh tế Trung Quốc giờ đây
đã không còn, trong khi sức ép từ các nước trên thế giới lại đang tăng
lên.
Không khó dự đoán việc Trung Quốc sẽ phải đối mặt với bài toán
tương tự Nhật Bản cách đây hơn hai thập kỷ, vốn là nguyên nhân chủ đạo
để Larry Summers và Marc Faber đưa ra dự đoán Trung Quốc có thể rơi vào
một cuộc khủng hoảng như Nhật Bản cách đây hơn hai mươi năm. Có lẽ đã
đến lúc thế giới nói lời chào tạm biệt, ít nhất là với hàng hóa giá rẻ
của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét