Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

“Hằng số bất biến” VN-China

GS Nguyễn văn Tuấn

Hôm kia, Vietnamnet có đăng một bài với tựa đề thú vị là “Thử thách hằng số bất biến quan hệ Việt-Trung” (1). Tôi bị thu hút bởi chữ có hơi hám toán (“hằng số bất biến”) . Thật ra, tác giả bài này có lẽ không nhớ toán, nên mới dùng chữ hơi thừa. Đã là “hằng số” (constant) thì nó phải là số bất biến. Vậy mà viết “hằng số bất biến” là sao? Một kiểu khoa trương không cần thiết. Nhưng nội dung của bài viết mới đáng bàn …


Bài báo viết về những hoạt động ngoại giao của VN trong thời gian giàn khoan HD-981 được cắm vào vùng biển của VN. Có những con số cụ thể như trong thời gian căng thẳng đó, VN có hơn 40 lần tiếp xúc với Tàu cộng. Ngoài ra, còn có ít nhất 7 đoàn cấp cao sang Tàu. Thú thật, đọc xong mấy con số này, tôi thấy … dửng dưng. Nói theo tiếng Anh là “Who cares”. Những con số đó chẳng có liên quan gì đến người dân, vì đó là chuyện của “mấy ông”; cái liên quan đến người dân là kết cục.
Kết cục của những cuộc tiếp xúc cấp cao và cấp thấp đó là gì. Chúng ta đã thấy chẳng có kết quả gì cả. Cái giàn khoan đó nó đến theo cách thức và ngày tháng nó chọn; đến khi nó đi cũng theo cách nó chọn và ngày nó chọn. Chưa thấy chứng cứ nào để nói Chính phủ VN gây được tác động gì đến nó cả. Ngược lại, tên Dương Khiết Trì còn xấc xược tuyên bố rằng VN là “đứa con hoang đàng”, mà phía VN có nói gì để gọi là phản đối đâu. Còn nhiều câu tuyên bố xấc xược và trịch thượng khác mà tôi không muốn nhắc đến ở đây.
Bài viết còn đưa ra những thông tin về quan hệ kinh tế giữa 2 nước. Chẳng hạn như thông tin “Đến cuối năm 2014, quan hệ thương mại song phương dự kiến đạt 58 tỉ USD – mức cao nhất từ trước tới nay”. Nhưng tôi e rằng đó chưa phải là thông tin đầy đủ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết trong năm 2013 VN xuất khẩu sang Tàu 13.1 tỉ USD, nhưng nhập từ Tàu 36.8 tỉ USD! Tàu là thị trường nhập siêu lớn nhất của VN (2). Chỉ trong vòng 10 năm, nhập siêu từ Tàu tăng 100 lần. Không ngạc nhiên khi các chuyên gia cảnh báo rằng VN càng ngày càng lệ thuộc vào Tàu. Đó mới là thông tin Vietnamnet cần đưa, chứ con số 58 tỉ USD chẳng có ý nghĩa gì nếu không đặt trong bối cảnh.
Đọc đến đoạn cuối thì mới thấy tác giả giải thích cái “hằng số bất biến” đó là gì. Đó là “Những vấn đề như biên giới, biển đảo chỉ là nhất thời. Hằng số bất biến là VN và TQ mãi mãi là láng giềng của nhau.” Tác giả kết luận bằng một câu khá xấc: “Do vậy, không thể hồ đồ, mà cần có một nhãn quan chiến lược với cái đầu lạnh.”
Đọc câu trên thì thấy có vẻ như là một sự an ủi, một sự ru ngủ. Giống như cách nói “Việt Nam và Trung Quốc là anh em. Những xích mích chỉ là tạm thời. Tình anh em mới là vĩnh cữu”. Nhưng tôi thấy không thuyết phục chút nào cả. Sự thật VN và Tàu là láng giềng chẳng có liên quan gì đến kết luận “biên giới biển đảo chỉ là nhất thời”. Hàn Quốc, Ấn Độ cũng là láng giềng Tàu cộng, và họ cũng tranh chấp biên giới triền miên với Tàu cộng. Làm sao có thể nói những vấn đề biên giới, biển đảo chỉ là “nhất thời”, khi mà chúng ta đã mất Hoàng Sa, và đang dần dần mất cả Trường Sa. Có ai dám nói những đất vùng biên giới chúng ta đã mất về tay Tàu là nhất thời? Sự thật là VN đã lệ thuộc vào Tàu quá lâu và quá sâu. Có ai dám tin rằng một ngày nào đó vì tình đồng chí, Tàu sẽ trao trả cho chúng ta hai quần đảo đó. Nếu không dám tin như thế thì lời khuyên trên phải nói là thiếu thành thật, và cái đầu đó có lẽ đã đông lạnh đến độ cần sự chú ý của y khoa.
====
(1) http://vietnamnet.vn/…/thu-thach-hang-so-bat-bien-quan-he-v…
(2) http://danviet.vn/…/giat-minh-can-can-thuong-mai-viet-namtr…
**************************

Thử thách hằng số bất biến quan hệ Việt-Trung

- 2014 chứng kiến một năm sóng gió và phức tạp kể từ khi Việt – Trung bình thường hóa quan hệ (1991). Xử lý hiện nay rất khác so với trong lịch sử bởi tính tùy thuộc lẫn nhau ngày càng cao.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là những mâu thuẫn trong vấn đề Biển Đông đã đẩy mối quan hệ này lên mức căng thẳng trong nhiều năm qua. Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm sau khi TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN (tháng 5), làm sức ép gia tăng liên tục đối với cả hai phía.Trong suốt 77 ngày đối đầu, TQ đã triển khai nhiều lực lượng hùng hậu, cả quân sự, bán quân sự và dân sự, cả trên biển và trên không, nguy cơ xảy ra va chạm, thậm chí xung đột cường độ thấp là rất lớn. Từ năm 1988 trở lại đây, chưa bao giờ thách thức đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ lại được cảm nhận rõ rệt đến như vậy.
Biển Đông, TQ, Hải Dương 981, giàn khoan, Trường Sa, Hoàng Sa, chủ quyền
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bên lề hội nghị APEC. Ảnh: TTXVN/VGP
2014 cũng là năm mối quan hệ Việt – Trung diễn biến kịch tính nhất: 4 tháng đầu năm là trạng thái quan hệ bình thường với nhiều triển vọng tốt đẹp, nhất là trong bối cảnh hai nước đang triển khai những kết quả tích cực đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường trước đó.
Từ 2/5/2014 đến giữa tháng 7/2014 là thời kỳ quan hệ đột ngột chuyển sang trạng thái căng thẳng, thậm chí đối đầu với nguy cơ đổ vỡ do TQ hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của VN. 5 tháng cuối năm, sau khi TQ rút giàn khoan, quan hệ có một số tiến triển và trạng thái quan hệ dần trở lại gần như trước ngày 2/5. Tuy nhiên, biên độ biến động quá nhanh và kịch tính như vậy là không có lợi cho cả hai nước cũng như cho hòa bình, ổn định ở khu vực.
Trong năm 2014 lòng tin chiến lược giữa hai nước bị sứt mẻ nghiêm trọng. Mặc dù quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung là khuôn khổ cao nhất trong các đối tác của VN hiện nay, nhưng vụ việc Hải Dương 981 đã đẩy lòng tin chiến lược giữa hai nước xuống mức thấp nhất trong số 15 đối tác chiến lược của VN. Đây là nút thắt rất khó gỡ bởi khôi phục lòng tin chiến lược là vấn đề không đơn giản và cần nhiều thời gian.
Đây cũng là năm có số lượng các cuộc giao thiệp ngoại giao và đoàn cấp cao trong quan hệ song phương nhiều nhất và dồn dập nhất trong nhiều năm trở lại đây. Số lượng các cuộc giao thiệp liên quan đến quan hệ Việt – Trung, cả song phương và đa phương là rất lớn. Chỉ tính riêng trong 77 ngày TQ duy trì giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN, đã có hơn 40 lần chúng ta giao thiệp ngoại giao bằng nhiều kênh khác nhau, tính trung bình 2 ngày/cuộc.
Biển Đông, TQ, Hải Dương 981, giàn khoan, Trường Sa, Hoàng Sa, chủ quyền
Ông Dương Khắc Trì trong năm qua 2 lần đến HN vào những thời điểm quan trọng của quan hệ song phương. Ảnh: Lê Anh Dũng
Riêng đoàn cấp cao đã có ít nhất 7 đoàn trong nửa cuối năm, trong đó VN có 5 đoàn bao gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự hội nghị CICA tại Thượng Hải, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đều thăm TQ.
Về phía TQ có các chuyến thăm của Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc TQ Du Chính Thanh, ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì… Điều này cho thấy sự vào cuộc và chỉ đạo tích cực, quyết liệt của lãnh đạo cấp cao đã góp phần hạ nhiệt căng thẳng, đưa quan hệ Việt – Trung trở lại bình thường sau một thời gian sóng gió.
Và trong cả năm 2014 số lượng bài viết, thông tin trên báo chí về quan hệ Việt – Trung đã đạt mức kỷ lục. Hiện chưa có thống kê cụ thể, nhưng có lẽ con số đã lên tới hàng ngàn bài các loại. Điểm đáng chú ý là thông tin rất xác thực, nhanh chóng và đa dạng, cả trong và ngoài nước, với sự tham gia của nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới.
Riêng Bộ Ngoại giao đã tổ chức liên tiếp 5 cuộc họp báo quốc tế lớn trong một thời gian rất ngắn. Đây cũng là một kỷ lục. Nhờ nỗ lực của truyền thông và vận động ngoại giao, chúng ta đã tạo ra được “một dàn đồng ca” lớn nhất từ trước tới nay và ở những mức độ khác nhau ủng hộ quan điểm lập trường của VN trong vấn đề Biển Đông.
Vừa giữ quan hệ vừa đấu tranh kiên trì về biển đảo
Quan hệ Việt – Trung hiện nay là mối quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh với mức độ rất sâu sắc và cũng là một trong những mối quan hệ đối ngoại quan trọng nhất của VN. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế thương mại đã ở mức rất cao, là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Đến cuối năm 2014, quan hệ thương mại song phương dự kiến đạt 58 tỷ USD – mức cao nhất từ trước tới nay. Các dự án hợp tác dần được khởi động trở lại. Quan hệ trên các lĩnh vực khác cũng dần trở lại bình thường. Số lượng dự án đầu tư và kim ngạch thương mại không ngừng gia tăng, nhưng nền móng tin cậy lẫn nhau vẫn chưa cao. Điều này tiềm ẩn những rủi ro lớn.
Biển Đông, TQ, Hải Dương 981, giàn khoan, Trường Sa, Hoàng Sa, chủ quyền
Viện Khổng tử tại VN được khai trương nhân chuyến thăm VN của Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc TQ Du Chính Thanh. Ảnh: Minh Thăng
Quan hệ Việt – Trung rất nhạy cảm và dễ bị tác động bởi các yếu tố như biển đảo, các vấn đề do lịch sử để lại hay tâm lý dân tộc chủ nghĩa từ cả hai phía. Do vậy, cần có sự kiểm soát và kiềm chế chặt chẽ để đảm bảo mối quan hệ này đi đúng hướng, tránh cả hai khuynh hướng đổ vỡ hoặc bế tắc.
Việt – Trung còn là mối quan hệ phi đối xứng trong đó sức mạnh của TQ đang tăng lên theo cấp số nhân với bội số lớn, trong khi sức mạnh tổng hợp quốc gia của VN có tăng, nhưng chỉ tăng theo cấp số cộng. Mối quan hệ phi đối xứng này lại được đặt trong bối cảnh rất khác, đó là xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng, ở nhiều cấp độ khác nhau. Do vậy, thận trọng là rất cần thiết trong xử lý quan hệ.
Hai nước Việt – Trung trong hàng ngàn năm qua đã phải xử lý rất nhiều vấn đề phức tạp. Những vấn đề như biên giới, biển đảo chỉ là nhất thời. Hằng số bất biến là VN và TQ mãi mãi là láng giềng của nhau.
Do vậy, tình hữu nghị và sự ổn định trong quan hệ là đặc biệt quan trọng để hai nước chung sống hòa bình, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Xử lý quan hệ Việt – Trung hiện nay rất khác so với trong lịch sử bởi tính tùy thuộc lẫn nhau ngày càng cao. Do vậy, không thể hồ đồ, mà cần có một nhãn quan chiến lược với cái đầu lạnh.
Thùy Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét