BBC
Đại tướng Võ Nguyên Giáp của quân
đội Bắc Việt trong một giai đoạn dài không lên tiếng ‘bảo vệ’ các thuộc
cấp là ‘nạn nhân’ trong vụ án Xét lại chống Đảng vì ông sợ cũng bị trừng
phạt, theo khách mời của Bàn tròn Trực tuyến của BBC hôm 27/02/2015.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh Đại tá Lê Trọng Nghĩa, cựu thư
ký của Tướng Giáp, nguyên Cục trưởng Cục Tình báo Quân đội, qua đời hôm
22/2.Từ Paris, cựu Đại tá Bùi Tín, nói: “Năm 1977 tôi có tham gia đoàn chính thức của Nhà nước do Tướng Giáp cầm đầu để đi cám ơn các nước Xã hội Chủ nghĩa. Có mấy ngày nghỉ ở Sô Chi, tôi hỏi một câu làm sao khi mà những anh em dưới quyền ông ấy bị nạn của vụ Xét lại mà ông ấy không lên tiếng?
“Ông ấy im một lúc rất lâu, rồi ông mới nói một câu như thế này: ‘Mình mà lên tiếng thì mình cũng sẽ bị nạn như các cậu đó'”.
Trong quân đội, ngoài ông Lê Trọng Nghĩa, còn có Đại tá Lê Minh Nghĩa, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, Đại tá Đỗ Đức Kiên, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Đại tá. Ông Đặng Kim Giang, Thiếu tướng, Tư lệnh hậu cần Mặt trận Điện biên phủ của Tướng Giáp cũng bị bắt giam và được cho là bị trừng phạt và quản thúc gắt gao cho tới lúc qua đời.
Trong Vụ án xét lại chống Đảng ngoài phía Quân đội, trong lĩnh vực dân sự còn có nhiều nhân vật khác là nạn nhân của vụ án được cho là có động cơ chính trị, hay ‘vụ án chính trị Xét lại chống Đảng’ như một số sử gia nước ngoài gọi tên.
Một vài trong số các nhân vật quan chức dân sự cao cấp bị bắt giữ, giam cầm, câu lưu gồm có Giáo sư Hoàng Minh Chính, Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin, Vụ trưởng Lễ tân Bộ Ngoại giao Vũ Đình Huỳnh và con trai là nhà văn Vũ Thư Hiên, Hoàng Thế Dũng; Phó giám đốc nhà xuất bản Sự thật, Nguyễn Kiến Giang, nguyên Tỉnh ủy viên tỉnh ủy Quảng Bình; Minh Tranh, Giám đốc nhà xuất bản Sự thật; Trần Minh Việt, Phó bí thư thành ủy Hà Nội kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội; Phạm Hữu Viết, phó tổng biên tập báo Hà Nội Mới; Phạm Kỳ Vân, Phó Tổng biên tập Tạp chí Học Tập; Trần Thư, Tổng thư kí toà báo Quân Đội Nhân Dân…
Một số nhân vật khác tuy không bị bắt giữ, giam cầm nhưng bị vô hiệu hóa như Ung Văn Khiêm, Bộ trưởng Ngoại giao; Lê Liêm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa.
‘Cụ Hồ có biết không?’
Một khách mời khác của Tọa đàm Bàn tròn hôm 27/2 cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh không biết rõ về vụ án.Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ, từ Washington D.C., Hoa Kỳ, nói ông có các mối quan hệ khá gần gũi, thân cận với gia đình của Tướng Giáp, một số các vị khác trong quân đội trong vụ án như Tướng Lê Liêm, Đại tá Đỗ Đức Kiên v.v… nhờ thân sinh, nhà thơ Cù Huy Cận, từng là Bộ trưởng, Thành viên của Chính phủ ở miền Bắc Việt Nam trong nhiều năm.
Về việc ông Hồ Chí Minh có biết về vụ Xét lại hay không, ông Hà Vũ nói:
“Qua những câu chuyện từ trong gia đình cho đến những nhân vật kể trên mà tôi tiếp chuyện, không có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy Hồ Chí Minh biết sẽ đàn áp những người theo Xét lại Liên Xô.”
Từ Hà Nội, nhà báo Trần Tiến Đức, người cũng là con trai lớn của cố Thị trưởng Hà Nội, Bác sỹ Trần Duy Hưng, nêu quan điểm và đặt câu hỏi:
“Tôi không thể khẳng định Cụ Hồ biết hay không biết, nhưng nếu đã là nghị quyết của Đảng và nếu đã có Thông báo của Đảng thì tôi đánh dấu hỏi là liệu thông báo ấy có thông báo cho Cụ Hồ Chí Minh hay không?”
Còn nhà văn Vũ Thư Hiên, con trai của cựu thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Đình Huỳnh, mà trong vụ án Xét lại, cả ông lẫn cha ông đều bị bắt giam, đi tù không qua xét xử trong nhiều năm thì nói thêm:
“Nếu là những việc lớn đến như thế thì ông Hồ Chí Minh ắt phải được biết, nhưng mà ông muốn tránh ra. Ông nói với ông Hoàng Quốc Thịnh là: ‘Sao lại có chuyện bắt như vậy?’
“Tôi nghĩ là ông biết, nhưng mà ở cương vị của ông lúc bấy giờ thì ông ấy không nói được gì cả.
Nếu ở thời điểm này không giải quyết được, nhưng ở những thời điểm khác, rất có thể lúc đó nó sẽ được bàn đến. Còn kỳ vọng để đòi hỏi hệ thống tư pháp hiện nay minh oan được, thì tôi nghĩ là khó.
“Nhưng đến lúc mà Lê Liêm nói, thì sau đó nhìn đến ông Hồ Chí Minh, thì đây là lời của ông Lê Liêm bảo:
“Bác quay mặt đi và không nói gì cả,” tác giả cuốn Hồi ký Chính trị ‘Đêm giữa Ban ngày’ nêu quan điểm.
Khi nào xem lại vụ án?
Tại cuộc Tọa đàm bàn tròn, các khách mời đã nghe ý kiến bình luận của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách Pháp luật và Phát triển về vụ án Xét lại Chống đảng và khả năng bao giờ vụ việc có thể được đem ra xem xét lại.Trên một clip phỏng vấn từ hôm thứ Năm, luật gia này nêu quan điểm với BBC từ Hà Nội rằng vụ án ‘Xét lại chính trị’ là sản phẩm của một giai đoạn trong quá khứ của một thể chế chính trị mà vẫn tồn tại liên tục từ đó cho tới nay.
Theo ông Giao, do đó chừng nào chính quyền chưa muốn xem xét lại vụ việc, vì lý do liên quan tới tính chính danh, hoặc ảnh hưởng tới chính vị thế của chính quyền, hoặc chưa có sự chuyển đổi sang thể chế pháp quyền đích thực, thì vụ việc mà trong đó ông Lê Trọng Nghĩa và nhiều người khác là ‘nạn nhân’ có thể chưa được xem xét ngay.
Khi được hỏi có lời khuyên gì cho Đảng, ông Giao nói:
“Trong thể chế chính trị hiện nay, muốn được minh oan thực sự, không cần phải có ồn ào trước công chúng, thì con đường làm việc vẫn phải theo hệ thống chính trị này.
“Đã gọi là vụ án Xét lại chống Đảng, nó phải theo đúng kênh của Đảng, chứ còn không có cách nào khác cả.
“Nếu ở thời điểm này không giải quyết được, nhưng ở những thời điểm khác, rất có thể lúc đó nó sẽ được bàn đến. Còn kỳ vọng để đòi hỏi hệ thống tư pháp hiện nay minh oan được, thì tôi nghĩ là khó,” ông gửi thông điệp của mình tới cuộc tọa đàm qua một clip phỏng vấn được thực hiện hôm thứ Năm, 26/2.
Mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc Tọa đàm trực tuyến của BBC hôm 27/2/2015 trên YouTube của BBC Việt ngữ tại đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét